Thứ bảy, 26/3/2011, 19:25 GMT+7
Ý tưởng về việc thành lập một ủy ban lâm thời nhằm làm rõ trách nhiệm của các cá nhân trong vụ Vinashin một lần nữa được các đại biểu nêu ra trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội chiều 26/3.
> Bộ Chính trị không kỷ luật cá nhân trong vụ Vinashin
> ‘Điều hành kinh tế không thể như đánh trận’
Đề xuất thành lập ủy ban lâm thời lần đầu tiên được đưa ra tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội, diễn ra vào tháng 10 năm ngoái. Tuy nhiên, tại thời điểm đó, do công tác thanh tra tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam chưa kết thúc cũng như công tác chuẩn bị cho Đại hội Đảng X đang diễn ra nên ý tưởng này phải tạm gác lại.
Tuy nhiên, câu chuyện về việc thành lập một ủy ban trực thuộc Quốc hội, có trách nhiệm làm rõ trách nhiệm trong vụ Vinashin đã được xới xáo lại trên nghị trường trong phiên làm việc chiều nay khi đại biểu Đặng Như Lợi (Cà Mau) đề xuất lại ý tưởng này. Theo đại biểu Lợi, việc thành lập ủy ban nói riêng và làm rõ trách nhiệm trong vụ Vinashin nói chung là điều mà Quốc hội, với chức năng giám sát của mình, nên thực hiện vào thời điểm này.
Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết từng là một trong những người đề xuất việc thành lập ủy ban lâm thời của Quốc hội về vấn đề Vinashin. Ảnh: N.A
Từng là một trong những người đề xuất việc thành lập ủy ban tại kỳ họp thứ 8, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) cũng góp tiếng nói của mình tại kỳ họp lần này. Đại biểu Thuyết cho rằng khác với giai đoạn nhạy cảm vào cuối năm 2010, đầu năm 2011, hiện là thời điểm thích hợp để Quốc hội thành lập một ủy ban, giúp làm rõ trách nhiệm của các cá nhân trong vụ Vinashin.
Cũng theo đại biểu của đoàn Lạng Sơn này thì mặc dù Bộ Chính trị đã kết luận về vấn đề Vinashin nhưng do chức năng, nhiệm vụ của 2 cơ quan khác nhau, nên việc thành lập một ủy ban để làm rõ vẫn là việc mà Quốc hội cần làm. Ông Thuyết cũng lưu ý rằng kết luận của Bộ Chính trị được đưa ra tại thời điểm mà kết quả thanh tra cuối cùng đối với Vinashin vẫn chưa được Thanh tra Chính phủ hoàn tất.
Câu chuyện Vinashin cũng được một người nổi tiếng trực ngôn khác là đại biểu Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đề cập trong phiên thảo luận chiều nay. Theo đại biểu Quốc, những kết quả bước đầu về việc tái cấu trúc và xử lý trách nhiệm tại Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy đã tạo ra 2 tâm lý khác nhau trong xã hội.
Một tâm lý là “thở phào nhẹ nhõm” vì mọi chuyện được xử lý nhanh. Tuy nhiên, cũng có một tâm lý khác cho rằng cơ quan chức năng có thể nhìn thấy sai phạm nhưng hiện chưa có chế tài để xử lý trách nhiệm cá nhân. “Tôi thấy rằng việc thành lập một ủy ban như vậy là cần thiết bởi từ đó chúng ta mới có được những đánh giá chung, những hạn chế trong cơ chế xử lý trách nhiệm cá nhân đối với cán bộ”, đại biểu này chia sẻ.
Trong phiên làm việc chiều cuối tuần, các đại biểu tiếp tục thảo luận sôi nổi về phương án sử dụng 3.500 tỷ đồng từ nguồn lợi nhuận để tái đầu tư cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PVN). Tuy còn nhiều ý kiến khác nhau, trong đó nhấn mạnh tới phương án quản lý và sử dụng vốn nhưng kết thúc phiên họp, Quốc hội vẫn nhất trí cho phép PVN được sử dụng số tiền nói trên. Tuy nhiên, thường trực Quốc hội cũng nhấn mạnh, khi tiến hành đầu tư, PVN và các cơ quan chức năng cần đảm bảo đúng quy trình, mục đích và khả năng hoàn vốn.
Phát biểu kết thúc 2 phiên thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên thay mặt các đại biểu đánh giá cao kết quả điều hành của Chính phủ trong điều kiện năm 2010 còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, tình hình kinh tế vĩ mô vẫn còn nhiều bất ổn, lạm phát tăng cao, đời sống người dân bị ảnh hưởng… Quốc hội yêu cầu Chính phủ phải nghiêm túc rút kinh nghiệm trong vấn đề này.
Đối với năm 2011, Quốc hội đánh giá việc xác định mục tiêu ổn định lên hàng đầu cũng như gói giải pháp tại Nghị quyết 11 là đúng hướng và đồng bộ. Tuy nhiên, trước những khó khăn của kinh tế thế giới, Quốc hội cũng yêu cầu Chính phủ phải thực hiện thật quyết liệt các giải pháp đã đề ra, góp phần ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh và giải quyết triệt để các vấn đề gây nhức nhối trong xã hội.
Trao đổi với báo chí trong buổi bàn giao tàu ngày 25/3, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinashin Nguyễn Ngọc Sự cho biết quá trình đàm phán với các chủ nợ nước ngoài về khoản chậm 60 triệu USD của Tập đoàn đã được nối lại. Ông Sự khẳng định một số chủ nợ đã đồng ý phương án Tập đoàn này lùi thời gian trả nợ (lẽ ra đã tới hạn vào cuối năm 2010). Vinashin cũng đang cân nhắc khả năng bán bớt cổ phần Nhà máy cán thép tấm Cái Lân (Quảng Ninh) cho đối tác nước ngoài.
Nhật Minh
Theo dòng sự kiện:
Vinashin (09/12)
Các tập đoàn quốc doanh liên tục 'rớt hạng' tín dụng (09/12)
'Quốc hội thiếu quyền để chịu trách nhiệm về Vinashin' (24/11)
'Không có chuyện Thủ tướng không dám kỷ luật ai' (24/11)
Bộ trưởng Đầu tư: 'Quốc hội cũng có lỗi về Vinashin' (23/11)
Bộ trưởng Tài chính bị chất vấn trách nhiệm về Vinashin (23/11)
No comments:
Post a Comment