Wednesday, March 30, 2011

30/03 Ngày tháng vui buồn với Trịnh Công Sơn


Bài viết được đăng lúc 3:23:01 PM, 30.03.2011
Nhìn từ tầng 2 ở tập thể Nguyễn Trường Tộ là nơi gia đình Trịnh Công Sơn đã sinh sống
BỬU Ý
Lần đầu tiên tôi gặp Trịnh Công Sơn là vào năm 1957, năm khai sinh Đại học Huế. Tôi đến chơi một nhà bà con tại Ngã Giữa (tức là đường Gia Long, sau đổi là Phan Bội Châu và nay là Phan Đăng Lưu), nhân dịp có mấy em gái họ từ Dalat về nghỉ hè tại đây.

Anh em cười nói rộn ràng và bày ra một cuộc đàn hát vang dội. Giữa chừng có một anh chàng từ nhà kế cận vọt bao lơn sang và tỏ ý muốn chung vui. Anh ra dáng thư sinh, vui vẻ, dễ mến. Tôi nghe giới thiệu mới biết đó là Trịnh Công Sơn hiện ở trên con đường này cùng với gia đình có cửa tiệm là “Thanh Tâm” buôn bán phụ tùng xe gắn máy.

Hôm ấy mọi người mải hát và nghe hát, chẳng chuyện trò được nhiều nên sau đó tôi không gặp lại Sơn.

Mãi đến năm 1963, là năm tôi vào Saigon khởi sự làm báo và ở đậu một góc căn gác gỗ chân cầu Trương Minh Giảng, một hôm bỗng đâu Trịnh Công Sơn đến gặp tôi ở đây. Và lại có mẹ của anh đi cùng. Anh đã được Đinh Cường và Ngô Kha chỉ chỗ ở của tôi. Đây mới là lần thứ hai tôi gặp Trịnh Công Sơn, thêm vào đó căn gác gỗ của tôi quá chật chội và lôi thôi, tôi tỏ ra vô cùng lúng túng. Nhưng tôi rất mừng được gặp anh lần này sau khi nghe Ngô Kha tán dương những bài hát đầu tiên của anh mà tôi chưa được thưởng thức.

Đó là thời gian Trịnh Công Sơn đang chôn chân vào trường Sư Phạm Quy Nhơn.

Năm sau, 1964, tôi từ Saigon lên Bảo Lộc để ở lại với Sơn vài ngày tại đây là nhiệm sở của Sơn và nhân thể nhìn ngó tận mắt chỗ ở và chỗ làm việc của bạn. Tôi lên đến miền đất đỏ này vào buổi chiều, gặp lúc Sơn đang đứng lớp, nhưng tôi cũng được phép vào phòng Sơn: phòng, bàn ghế khá bề bộn, giường ngủ buông mùng, và cái đập vào mắt hơn cả là bao thuốc lá vứt vãi tứ tung. Nằm trên giường bạn và nhìn quanh, tôi nhận ra căn phòng này dễ xua đuổi hơn là ấp ủ chủ nhân, bởi lẽ chỉ toàn mùi thuốc lá, ẩm mốc và lạnh lẽo. Kim chỉ dây dưa, tôi nghĩ thêm rằng nghề dạy học không phải dành cho anh chàng phóng khoáng và tài hoa Trịnh Công Sơn.

Hàng tuần, anh đi đi về về Saigon - Bảo Lộc.

Đến 1965, anh bỏ dạy hẳn. Anh đi Dalat và lần đầu tiên gặp Khánh Ly ở đây. Cô ca sĩ này đang hát ở một hai phòng trà nơi thành phố mộng mơ. Ngay từ lúc đầu, hai người tỏ ra hợp nhau. Trịnh Công Sơn xem Khánh Ly là người em thân thiết và đúng là ca sĩ nhanh nhạy, thông minh, có chất giọng phù hợp với ca khúc của mình hơn cả. Khánh Ly không những hát toàn vẹn bài hát mà thôi, còn hát từng câu, và không những hát từng câu mà hát từng chữ một, tròn trịa, đầy đặn, nâng niu. Đó là chưa kể nốt luyến, nốt ngân, nốt buông, nốt vỡ, nốt lặng.

Trịnh Công Sơn cùng với Khánh Ly (quyết định từ giã phòng trà Dalat) về Saigon mở ra phong trào hát giữa sinh viên thanh niên: tại trụ sở sinh viên gần hồ Con Rùa, tại sân bỏ hoang của Đại học Văn Khoa. Trịnh Công Sơn với cây đàn thùng, Khánh Ly trật dép ra đi chân đất, cùng hòa mình vào phong trào tranh đấu vì hòa bình của sinh viên.

Cũng năm này, Trịnh Công Sơn đến ngủ đất tại chỗ ở mới của tôi: cư xá sĩ quan Chí Hòa, đường Bắc Hải.

Năm sau, 1966, tôi lại đến chỗ ở mới tại đường Lý Thái Tổ để cùng làm việc với Trương Phú, giám đốc nhà xuất bản An Tiêm. Và nơi đây sẽ là nơi lui tới thường xuyên của Trịnh Công Sơn, Đinh Cường, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Nguyễn Đức Sơn.

Năm 1968, Trịnh Công Sơn và Khánh Ly trình diễn ở Huế. Nhưng không ngờ khán giả khá mất trật tự nên cả hai không hài lòng lắm.

Năm 1969, ở Huế, có một giáo sư người Pháp trẻ tuổi tên là Rossignol mời Trịnh Công Sơn, Đinh Cường và tôi đến nhà dùng cơm. Vào tới nhà, chúng tôi khá ngạc nhiên khi nhìn thấy từ tầng trệt lên tới lầu, khắp nơi trang trí toàn những loại vàng mã, từ các loại áo dấu đến hia và nón. Chủ nhân mê các màu sắc sống nóng, các loại giấy bổi và các hình tượng nam nữ cách điệu này lắm. Đứng trước cái sở thích khác người này, chúng tôi đành cười tràn. Ngồi vào bàn, chúng tôi chuyện trò đủ thứ để khuất lấp sự chờ đợi. Cuối cùng món khai vị được đưa ra: mỗi người lãnh một tô to tướng. Anh bạn người Pháp cười hả hê như thể đã có sáng kiến bày ra món này. Trịnh Công Sơn biến sắc mặt: đó là một tô canh mướp đắng! Thừa lúc chủ nhà đứng lên đi xuống bếp, Sơn nói ngay: “Nhà mình bắt ăn thứ này mãi phát ngán, bây giờ đến nhà Tây cũng gặp lại, mà lại còn cả một tô, ai ăn cho hết? Khai vị kiểu chi đây?” Chịu thôi: phải ăn cho hết mới đến món sau. Đó là một bữa ăn nhớ đời.

Năm 1970, Trịnh Công Sơn trình diễn “Tự tình khúc” tại trung tâm văn hóa Phật giáo Liễu quán ở Huế. Cũng năm này Phạm Công Thiện ra Huế chơi, đúng vào mùa mưa lụt. Buổi sáng, dù trời còn mưa, chúng tôi đi về Vỹ Dạ. Đi ngang qua Đập Đá, nước đục ngàu xăm xắp con đập. Có bạn nào đó ngồi trên xe lo sợ đi về Vỹ Dạ đến hồi trở lên nước có thể lên cao. Nhưng rồi vẫn đi. Xuống tới Vỹ Dạ, Phạm Công Thiện đi thăm nhà thơ Võ Ngọc Trác và buổi trưa ở lại. Chiều quay xe trở lên thì Đập Đá ngập nước. Tính liệu không thể qua đêm ở Vỹ Dạ, người bạn lái xe lao tới. Qua được nửa đường con đập, đột nhiên xe chết máy vì nước vào đến máy xe. Trịnh Công Sơn và tôi xanh mặt. Phạm Công Thiện đọc kinh “tai qua nạn khỏi” bằng tiếng Phạn: “Hare Rama…”. Tài xế bình tĩnh thử máy một hồi thì lát sau đã nghe tiếng máy rồ. Chiếc xe nhích từng bước, bò từng bước, và cuối cùng cũng qua được bên kia Đập Đá. Khỏi phải nói, đồng loạt mọi người thở phào!

Năm 1971, Trịnh Công Sơn và Khánh Ly hát ở trường Quốc gia Âm nhạc Huế. Và lần này có thêm Phạm Duy.

Xong buổi hát, mọi người kéo nhau sang trường Đại học Mỹ thuật gần kề và tiếp tục hát chung quanh cốt tượng Phan Bội Châu của Lê Thành Nhơn.

Những năm bảy mươi này, tôi thường tá túc ở nhà Trịnh Công Sơn ở Phú Cam. Đây là thời gian “trốn lính” cao điểm của chúng tôi. Một đêm nọ, cảnh sát dã chiến bao vây cả khu vực này và sục sạo từng nhà một. Nghe động, mẹ của Trịnh Công Sơn giục giã con trai trong nhà trốn gấp. Em trai của Sơn thoát nhanh, đến phiên Sơn cũng thoăn thoắt trèo lên cánh cửa và nhảy thót lên trần nhà. Cơ khổ cho tôi cứ trèo lên trật xuống, phải đứng lên hai vai em gái của Sơn, vậy mà vẫn không tài nào nhảy lên trần nhà được, đành buông tay làm rớt cả một dãy móc quần áo đính vào cửa. Và tôi ngồi xuống giường chờ cảnh sát xộc vào. Chẳng hiểu sao, cảnh sát đi ngang qua và đi thẳng.

Năm 1974, Sơn cùng tôi đi Dalat đón Noel. Ngay hôm đầu tiên, chiều lại, Sơn cùng tôi đến một cái quán đường Hai Bà Trưng vì nghe được giới thiệu là quán điều hành do nữ sinh viên. Đến nơi, vào quán, tứ bề vắng ngắt. Sơn chột dạ: “Quán chẳng ra quán chi cả.” Hai chúng tôi đứng lên, đi tới đi lui, vẫn chẳng có ai xuất hiện. Sơn lên giọng hướng vào bên trong: “Có ai ở đây không?” Mãi lâu sau, có một cô xuất hiện, dáng rụt rè. Sơn bảo: “Sao bán hàng quán mà lâu vậy? Có bia thì đem ra. Nhanh lên, nghe.” Lại phải đợi thêm một hồi nữa, thiếu nữ lúc nãy mới trở ra lại với chai và cốc trên tay. Sơn nói một thôi: “Chúng tôi trước khi rời Huế đi Dalat đã được nghe giới thiệu quán này là một địa điểm sinh động, trẻ trung, phục vụ mau mắn, vui vẻ. Bây giờ tới đúng nơi lại cảm thấy vắng vẻ, chậm rãi quá. Không hiểu vì sao? Cô có thể cho biết được không?”

Cô gái nãy giờ cứ chăm chăm nhìn Sơn và dáng điệu ấp úng thấy rõ. Bị hỏi dồn, cô phải trả lời: “Thưa các anh, chỗ này không phải là hàng quán chi cả. Đây là một cư xá của nữ sinh viên. Bọn em từ bên trong nhìn ra đã trông thấy các anh vào và nhận ra anh là Trịnh Công Sơn. Cho nên anh sai bảo gì thì bọn em nghe lời làm theo thôi!” Thế là bao nhiêu lúng túng ngượng nghịu phút chốc đều trút sang phía Trịnh Công Sơn và tôi. Chúng tôi đành cười nói chữa thẹn. Cô gái nói tiếp: “Tối nay bọn em bày lửa trại đón Noel. Mời các anh đến chơi.” Sau đó, trên đường về, chúng tôi chỉ còn nước rủa thầm đứa bạn đã giới thiệu quàng xiên.

Cũng năm 1974, Trịnh Công Sơn đến với Đại học Cộng đồng duyên hải Nha Trang. Cùng sinh hoạt với anh, có thêm Đinh Cường, Lê Thành Nhơn, Huy Tưởng, Đặng Ngọc Vịnh và tôi.

Năm 1975, tháng ba, giải phóng Huế, Trịnh Công Sơn ở Saigon, Tôi nôn nóng gọi anh ra Huế. Và tháng chín, Trịnh Công Sơn có mặt tại Huế.

Anh về lại căn hộ ở cầu Phú Cam. Anh em bạn bè hàng ngày lui tới với anh, ngủ lại với anh, cho anh bớt trơ trọi. Anh vốn quảng giao, cởi mở, quen biết nhanh và nhiều. Tôi nhớ có một hôm Trịnh Công Sơn đèo tôi trên xe đạp dạo chơi trong Thành Nội. Đi ngang qua đường Nhật Lệ, có một anh đang dùng kéo cắt hàng rào chè tàu trước mặt nhà. Anh này trông thấy Sơn, dừng tay kéo, đưa tay lên vẫy. Sơn chào lại: “Cắt chè tàu, hả?” Anh kia đáp: “Ừ, cắt chè tàu.” Rồi Trịnh Công Sơn tiếp tục đạp xe, chẳng biết người mình vừa chào là ai.

Năm 1979, Trịnh Công Sơn từ giã Huế vào hẳn Saigon.

Năm 1982, tôi vào Saigon, đến Sơn, đường Phạm Ngọc Thạch. Vừa vào tới, gặp nhau, Sơn hỏi tôi có đói bụng không và gọi bà bán trứng vịt lộn vừa mới rao trước cửa ngõ. Tôi đói bụng ăn liền hai trứng, trong khi Sơn chưa kịp bắt đầu. Anh nhìn vỏ trứng trước mặt tôi, hỏi: “Ông ăn hai cái rồi à? Ăn chi mau khiếp vậy?” Và Sơn nhìn tôi ăn tiếp, còn anh không ăn. Tôi ái ngại nhìn bạn và biết Sơn rất muốn ăn nhưng ăn không xuống, như thường ngày vậy.

Năm 1989, tôi gặp Sơn tại Paris. Đêm hát tại Paris này, ngoài Trịnh Công Sơn, còn có Michiko, Nguyễn Quang Sáng, Thanh Hải. Và tôi giới thiệu chương trình. Việt kiều ở đây mừng vui gặp Trịnh Công Sơn. Buổi hát chấm dứt, các bạn trẻ mời mọc anh đi nơi này nơi khác. Anh cũng tha hồ thưởng thức rượu ngon tại kinh đô ánh sáng đến độ, phút chia tay, anh hôn nhầm thắm thiết một anh bạn trẻ.

Trịnh Công Sơn còn dịp về Huế sau năm 1979 rời căn hộ ở cầu Phú Cam: 1983 (về Huế với Phạm Trọng Cầu, Hoàng Hiệp, Trần Long Ẩn), 1990 (để quay phim với hãng BBC), 1993, 1995 (trình diễn hai đêm “Những bài ca không năm tháng”), 1996 (làm giám khảo thi sắc đẹp “Duyên dáng cố đô”), 1998 (khánh thành Morin tái thiết), 2000…

Năm 2000, ngày 13 tháng 4, Trịnh Công Sơn có mặt tại Huế - ngờ đâu đây là lần cuối cùng - giữa lúc đang diễn ra Festival Huế 2000 (Festival lần này tổ chức từ ngày 8 đến 19.4 chứ không phải là tháng 6 như những lần sau) và nói với tôi: “Festival mình không được ai mời nhưng mình vẫn về Huế”.

B.Y
(266/4-11)

No comments:

Post a Comment