Friday, March 18, 2011

Tư duy lý luận về văn hóa và phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam thời kỳ đổi mới


15:41 | 18/03/2011
Trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có những bước phát triển mới trong tư duy lý luận về văn hóa, về xây dựng và phát triển nền văn hoá; quan niệm về phát triển, về mối quan hệ giữa văn hóa và phát triển và vai trò của văn hóa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập kinh tế quốc tế.

1. Ngay từ những năm 1942-1943, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cho rằng: "Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng với nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn"(1).



Điểm mới trong tư duy về văn hóa của Đảng ta thời kỳ đổi mới là việc xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội. Văn hóa không phải là một hoạt động riêng biệt có tính chất ngành nghề(ngành văn hoá - thông tin...), không phải là một lĩnh vực hoạt động văn hóa cụ thể, không phải chỉ là học vấn, chỉ là văn nghệ,... Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, biểu hiện sức sống, sức sáng tạo, sức phát triển, sức mạnh tiềm tàng và bản lĩnh, cốt cách của dân tộc được thể hiện qua truyền thống văn hóa dân tộc và hệ giá trị văn hóa. Cácgiá trị văn hoá và truyền thống văn hoá được thấm nhuần trong mỗi con người và cả cộng đồng, dân tộc, được lưu giữ, chắt lọc, kế thừa và phát triển, phát huy qua các thế hệ... trở thành nền tảng tinh thần của mỗi con người, mỗi cộng đồng dân tộc và xã hội. Các bộ phận cơ bản nhất cấu thành nền văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội là: Tư tưởng, đạo đức, lối sống; học thuật; nghệ thuật; thông tin đại chúng, giao lưu văn hóa; thể chế và thiết chế văn hoá v.v..


Đời sống của mỗi con người cũng như đời sống của xã hội có hai mặt vật chất và tinh thần. Nếu kinh tế là nền tảng vật chất của xã hội, đáp ứng nhu cầu vật chất của con người và xã hội thì văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, đáp ứng nhu cầu tinh thần của con người và xã hội. Là nền tảng tinh thần của xã hội, văn hóa biểu hiện sự hiểu biết, tài năng và trí tuệ, đạo đức, lối sống, tâm hồn, tình cảm, thẩm mỹ... của con người và của cộng đồng dân tộc trong mối quan hệ hài hòa với xã hội, với tự nhiên. Vì vậy khả năng phát triển của một dân tộc không chỉ dựa vào nền tảng vật chất (kinh tế) của xã hội mà còn cần phải dựa vào nền tảng tinh thần (văn hóa) của xã hội.


Với tính cách và vai trò là nền tảng tinh thần của xã hội, văn hóa vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Sự phát triển của quốc gia, dân tộc không chỉ dựa vào nguồn lực tài nguyên thiên nhiên, vốn... mà còn ở khả năng phát huy tối đa nguồn lực con người, là làm cho văn hóa thấm sâu vào trong các lĩnh vực và hoạt động xã hội, thấm sâu vào mọi lĩnh vực sinh hoạt của con người biến thành "nguồn lực nội sinh quan trọng nhất của phát triển".


2. Tư duy về phát triển của Đảng ta trong hơn hai thập niên qua cũng ngày càng sáng tỏ và sâu sắc. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã nêu lên một số kinh nghiệm từ thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện Nghị quyết Đại hội X là: "Tích cực, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế phải gắn với chú trọng xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, giữ vững truyền thống và bản sắc văn hoá dân tộc(...) phải coi trọng việc kết hợp chặt chẽ giữa tăng trưởng kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội(...) gắn phát triển kinh tế với phát triển văn hoá, củng cố quốc phòng an ninh... "(2).


Như vậy, theo quan điểm của Đảng ta, phát triển là một bước tiến toàn diện và đồng bộ về các mặt kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa và môi trườngPhát triển bao hàm sự tăng trưởng về kinh tế gắn liền với bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển; tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hoá - giáo dục, phát triển toàn diện con người, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm ổn định chính trị và giữ vững an ninh - quốc phòng của Tổ quốc.


Coi nhẹ nhân tố văn hoá, xã hội, con người và môi trường trong phát triển, chạy theo tăng trưởng kinh tế thuần túy và mô hình "xã hội tiêu thụ" là ngõ cụt của phát triển. Vì vậy, Đảng ta và nhân loại tiến bộ mạnh mẽ phê phán việc coi nhẹ nhân tố văn hoá trong phát triển. Trên đất nước ta và nhiều quốc gia khác trên thế giới quan niệm về "những kích tấc văn hóa của phát triển" đã và đang được nhấn mạnh trong chiến lược phát triển của nhiều quốc gia và vai trò của văn hóa đối với phát triển đang trở thành một vấn đề trung tâm của dân tộc và của thời đại.


Như vậy tăng trưởng kinh tế là cơ sở và điều kiện của phát triển nhưng chưa phải là toàn bộ sự phát triển. Tăng trưởng kinh tế phải nhằm phục vụ mục tiêu phát triển văn hóa, phát triển con người... Tăng trưởng kinh tế phải gắn với đảm bảo tiến bộ và công bằng xã hội, phát triển văn hoá bảo vệ môi trường. Nếu chỉ chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần thì sự tăng trưởng kinh tế là vô nghĩa, có hại và thực chất là phản phát triển.


Nguyên Tổng Giám đốc UNESCO, F.Mayor cũng nhấn mạnh: "Kinh nghiệm của hai thập kỷ qua cho thấy rằng trong mọi xã hội ngày nay, bất luận ở trình độ phát triển kinh tế nào hoặc theo xu hướng chính trị nào, văn hóa và phát triển là hai mặt gắn liền với nhau (...). Hễ nước nào tự đặt ra cho mình mục tiêu phát triển kinh tế mà tách rời môi trường văn hóa thì nhất định sẽ xảy ra những mất cân đối nghiêm trọng cả về mặt kinh tế lẫn văn hóa và tiềm năng sáng tạo của nước ấy sẽ bị suy yếu rất nhiều. Một sự phát triển chân chính đòi hỏi phải sử dụng một cách tối ưu nhân lực và vật lực của mỗi cộng đồng. Vì vậy phân tích đến cùng, các trọng tâm, các động lực và các mục đích của phát triển phải được tìm trong văn hóa (...). Từ nay trở đi văn hóa cần coi mình là một nguồn bổ sung trực tiếp cho phát triển và ngược lại phát triển cần thừa nhận văn hóa giữ một vị trí trung tâm, một vai trò điều tiết xã hội..." (3). Như vậy, khái niệm phát triển phải bao gồm các nhân tố kinh tế và xã hội, cũng như các giá trị đạo đức và văn hoá, quy định sự nảy nở và phẩm giá con người trong xã hội. Nếu như con người là nguồn lực của phát triển, nếu như con người vừa là tác nhân lại vừa là người được hưởng, thì con người phải được coi chủ yếu như là sự biện minh và là mục đích của sự phát triển.


Đảng Cộng sản Việt Nam trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng luôn khẳng định vị trí và vai trò to lớn của văn hóa trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Theo yêu cầu và nhiệm vụ cụ thể của từng giai đoạn cách mạng, Đảng ta chủ trương phát huy đến mức cao nhất vai trò và tác dụng của văn hóa, của đội ngũ những người hoạt động văn hóa. Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định:"Văn hoá nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy (...) cũng như các chiến sĩ khác, chiến sĩ nghệ thuật có nhiệm vụ (...) phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân".


3. Trong công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, cùng với sự đổi mới trong tư duy kinh tế và chính trị, Đảng ta đã có những đổi mới quan trọng trong tư duy về vai trò của văn hóa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội. Nghị quyết 05 của Bộ Chính trị khoá VI (1987) về đổi mới và nâng cao trình độ lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật và văn hóa phát triển lên một bước mới đã xác định: "Văn hóa là bộ phận trọng yếu của cách mạng tư tưởng và văn hóa, là một động lực mạnh mẽ, đồng thời là mục tiêu lớn trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội".


Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII (1993) đã xác định: "Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội, một động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời là một mục tiêu của chủ nghĩa xã hội". Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa VIII (1998) tiếp tục khẳng định: "Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội (...). Xây dựng và phát triển kinh tế phải nhằm mục tiêu văn hóa, vì xã hội công bằng văn minh, con người phát triển toàn diện. Văn hóa là kết quả của kinh tế đồng thời là động lực của sự phát triển kinh tế các nhân tố văn hóa phải gắn kết chặt chẽ với đời sống và hoạt động xã hội trên mọi phương diện chính trị, kinh tế, xã hội, luật pháp, kỷ cương... biến thành nguồn lực nội sinh quan trọng nhất của phát triển".


Kết luận Hội nghị lần thứ mười Ban chấp hành Trung ương khoá IX (2004) và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X (2006) đã xác lập vị trí của văn hoá là một trong ba bộ phận hợp thành sự phát triển bền vững và toàn diện của đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩaĐây là sự nhận thức sâu sắc của Đảng về mối quan hệ giữa văn hoá và phát triển, là bước phát triển mới trong quan điểm của Đảng về vai trò to lớn, sâu sắc của văn hoá trong phát triển bền vững và toàn diện của đất nước. Đây là sự năng động của nhận thức trong việc nắm bắt các vấn đề thời đại, cũng là sự xác định chính xác định hướng phát triển văn hoá, kinh tế, chính trị và xã hội ở Việt Nam theo học thuyết Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.


Theo đó, văn hóa không đứng ngoài phát triển. Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Phát triển văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội gắn kết chặt chẽ, đồng bộ và tương xứng với nhiệm vụ phát triển kinh tế (là trung tâm); xây dựng chỉnh đốn Đảng (là then chốt) chính là điều kiện quyết định sự phát triển bền vững và toàn diện của đất nước vì “xã hội dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” tiến bước vững chắc lên chủ nghĩa xã hội.


4. Để phát huy vai trò đặc biệt quan trọng của văn hóa đối với sự phát triển kinh tế - xã hội ở nước ta cần phải tiếp tục đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống văn hóa lành mạnhtrong xã hội, trước hết là trong các tổ chức Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể quần chúng, các đơn vị, tổ chức cơ sở, các gia đình, trong từng cán bộ đảng viên, công chức, viên chức, hội viên, các bậc cha mẹ, các thầy cô giáo. Văn hoá là nền tảng tinh thần của xã hội vừa là mục tiêu, vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, Nghị quyết Đại hội XI của Đảng đã nhấn mạnh phải: "Tiếp tục xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá tốt đẹp của dân tộc đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hoá nhân loại(...) Phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, chất lượng nguồn nhân lực; phát triển khoa học, công nghệ và kinh tế tri thức" (6). Chú trọng thực hiện tốt chiến lược con người, xây dựng và phát huy nguồn lực con người - nguồn lực quý báu nhất, có vai trò quyết định nhất, là sức mạnh nội sinh của dân tộc Việt Nam. Cần coi đây là khâu trung tâm của sự nghiệp xây dựng nền tảng tinh thần, tiềm lực văn hóa và chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta.


Phải thực sự coi đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển. Tăng nhanh mức đầu tư của Nhà nước và xã hội cho phát triển văn hóa, tương xứng với nhịp độ tăng trưởng kinh tế. Đẩy mạnh xã hội hoá văn hoá, giáo dục, y tế, thể dục thể thao... đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực này.


Phải gắn chặt nhiệm vụ phát triển văn hóa với nhiệm vụ xây dựng và chỉnh đốn Đảng, xây dựng văn hóa trong Đảng và trong bộ máy Nhà nước, tiếp tục đẩy mạnh cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" cho cán bộ đảng viên, công chức, viên chức, hội viên và nhân dân. Xây dựng Đảng ta thực sự trong sạch vững mạnh, thực sự “là đạo đức, là văn minh” (Hồ Chí Minh)từ đó mà phát huy mạnh mẽ nhất vai trò lãnh đạo “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, tiếp tục phát triển sâu rộng và nâng cao chất lượng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc trong thời kỳ mới./.


(1) Hồ Chí Minh , Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H, 1995, t3, tr431
(2) Tạp chí Cộng sản, số 820 (2-2011), tr18-19
(3) Ủy ban quốc gia về Thập kỷ quốc tế phát triển văn hóa: Thập kỷ thế giới phát triển văn hóa. Bộ văn hóa Thông tin và thể thao, H, 1992, tr23
(4) Về lãnh đạo quản lý văn học nghệ thuật trong công cuộc đổi mới, Nxb Chính trị quốc gia, H, 2001
(5) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương khóa VIII, Nxb Chính trị quốc gia, H, 1998, tr55
(6) Tạp chí Cộng sản, số 820 (2-2011), tr39
Các từ khóa theo tin:
(Theo Tạp chí Cộng sản)

No comments:

Post a Comment