Các dự án đường sắt cao tốc đầy tham vọng ở khắp châu Á cho phép các dịch vụ quân sự và an ninh Trung Quốc “trình diễn” sức mạnh.
Phần hai bài viết của tác giả Christina Y Lin đăng trên Atimes
Konstantin Syroyezhkin tại Học viện Nghiên cứu chiến lược của Kazakhstan chỉ ra rằng, sự phát triển nhanh chóng của mạng lưới đường bộ và đường sắt tại Trung Á với sự tham dự của Trung Quốc có thể được sử dụng cho tương lai phát triển của quân đội Trung Quốc (PLA) trong trường hợp xảy ra xung đột nghiêm trọng đe dọa tới an ninh hay các lợi ích chiến lược của Trung Quốc. Lo lắng này đã được chứng thực bởi cuộc tập trận quân sự Sứ mệnh Hòa bình SCO 2010, khi Trung Quốc đưa quân tới Kazakhstan bằng tàu hỏa.
Tương tự như vậy, những nước khác như Ấn Độ cũng chia sẻ quan ngại chung.
Đường sắt là một phương tiện vận chuyển quan trọng để di dời quân đội và các thiết bị nặng. Ảnh: Chinadaily |
Theo giới phân tích, nếu quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ nhanh chóng xấu đi và tới bờ vực của cuộc đụng độ quân sự thì các lữ đoàn miền núi của PLA có thể nhanh chóng triển khai tới khu vực cần thiết thông qua đường sắt. Và trên thực tế, xây dựng đường sắt cũng như đường bộ đã là chiến lược Himalaya của Trung Quốc trong nhiều thập niên.
Đường sắt Trung Quốc - Iran
Tháng 10/2010, các bộ trưởng Vận tải của Trung Quốc, Kyrgyzstan, Tajikistan, Afghanistan và Iran đã ký kết một thỏa thuận tại Dushanbe, Tajikistan, để bắt đầu khởi công xây dựng đường sắt Trung Quốc - Iran. Tuyến đường từ Tân Cương, Trung Quốc sẽ đi qua Kyrgyzstan, Tajikistan và Afghanistan, tới Iran và chia thành một đường phía nam đến vùng Vịnh, một đường phía tây đến Thổ Nhĩ Kỳ.
Đầu tháng 8, Trung Quốc và Iran đã ký kết thỏa thuận trị giá 2 tỉ USD để xây dựng mạng lưới đường sắt ở tây Iran, hướng lên phía tây tới Iraq và cuối cùng là kết nối với Syria, Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia ven Địa Trung Hải.
Đường sắt Trung Quốc - Thổ Nhĩ Kỳ
Cùng khoảng thời gian đó, tháng 10/2010, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc nâng tầm quan hệ trở thành một “đối tác chiến lược”, ký kết các thỏa thuận về đường sắt cao tốc tại Thổ Nhĩ Kỳ để cuối cùng là kết nối với Trung Quốc, nâng cấp quan hệ quân sự hai bên, và tham gia cuộc tập trận không quân thường niên của NATO mang tên Đại bàng Thổ Nhĩ Kỳ.
Trung Quốc sẽ đầu tư 30 tỉ USD để xây dựng 7.000km các tuyến đường sắt cao tốc khắp Thổ Nhĩ Kỳ, cũng như nâng cấp hệ thống đường sắt nối Thổ Nhĩ Kỳ và Pakistan, dự kiến thực hiện một tuyến đường sắt nối với Iran và Pakistan. Hơn thế nữa, Trung Quốc còn mời Bulgaria tham gia vào kế hoạch đường sắt cao tốc Á - Âu. Trung Quốc đề nghị cung cấp các khoản vay khổng lồ cho việc xây dựng để đổi lại sự chấp thuận được sử dụng các sông ngòi, cảng biển, sân bay của Bulgaria như một trung tâm vận chuyển vào Tây Âu.
Với quan hệ đối tác chiến lược Trung Quốc - Thổ Nhĩ Kỳ, sự tham gia vào các cuộc tập trận trong tương lai, đường sắt Trung Quốc có thể tăng cường sức mạnh của PLA, giúp họ mở rộng hiện diện tại Trung Đông và xa hơn nữa là khu vực Biển Đen. Ngoài tham gia cuộc tập trận không quân “Đại bàng Thổ Nhĩ Kỳ” tháng 10/2010, Trung Quốc còn triển khai lực lượng đặc nhiệm tham gia diễn tập tại một trường quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ đầu tháng 11. Với các báo cáo về việc PLAAF tiếp dầu tại Iran trên lộ trình tới Thổ Nhĩ Kỳ, tuyến đường sắt cao tốc có thể đảm nhận sứ mệnh hỗ trợ hậu cần và vận chuyến vật liệu sẵn sàng chiến đấu phục vụ cho không quân Trung Quốc trong tương lai.
Mặc dù rất tích cực, nhưng việc xây dựng các hệ thống đường sắt khắp Á - Âu, Iraq và Afghanistan vẫn còn thiếu sự liên kết bởi tình hình an ninh và sự hiện diện lớn của Mỹ cũng như quân đội NATO.
Tuy nhiên, khi Mỹ rút lui, Trung Quốc có thể tích cực tham gia vào Lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế, để triển khai PLA dưới hình thức mũ nồi xanh nhằm bảo vệ năng lượng và các lợi ích chiến lược của mình. Nước này đã dành 3,4 tỉ USD đầu tư vào mỏ đồng Aynak tại Afghanistan cũng như rất nhiều khu khai thác dầu khí tại Iraq.
Trung Quốc cũng có thể sử dụng SCO để thúc đẩy cái gọi là hợp tác khu vực cho việc xây dựng hệ thống đường sắt xuyên Afghanistan đến Iran, và cuối cùng kết nối với Iraq. Trung Quốc không hào hứng với các sáng kiến do phương Tây dẫn dắt kiểu như Hành lang Giao thông châu Âu, Caucasus, và châu Á (TRACECA), được biết tới với tên gọi “Con đường Tơ lụa mới”. Thay vào đó, họ thích các dự án của riêng mình để không phải chịu ơn hay bị trừng phạt từ phương Tây.
Đường sắt - quân sự
Các dự án đường sắt cao tốc đầy tham vọng của Trung Quốc ở khắp châu Á và Trung Đông có những tác động chiến lược quan trọng. Nó kết nối những khu vực nghèo hơn với các khu vực thịnh vượng hơn, cung cấp nhiều việc làm trong thời kỳ suy thoái và khó khăn về kinh tế, cho phép các dịch vụ quân sự và an ninh Trung Quốc được “trình diễn” sức mạnh tốt hơn ở trong cũng như ngoài biên giới.
Trong khi vận tải hàng không thực hiện nhanh chóng hơn, nhưng lại giới hạn về số người và trọng lượng, thì đường sắt lại là một phương tiện vận chuyển quan trọng để di dời quân đội và các thiết bị nặng, hoạt động dễ dàng hơn khi đảm nhận nhiệm vụ hậu cần.
Khi danh mục kinh tế và năng lượng của Trung Quốc tiếp tục gia tăng ở một Trung Đông rộng lớn hơn, thì các điều kiện tương lai có thể cho phép PLA triển khai quân đội sử dụng đường sắt cao tốc để bảo vệ các lợi ích chiến lược của họ. Tháng 1/2011, có những thông báo rằng, PLA đã triển khai quân đội tới khu kinh tế Rajin-Sonbong ở đông bắc Triều Tiên để “bảo vệ các cơ sở cầu cảng mà Trung Quốc đã đầu tư vào”.
Cho dù đây có thể là dấu hiệu tiết lộ những gì có thể xảy ra với các lợi ích của Trung Quốc tại Afghanistan, Iraq, và nơi nào khác nữa, thì tương lai chiến lược Hỏa tốc Đông phương của PLA vẫn còn là một bí ẩn.
* Christina Y Lin, tiến sĩ nghiên cứu, tư vấn cho IHS Jane và là cựu giám đốc hoạch định chính sách Trung Quốc tại Bộ Quốc phòng Mỹ. Năm 2008, tác phẩm đề cập tới mối liên quan các vấn đề hạt nhân Trung Đông và Đông Á mang tên “Đức vua từ phương Đông” của bà đã được Học viện Kinh tế Hàn Quốc xuất bản, gần đây được giới thiệu trên nhật báo Phố Wall.
Thụy Phương (Theo Atimes)
No comments:
Post a Comment