Thứ Bảy, 11/06/2011, 06:55 (GMT+7)
TT - Sau phát nổ địa chấn đầu tiên ở vùng biển mỏ Bạch Hổ, thềm lục địa phía Nam và kỷ niệm để đời với trận cuồng phong sinh tử, TS Trương Minh cùng đồng nghiệp lại lao vào cuộc trường chinh khảo sát địa chấn biển để tìm kiếm tài nguyên cho đất nước thoát khỏi khó khăn.TS Trương Minh (bìa trái) cùng các đồng nghiệp từng tham gia khảo sát ở thềm lục địa phía Nam - Ảnh tư liệu |
>> Kỳ 1: Cờ Tổ quốc trên biển Đông
>> Kỳ 2: Những phát nổ địa chấn trên biển
>> Kỳ 2: Những phát nổ địa chấn trên biển
Mỗi chuyến ra khơi của họ là thử thách lớn với cả những vấn đề an ninh, nguy hiểm đến tính mạng. Nhưng vì nhiệm vụ với Tổ quốc, họ vẫn đạp trên sóng gió biển khơi với trái tim can trường của người lính trong trí óc nhà khoa học. Và quân đội cũng hết lòng hỗ trợ để họ hoàn thành sứ mệnh phục vụ đất nước...
Nhà khoa học và những người lính
“Đất nước sau ngày giải phóng 30-4-1975 không chỉ khó khăn, thiếu thốn, mà an ninh còn gặp phải nhiều vấn đề phức tạp, nhất là ở biên giới phía Nam. Nhiều chuyến làm việc của chúng tôi phải có sự hỗ trợ của quân đội” - TS Trương Minh kể thêm thời kỳ đó các nhà khảo sát địa vật lý phía Nam gắn bó rất chặt chẽ với chiến sĩ Quân khu 7, Quân khu 9. Nhiều chuyến khảo sát họ được “quá giang” trực thăng quân đội. Còn lênh đênh trên biển, hải quân cho tàu đi theo hộ tống họ chặt chẽ.
Đến giờ TS Minh vẫn còn nhiều kỷ niệm với trung tá hải quân Nguyễn Phong Vân, sĩ quan đã nhiều lần chỉ huy các đơn vị tàu thuyền đi theo hộ tống đoàn khảo sát địa chấn. Thời điểm này quân Pôn Pốt thường xuyên đánh phá biên giới và nhiều hòn đảo phía Nam. Nếu không có lực lượng vũ trang bảo vệ, các nhà khảo sát sẽ khó làm việc được an toàn.
Những lần đầu làm việc trên vùng biển Phú Quốc, nhiều nhà khảo sát địa chấn ở đồng bằng miền Bắc chưa quen sóng gió nôn thốc nôn tháo. Số ít người chịu được sóng gió phải căng sức choàng gánh công việc. Tuy nhiên, nguy hiểm nhất là sự đánh lén của quân Pôn Pốt. Từ nơi ăn ở đến phương tiện làm việc trên biển, đoàn khảo sát phải nhờ sự giúp đỡ của trung đoàn hải quân 101 đóng trên đảo Phú Quốc. Điều kiện làm việc khó khăn, nguy hiểm và bị thiếu hụt nhân lực do anh em say sóng, nhưng chuyến khảo sát này vẫn thành công.
Hôm đoàn khảo sát chia tay về Vũng Tàu, các chiến sĩ hải quân bịn rịn đãi một bữa hải sản tươi tự cải thiện. Các nhà khảo sát ngỏ lời cảm ơn. Còn hải quân gửi lời chúc thành công để nhanh chóng tìm ra tài nguyên cho đất nước. Lời hứa này được xem như lời thề trách nhiệm với Tổ quốc. Có lần đoàn lên bờ, nghỉ ăn ở tại trụ sở xã Mỹ Đức, Hà Tiên. Họ chưa kịp lắng xúc động với tình cảm nhiệt tình quân dân địa phương thì nghe tin trụ sở này đã bị quân Pôn Pốt đột kích, san phẳng ngay sau khi đoàn khảo sát vừa rời đi. Mọi người phải nuốt nước mắt để tiếp tục làm việc...
Nhiều năm đã trôi qua nhưng TS Minh vẫn không quên những kỷ niệm gắn bó với quân đội. Có chuyến đi khảo sát vùng ven biển Tây, Minh Hải, ông được không quân hỗ trợ cả một chiếc trực thăng UH1A với một trung tá phi công kỳ cựu cầm lái chính và một đại úy lái phụ để đảm bảo an toàn cho các nhà khảo sát. TS Minh nhớ chuyến bay xuất phát từ sáng sớm ở Tân Sơn Nhất bay đến sân bay Trà Nóc, Cần Thơ thì phải hạ cánh để tiếp xăng. Anh em không quân tại đoàn Trà Nóc nhiệt tình ra tận máy bay mời đoàn khảo sát xuống nghỉ ngơi, rồi hướng dẫn đường bay tiếp ra đảo Hòn Khoai.
Lần đầu tiên được trải tầm mắt ngắm nhìn vùng biển phía Nam của Tổ quốc, TS Minh rất xúc động, nhất là khi máy bay hạ cánh được gặp gỡ người dân trên các đảo.
Một đoạn hồi ký của ông đã kể lại kỷ niệm này: “Trực thăng hạ cánh xuống bãi đỗ ngay trên đỉnh của Hòn Khoai, gần trạm Hải Đăng. Ở đây có một gia đình sinh sống trong ngôi nhà cổ để trông coi hải đăng. Họ ở và làm việc tại đây lâu lắm rồi, không nhớ từ bao giờ, con cháu lớn lên thì vào Cà Mau sinh sống làm ăn, còn cháu nhỏ ở với ông bà ngoài đảo. Đảo Hòn Khoai có hình thù giống củ khoai, nhưng người trông coi hải đăng kể ở đây có loại khoai môn to bằng đầu người, vậy nên gọi đảo này là Hòn Khoai. Ông bà chủ đảo đã mời chúng tôi món khoai luộc màu phớt tím rất thơm ngon... Trên đường bay về TP.HCM, phi công còn cho máy bay hạ cánh xuống quê nhà ở Đồng Tháp Mười, được gia đình cho mấy bao gạo trắng để bổ sung các bữa ăn toàn bo bo và sắn khô thời đó...”.
Thời kỳ đất nước còn khó khăn, những người đi làm khảo sát địa chấn phải chịu nhiều thiếu thốn. Các chiến sĩ quân đội đi theo hỗ trợ cũng đồng cảnh. Họ chia sẻ nhau từ con cá khô, bát cơm độn đến cả máy móc, thiết bị làm việc. Có lần các chuyên gia Pháp sang hỗ trợ khảo sát địa chấn ở miền Tây. Họ không chịu đựng được hoàn cảnh sống khó khăn như các đồng nghiệp VN, nhất là cảnh tối om, nóng bức vì không có điện. Đích thân TS Minh là trưởng đoàn khảo sát lúc đó ở khu vực này phải đi “gõ cửa” Quân khu 9 xin mượn máy phát điện. Lãnh đạo Quân khu 9 vui vẻ ký duyệt ngay 10 máy. Đoàn khảo sát mừng như tìm được vàng.
Nụ cười trên biển
Bây giờ ôn lại hành trình khảo sát địa chấn biển, những người trong cuộc tâm sự quá trình này như một cuộc trường chinh đằng đẵng nhiều năm trong vất vả, thiếu thốn, nguy hiểm nhưng cũng thấm đượm tình cảm quân dân. Chính vì vậy, khi tài nguyên dầu khí dưới đáy biển được đưa lên phục vụ Tổ quốc, niềm vui của những người làm công việc khảo sát thầm lặng càng như được nhân đôi, nhân ba thêm hạnh phúc...
Kỹ sư Nguyễn Cường Binh và các đồng nghiệp gắn bó với tàu khảo sát địa chấn Bình Minh đầu tiên của VN vẫn nhớ mãi những chuyến ra khơi nhiều vất vả, nguy hiểm nhưng cũng lắm tự hào. Tàu trang bị hệ thống ghi địa chấn Progress 1, Progress 2 của Liên Xô. Trong lúc đó ở thềm lục địa phía Nam, giai đoạn khoan thăm dò, khai thác tài nguyên dầu khí đã được nhanh chóng triển khai ngay sau nỗ lực của những người đi đầu khảo sát địa chấn biển.
Đất nước bị cấm vận, đang rất khó khăn, những tấn dầu đầu tiên được bơm lên khỏi lòng đất ở mỏ Bạch Hổ trong nửa cuối thập niên 1980 đã phả sinh khí mới vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Lúc đó, kỹ sư Binh vẫn đang lênh đênh trên tàu khảo sát. Các đồng nghiệp của ông cũng đang có mặt khắp vùng biển đất nước. Nhận được tin vui, mọi người vỡ òa hạnh phúc, nhưng ngay sau đó lại tiếp tục hối hả lao vào công cuộc khảo sát, tìm kiếm tài nguyên.
Biển cả vẫn đang vẫy gọi tình yêu và trách nhiệm của những người con nước Việt với Tổ quốc...
QUỐC VIỆT
_____________________
Sau Bình Minh, tàu địa chấn Bình Minh 02 lại tiếp bước ra khơi để không chỉ tìm kiếm tài nguyên, mà còn giương cao ngọn cờ của Tổ quốc trên biển Đông. Hải trình của Bình Minh 02 đầy sóng gió nhưng đầy tràn niềm tin.
Kỳ tới: Tiếp nối Bình Minh
No comments:
Post a Comment