07:17 | 12/06/2011
Kỳ họp thứ Nhất, QH Khóa XIII dự kiến khai mạc vào cuối tháng 7 tới sẽ là Kỳ họp nhân sự. 500 ĐBQH ra mắt quốc dân đồng bào và sẽ tiến hành bầu, phê chuẩn các chức danh, nhân sự cấp cao của QH, Chính phủ, lãnh đạo các cơ quan của QH và các Bộ trưởng.
Kỳ họp của nhân sự, song tại diễn đàn của QH không phải mọi chính khách có cơ hội được trình diện cá nhân. Một hai nhiệm kỳ gần đây, diễn đàn nhân sự của cơ quan quyền lực Nhà nước tối cao thường dành ít phút cho các ứng cử viên của các chức danh nóng - Chủ tịch Nước, Chủ tịch QH, Thủ tướng Chính phủ ra mắt và có lời với QH, với cử tri cả nước. Cử tri tin rằng, đó là lời hứa của các ứng cử viên nhân sự cấp cao. Lời hứa, như đã từng ở QH Khóa XII - là thao thức “khuôn xanh biết có vuông tròn hay không”. Lời hứa, như đã từng ở QH Khóa XII - là động lực “quyết làm rạng rỡ nước nhà Việt Nam”...
Khi lời hứa của các ứng cử viên nhân sự cấp cao trở thành tiền lệ, có người hỏi: 500 ĐBQH – cũng là nhân sự chính và là nhân vật chính của Kỳ họp thứ Nhất không có lời hứa hay sao?
Xin thưa, 500 ĐBQH khi còn là ứng cử viên - đã trình diện cử tri ở đơn vị bầu cử và đã có lời hứa với cử tri ở đơn vị bầu cử. Chuẩn bị cho nhiệm kỳ QH Khóa XIII sắp tới, 827 chương trình hành động của các ứng cử viên ĐBQH và có lẽ cũng là 827 lời hứa được đưa ra qua việc vận động bầu cử. Kỳ họp thứ Nhất là lúc 500 chính khách lập pháp bắt đầu vào việc và bắt đầu hành trình thực hiện lời hứa của mình với cử tri.
Có thể chưa có (hoặc cũng khó có thể có) tổng hợp, phân loại một cách chính thống lời hứa của những người trúng cử ĐBQH Khóa XIII. Song có thể thấy, lời hứa thực tiễn, dường như hấp dẫn cử tri hơn cả. Nhiều ứng cử viên tập trung vào những vấn đề thiết thân với đời sống, hứa với cử tri của mình rằng, khi được bầu làm ĐBQH sẽ quan tâm tới việc quá tải của các bệnh viện, tới an sinh xã hội, giáo dục, giải quyết việc làm, tới nông thôn và nông dân, tới cơ sở hạ tầng vùng khó khăn... Theo cái nhìn của một ĐBQH đã trải nghiệm qua nhiều cuộc bầu cử ĐBQH thì trong số này có lời hứa và động lực thật tâm, mong muốn thật lòng, nhưng cũng có cả những lời hứa khá vô tư, thoải mái...
Có một loại lời hứa mới - dường như mới dừng lại ở hiện tượng xuất hiện trong cuộc bầu cử lần này: lời hứa tế nhị. Đây không còn là hứa hẹn mà trực diện, được ứng cử viên có nguồn lực (thường các ứng cử viên là doanh nhân) thực hiện ngay: tặng cử tri địa phương món quà cơ sở hạ tầng, giúp cử tri địa phương giải quyết công ăn việc làm... Cũng vẫn ở dạng hiện tượng: nhiều lời hứa dạng này đem lại hiệu quả.
Nếu đã phân loại lời hứa thực tiễn, lời hứa tế nhị thì có thể định danh thêm: lời hứa chính sách, lời hứa lập pháp, lời hứa quyết định, lời hứa giám sát... Lời hứa dạng này thường thuộc về các chính khách ở Trung ương, đặc biệt là các ĐBQH chuyên trách ở Trung ương. Theo cái nhìn của số đông và mặt bằng chung, thì lời hứa dạng này có vẻ... mênh mông. Có chính khách ở top này đã gặp sự cố. Ngay tại QH Khóa XII, có một vị Chủ nhiệm Ủy ban của QH – trí thức, chững chạc và gương mẫu - đã từng suýt trượt. Tất nhiên, sự cố xảy ra, không phải lỗi của riêng... lời hứa. Nhưng theo bày tỏ của một ĐBQH thì những người đã có quá trình, có trải nghiệm thường rất khó hứa một cách vô tư, thoải mái mà thường rất thận trọng.
Lời hứa nào cũng đáng quý, đáng trân trọng...
Khi cả ĐBQH và cử tri cùng tiệm tiến theo hướng dân chủ, khi QH và vị thế của QH khiến cử tri hiểu rõ và sử dụng giá trị lá phiếu của mình, thì lời hứa của các ĐBQH (khi còn là ứng cử viên) đem lại sức nặng và sự tín nhiệm đáng kể.
Bởi vậy, giờ đây, ít có chính khách chỉ thuần sử dụng lời hứa chung chung: trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, làm cho dân giàu nước mạnh xã hội công bằng, dân chủ, văn minh; có phẩm chất đạo đức tốt, cần kiệm liêm chính, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân... Lời hứa mang tính chất tuyên thệ này là chuẩn, nhưng nếu chỉ sử dụng một mình nó - sẽ không phải là lời hứa khôn ngoan và thông minh.
Cần lời hứa khôn ngoan và thông minh. Cần lời hứa hài hòa... Song ở thời điểm này, khôn ngoan và thông minh hơn là những người trúng cử ĐBQH sẽ khởi động và thực hiện lời hứa như thế nào - khi còn vài chục ngày nữa, QH Khóa XIII sẽ bắt đầu? 500 người trúng cử ĐBQH đã hứa những gì và ai giám sát ĐBQH thực hiện lời hứa?
Không phải ở nhiệm kỳ này, mà nhiều nhiệm kỳ QH trước, không ít ĐBQH được đánh giá là hoàn thành xuất sắc sứ mệnh đại biểu dân cử nhưng khi rời chính trường vẫn mang gánh nặng nợ nần. Không phải vì không thực hiện được lời hứa với cử tri mà nợ nần vì chưa giúp cử tri giải quyết được những việc phát sinh... Gánh nặng nợ nần là thật. Bởi hiện chưa có và có lẽ cũng khó có cơ chế, chế tài giám sát việc ĐBQH thực hiện lời hứa với cử tri. Nếu có, thì đó là cơ chế lòng tin và trách nhiệm.
Mỗi ĐBQH phải là trung tâm của QH – trung tâm đổi mới, trung tâm trách nhiệm, trung tâm nhiệt huyết... Đó không chỉ là lý tưởng mà là giá trị thực tiễn đã được định hình từ QH Khóa XII.
Chúc Linh
No comments:
Post a Comment