06:45 | 13/06/2011
Không phải vấn đề nào của địa phương cũng mang lên diễn đàn của QH. Nếu chỉ nói được vấn đề của địa phương thì có lẽ không cần ĐBQH. ỦY VIÊN THƯỜNG TRỰC HĐND TỈNH VĨNH PHÚC KHÓA XIV HỒ THỊ THỦY, một trong 500 người trúng cử ĐBQH Khóa XIII, đã bộc bạch với PV Báo ĐBND về vai trò và trách nhiệm mới của mình.
- Thưa Chị, ngày 22.5 vừa qua, bằng lá phiếu của cử tri, Chị được tín nhiệm bầu làm ĐBQH Khóa XIII. Xin Chị cho biết cảm xúc về vai trò và trách nhiệm mới của mình là gì?
Tại buổi gặp mặt các ứng cử viên ĐBQH Khóa XIII và đại biểu HĐND của tỉnh Vĩnh Phúc, tôi được thay mặt cho các ứng cử viên phát biểu là: chúng tôi được vinh dự là ứng cử viên ĐBQH và đại biểu HĐND. Tất cả các ứng cử viên đều đã qua 3 lần 5 bước, ai cũng đủ điều kiện và tiêu chuẩn để làm đại biểu. Cho nên, dù trúng cử hay không trúng cử thì vinh dự lớn của chúng tôi là được ghi tên vào danh sách ứng cử viên ĐBQH. Khi được cử tri tín nhiệm bầu làm ĐBQH Khóa XIII thì niềm vinh dự của tôi càng nhân lên. Tôi nhận thức rõ trách nhiệm lớn lao của mình.
Đối với những ứng cử viên hoạt động trong cơ quan dân cử ở địa phương, khi vận động bầu cử, không có điều kiện để hứa nhiều như các ứng cử viên khác. Người đại biểu dân cử đến với cử tri bằng tấm lòng và tình cảm, tâm huyết. Khi biết tôi ứng cử ĐBQH Khóa XIII, có người đã hỏi: được vào Tỉnh ủy rồi tại sao không tìm kiếm một vị trí thực quyền hơn ở tỉnh? Trong gần 30 năm công tác, tôi may mắn có 17 năm vừa làm đại biểu của dân và phục vụ trong cơ quan dân cử ở địa phương. Chính vì vậy, tâm huyết của tôi là một ngày nào đó được đứng trên diễn đàn của QH; và nay mơ ước đó đã trở thành hiện thực. Tôi tự hào được trở thành ĐBQH.
- 17 năm vừa làm đại biểu dân cử vừa phục vụ trong cơ quan dân cử ở địa phương, nay làm đại biểu ở cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, Chị có áp dụng được kinh nghiệm gì từ cơ quan dân cử địa phương vào hoạt động của cơ quan dân cử Trung ương không?
Có đồng nghiệp cho rằng, tôi có nhiều kinh nghiệm hoạt động ở cơ quan dân cử địa phương. Nhưng lên QH thì tầm hoạt động khác. Tôi nhận biết rõ điều này. Tôi cho rằng, dù hoạt động dân cử ở địa phương hay Trung ương thì mục tiêu chung đều hướng về người dân. Ở cơ quan dân cử địa phương, đại biểu không có chức năng làm luật nhưng có quyết đáp chính sách và những chính sách này phải phù hợp với pháp luật. Còn ở QH, khi thực hiện chức năng quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước có thực tế của các địa phương. QH là cơ quan quyền lực nhà nước tối cao, vậy nên không phải vấn đề nào của địa phương cũng mang lên diễn đàn của QH. Nói thực, khi được cử tri bầu làm ĐBQH, tôi rất trăn trở: lên diễn đàn QH mình sẽ nói gì đây? Ở địa phương, sở dĩ có thể phát biểu mạnh, giám sát mạnh bởi lẽ tôi nắm tương đối chắc tình hình của địa phương. Còn ở QH – một diễn đàn lớn của đất nước – nếu chỉ nói được vấn đề của một địa phương thì có lẽ cử tri cũng không cần đến tôi trong vai trò một ĐBQH.
QH là cơ quan quyền lực nhà nước tối cao. Và HĐND mỗi địa phương như một QH thu nhỏ. May mắn được hoạt động lâu năm ở cơ quan dân cử địa phương nên ít nhiều tôi đã tích lũy được một số kỹ năng hoạt động nghị trường. Nhưng điều đó không có nghĩa là có thể chủ quan với kinh nghiệm đã có. Phải học tập, nghiên cứu và cố gắng nhiều hơn nữa để có thể làm tròn nhiệm vụ người đại biểu dân cử, đóng góp thiết thực cho sự phát triển của đất nước, đóng góp với QH.
- Chị có thường xuyên theo dõi hoạt động của QH không? Và trong nhiệm kỳ Khóa XII, Chị ấn tượng với ĐBQH nào?
Qua báo chí, các phương tiện phát thanh – truyền hình cũng như những lần tham dự hội thảo, hội nghị liên quan đến hoạt động của QH, HĐND, tôi đã bước đầu tiếp cận và nắm được QH hoạt động như thế nào? Tôi thấy QH hoạt động ngày càng chất lượng, dân chủ hơn, mạnh mẽ hơn, có nhiều bước cải tiến thiết thực, tạo cảm hứng và động lực cho hoạt động của cơ quan dân cử địa phương. Và đặc biệt, QH ngày càng hấp dẫn cử tri. Cử tri quan tâm và theo dõi các phiên họp, quyết sách của QH.
Tôi đặc biệt ấn tượng với ĐBQH Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn), ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai), ĐBQH Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) và ĐBQH Nguyễn Thị Bạch Mai (Tây Ninh)... Khi các ĐBQH này phát biểu, chất vấn tôi nghe thấy sự gần gũi, thao thức và trách nhiệm ở trong đó. Vấn đề các ĐBQH nêu ra có lý lẽ, có thực tế, mang tầm vĩ mô, là mối quan tâm và bức xúc của cử tri cả nước, chứ không chỉ là ý kiến cá biệt của cử tri Lạng Sơn, cử tri Đồng Nai hay Tây Ninh. Cử tri địa phương nào nghe cũng thấy tâm tư của mình trong các phát biểu đó.
- Không trường đào tạo nghề làm ĐBQH. Chị chuẩn bị gì cho vai trò và trách nhiệm mới của mình?
Khi tiếp xúc cử tri vận động bầu cử, tôi có nói với cử tri: trong quá trình công tác của mình, tôi hầu như không ở cơ quan trực tiếp làm ra tiền, ra của nhưng tôi vinh dự được làm ở cơ quan dân cử, thường xuyên lắng nghe ý kiến, tâm tư của cử tri để đóng góp vào việc hoạch định chính sách ở địa phương. Và nếu trúng cử ĐBQH, xin giành tối đa thời gian, tâm huyết và trách nhiệm cho hoạt động của cơ quan dân cử.
Cũng có ý kiến cho rằng, làm dân cử có vẻ thiệt thòi hơn so với các ngành nghề khác. Nhưng tôi không thấy như vậy, ngược lại, tôi thấy mình được rất nhiều. Trong danh sách tỉnh ủy viên của Vĩnh Phúc nhiệm kỳ mới, có hai người tên Thủy: một chị Thủy là Bí thư Đảng ủy doanh nghiệp và người thứ hai là tôi - Ủy viên thường trực HĐND tỉnh Khóa XIV. Để phân biệt hai Thủy, người ta gọi tôi là Thủy hội đồng, Thủy giám sát... Làm đại biểu dân cử, không được tiền, được bạc nhưng có được những cái tiền bạc không mua được, đó là tình cảm yêu mến, gửi gắm của cử tri dành cho người đại biểu. Đối với tôi, đây là phần thưởng lớn nhất và xúc động nhất, là động lực thôi thúc tôi gắn bó với nghiệp dân cử.
- Xin cám ơn Chị!
Thanh Tâm thực hiện
No comments:
Post a Comment