07:30 | 20/06/2011
Báo chí phản ánh khá chân thực nhiều góc cạnh của đời sống. Đây là một trong những kênh thông tin đầu vào rất quan trọng của các đại biểu dân cử, đặc biệt là ĐBQH vì ĐBQH là người đại diện cho nhân dân cả nước nhưng không phải lúc nào đại biểu cũng có thể sâu sát được những vấn đề của người dân ở địa phương khác.
Nhờ báo chí, dù là ĐBQH ứng cử ở An Giang và hoạt động chủ yếu ở các tỉnh Nam bộ, tôi vẫn có thể biết được đời sống của người dân Hà Nội, Cao Bằng, Hà Giang như thế nào, người dân ở những địa bàn đó đang quan tâm đến vấn đề gì, mong muốn điều gì. Những năm gần đây, báo chí cũng đã tích cực phản ánh các hoạt động của QH, các cơ quan của QH và ĐBQH đến đông đảo cử tri cả nước, góp phần làm cho tiếng nói của QH, các cơ quan của QH và các ĐBQH đến gần với cử tri hơn. Báo chí góp phần làm cho QH, các ĐBQH và cử tri cả nước thấu hiểu nhau nhiều hơn.
Báo chí vừa là người bạn thân thiết của ĐBQH vừa tạo áp lực buộc các ĐBQH phải làm tốt nhiệm vụ của mình. Nhiều ĐBQH đã thấy được vai trò, sức mạnh của báo chí và sử dụng các thông tin của báo chí phục vụ có hiệu quả cho hoạt động của mình. Chẳng hạn các Phiên họp toàn thể của QH thì không phải ĐBQH nào cũng có cơ hội để phát biểu quan điểm của mình. Hay do thời gian phát biểu của mỗi đại biểu có giới hạn nên có vấn đề đại biểu chưa tán thành, muốn tiếp tục tranh luận tại diễn đàn của QH cũng rất khó. Vì thế, đại biểu có thể bày tỏ quan điểm về những vấn đề này thông qua báo chí. Hay các Phiên thảo luận tổ, tôi chỉ có thể biết được quan điểm của các đại biểu ở Tổ mình chứ sao có thể nắm được hết nội dung thảo luận tại các tổ khác? Nhưng nhờ có sự tham gia tích cực của báo chí, tôi có thể biết được quan điểm của những đại biểu khác như thế nào. QH Khóa XII vừa qua có những dự án hoặc vấn đề rất phức tạp trình QH cho ý kiến như dự án đường sắt cao tốc Hà Nội – Thành phố Hồ Chí Minh hay sự việc xảy ra tại Vinashin. Báo chí đã cung cấp rất nhiều thông tin bổ ích cho các ĐBQH, từ ý kiến của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, kinh nghiệm thế giới đến ý kiến của các ĐBQH, dư luận cử tri... Điều này giúp ĐBQH có cái nhìn đa chiều hơn và cân nhắc, quyết định thận trọng hơn. Cũng có nghĩa là chất lượng các quyết đáp của QH cũng sẽ tốt hơn.
Có người hỏi tôi là, sao hay trả lời phỏng vấn của báo chí thế? Có sợ những câu hỏi nhạy cảm không? Tôi đã cười và trả lời rằng, không có vấn đề nhạy cảm mà chỉ có cách đặt vấn đề nhạy cảm thôi. Có những vụ việc mà qua cách đặt vấn đề của một vài phóng viên đã trở nên rất nhạy cảm như vụ việc của Vinashin chẳng hạn. Vừa qua, tôi thấy, một số ĐBQH cũng không hài lòng lắm khi bài phỏng vấn của mình được đăng lên. Có đại biểu than trời ơi, tôi nói góc độ này mà sao báo chí lại đưa như vầy nè. Thế là khó cho đại biểu rồi. Dĩ nhiên đây chỉ là hiện tượng thôi. Đại biểu cũng cần có kỹ năng xuất hiện trên báo chí, chỉ nên nói những vấn đề mình thực sự am hiểu và nói phải kín kẽ. Song các phóng viên cũng cần làm cho đại biểu tin tưởng hơn để họ sẵn sàng bày tỏ những quan điểm, ý kiến của mình. Các phóng viên, nhất là phóng viên nội chính, ngoài khả năng viết, nắm bắt vấn đề, sự nhạy cảm cần thiết của một người làm báo, tôi nghĩ cần am hiểu tổ chức bộ máy nhà nước, quyền và trách nhiệm của từng cá nhân trong bộ máy. Khi hiểu đúng những vấn đề này thì cách nhìn nhận, đánh giá các sự kiện sẽ đúng hơn, hợp lý hơn và sẽ dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội đúng đắn hơn.
Nhiệm kỳ QH Khóa XII, báo ĐBND được UBTVQH nâng cấp thành báo loại I; trở thànhTiếng nói của QH, Diễn đàn của ĐBQH, HĐND và cử tri. Điều này có ý nghĩa lớn lắm. Lần đầu tiên, chúng ta có một cơ quan ngôn luận đường hoàng, đĩnh đạc của QH. Với tôi, Báo ĐBND như một cẩm nang, là một người bạn thân thiết trong quá trình hoạt động. Những thông tin của Báo ĐBND chính thống, đĩnh đạc, hấp dẫn độc giả và nhất là không có những thông tin theo kiểu chộp giật. Tôi nghĩ làm được điều này không phải là dễ. Báo ĐBND theo sát các hoạt động của QH, có những bài viết rất sâu sắc về các dự án Luật, các chuyên đề giám sát của QH; nhiều bài viết gợi mở cho ĐBQH rất nhiều ý tưởng thú vị, làm cơ sở để đại biểu đào sâu nghiên cứu, đóng góp cho QH. Không biết tôi có chủ quan không nhưng qua những bài viết, những bài phỏng vấn ĐBQH được đăng tải trên Báo ĐBND, tôi thấy các bạn đã góp phần quan trọng vào việc làm cho người dân tin yêu hơn ở cơ quan quyền lực nhà nước tối cao, tin yêu hơn ở các ĐBQH, ở một chừng mực nào đó, các bạn khiến cho chính chúng tôi cũng thấy yêu nghề đại diện cho dân của mình hơn và có trách nhiệm hơn. Tất nhiên, về tính thời sự, phản ánh nhanh chóng những vụ, việc xảy ra ngoài cuộc sống thì Báo ĐBND chưa bằng các báo khác. Thế mạnh của Báo ĐBND là khai thác những vấn đề vĩ mô, những vấn đề thuộc về bản chất của đời sống, của việc thực hiện quyền lực của QH, Chính phủ và HĐND các cấp... Song, tôi nghĩ cũng nên dành sự quan tâm cho các vấn đề cụ thể hơn; tăng liều lượng các bài viết về việc thực hiện lời hứa của ĐBQH với cử tri...
Nhân ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, tôi mong báo chí nói chung, Báo ĐBND nói riêng tiếp tục nâng cao hơn nữa trình độ chuyên môn, nâng cao chất lượng các bài viết để báo chí phát huy được sức mạnh đối với xã hội mà như người ta nói là báo chí là quyền lực thứ tư. Báo chí cần làm tốt công tác định hướng dư luận xã hội. Khi một vấn đề xảy ra thì dư luận cũng sẽ có người đồng tình, có người không. Những người làm báo cần thấy được vai trò của mình trong đời sống xã hội để có trách nhiệm hơn đối với mỗi thông tin được đăng tải.
Lê Thị Dung
Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH An Giang
B. Long ghi
Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH An Giang
B. Long ghi
No comments:
Post a Comment