07:30 | 21/06/2011
PHÓ CHỦ NHIỆM ỦY BAN ĐỐI NGOẠI NGÔ QUANG XUÂN ủng hộ và cổ súy cho sự cởi mở của các nghị sỹ với báo chí. Là đại diện của dân, các nghị sỹ có thể phản ánh những tâm tư, nguyện vọng của cử tri không những tại nơi mình được bầu cử mà của bất kỳ người dân từ mọi vùng miền đất nước. Khi các nghị sỹ lên tiếng, trước hết là phải xuất phát từ lợi ích của người dân, của cộng đồng mà họ là người được bầu ra, là người đại diện. Đó vừa là trách nhiệm nhưng cũng là vinh dự của các nghị sỹ. Ông cho rằng, báo chí cần chủ động tạo mối quan hệ rộng rãi và cởi mở hơn với tất cả các ĐBQH - đây là mối quan hệ tương tác vì lợi ích chung của cử tri, của đất nước và dân tộc.
Hàng trên, từ trái qua phải: Tổng bí thư, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng; Phó chủ nhiệm UB Đối ngoại Ngô Quang Xuân. Hàng sau: Chủ nhiệm VPQH Trần Đình Đàn; Chủ nhiệm UB Đối ngoại Nguyễn Văn Son tại Hội nghị những người đứng đầu Quốc hội G20 |
- Thưa Phó chủ nhiệm, là nhà ngoại giao chuyên nghiệp của Việt Nam, từng giữ cương vị Đại sứ tại Liên Hiệp Quốc, WTO… chắc hẳn Phó chủ nhiệm có nhiều kinh nghiệm, trải nghiệm tiếp xúc với báo chí nước ngoài. Phó chủ nhiệm có thể chia sẻ đôi điều về mối quan hệ giữa nghị sỹ các nước với báo chí của họ?
Ở đâu cũng vậy, báo chí là một bộ phận rất quan trọng và không thể thiếu được của mỗi xã hội. Qua quan sát Nghị viện các nước, tôi thấy mối quan hệ giữa nghị sỹ và giới báo chí cũng là mối quan hệ chính trị - xã hội diễn ra thường xuyên, bình thường hàng ngày. Những tin tức hay các cuộc phỏng vấn cũng có khi là từ các cuộc gặp tình cờ giữa các nhà báo với các nghị sỹ, cũng có khi là từ những cuộc gặp đã hẹn trước... Họ có thể gặp nhau tại hành lang nghị trường hoặc ở bất kỳ địa điểm nào trong cuộc sống xã hội, cũng có khi ở tại những trường quay hay các cuộc họp báo của các nghị sỹ. Nói chung đó là những hoạt động, sinh hoạt xã hội cởi mở, thẳng thắn và linh hoạt...
- Như Phó chủ nhiệm có nói, ở các nước, nghị sỹ các nước rất cởi mở với báo chí, trừ trường hợp bận quá, còn lại, họ hiếm khi từ chối trả lời báo chí. Họ tiếp xúc với báo chí một cách thẳng thắn và tự nhiên. Tất nhiên, ở đây có yếu tố về văn hóa, quốc gia, dân tộc, luật pháp… của từng nước nhưng theo ý kiến của Phó chủ nhiệm thì nghị sỹ - đại biểu của dân – có nên cởi mở với báo chí hay không?
Tôi ủng hộ và cổ súy cho sự cởi mở của các nghị sỹ với báo chí. Là đại diện của dân, các nghị sỹ có thể phản ánh những tâm tư, nguyện vọng của cử tri không những tại nơi mình được bầu cử mà của cả bất kỳ người dân từ mọi vùng miền đất nước. Hoặc các nghị sỹ có thể chia sẻ quan điểm, ý kiến của mình về các vấn đề liên quan đến đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa. Khi các nghị sỹ lên tiếng, trước hết là phải xuất phát từ lợi ích của người dân, của cộng đồng mà họ là người được bầu ra, là người đại diện. Đó cũng vừa là trách nhiệm nhưng cũng là vinh dự của các nghị sỹ.
- Phó chủ nhiệm thấy quan hệ giữa nghị sỹ với báo chí ở nước ngoài và nước ta có gì khác biệt không?
Là đại diện của đất nước và dân tộc ở nước ngoài, Đại sứ có nhiệm vụ phải tranh thủ tiếp xúc, tuyên truyền với nhân dân nước sở tại, với thế giới về đất nước, con người, về đường lối đối ngoại, lịch sử, văn hóa và nhiều nội dung khác nhằm nâng cao vị thế, tôn vinh hình ảnh Việt Nam. Từ kinh nghiệm của mình, tôi thấy trong hoạt động của một Đại sứ nên tránh sự phân biệt đối xử với các đối tượng quan hệ khi thấy không có sự cần thiết, kể cả với giới truyền thông và báo chí nữa. Như tôi nói ở trên, quan hệ giữa nghị sỹ và báo chí ở các nước tôi đến làm việc rất cởi mở, thường xuyên và linh hoạt. Đương nhiên, ở mỗi nước có những điểm giống nhau và có mức độ khác nhau.
- Ở nước ta, không phải ĐBQH nào cũng thường xuyên tiếp xúc với báo chí, thậm chí có ĐBQH kiên quyết “nói không” với báo chí. Thực tế nghị trường Việt Nam cho thấy, không phải ĐBQH nào cũng được sự quan tâm, săn đón của báo chí. Ở đây, có nên hiểu những nghị sỹ thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng là những người nổi tiếng hay không?
Nói thế nào nhỉ? Tôi nghĩ không tới mức có ĐBQH “kiên quyết nói không” với báo chí đâu. Có thể có những trường hợp chưa xuất hiện cơ hội tiếp xúc để thể hiện, cũng có thể vì những lý do khác nữa, có thể cũng có người còn rụt rè, chưa quen hoặc không thích giao tiếp với báo giới... Cũng nên quan niệm đó cũng là một hiện tượng trong muôn vàn hiện tượng của đời sống xã hội mà thôi. Đương nhiên, những ĐBQH thường xuyên xuất hiện trước báo chí thì họ được công chúng biết đến nhiều hơn, họ trở nên nổi tiếng hơn. Tôi cũng nghĩ các phóng viên nên làm cuộc thử nghiệm, cũng nên chủ động tạo mối quan hệ rộng rãi và cởi mở hơn với tất cả các ĐBQH, đây cũng là mối quan hệ tương tác vì lợi ích chung của cử tri, của đất nước và dân tộc.
- Phó chủ nhiệm có nói, mối quan hệ giữa ĐBQH với báo chí là quan hệ tương tác, vì lợi ích chung của cử tri, của đất nước và dân tộc. Vậy báo chí có đóng góp như thế nào đến các hoạt động của nghị viện, thưa Phó chủ nhiệm?
Chúng ta đã có Luật Báo chí. Vị trí của báo chí luôn được đề cao trong đời sống chính trị - xã hội của dân tộc và đất nước. Hoạt động của QH cần sự hỗ trợ đắc lực của báo chí nhằm đưa tới người dân, các cộng đồng cử tri sự hiểu biết của mình về QH, về nội dung và ý nghĩa cũng như sự thực thi tích cực, đúng đắn luật pháp và những quyết sách của QH. Nhân ngày báo chí cách mạng Việt Nam, xin chân thành chúc các nhà báo, phóng viên – những chiến sỹ trên mặt trận dư luận – ngày càng thành công trong sự nghiệp của mình.
- Xin cám ơn Phó chủ nhiệm!
T. Tâm thực hiện
No comments:
Post a Comment