Thursday, June 30, 2011

30/06 Phim lịch sử Việt Nam: Muộn còn hơn không!

Cập nhật lúc 30/06/2011 06:12:00 AM (GMT+7)
 - Thiếu nội lực và quá nhiều hạn chế, dòng phim lịch sử Việt Nam tuy mới manh nha nhưng đã phải đối mặt với không ít khó khăn để khẳng định mình.

Dòng phim cổ trang, lịch sử Việt mới chỉ ở giai đoạn khởi đầu.


Trước đây, cũng đã có khá nhiều nhà làm phim thử sức với dòng phim dã sử, lịch sử với sự ra đời của những Thăng Long đệ nhất kiếm, Lửa cháy thành Đại La, Tráng sĩ Bồ Đề... Đặc biệt, bộ phim Đêm hội Long Trì sản xuất năm 1989 do NSND Hải Ninh đạo diễn được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết lịch sử cùng tên của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng đã thực sự tạo nên một ấn tượng mạnh về dòng phim lịch sử Việt Nam. 
Bẵng đi 20 năm, dòng phim này gần như đã ngủ quên cho đến khi hàng loạt bộ phim lịch sử, dã sử được đưa vào sản xuất nhân cái cớ 1000 năm Thăng Long. Sự xuất hiện rầm rộ của các bộ phim cả điện ảnh lẫn truyền hình, video như Khát vọng Thăng Long, Long Thành cầm giả ca, Thái sư Trần Thủ Độ, Huyền sử Thiên đô, Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long... đã tạo nên một bức tranh đa dạng về dòng phim cổ trang của Việt Nam dù phía sau và trước mặt có quá nhiều tồn tại và thách thức.

Điều đáng nói là hầu hết những dự án phim lịch sử này đều rơi vào những chuyện lùm xùm rắc rối. Phim thì dính kiện cáo tùm lum khi còn chưa công chiếu. Phim phải ra mắt "chui" bằng bản DVD khi còn chưa được cấp phép. Phim thì chỉ thực hiện được nửa già kịch bản, suýt bị cắt sóng giữa chừng. Phim bị sửa lên sửa xuống, ba lần bảy lượt hụt lên sóng. Phim chưa công chiếu đã bị phản bác dữ dội. Phim thì ồn ã khi còn đang trong quá trình sản xuất vì chuyện thay diễn viên giữa chừng, làm xong nhưng chưa chiếu... Nhiều phim chọn cách bấm máy, bưng bít thông tin để tránh bị dư luận soi mói.

Tuy nhiên, những chuyện lùm xùm phía sau các dự án phim này không thấm tháp vào đâu so với những khó khăn mà các nhà làm phim gặp phải. Ai cũng kêu trời vì chuyện không có trường quay. Phim nào cũng phải dựng bối cảnh từ đầu, đa phần phải di chuyển đến nhiều địa phương để quay. Thậm chí có đoàn phải sang tận trường quay Hoành Điếm của Trung Quốc để thuê bối cảnh. Ít thì quay một phần như phim Thái sư Trần Thủ Độ, nhiều thì quay toàn bộ tại Hoành Điếm như trường hợp của Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long. Do vậy kinh phí làm phim luôn bị đội lên những con số khổng lồ. 

Nhiều bộ phim có thể quảng bá rất tốt cho văn hóa, lịch sử Việt. 

Câu chuyện kinh phí làm phim và chuyện lỗ lãi cũng được nhắc tới nhiều trong các dự án phim lịch sử gần đây. Riêng đối với các bộ phim truyền hình lấy bối cảnh hiện đại, mức giá trung bình thường dao động từ 200-300 triệu đồng/tập. Tuy nhiên, với các bộ phim lịch sử thì khác. Chi phí cho mỗi tập "bèo" nhất cũng phải 350 triệu/tập còn không thì cũng phải lên đến 1,5 tỉ như Huyền sử Thiên đô. Và nếu như toàn bộ quá trình quay được thực hiện tại Trung Quốc, tuỳ thuộc vào độ hoành tráng của phim thì chi phí cho mỗi tập có thể đội lên tới 5 tỉ đồng/tập như trường hợp của Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long. Như vậy là phim chưa làm xong đã nắm chắc phần lỗ.

Với chi phí cao gấp cả chục lần mức giá sàn áp dụng cho phim truyền hình hiện nay thì có thể nói đầu tư cho phim truyền hình lịch sử là cuộc chơi quá mạo hiểm. Thêm vào đó, nếu xét về độ ăn khách và hút quảng cáo thì phim lịch sử chắc chắn không thể đọ được với những bộ phim giải trí với toàn nhà lầu, xe hơi, mỹ nhân, "chân dài" và "đại gia" hiện nay. Đó là phim truyền hình, còn số phận của phim nhựa chiếu rạp còn thê thảm hơn. Với những phim được nhà nước rót tiền nhưLong Thành cầm giả ca thì bài toán lỗ lãi có lẽ ít phải nghĩ đến nhưng với những phim do tư nhân bỏ tiền làm như Khát vọng Thăng Long thì tiền thực sự là vấn đề.

Chi phí cuối cùng cùng như doanh thu của phim vẫn chưa được công bố nhưng cứ nhìn vào thời gian ra rạp ngắn ngủi của phim này thì sẽ đoán được phim có thu hồi nổi vốn hay không. Đạo diễn Lưu Trọng Ninh có nói rằng dù mức thù lao anh được hưởng trên hợp đồng ký với nhà sản xuất Khát vọng Thăng Long là 1 tỉ đồng nhưng đến giờ phút này anh vẫn chưa nhận một xu, thậm chí còn bỏ tiền túi ra trong thời gian thực hiện bộ phim. "Thấy người ta lỗ thì mình nỡ nào đòi tiền họ", anh nói. Thách thức của người mở đường, áp lực trăm bề trong quá trình thực hiện bộ phim, sự kỳ vọng của khán giả và sự soi mói của dư luận luôn đặt các nhà làm phim vào thế khó. 

Làm phim lịch sử trong hoàn cảnh thiếu thốn từ đạo cụ đến trường quay, từ tiền bạc đến tư liệu lịch sử là những bài toán không dễ giải với người làm phim. Sự ảnh hưởng từ phim lịch sử Trung Quốc với vô vàn những bộ phim hoành tráng đã ăn sâu vào tâm trí của nhiều thế hệ người xem Việt Nam cũng vô tình tạo nên một áp lực với các đạo diễn vì phim của họ rất dễ bị so sánh. Câu hỏi đặt ra là: Làm sao để cho ra một bộ phim lịch sử Việt Nam, mang tinh thần Việt và không lai Trung Quốc? Thực tế là một bộ phim lịch sử VN dù chưa ra mắt nhưng đã vấp phải nhiều phản ứng tiêu cực vì được thực hiện hoàn toàn tại Trung Quốc, với những hình ảnh được cho là rất giống... Tàu.

Khi dòng phim này hình thành, bài toán diễn viên cũng bắt đầu được tính đến.
Dòng phim lịch sử Việt Nam dù mới chỉ bắt đầu nhưng lại phải giải quyết quá nhiều thách thức. Chuyện ăn mặc trên phim thế nào, màu sắc trang phục ra sao, bối cảnh thuần Việt đến mức nào... cũng trở thành thách thức. "Phải kết hợp nhuần nhuyễn giữa kịch bản, đạo diễn, bối cảnh, đạo cụ và đặc biệt đối với phim cổ trang chính là việc biết phối hợp bối cảnh với trang phục để tạo thành một không gian chung. Hoá ra trang phục, mọi người tưởng rằng độc lập với bối cảnh, đạo cụ nhưng trên phông hình 90% phim bị ảnh hưởng bởi màu sắc và phục trang", Nguyễn Mạnh Đức - hoạ sĩ thiết kế bối cảnh của các phim Long Thành cầm giả ca, Hạt mưa rơi bao lâu, Thời xa vắng, Lều chõng... nói. 

Và "đối với người Việt, làm phim cổ trang vẫn là một con đường rất gian nan", như kết luận của hoạ sĩ Nguyễn Mạnh Đức. Mặc dù vậy, muộn còn hơn không. Nếu không bắt đầu từ bây giờ thì bao giờ VN mới có phim lịch sử cho khán giả nhà xem? Những kinh nghiệm mà các nhà làm phim lịch sử tích luỹ được qua các bộ phim vừa qua sẽ giúp ích rất nhiều cho các dự án sau này. Những bộ phim ngô nghê dần dần sẽ được thay thế bằng những tác phẩm điện ảnh hoàn thiện hơn. Vài năm tới, khi trường quay Cổ Loa hoàn thiện với những bối cảnh kiên cố dành riêng cho các bộ phim lịch sử, lúc đó tình hình sẽ khác. Vậy thì hãy cứ hy vọng đi và đừng nhìn dòng phim này với cái nhìn quá khắt khe. Hãy cho phim Việt một cơ hội để thể hiện mình.
Hạnh Phương

No comments:

Post a Comment