Cập nhật: 11:02 GMT - thứ hai, 25 tháng 7, 2011
Quốc hội Việt Nam vừa bầu ông Trương Tấn Sang, 62 tuổi, làm Chủ tịch nước mới, với nhiệm kỳ 5 năm vào chiều thứ Hai 25/07.
Là ứng cử viên duy nhất, ông Sang đã được Quốc hội độc đảng chọn lựa với trên 97% số phiếu bầu, theo số liệu do Thông tấn xã Việt Nam công bố.
Ông Sang thay thế ông Nguyễn Minh Triết để trở thành người thứ chín trong lịch sử giữ cương vị Chủ tịch nước kể từ ông Hồ Chí Minh.
Là thành viên của Bộ Chính trị đầy quyền lực liên tiếp trong hơn 15 năm qua, ông Sang được xem như là nhân vật số hai của Đảng cộng sản cầm quyền kể từ năm 2006 với cương vị Thường trực Ban bí thư Trung ương Đảng.
Trong Đại hội Đảng vào tháng Giêng vừa qua để quyết định dàn lãnh đạo mới, ông Sang được nói đã phê phán mạnh mẽ vai trò Thủ tướng của ông Nguyễn Tấn Dũng.
Tuy nhiên, ngay sau khi được bầu vào chức chủ tịch nước, ông Sang đã đề cử ông Dũng tiếp tục nắm giữ cương vị Thủ tướng thêm một nhiệm kỳ 5 năm nữa.
Ông Dũng được dự đoán sẽ tái đắc cử Thủ tướng trong phiên họp Quốc hội diễn ra vào thứ Ba 26/07.
Nếu như mối quan hệ giữa hai ông được giới quan sát cho là 'nhiều sóng gió' thời kỳ trước Đại hội Đảng, cả hai ông Sang và Dũng được dự đoán sẽ phải hợp tác với nhau trong nhiệm kỳ mới, trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn.
Một nhà ngoại giao châu Á giấu tên làm việc ở Hà Nội nói với hãng thông tấn Pháp AFP: “Ông ấy ̣̣̣̣̣̣(Trương Tấn Sang) sẽ không thể tiếp tục tranh cãi với đối thủ của mình”.
Trưởng ban Kinh tế
Cũng giống như ông Dũng, ông Sang là người miền Nam, sinh trưởng ở tỉnh Long An.
Từng tham gia đấu tranh từ thời sinh viên, ông đi tù ba năm dưới chế độ Việt Nam Cộng hòa trước năm 1975.
Ông Trương Tấn Sang làm Ủy viên Trung ương Đảng liên tục năm khóa. Ông đã từng giữ các vị trí Chủ tịch Ủy ban Nhân dân và sau đó là Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh và sau đó là Trưởng Ban kinh tế Trung ương.
Hãng tin Anh Reuters trích dẫn lời ông Sang phát biểu tại Quốc hội sẽ ‘kiên quyết bảo vệ độc lập, chủ quyền, sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước’, trong khi ông khẳng định sẽ tìm cách giải quyết các tranh chấp biển đảo với Trung Quốc thông qua các biện pháp hòa bình.
Phát biểu với báo chí trong nước sau khi được bầu, ông Sang đã đề cập ngay về chủ quyền biển đảo, vốn là vấn đề đang được dư luận trong nước hết sức quan tâm.
Ông nói đây là điều ‘bất khả xâm phạm’ đối với bất kỳ quốc gia nào dù lớn hay nhỏ.
Tân chủ tịch đã đề xuất ‘luật hóa’ chủ quyền biển đảo để ‘chiếm hữu biển đảo về mặt pháp lý’.
No comments:
Post a Comment