Wednesday, November 30, 2011

30/11 'Siết' đầu tư ra nước ngoài


Thứ tư, 30/11/2011, 10:06 GMT+7

Trong gần 600 dự án của doanh nghiệp Việt ở nước ngoài thì đến một phần tư không rõ có còn hoạt động hay không. Đây là lý do cơ quan chức năng phải siết chặt đầu tư ra nước ngoài. 

Doanh nghiệp Việt đua nhau xuất ngoại

Thông tin trên được Cục đầu tư nước ngoài thuộc Bộ Kế hoạch đầu tư đưa ra trong Hội nghị lấy ý kiến dự thảo sửa đổi bổ sung Nghị định 78 của Chính phủ quy định về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài, diễn ra hôm qua tại TP HCM. Hiện trạng trên bắt nguồn từ quy định của Nghị định 78, doanh nghiệp không cần báo cáo nếu dự án ở nước ngoài của mình buộc phải ngừng hoạt động, khiến cơ quan chức năng "mù tịt' thông tin.
"Nhiều doanh nghiệp không báo cáo, vì vậy chúng tôi khó có thể rút giấy phép đầu tư của họ vì không biết dự án còn hoạt động hay không", ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Đầu tư nước ngoài cho biết.
Dự thảo mới về quy định về đầu tư trực tiếp ra nước ngoài sẽ bắt buộc doanh nghiệp gửi giấy chứng nhận đầu tư cho Bộ Kế hoạch đầu tư ngay khi dự án ngừng hoạt động. Không những khi dự án ngừng phải báo cáo, mà dự thảo mới còn quy định doanh nghiệp cần nghiêm túc hơn trong các báo cáo định kỳ hằng năm của mình.
Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Haiti. Ảnh: Viettel
Doanh nghiệp Việt Nam đầu tư tại Haiti. Ảnh: Viettel
Ngoài thực trạng trên, người đứng đầu Cục Đầu tư nước ngoài cũng nhận định Nghị định 78 cần nhiều thay đổi để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp. Theo đó, nghị định ra đời cách đây 5 năm khi tổng vốn đăng ký đầu tư trực tiếp ra nước ngoài gần 2 tỷ USD, hiện con số này đã tăng lên gấp 5 lần (tính đến tháng 9 năm nay).
"Dự thảo cho phép doanh nghiệp được dùng lợi nhuận thu được trong quá trình đầu tư ở nước ngoài để trả nợ vốn vay từ bên ngoài khi thực hiện dự án, trong khi nghị định cũ chỉ cho phép dùng lợi nhuận để tái đầu tư vào chính dự án đó", đại diện Cục phân tích. Đây được xem là quy định rất quan trọng, vì đa số doanh nghiệp đều phải vay vốn khi đầu tư dự án.
Một bất cập khác theo ông Phan Tiến Dũng, đại diện Công ty Bảo vệ thực vật Sài Gòn, quy định doanh nghiệp có vốn nhà nước khi đầu tư trên 300 tỷ đồng phải xin ý kiến của Thủ tướng. "Năm 2006, chỉ cần 300 tỷ đồng là được khoảng 2.000 ha cao su ở Lào, bây giờ phải lên đến 400-500 tỷ đồng mới được, việc vẫn áp dụng quy định cũ vào thời điểm hiện nay là gây phiền hà cho doanh nghiệp", ông Dũng nói.
Ông Hoàng thì cho rằng trong khi dự trữ ngoại tệ của Việt Nam chỉ vài tỷ USD mà lại mang vốn ra nước ngoài đầu tư không hiệu quả thì ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh tài chính quốc gia.
Trong hơn 10 tỷ USD đầu tư ra nước ngoài, 2,6 tỷ USD đã được các doanh nghiệp chuyển ra nước ngoài để thực hiện dự án. Lợi nhuận chuyển về nước là 270 triệu USD (dầu khí khoảng 200 triệu USD).
Kiên Cường

No comments:

Post a Comment