Saturday, November 19, 2011

Hội đồng Giám mục Việt Nam với “Ủy ban Đoàn kết Công giáo”


Tác giả/Nhân vật: Linh mục Chân Tín |20-11-2010| 200 lần xem | 0 Phê Bình » |


 Một đại hội hình thức đã đề cử vào Ủy ban Liên lạc linh mục Vũ Xuân Kỷ làm chủ tịch, linh mục Hồ Thành Biên phó chủ tịch, các linh mục Nguyễn Thế Vịnh, Phạm Quang Phước và Võ Thành Trinh làm ủy viên. Chính 3 linh mục này sẽ là những người Đảng Cộng sản đưa ra làm nòng cốt cho Ủy ban Đoàn kết ở miền Nam sau năm 1975. Ủy ban liên lạc bị cha Phạm Hân Quynh chỉ trích nặng nề. Do đó, cha Quynh đã bị bắt và bị đi học tập cải tạo trong 30 năm. Ủy ban Đoàn kết là một tập họp của “Ủy ban liên lạc” ở ngoài Bắc và nhóm “Công giáo và Dân tộc” trong Nam, với hai tờ báo tuyên truyền cho Đảng Cộng sản là tờ “Người Công giáo” ở phía Bắc và tờ “Công giáo và Dân tộc” ở phía Nam.
 Đảng Cộng sản Việt Nam coi Ủy ban Đoàn kết như đại diện cho người Công giáo Việt Nam. Nhà nước đòi phải có ý kiến của Ủy ban Đoàn kết trong những sinh hoạt của Giáo hội, như phong chức, thuyên chuyển. Nhưng ý kiến của Ủy ban Đoàn kết lại là ý kiến của Đảng Cộng sản đã mớm cho họ. Như trong vụ phong thánh 117 vị tử đạo (1988), Ủy ban Đoàn kết tuân lệnh Đảng Cộng sản, tổ chức khắp nơi những hội thảo, để đòi Giáo hội hủy bỏ việc phong thánh hoặc loại các vị tử đạo ngoại quốc. Cũng Ủy ban Đoàn kết đã làm cái loa cho Đảng chống việc Tòa Thánh đặt Đức cha Huỳnh Văn Nghi làm Giám quản Giáo phận Sài Gòn, khi Đức cha Nguyễn Văn Bình bị bệnh nặng sắp chết (1993).
 Riêng Đức Tổng Nguyễn Văn Bình, vì sợ Đảng Cộng sản,
Hồng Y Phạm Minh Mẫn và linh mục Phan Khắc Từ tại báo "Công Giáo và Dân Tộc" - cơ quan của UBĐK T.P Hồ Chí Minh
nên đã dựa vào Ủy ban Đoàn kết để làm một vài việc nho nhỏ. Trong một cuộc phỏng vấn cho báo “Il Segno dell’Attualità” (15.4.1990), Ngài nói: “Ủy ban này do Chính phủ thành lập. Vấn đề là luôn luôn có những khó khăn, tại vì Ủy ban rất dễ can thiệp vào những công việc thuộc thẩm quyền các Giám mục. Về điểm này, chúng tôi luôn luôn kháng nghị trước chính quyền. Cũng phải biết rằng chính quyền không điểm xỉa đến những cơ cấu của Giáo hội. Thành ra, người ta dựa vào Ủy ban Đoàn kết để giải quyết một số vấn đề. Chẳng hạn, nếu tôi muốn tập hợp tín hữu mà xin phép Nhà Nước, Nhà Nước không cho. Nhưng nếu tôi nhân danh Ủy ban để triệu tập tín hữu, Nhà nước sẽ dễ dàng cho phép. Thành ra vì lợi ích của Giáo hội đôi khi chúng tôi bị buộc phải dùng Ủy ban. Dĩ nhiên, tôi biết sự bó buộc ấy không bình thường, tuy có những khó khăn. Riêng tôi, tôi không chống lại Ủy ban Đoàn kết”.
 “Vì lợi ích Giáo hội” Đức cha Bình phải lụy thuộc Ủy ban, và như thế, ủng hộ Ủy ban. Và Giáo hội mất tự do. Hơn nữa, Đức cha Bình đã lập một Ban cố vấn gồm 6 người, mà 4 là những người đầu não của Ủy ban: linh mục Huỳnh Công Minh, linh mục Nguyễn Huy Lịch, linh mục Phan Khắc Từ, ông Nguyễn Đình Đầu (Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Sài Gòn). Còn lại 2 người ngoài Ủy ban, đó là hai cha Mai Xuân Hậu và Chân Tín. Đức cha Bình còn đặt linh mục Huỳnh Công Minh, người đã tuyên bố đặt niềm tin vào Đảng Cộng sản làm Tổng đại diện. Như thế, Đức cha Bình đã đặc biệt ủng hộ Ủy ban Đoàn kết. Qua Ủy ban Đoàn kết, Đảng Cộng sản đã cột chặt Đức cha Bình vào chế độ. Do đó, sau này đám tang Đức cha Bình đã được Đảng, Nhà nước, Mặt trận… tổ chức rất trọng thể. Cũng như vừa rồi, , Đảng, Nhà nước và Mặt trận cũng đã tổ chức rất long trọng lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Đức Tổng Bình (1910-2010).
 Nhưng cũng có những Giám mục mạnh mẽ lên án Ủy ban Đoàn kết. Trước hết, có Đức Tổng Nguyễn Kim Điền. Ngài dám nói thẳng nói thật, đấu tranh cho tự do tôn giáo. Ngay từ ngày cộng sản cướp chính quyền ở miền Nam, Đức Tổng Nguyễn Kim Điền đã viết trong một lá thư gửi Dân Chúa Giáo phận Huế: “Tù ngục và chết chóc, chủ chăn của anh chị em hôm nay sẵn sàng và vui lòng đón nhận như phần thưởng Chúa ban sau 25 năm làm Giám mục và 22 năm được phục vụ Giáo phận Huế”. Và cuối cùng, ngài đã anh dũng hy sinh cho công lý và hòa bình, để bênh vực người nghèo, người cô thế, bênh vực tôn giáo, bênh vực Giáo hội Công giáo. Ngài đã bị đầu độc và đã chết ngày 8.6.1988.  Nữ y tá chích thuốc độc giết ngài đã phải thú nhận là được lệnh giết ngài (xem hồ sơ của cha Nguyễn Văn Lý).
 Một vị khác là Đức cha Nguyễn Huy Mai, Giám mục Ban Mê Thuột. Ngài cấm thành lập Ủy ban Đoàn kết trong Giáo phận ngài. Do đó, ngài bị Nhà nước làm khó dễ, không cho ra khỏi Tòa Giám mục.
 Mới đây, có Đức Tổng Giám mục Hà Nội, Đức cha Giuse Ngô Quang Kiệt, đã can đảm đứng về phía người nghèo, người bị bóc lột, bị áp bức. Ngài đã nói thẳng vào mặt bạo quyền Cộng sản: “Tự do tôn giáo là quyền chứ không phải là ân huệ xin-cho”. Do đó, cộng sản đã quyết định đẩy ngài khỏi Tổng Giáo phận Hà Nội và cuối cùng, không biết Hội đồng Giám mục Việt Nam đã đồng ý với Đảng Cộng sản thế nào, đã báo cáo thế nào với Vatican, nên Đức Tổng Kiệt buộc phải từ chức Tổng Giám mục Hà Nội.
 Về nguyên tắc, trước sự lộng hành của Ủy ban Đoàn kết trong 27 năm qua (1983-2010), trước một tổ chức chính trị của Đảng Cộng sản phá đạo, Hội đồng Giám mục không có quyền ủng hộ tổ chức chính trị này. Tòa Thánh, qua lá thư của Hồng y Angelo Sodano gửi cho Đức cha Nguyễn Minh Nhật, Chủ tịch Hội đồng Giám mục Việt Nam (25.5.1992) đã nhắc lại nguyên tắc: cấm giáo sĩ tham gia tổ chức chính trị của một đảng phái. Do đó, Hội đồng Giám mục cần phải ra lệnh cho các linh mục rút ra khỏi Ủy ban Đoàn kết để làm tròn sứ mạng phục vụ mọi thành phần trong đất nước. Đàng khác, đã đến lúc Hội đồng Giám mục phải thẳng thắn và can đảm nhìn vào sự thật thực tế, để nghiêm túc vạch trần những lộng hành của Ủy ban Đoàn kết trong 27 năm làm tay sai cho Cộng sản phá hoại Giáo hội, cản trở việc rao giảng Tin Mừng của Chúa Giêsu cho mọi người.
 Lm Chân Tín, DCCT
 19/11/2011
 Theo Nữ Vương Công Lý

http://hungvietsite.org/blog/2010/11/20/h%E1%BB%99i-d%E1%BB%93ng-giam-m%E1%BB%A5c-vi%E1%BB%87t-nam-v%E1%BB%9Bi-%E1%BB%A7y-ban-doan-k%E1%BA%BFt-cong-giao/

No comments:

Post a Comment