Friday, December 2, 2011

02/12 ‘Việt Nam đánh mất nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư’


Thứ sáu, 2/12/2011, 16:16 GMT+7


Lãi suất cao, khả năng tiếp cận vốn thấp, cùng với những bất cập pháp lý, thuế và đất đai đang khiến Việt Nam trở nên ngày càng kém hấp dẫn hơn so với các nước láng giềng trong thu hút vốn đầu tư.

'Nợ Vinashin không ảnh hưởng tới tài trợ cho VN'

Indonesia là một trong những ví dụ điển hình được các đại diện doanh nghiệp, tổ chức quốc tế nhắc đến tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) như một trong những thị trường cạnh tranh chính đối với thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài.
“Dân số đông, thậm chí đông hơn Việt Nam, tăng trưởng tốt trong khủng hoảng cùng với những yếu tố có phần thuận lợi hơn đối với hoạt động doanh nghiệp là những lý do quan trọng khiến nhiều nhà đầu tư cân nhắc việc chuyển vốn tới Indonesia”, ông Alan Cany - Chủ tịch Phòng thương mại châu Âu (Eurocham) trao đổi bên lề sự kiện được tổ chức sáng 2/12.
Môi trường đầu tư tại Việt Nam đang bị cạnh tranh khốc liệt từ các nước láng giềng. Ảnh: Nhật Minh
Môi trường đầu tư tại Việt Nam đang bị cạnh tranh khốc liệt từ các nước láng giềng. Ảnh: Nhật Minh
Ngay trong báo cáo được trình bày tại diễn đàn, ông Alan Cany cũng chỉ ra nhiều con số đáng lo ngại khi chỉ số môi trường kinh doanh hàng quý (BCI) của Việt Nam do Eurocham thực hiện giảm từ 78 xuống 52 điểm trong vòng một năm qua. Cùng với mức lạm phát tiến gần 20% và việc tụt 8 bậc trong báo cáo “Môi trường kinh doanh 2012” của Ngân hàng Thế giới, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giảm đến 28% trong 9 tháng đầu năm 2011. “Xu hướng này rất có thể sẽ kéo dài sang năm 2012 do tác động từ những khó khăn của kinh tế thế giới”, đại diện Eurocham cảnh báo.
Những dự cảm không mấy tươi sáng đồng thời cũng được thể hiện trong báo cáo chính thức về Cảm nhận môi trường kinh doanh của Diễn đàn. Trình bày báo cáo này, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Vũ Tiến Lộc thừa nhận 2011 là một năm qua đặc biệt khó khăn với doanh nghiệp Việt Nam cũng như các nhà đầu tư nước ngoài.
“Nóng nhất vẫn là khó khăn trong tiếp cận vốn do chính sách tiền tệ thắt chặt. Nhiều doanh nghiệp đã hoặc đang trên bờ vực vỡ nợ, phá sản. Số khác hoạt động cầm chừng, vay vốn ngoài ngân hàng để hoạt động nhưng cũng khó có thể tồn tại lâu bằng cách này”, ông Lộc nhận định.
Không chỉ khó tiếp cận vốn trong nước, theo Luật sư Trần Anh Đức, thành viên nhóm công tác về sản xuất và phân phối của VBF, các doanh nghiệp cũng gặp phải hàng loạt rào cản khi muốn tiếp cận vốn ngoại. “Do lãi suất trong nước cao, nhiều doanh nghiệp muốn cơ cấu lại nợ bằng cách đi vay nước ngoài. Nhưng muốn vay nước ngoài thì phải có dự án, việc vay mới, trả cũ không phải là dự án nên không được xem xét”, ông nói.
Luật sư Đức cũng cho biết, một số doanh nghiệp hiện tìm cách gọi vốn ngoại bằng cách phát hành trái phiếu quốc tế. Tuy nhiên, quy định gần đây chỉ cho phép các công ty có lãi 3 năm liên tiếp được phát hành trái phiếu. Trong khi đó, kinh tế khó khăn, rất ít doanh nghiệp có thể đáp ứng được điều kiện này.
Điều hành kinh tế vĩ mô trở thành một trong những vực đáng quan ngại nhất trong năm nay. Ảnh: Nhật Minh
Điều hành kinh tế vĩ mô trở thành một trong những vực đáng quan ngại trong năm nay. Ảnh: Nhật Minh
Bên cạnh vấn đề vốn, câu chuyện ổn định kinh tế vĩ mô (lạm phát, điều hành tỷ giá) cũng được nhiều doanh nghiệp quan tâm khi lần đầu tiên được xếp vào nhóm 3 lĩnh vực đáng lo ngại nhất của môi trường kinh doanh 2011, sau nhiều năm liên tiếp được đánh giá cao.
Hai lĩnh vực khác cũng được đánh giá là có ít cải thiện nhất trong năm 2011 là đất đai và thuế. Theo khảo sát của VBF tại 240 doanh nghiệp, chỉ có trên 17% đánh giá các quy định và thủ tục và khả năng tiếp cận đất đai dễ dàng hơn. Trong khi đó, chưa đầy 21% cho rằng quá trình chuẩn bị, thương lượng và trả thuế được rút ngắn.
Trong khi đó, lĩnh vực được được doanh nghiệp quan sát rõ nhất về sự thay đổi so với năm 2010 là thủ tục hành chính và cơ sở hạ tầng - viễn thông khi lần lượt có 61% và gần 50% số phiếu điều tra ghi nhận có sự thay đổi tích cực ở các lĩnh vực này. Tuy nhiên phần lớn trong số này lại các doanh nghiệp trong nước (trên 57% với thủ tục hành chính và 70% đối với cơ sở hạ tầng) trong khi phần lớn nhà đầu tư nước ngoài vẫn giữ cái nhìn khá thất vọng.
Dựa trên những kết quả này, các thành viên của Diễn đàn cho rằng con số 69% doanh nghiệp được hỏi cho biết sẽ mở rộng kinh doanh tại Việt Nam trong vòng 3 năm tới là tương đối lạc quan, mặc dù con số này giảm khá mạnh so với tỷ lệ 76% của 2010. Ngoài ra, có 2,31% số doanh nghiệp cho biết sẽ giảm quy mô kinh doanh và một phiếu trả lời sẽ tiến hành đóng cửa. Tất cả các công ty này đều là doanh nghiệp nội và phần lớn hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ.
Để cải thiện niềm tin của các nhà đầu tư, Diễn đàn Doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ Việt Nam cần khẩn trương tiến hành các chương trình ổn định, tái cơ cấu nền kinh tế, đồng thời có giải pháp cụ thể hướng tới cộng đồng doanh nghiệp. Ưu tiên hàng đầu, theo VBF là tiếp tục cải thiện, đơn giản hóa thủ tục hành chính, cải thiện hệ thống thông tin, năng lượng, hạ tầng vận tải. Ngoài ra, cần giảm các rào cản tham gia thị trường và đối xử công bằng hơn đối với các loại hình doanh nghiệp.
Trao đổi tại Diễn đàn, đại diện của Chính phủ, trong đó Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Bùi Quang Vinh, Thứ trưởng Tài chính Trần Xuân Hà đã giải đáp một số thắc mắc của cộng đồng doanh nghiệp. Đối với các khuyến nghị, đại diện Chính phủ cho biết sẽ ghi nhận, nghiên cứu và sớm có điều chỉnh phù hợp trong các chương trình xây dựng chính sách sắp tới.
Nhật Min
h

No comments:

Post a Comment