07:22 | 28/09/2011
Một trong những chỉ đạo của Chính phủ được dư luận đặc biệt quan tâm, đó là việc Thủ tướng yêu cầu các tập đoàn, tổng công ty nhà nước dừng đầu tư ra ngoài ngành, rút dần các khoản đã đầu tư ngoài ngành để tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động trong lĩnh vực chính. Đây được xem là mệnh lệnh, cũng là chỉ đạo nhằm nắn chỉnh các dòng vốn của Nhà nước đi đúng hướng và hiệu quả hơn. Song để thực hiện được yêu cầu này không hề dễ dàng.
Nguồn: saga.vn |
Việc các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước mải mê đầu tư ngoài ngành hay người ta thường nói là "chân ngoài dài hơn chân trong" là câu chuyện được cảnh báo từ lâu. Thế nhưng không hiểu sao, chỉ tính 8 tháng đầu năm 2011, các doanh nghiệp, tổng công ty nhà nước vẫn đầu tư ngoài ngành tới 22.590 tỷ đồng, trong đó, có 6 tập đoàn, tổng công ty đầu tư trên mức 1.000 tỷ đồng/đơn vị.
Góp mặt trong danh sách những doanh nghiệp đầu tư ngoài ngành có các tên tuổi lớn như: Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam đầu tư ra ngoài ngành với 6.690 tỷ đồng; Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam khoảng 3.700 tỷ đồng. Đáng lưu ý, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, doanh nghiệp luôn kêu lỗ, thậm chí đang nợ các đối tác hàng nghìn tỷ đồng cũng đầu tư ra ngoài ngành gần 2.100 tỷ đồng. Những lĩnh vực luôn được cảnh báo cao về độ mạo hiểm và rủi ro như tài chính, ngân hàng, bảo hiểm… vẫn được các doanh nghiệp này đổ vốn nhiều hơn cả.
Kinh tế từ đầu năm đến nay ở thời kỳ khó khăn đã và đang khiến không ít doanh nghiệp rơi vào tình trạng thua lỗ. Có thể sẽ có những giải thích cho việc đầu tư ngoài ngành là vẫn đạt được lợi nhuận, thậm chí không ít doanh nghiệp sẽ thông báo là nhờ vào các khoản lợi nhuận ngoài ngành để cứu những khó khăn hiện tại. Trong một chừng mực nào đó, có thể xem đây là nỗ lực xoay xở của chính các doanh nghiệp nhà nước trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Sẽ là rất mừng nếu được như thế, nhưng dư luận cũng có thêm không ít nỗi lo khi mà những khoản lợi nhuận ngoài ngành có thể đang tạo ra một chân dung không xác thực về doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp dựa nhiều vào lợi nhuận ngoài ngành và điều này thường xuyên xảy ra, thì cơ quan quản lý, cả nhà đầu tư có quyền nghi ngờ về ngành nghề chính của chính các doanh nghiệp nhà nước này. Và xét về mặt lý thuyết rất có thể, những khoản lợi nhuận cứu nguy cho doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại và quá khứ sẽ là áp lực cho doanh nghiệp trong tương lai. Điều này dường như đang xảy ra với không ít tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước hiện nay.
Có thể hình dung cụ thể: việc đầu tư ra ngoài ngành đã giúp một số doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính. Nhưng ngược lại, cũng có doanh nghiệp đang thiếu vốn cho đầu tư phát triển ngành nghề chính lại đổ tiền cho lĩnh vực nhạy cảm đang tiềm ẩn rủi ro, mất an toàn vốn. Trường hợp của Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) là một ví dụ điển hình. Người ta có quyền đặt câu hỏi: EVN nhiều năm qua liên tục kêu lỗ để dọn đường tăng giá bán lẻ điện nhưng tại sao vẫn đầu tư ra ngoài ngành? Tại sao EVN nợ các đối tác cả nghìn tỷ đồng sao vẫn có tiền đầu tư ngoài ngành?...
Giờ đây với yêu cầu của Thủ tướng là dừng đầu tư ngoài ngành và từng bước thoái vốn, các doanh nghiệp nhà nước đứng trước bài toán không hề dễ dàng, thậm chí có thể sẽ phải trả giá đắt để thực hiện điều đó. Một khi đã đầu tư tài chính, với những cú bắt tay chéo trong đầu tư thì việc thoái vốn không hề dễ dàng. Trong khi đó, điều kiện thực tế cũng không hề thuận lợi cho việc thoái vốn của các tập đoàn. Nói như thế bởi tình hình hiện tại đang khác so với thời điểm các tập đoàn này bỏ vốn đầu tư rất nhiều, đó là nền kinh tế khó khăn, thị trường chứng khoán suy giảm liên tục, sự lạnh lẽo của thị trường bất động sản chưa thấy điểm dừng.
Báo chí đã từng thông tin, Tập đoàn Than - khoáng sản Việt Nam (TKV) cũng tính toán để thoái vốn đầu tư ở một loạt các công ty đang hoạt động trên nhiều lĩnh vực như cảng, cơ sở hạ tầng, hàng không, bảo hiểm, cả ngân hàng… Song việc thoái vốn của TKV vào thời điểm này xem ra không có nhiều thuận lợi khi đa số doanh nghiệp mà tập đoàn này góp vốn đang trong giai đoạn triển khai đầu tư các dự án. Vả lại đây lại là những dự án lớn, đầu tư dài hạn, việc rút vốn của cổ đông không dễ dàng. Thậm chí, trong phần đầu tư lớn vào tài chính ngân hàng với đối tác chính là SHBank thì nếu thực hiện tái cơ cấu hay thoái vốn đều gặp bất lợi do thị trường chứng khoán đang sụt giảm thê thảm, thị trường bất động sản cũng đang đi xuống…
Trong một động thái mới nhất, Bộ Tài chính dự kiến quy định tỷ lệ vốn đầu tư ra ngoài của các doanh nghiệp có vốn nhà nước giảm còn 15% tổng nguồn vốn đầu tư so với tỷ lệ hiện nay là 30%. Đồng thời sẽ có những biện pháp nhằm chấn chỉnh và tăng khả năng giám sát tại các doanh nghiệp nhà nước. Tuy vậy qua thực tế của TKV cho thấy, tập đoàn đang trong tình cảnh tiến thoái lưỡng nan. Chính vì thế, việc xác định thời điểm và lộ trình thoái vốn cực kỳ quan trọng để tránh dẫn đến kết cục tiếp tục thua lỗ, hoặc không đảm bảo được yêu cầu bảo toàn vốn.
Đức Thành
No comments:
Post a Comment