|
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
|
Hỗ trợ vốn vay, chuyển giao khoa học kỹ thuật, tư vấn hướng nghiệp... là những hoạt động mà tỉnh Đoàn Đắk Lắk đang triển khai có hiệu quả nhằm giúp các đoàn viên thanh niên vươn lên thoát nghèo bền vững.
Thiếu việc làm, thiếu vốn, thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật là những nguyên nhân khiến con đường lập nghiệp của nhiều thanh niên gặp không ít khó khăn, trở ngại, nhất là thanh niên vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Làm thế nào để giúp thanh niên vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống và có thể làm giàu trên mảnh đất quê hương, đó luôn là một bài toán khó giải đối với các cấp bộ Đoàn và chính quyền tỉnh Đắk Lắk. Nhằm tháo gỡ những khó khăn trên, trong những năm qua, các cấp bộ Đoàn từ tỉnh đến cơ sở đã xây dựng nhiều chương trình, kế hoạch, triển khai nhiều hoạt động cụ thể nhằm hỗ trợ thanh niên trong quá trình lập thân, lập nghiệp, nhất là tạo điều kiện để thanh niên vay được nguồn vốn sản xuất, kinh doanh. Tính đến tháng 12/2011, thông qua các kênh cho vay hộ nghèo, cho vay giải quyết việc làm, các dự án đầu tư của Trung ương Đoàn... đã có hơn 20 nghìn hộ thanh niên nghèo được vay vốn với tổng số tiền hơn 228 tỷ đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động.
Cùng với việc tìm nguồn vốn để hỗ trợ thanh niên, tỉnh Đoàn còn phối hợp với các ngành chức năng tư vấn giới thiệu việc làm, đào tạo nghề, tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình trình diễn, tổ chức tham quan các mô hình kinh tế trong và ngoài tỉnh để học hỏi kinh nghiệm. Tỉnh Đoàn cũng chỉ đạo cán bộ đoàn cơ sở thường xuyên nắm bắt nhu cầu vay vốn, hướng dẫn lập dự án để vay vốn và sử dụng nguồn vốn của thanh niên để có sự điều chỉnh hợp lý. Nhờ sự hỗ trợ đó, nhiều đoàn viên, thanh niên đã vươn lên thoát nghèo.
Tiêu biểu như nữ đoàn viên người dân tộc Êđê H’Thuý Kẽn (sinh năm 1987) ở buôn Trấp, thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana. Dẫn chúng tôi ra vườn thăm mô hình trồng rau sạch trong nhà lưới, H’Thuý kể về quá trình thoát nghèo của mình. Sinh ra trong gia đình nghèo lại đông con nên H’Thuý không được học hành đầy đủ như chúng bạn. Học hết lớp 11 em xin nghỉ ở nhà đi làm phụ giúp gia đình. Kinh tế chỉ phụ thuộc vào vài sào ruộng trồng lúa nên khá bấp bênh, dù rất chăm chỉ làm việc nhưng cái đói, cái nghèo cứ đeo đẳng gia đình. Năm 2008, H’Thuý được huyện Đoàn cho đi thăm quan mô hình trồng rau an toàn ở Đồng Nai. H’Thuý nhận thấy cách làm của nông dân nơi đây khác nhiều so với cách trồng rau của buôn làng mình. Cô học được cách dùng lưới để che cho rau, cách lên luống rau, ủ phân vi sinh từ phân chuồng, tưới cho rau như thế nào cho thích hợp... Trở về, H’Thuý quyết tâm trồng rau theo kiểu mới này. Để thực hiện, cô vừa đọc thêm sách để học hỏi kỹ thuật vừa viết đề án xin hỗ trợ kinh phí. Được Sở Khoa học Công nghệ và tỉnh Đoàn hỗ trợ gần 20 triệu đồng, H’Thuý đầu tư xây dựng hơn 600m2 nhà lưới để trồng các loại ngắn ngày như cải ngọt, xà lách, hành... Chăm sóc đúng kỹ thuật nên rau phát triển rất nhanh, chỉ từ 20 đến 25 ngày, H’Thuý lại thu một lứa. Rau của H’Thuý rất được bà con ưa chuộng vì an toàn. Từ ngày có nhà lưới và trồng rau theo kiểu mới, gia đình H’Thuý đã thoát khỏi hộ nghèo. Phấn khởi, H’Thuý vừa khuyến khích, truyền kinh nghiệm, hướng dẫn cho các đoàn viên khác và bà con xung quanh trồng rau an toàn. Năm 2009, H’Thuý là thanh niên trẻ nhất được Trung ương Đoàn trao Giải thưởng Lương Đình Của, cả buôn ai cũng tự hào.
Cũng giống như H’Thuý được Đoàn “tiếp sức”, chàng thanh niên dân tộc Tày Nông Văn Việt (sinh năm 1985) ở thôn 8, xã Cuôr Knia, huyện Buôn Đôn không những vươn lên thoát nghèo mà còn làm giàu. Học hết lớp 12, Việt không thi đại học mà ở nhà làm vườn. Từ diện tích đất của gia đình gần hơn 2 héc ta, Việt đầu tư trồng cà phê, trồng tiêu, đào ao thả cá, trồng lúa nước và chăm nuôi gà. Thế nhưng do không nắm vững kỹ thuật chăm sóc nên năng suất vườn cà phê không cao, cây tiêu hay bị vàng lá chết rũ, nuôi gà và cá hay bị dịch bệnh. Mỗi vụ thu hoạch, sau khi trừ chi phí lời lãi chẳng được bao nhiêu. Năm 2006, được Đoàn xã tạo điều kiện cho tham gia các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, hội thảo đầu bờ, tham quan các mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi, từ đó Việt đã thay đổi cách nghĩ, cách làm. Anh mạnh dạn áp dụng những tiến bộ kỹ thuật vào chăm sóc vườn cà phê, tiêu, chăn nuôi thấy hiệu quả rõ rệt. Hiện nay, trang trại tổng hợp của Việt cho thu nhập hơn 220 triệu đồng mỗi năm, giải quyết việc làm cho 2 lao động thường xuyên và hơn 150 lao động thời vụ. Việt cũng giúp đỡ về vốn vay cho 7 thanh niên trong thôn với số tiền hơn 100 triệu đồng để sản xuất. Bà con trong thôn gọi Việt là “chàng thanh niên vắt đất ra vàng”.
Anh Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng Ban Thanh niên nông thôn, công nhân và đô thị Tỉnh Đoàn Đắk Lắk cho biết: Sau khi được Đoàn hỗ trợ, nhiều bạn trẻ đã vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống. Đó cũng là những tấm gương sáng để đoàn viên thanh niên trong tỉnh học hỏi noi theo. Trong năm 2012, tỉnh Đoàn Đắk Lắk sẽ tiếp tục phối hợp với các cấp chính quyền địa phương làm tốt hơn nữa việc hỗ trợ thanh niên, đặc biệt là thanh niên vùng sâu, xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số để phát triển sản xuất./.
|
No comments:
Post a Comment