Thursday, September 2, 2004

02/09 Việt Nam có chiến lược mới tại Trường Sa?


02 Tháng 9 2004 - Cập nhật 11h59 GMT

Trường Sa
Tranh chấp ở Trường Sa đã lâu vẫn không đem đến giải pháp
Quần đảo Trường Sa là khu vực tranh chấp chủ quyền giữa nhiều nước, gồm Trung Quốc, Philippines, Việt Nam, Malaysia, Đài Loan và Brunei.

Tranh chấp đã kéo dài từ lâu và bất chấp nhiều cuộc đàm phán, đến nay vẫn chưa cho thấy lối ra.

Ngày 19-4 năm nay, một con tàu Việt Nam đã chở 100 khách du lịch ra Trường Sa dựa trên lý do đây là "hoạt động dân sự bình thường của Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam."

Cuối tháng 8, công ty Bay dịch vụ hàng không - thuộc Vietnam Airlines - ngỏ lời họ muốn xin phép mở đường bay đến đảo Trường Sa.

Trong khi đó, hôm qua, Philippines và Trung Quốc đã đồng ý tiến hành khảo sát dầu khí chung tại khu vực biển Nam Trung Hoa (hay biển Đông).

Hiện chưa rõ khu vực được nói có nằm trong vòng tranh chấp với các nước khác hay không.

Những động thái mới của các nước liên quan liệu có ngụ ý rằng các chính phủ đã nghĩ đến những bước cờ mới nhằm giành lợi thế cho mình?

Trong số mới nhất của tờ Far Eastern Economic Review (FEER), ra ngày 9-9, bài xã luận của báo này đã dành để phân tích kế hoạch của Việt Nam quanh Trường Sa.

Theo FEER, tất cả các động thái vừa qua của Việt Nam là có chủ đích nghiêm túc và có vẻ nhắm tới một phán quyết có lợi từ tòa án quốc tế (World Court) ở Hague.

Thực thi quyền quản lý

Năm 2002, tòa án quốc tế đã xử cho Malaysia chiến thắng Indonesia và được giữ chủ quyền đảo Ligitan và Sipadan ở biển Celebes.
Lý do của tòa là Malaysia, cùng với người tiền nhiệm Anh quốc từng chiếm nước này làm thuộc địa, đã thực thi quyền lực một thời gian dài tại các đảo này.

Trong số các bằng chứng tác động đến tòa là một đạo luật năm 1917 về việc thu hoạch trứng rùa, việc cấp phép đánh cá trong khu vực và thành lập sân chim trên đảo Sipadan năm 1933. Tức là đối với tòa quốc tế, "điều quan trọng là có sự quản lý liên tục - chứ không phải là các tuyên bố về việc phát hiện, hay gắn bó lịch sử và các khía cạnh địa lý."

Theo bài xã luận của FEER, kế hoạch của Việt Nam có vẻ là thiết lập một sự quản lý chặt chẽ tại lãnh thổ tranh chấp - nghĩa là có bằng chứng về việc thực thi quyền lực liên tục và thật sự tại khu vực tranh chấp.

Tuy nhiên, trong trường hợp Malaysia, sự quản lý tại đây có lịch sử đến 88 năm.

Vậy những nước như Việt Nam sẽ muốn thực thi hành động quản lý càng sớm càng tốt trên từng đảo riêng biệt để chiếm phần hơn trong lý lẽ.
Nhìn từ góc độ này, việc Hà Nội tổ chức du lịch, hay kế hoạch xây dựng sân bay vào cuối năm nay đều nhằm phục vụ nhu cầu này.

Hai điểm chú ý

Những hành động như vậy, theo FEER, có thể đánh động các nước tranh chấp khác làm những cử chỉ tương tự để chứng minh mình cũng có sự kiểm soát thực tế tại biển Nam Trung Hoa.

Nhưng nếu các nước sẵn sàng chấp nhận một phán quyết từ tòa quốc tế, họ phải nhớ hai điều:
Quá trình kiểm soát các hòn đảo phải diễn ra trong thời gian dài.

Và không nước nào có hi vọng chiếm hết các đảo, mà chỉ hi vọng với những hòn đảo họ đã thiết lập quyền kiểm soát hành chính.
Khi xét đến hai điều này, người ta sẽ không ngạc nhiên khi một số nước bắt đầu nghĩ đến việc đồng khai thác tài nguyên trong khu vực, thay vì cãi nhau.

Như vậy có thể giải thích vì sao có thỏa thuận mới nhất giữa Trung Quốc và Philippines, tuy cho đến hôm nay, các bên chưa tiết lộ gì nhiều về vị trí chính xác khu vực họ định thăm dò.



---------------------------------------------------------------------
Nguyễn Biển Du, Sài Gòn
Tôi nhận thấy trong mối vấn đề Trường Sa. Việt Nam rất yếu thế hơn so với các đối thủ khác. Tại Sao?. Thứ nhất, Việt Nam không có lập trường kiên quyết trong việc tranh chấp với Trung Quốc, khi đó nếu Trung Quốc bắt tay với các đối thủ khác thì Việt Nam sẽ không còn một cơ hội ngoại giao nào, khi đó tôi nghĩu đến hiện đại hoá quân đội cho một cuôc chiến mà đồng minh không ngoài ai khác là Mỹ và Israel. Mặc dù ai cũng nghỉ đến bước đường ngoại giao nhưng theo tôi ngoại giao thì Việt Nam dễ trắng tay trong chuyện này. Chúng ta phải liên kết với Mỹ, các nước phương tây, toà án quốc tế, tạo một áp lực mạnh lên Trung Quốc. Việc đưa khách du lịch ra quần đảo trường sa là một ý tưởng tốt trong tình hình hiện nay. Một lời gửi đến các vị lãnh đạo người dân Việt Nam luôn mong muốn chính phủ có những bước đi chiến lược và vững chắc để đem lại trường sa ! cho Việt Nam cũng như đem lại hoà bình trên mảnh đất đầy chiến tranh này.
Tuấn Anh, Hà Nội
Trường Sa rõ ràng là quần đảo thuộc địa phận Việt Nam rồi. Có điều là do ở đây có nhiều tài nguyên thiên nhiên phong phú nên các nước và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, Đài Loan-Philippin (hai nước này được sự hậu thuẫn của Mỹ) nhảy vào định chiếm đất của Việt Nam thôi. Việt Nam là nước yêu chuộng hòa bình, không thể áp dụng sức mạnh quân sự như các nước kia (Trung Quốc và Mỹ đều có hạm đội lớn), nên Việt Nam tổ chức tour du lịch là một cách làm tốt khẳng định chủ quyền của mình.

Tuesday, May 11, 2004

05/10/2004 Chiến lược phát triển ngành điện Việt Nam giai đoạn 2004 – 2010, định hướng đến năm 2020


CHÍNH PHỦ
_______
Số: 176/2004/QĐ-TTg
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
____________________________
Hà Nội, ngày 05   tháng 10    năm 2004
QUYẾT ĐỊNH CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Về việc phê duyệt chiến lược phát triển ngành điện Việt Nam giai đoạn 2004 – 2010, định hướng đến năm 2020. 
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ 

    Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
    Căn cứ kết luận của Bộ Chính trị về Chiến lược và quy hoạch phát triển ngành điện lực Việt Nam ngày 24 tháng 10 năm 2003;
    Xét tờ trình số 1768/TTr-KHĐT ngày 02 tháng 5 năm 2003,  Công văn số  4312/CV-NLDK ngày 24 tháng 8 năm 2004 của Bộ Công nghiệp đề nghị phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Điện Việt Nam giai đoạn 2004 - 2010, định hướng đến 2020; ý kiến của các Bộ, ngành góp ý về Chiến lược phát triển ngành Điện Việt Nam giai đoạn 2001 - 2010, định hướng đến 2020,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Điện Việt Nam giai đoạn 2004 - 2010, định hướng đến 2020 theo các nội dung chính sau đây:
1. Quan điểm phát triển:
    - Phát triển điện phải đi trước một bước để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh, quốc phòng của đất nước trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, đáp ứng nhu cầu điện cho sinh hoạt của nhân dân; đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Đẩy mạnh điện khí hoá nông thôn, vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo.
    - Bảo đảm chất lượng điện năng để cung cấp dịch vụ điện với chất lượng ngày càng cao, giá cạnh tranh. Đặc biệt coi trọng tiết kiệm điện năng từ khâu phát, truyền tải đến khâu sử dụng.
    - Sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả các nguồn năng lượng sơ cấp của đất nước như nguồn thuỷ năng (kết hợp với thuỷ lợi), khí, dầu, than cho sản xuất điện, áp dụng thiết bị sử dụng khoa học, công nghệ tiên tiến và giảm ô nhiễm môi trường.
    - Tiếp tục khảo sát, nghiên cứu, chuẩn bị các điều kiện để xây dựng nhà máy điện nguyên tử (sau năm 2015) đảm bảo an toàn tuyệt đối trong sử dụng, nhằm đa dạng hoá các nguồn năng lượng.
    - Đẩy mạnh nghiên cứu phát triển các dạng năng lượng mới và tái tạo để đáp ứng nhu cầu sử dụng điện, đặc biệt đối với các hải đảo, vùng sâu, vùng xa.
    - Từng bước hình thành thị trường điện lực cạnh tranh trong nước, đa dạng hoá phương thức đầu tư và kinh doanh điện, khuyến khích nhiều thành phần kinh tế tham gia, không biến độc quyền nhà nước thành độc quyền doanh nghiệp. Nhà nước chỉ giữ độc quyền khâu truyền tải, xây dựng và vận hành các nhà máy thuỷ điện lớn, các nhà máy điện nguyên tử. Chủ động trong việc tham gia, liên kết lưới điện và mua bán điện với các nước trong khu vực.
    - Xây dựng giá điện phải đạt mục tiêu khuyến khích đầu tư cho phát triển ngành điện, tăng sức cạnh tranh về giá điện so với các nước trong khu vực, nhất là giá điện phục vụ sản xuất, tách phần chính sách xã hội ra khỏi giá điện. Có chính sách thích hợp về sử dụng điện ở nông thôn, miền núi.
    - Kết hợp giữa điều hành mạng lưới điện thống nhất trong cả nước với xây dựng và điều hành hệ thống điện an toàn theo từng khu vực nhằm đồng bộ hoá, hiện đại hoá mạng lưới truyền tải, phân phối điện quốc gia để cung cấp dịch vụ điện đảm bảo chất lượng, liên tục, an toàn, hiệu quả.
2. Mục tiêu phát triển:
    Mục tiêu phát triển của ngành Điện Việt Nam đến năm 2010 là: sử dụng tốt các nguồn thuỷ năng (kết hợp với thuỷ lợi), khí và than để phát triển cân đối nguồn điện. Xây dựng các cụm khí - điện - đạm ở Phú Mỹ và khu vực Tây Nam. Xúc tiến nghiên cứu, xây dựng thuỷ điện Sơn La. Nghiên cứu phương án sử dụng năng lượng nguyên tử. Đồng bộ hoá, hiện đại hoá mạng lưới phân phối điện quốc gia. Đa dạng hoá phương thức đầu tư và kinh doanh điện; có chính sách thích hợp về sử dụng điện ở nông thôn, miền núi. Tăng sức cạnh tranh về giá điện so với khu vực.
Mục tiêu cụ thể:
    - Đáp ứng đầy đủ nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội. Phấn đấu đến năm 2005 đạt sản lượng khoảng 53 tỷ kWh; năm 2010 đạt sản lượng từ khoảng 88 đến 93 tỷ kWh và năm 2020 đạt sản lượng từ 201 đến 250 tỷ kWh.
    - Đẩy nhanh chương trình đưa điện về nông thôn, miền núi, phấn đấu đến năm 2010 đạt 90% số hộ dân nông thôn có điện, đến năm 2020 đạt 100% số hộ dân nông thôn có điện.
    - Đảm bảo cân bằng tài chính bền vững.
    - Đa dạng hoá phương thức đầu tư phát triển ngành và chuẩn bị các phương án nhập khẩu điện của các nước Lào, Campuchia và Trung Quốc.
    - Đào tạo đội ngũ cán bộ có đủ trình độ chuyên môn và tinh thần trách nhiệm cao để đáp ứng yêu cầu phát triển ngày càng cao của ngành Điện.
    - Thực hiện cơ chế hoạt động đa dạng hoá sản phẩm, bao gồm nhiều Công ty có tư cách pháp nhân theo mô hình Liên kết tài chính - Công nghiệp - Thương mại - Dịch vụ - Tư vấn.
    - Kiểm soát và giảm nhẹ ô nhiễm môi trường trong các hoạt động điện lực.
3. Chiến lược phát triển:
    Phát triển đồng bộ nguồn và lưới điện theo hướng hiện đại. Phát triển thuỷ điện, nhiệt điện than, nhiệt điện khí, điện nguyên tử..., kết hợp trao đổi, liên kết lưới điện với các nước trong khu vực. Tổng công ty Điện lực Việt Nam chỉ đầu tư những công trình phát điện có công suất từ 100 MW trở lên,  tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khác đầu tư các công trình có công suất nhỏ hơn. Phát triển nhanh, đồng bộ, hiện đại hệ thống truyền tải, phân phối nhằm nâng cao độ tin cậy, an toàn cung cấp điện và giảm tổn thất điện năng.
1. Chiến lược phát triển nguồn điện: 
    a) Ưu tiên phát triển thuỷ điện, nhất là các công trình có lợi ích tổng hợp (cấp nước, chống lũ, chống hạn...). Khuyến khích đầu tư các nguồn thuỷ điện nhỏ với nhiều hình thức để tận dụng nguồn năng lượng sạch, tái sinh này.
Trong khoảng 20 năm tới sẽ xây dựng hầu hết các nhà máy thuỷ điện tại những nơi có khả năng xây dựng. Dự kiến đến năm 2020 tổng công suất các nhà máy thủy điện khoảng 13.000 - 15.000 MW.
    b) Phát triển các nhà máy nhiệt điện với tỷ lệ thích hợp, phù hợp với khả năng cung cấp và phân bố của các nguồn nhiên liệu:
    - Nhiệt điện than: dự kiến đến năm 2010 có tổng công suất khoảng 4.400 MW. Giai đoạn 2011 - 2020 cần xây dựng thêm khoảng 4.500 - 5.500 MW (phụ tải cơ sở), 8.000 - 10.000 MW (phụ tải cao). Do nguồn than sản xuất trong nước hạn chế, cần xem xét xây dựng các nhà máy điện sử dụng than nhập.
    - Nhiệt điện khí: đến năm 2010 có tổng công suất khoảng 7.000 MW, giai đoạn 2011 - 2020 cần xây dựng thêm khoảng 3.500 MW (phương án cấp khí cơ sở), trong trường hợp nguồn khí phát hiện được nhiều hơn cần xây dựng thêm khoảng 7.000 MW.
    - Đầu tư khảo sát, nghiên cứu, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để có thể xây dựng nhà máy điện nguyên tử đầu tiên ở Việt Nam với quy mô công suất khoảng 2.000 MW, dự kiến đưa vào vận hành giai đoạn sau năm 2015.
    c) Nhập khẩu điện: theo hiệp định hợp tác năng lượng đã ký kết, Việt Nam sẽ nhập khẩu khoảng 2.000 MW công suất từ Lào. Tiếp theo sẽ xem xét nhập khẩu điện từ Campuchia và Trung Quốc.
    d) Phát triển các nhà máy sử dụng năng lượng mới và tái tạo. Tận dụng các nguồn năng lượng mới tại chỗ để phát điện cho các khu vực mà lưới điện quốc gia không thể cung cấp được hoặc cung cấp kém hiệu quả, đặc biệt đối với các hải đảo, vùng sâu, vùng xa.
2. Chiến lược phát triển lưới điện:
    - Phát triển nguồn điện phải đi đôi với phát triển lưới điện, phát triển lưới điện phân phối phải phù hợp với phát triển lưới điện truyền tải.
    - Phát triển nhanh hệ thống truyền tải 220, 500 kV nhằm nâng cao độ tin cậy cung cấp điện và giảm tổn thất điện năng trên lưới truyền tải, bảo đảm khai thác kinh tế các nguồn điện; phát triển lưới 110 kV thành lưới điện phân phối cung cấp trực tiếp cho phụ tải.
    - Nghiên cứu giảm bớt cấp điện áp trung thế của lưới điện phân phối. Nhanh chóng mở rộng lưới điện phân phối đến vùng sâu, vùng xa. Tập trung đầu tư cải tạo lưới điện phân phối để giảm tổn thất điện năng, giảm sự cố và nâng cao độ tin cậy cung cấp điện.
3. Chiến lược phát triển điện nông thôn và miền núi:
    - Đẩy mạnh điện khí hoá nông thôn nhằm góp phần đẩy nhanh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp và nông thôn.
    - Sử dụng các nguồn năng lượng mới và tái tạo để cấp điện cho các khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Xây dựng cơ chế quản lý để duy trì và phát triển các nguồn điện ở những khu vực này.
    - Khuyến khích đa dạng hoá trong đầu tư và quản lý lưới điện nông thôn.
    - Tăng cường kiểm soát giá điện nông thôn để đảm bảo thực hiện theo đúng giá trần do Chính phủ quy định.
4. Chiến lược tài chính và huy động vốn:
    - Có các cơ chế tài chính thích hợp để Tổng công ty Điện lực Việt Nam đảm bảo được vai trò chủ đạo trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển của ngành điện Việt Nam.
    - Tiếp tục triển khai một số công trình đầu tư theo hình thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), liên doanh hoặc BOO để thu hút thêm nguồn vốn đầu tư, đồng thời tăng khả năng trả nợ cho Tổng công ty Điện lực Việt Nam.
    - Xây dựng các biện pháp huy động vốn trong xã hội dân để đầu tư phát triển điện.
    - Tăng cường quan hệ với các ngân hàng và các tổ chức tài chính quốc tế để vay vốn đầu tư, ưu tiên vay các nguồn vốn ODA có lãi suất thấp, thời gian trả nợ dài (ODA chỉ giao cho Tổng công ty Điện lực Việt Nam); sau đó đến các ngân hàng thương mại với phương châm khi các ngân hàng trong nước không đáp ứng được thì vay các ngân hàng thương mại nước ngoài.
    - Nghiên cứu tham gia thị trường chứng khoán, phát hành trái phiếu trong và ngoài nước để đầu tư các công trình điện.
    - Tiếp tục thực hiện lộ trình cải cách giá điện đã được duyệt theo hướng vừa tiến dần đến chi phí biên dài hạn vừa cải cách biểu giá điện, giảm bù chéo quá lớn giữa các nhóm khách hàng.
5. Chiến lược phát triển khoa học công nghệ:
    - Tập trung nghiên cứu khoa học, công nghệ tiên tiến áp dụng cho sản xuất và truyền tải điện năng. Nghiên cứu ứng dụng công nghệ sản xuất hiện đại theo hướng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng và giảm thiểu tác động đến môi trường với những bước đi hợp lý.
    - Đầu tư chiều sâu, cải tạo nâng cấp và hiện đại hoá đối với nguồn và lưới điện hiện có, cải tiến công tác quản lý, kinh doanh và dịch vụ khách hàng.
6. Định hướng phát triển viễn thông và công nghệ thông tin:
    - Tận dụng mọi ưu thế về hệ thống hạ tầng viễn thông ngành điện, kết hợp viễn thông phục vụ điều hành sản xuất kinh doanh điện với phát triển dịch vụ viễn thông công cộng.
    - Đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin phục vụ cho quản lý và điều hành sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh doanh của ngành Điện.
7. Định hướng phát triển cơ khí điện:
    Phát triển mạnh cơ khí điện góp phần phát triển công nghiệp trong nước, giảm nhập khẩu. Phấn đấu đến năm 2005 đáp ứng về cơ bản nhu cầu thiết bị có điện áp 110 kV trở xuống; đến năm 2010 có thể đáp ứng một phần nhu cầu máy biến áp 220 kV và các thiết bị 220 kV khác. Nghiên cứu sản xuất các thiết bị trọn bộ cho các trạm thuỷ điện nhỏ, năng lượng mặt trời và các thiết bị thay thế phục vụ sửa chữa các nhà máy điện. Về lâu dài, cần nghiên cứu, chế tạo thiết bị phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế và đặc điểm riêng của quốc gia và khu vực nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và một phần xuất khẩu.
8. Chiến lược phát triển tư vấn xây dựng điện:
    Tập trung xây dựng các Công ty tư vấn đa ngành theo chuyên môn hoá từng lĩnh vực chuyên sâu, từng bước nâng cao trình độ để có thể tự đảm đương thiết kế được các công trình điện lớn như nhà máy điện, lưới điện siêu cao áp.
9. Chiến lược phát triển ngành xây lắp điện:
    Tăng cường năng lực cho các đơn vị xây lắp điện để có khả năng đảm nhận các công trình đầu tư từ khâu thiết kế kỹ thuật thi công, cho đến khâu xây dựng, lắp đặt thiết bị các nhà máy điện, các công trình lưới điện lớn trong nước và có khả năng tham gia đấu thầu các công trình ở nước ngoài.
10. Chiến lược phát triển nguồn nhân lực:
    - Về công tác cán bộ: tiến hành lập quy hoạch cán bộ, tổ chức đào tạo bồi dưỡng cán bộ trong diện quy hoạch.
    - Về công tác đào tạo nguồn nhân lực: phát triển khối các trường chuyên ngành Điện lực, phấn đấu để xây dựng một số trường đạt tiêu chuẩn quốc tế. Bố trí liên thông giữa các bậc học: cao đẳng, trung học và công nhân; xây dựng chương trình chuẩn thống nhất trong ngành về đào tạo các lĩnh vực chuyên sâu.
11. Chiến lược phát triển thị trường điện:
    Từng bước hình thành thị trường điện trong nước, trong đó Nhà nước giữ độc quyền ở khâu truyền tải và chi phối trong khâu sản xuất và phân phối điện. Trước mắt, hình thành thị trường mua bán điện trong nội bộ Tổng công ty Điện lực Việt Nam. Nghiên cứu xây dựng đầy đủ các khuôn khổ pháp lý, các điều kiện để sớm hình thành thị trường điện độc lập.
4. Giải pháp thực hiện:
1. Giải pháp về tổ chức và cơ chế:
    - Bổ sung và hiệu chỉnh Luật Điện lực trình Quốc hội thông qua năm 2004 làm cơ sở pháp lý cho mọi hoạt động điện lực, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động kiểm soát và điều phối thị trường điện lực. Nghiên cứu xây dựng đầy đủ các khuôn khổ pháp lý, các điều kiện để sớm hình thành thị trường điện lực cạnh tranh.
    - Xây dựng lộ trình cải cách cơ cấu tổ chức ngành công nghiệp điện lực theo định hướng chiến lược đã đề ra.
2. Giải pháp về đầu tư phát triển:
    - Xây dựng cơ chế, chính sách trong đó có chính sách đa dạng hoá phương thức đầu tư để phát huy tốt mọi nguồn lực, đáp ứng nhu cầu phát triển ngành Điện và yêu cầu phát triển của đất nước.
    - Tính toán xây dựng phương án nhập khẩu điện của các nước Lào, Campuchia và Trung Quốc hợp lý.
    - Giao Tổng công ty Điện lực Việt Nam thực hiện vai trò chủ đạo trong đảm bảo đầu tư phát triển nguồn và lưới điện đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, phù hợp với năng lực tài chính và khả năng trả nợ của Tổng công ty, đảm bảo cân bằng tài chính dài hạn.
    - Công bố công khai danh mục các dự án đầu tư khuyến khích các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư vào lĩnh vực phát điện và phân phối điện, đặc biệt là thành phần kinh tế ngoài quốc doanh trên cơ sở thu hút vốn từ thị trường cho đầu tư.
    - Xây dựng cơ chế đầu tư phù hợp theo hướng cải cách các thủ tục hành chính, giải quyết nhanh vấn đề đền bù, giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ các công trình đầu tư điện lực.
3. Giải pháp tài chính và huy động vốn:
    - Tiếp tục thực hiện cải cách giá điện theo lộ trình đã được duyệt và nghiên cứu điều chỉnh biểu giá điện theo hướng giảm bù chéo quá lớn giữa các nhóm khách hàng. Cho phép Tổng công ty Điện lực Việt Nam thực hiện hạch toán riêng phần dịch vụ mang tính công ích.
    - Xem xét giảm thuế giá trị gia tăng cho sản phẩm điện từ 10% xuống còn 5% để giảm sức ép tăng giá điện.
    - Ưu tiên bố trí vốn tín dụng ưu đãi từ quỹ hỗ trợ phát triển, vốn ODA và các nguồn vay song phương của nước ngoài cho Tổng công ty Điện lực Việt Nam để thực hiện đầu tư các công trình điện trọng điểm của quốc gia.
    - Khuyến khích đa dạng hoá trong đầu tư và quản lý lưới điện nông thôn trên cơ sở tăng cường kiểm soát giá bán điện ở nông thôn để đảm bảo không vượt giá trần do Chính phủ quy định.
    - Hỗ trợ vốn ngân sách cho các dự án điện khí hoá nông thôn, miền núi, hải đảo nhằm mục đích phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo cho các khu vực này.
    - Cổ phần hoá các công trình điện mà Nhà nước không cần giữ 100% vốn. Thí điểm phát hành trái phiếu công trình và phát hành cổ phiếu ra thị trường chứng khoán. Thực hiện liên doanh, liên kết trong đầu tư các công trình điện.
4. Giải pháp khoa học - công nghệ:
    - Tăng cường đầu tư khoa học - công nghệ và quản lý để tiếp tục phấn đấu giảm tổn thất điện năng xuống khoảng 10% vào năm 2010 và dưới 10% vào những năm sau.
    - Sử dụng công nghệ thông tin để đảm bảo vận hành tối ưu hệ thống điện.
    - Thực hiện chương trình quản lý nhu cầu (DSM) để cắt giảm công suất đỉnh nhằm tiết kiệm đầu tư và tạo điều kiện thuận lợi trong vận hành hệ thống điện, tiết kiệm điện trong tiêu dùng.
    - Áp dụng công nghệ thích hợp trong ngành để nâng cao hiệu quả đầu tư và hoạt động sản xuất, kinh doanh.
5. Giải pháp nguồn nhân lực:
    - Coi trọng đào tạo và nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên môn và tinh thần trách nhiệm cao để đáp ứng yêu cầu phát triển ngành Điện.
    - Chú trọng đào tạo đội ngũ kỹ sư, chuyên gia về năng lượng hạt nhân để chuẩn bị cho việc xây dựng và vận hành nhà máy điện nguyên tử. 
Điều 2. Phân công thực hiện:
1. Bộ Công nghiệp:
    - Chịu trách nhiệm chỉ đạo thực hiện Chiến lược phát triển ngành Điện, Quy hoạch phát triển Điện lực Việt Nam, xem xét phê duyệt các dự án điện độc lập phù hợp với quy hoạch và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt những dự án có tích cấp bách để tiến hành đầu tư.
    - Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực phù hợp với thẩm quyền theo quy định của Chính phủ.
2. Tổng công ty Điện lực Việt Nam:
    - Chịu trách nhiệm chủ đạo trong việc đảm bảo đáp ứng nhu cầu điện của cả nước và trao đổi điện với các nước trong khu vực.
    - Ưu tiên cân đối vốn tín dụng đầu tư ưu đãi cho các công trình đầu tư phát triển điện từ nguồn vốn vay ưu đãi, vốn ODA với lãi suất bằng lãi suất các tổ chức tài chính cho vay cộng với chi phí quản lý, vốn tín dụng song phương và tín dụng nhà nước cho đầu tư phát triển của Tổng công ty.
    - Thực hiện việc điều chỉnh giá điện theo lộ trình của Chính phủ quy định.
    - Hỗ trợ cấp vốn ngân sách cho phần đầu tư nguồn và lưới điện phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế vùng sâu, vùng xa và điện khí hoá nông thôn, các công trình thuộc kết cấu hạ tầng mang tính công ích; cấp vốn ngân sách để đầu tư cung cấp điện bằng các nguồn năng lượng tái tạo ở những nơi không thể cung cấp được bằng lưới điện quốc gia.
    - Tổng công ty Điện lực Việt Nam được hạch toán riêng, tách khỏi sản xuất kinh doanh phần công ích trong việc cung cấp điện cho nông thôn, miền núi.
3. Các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm theo chức năng nhiệm vụ được giao và tùy theo đặc điểm cụ thể của ngành mình, địa phương mình phối hợp với Bộ Công nghiệp, Tổng công ty Điện lực Việt Nam thực hiện Chiến lược phát triển Điện Việt Nam được quy định tại Quyết định này.
4. Đề nghị Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng các đoàn thể chính trị xã hội tích cực tham gia triển khai thực hiện Chiến lược này trong phạm vi hoạt động của mình. 
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. 
Điều 4. Bộ trưởng Bộ Công nghiệp, Thủ trưởng các Bộ, ngành liên quan; Ủy ban nhân dân các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương; Hội đồng Quản trị và Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực Việt Nam và các doanh nghiệp liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.


THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
(Đã ký)
Phan Văn Khải

 Tệp đính kèm:
 ▪ QD176.2004dien.pdf

Friday, April 30, 2004

Vụ Án Chính Trị Lớn Hé Mở …

Bùi Tín 
30-04-2004


I. Bức thư không bình thường của vị đại tướng một thời vang bóng:


Đầu năm 2004, tướng Võ Nguyên Giáp gửi một bức thư đề ngày 3 tháng 1 cho “Ban chấp hành Trung ương, Đồng chí Tổng Bí thư, các đồng chí trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương”. Thư dài 7 trang, về hình thức là đóng góp ý kiến cho cuộc họp Ban chấp hành trung ương đảng lần thứ 9 (khóa IX) nhằm kiểm điểm 3 năm thực hiện nghị quyết của Đại hội đảng khóa IX và đề ra nhiệm vụ cho 2 năm còn lại của nhiệm kỳ này.


Đọc thoáng qua, ít ai thấy được rõ nội dung thật sự của bức thư, những vấn đề nó đặt ra, cũng như khả năng tác động của nó đối với nội tình đảng CS và tình hình chính trị trong nước. Có thể hình dung sự bối rối của những nhân vật cầm quyền chóp bu khi thấy bức thư đã “lọt lưới” ra ngoài nước và đang được truyền về cho bà con ta ở trong nước.


Bức thư cần được lý giải, phân tích và nhận định một cách khách quan, thấu đáo, dựa vào những thông tin đáng tin cậy, để các lực lương dân chủ trong, ngoài nước rút ra những kết luận cần thiết cho hoạt động của mình.

Wednesday, March 24, 2004

Việt Nam đưa du khách ra Trường Sa


24 Tháng 3 2004 - Cập nhật 12h10 GMT
 

Một địa điểm do Trung Quốc xây tại vùng tranh chấp Trường Sa
Nhiều nước nhận chủ quyền tại khu vực Trường S
Việt Nam cho biết sẽ tổ chức du lịch tới quần đảo Trường Sa nếu chuyến đi thử nghiệm được dự trù thực hiện vào giữa tháng tư này thành công.

Đây là vùng lãnh thổ vốn có nhiều tranh chấp về chủ quyền giữa Việt Nam và một số nước trong vùng, như Brunei, Malaysia, Philipinnes, Đài loan và đặc biệt là Trung quốc.

Theo ông Đỗ Như Phú, chủ tịch UB nhân dân huyện Trường Sa được các hãng thông tấn trích thuật nói rằng chuyến du lịch đầu tiên được dự kiến tiến hành vào giữa tháng sau với mục đích khẳng định chủ quyền lãnh thổ tại quần đảo Trường Sa.

Chuyến đi sẽ đưa khoảng 100 du khách bằng tàu do một đơn vị hải quân đảm nhiệm tới quần đảo này mà tại đó du khách sẽ được tới thăm các dàn khoan dầu gần quần đảo Trường Sa và sau đó tới cả đảo Phú Quốc.

Địa điểm tranh chấp

Quần đảo Trường Sa bao gồm hàng chục đảo nhỏ tại vùng Biển Đông, cách bờ biển miền Trung Việt Nam gần 500 cây số, vốn được cho là nơi giàu trữ lượng dầu lửa và khí đốt.

Cả Việt Nam và Trung Quốc đều nhận chủ quyền tại toàn bộ quần đảo này trong khi các nước khác trong vùng như Philipinnes, Malaysia, và Đài loan, nhận chủ quyền một phần tại đó.

Liệu việc Việt Nam tổ chức du lịch tại Trường Sa có tác động và ảnh hưởng gì tới quan hệ với các nước nhận chủ quyền tại quần đảo này? Ông Nguyễn Nhã, tiến sĩ sử học nghiên cứu về chủ quyền lãnh thổ tại Trường Sa và Hoàng Sa, cho biết ý kiến:

"Từ góc độ nghiên cứu lịch sử, tôi nghĩ nếu đã xác định chủ quyền, bất kỳ việc làm nào đưa mình đến một nơi mà mình có chủ quyền thì đều hợp lý."

"Về vấn đề ngoại giao, nếu đấu tranh cho chủ quyền của mình thì hành động lần này cũng thể hiện quyết tâm của chính quyền Việt Nam."

Hồi tháng 10 năm ngoái, chính phủ Việt Nam đã giao cho Bộ Quốc phòng và giới chức du lịch tiến hành tổ chức du lịch trên cơ sở thử nghiệm tại quần đảo này nhưng cho tới nay chưa có chuyến du lịch nào được tổ chức đưa khách nào tới đây.
Và hồi tháng 11 năm 2002 mười nước thành viên ASEAN đã ký một hiệp ước với Trung quốc kêu gọi tất cả các nước nhận chủ quyền tại quần đảo Trường Sa tránh không có hành động có thể gây căng thẳng tại đây.

Monday, February 23, 2004

Thựơng Nghị sĩ Pam Roach Trả Lời Nguyễn Tâm Chiến - Đại Sứ CSVN Tại Mỹ



Senator Pam Roach
TNS Pam Roach
Thựơng Nghị sĩ Pam Roach Trả Lời Nguyễn Tâm Chiến - Đại Sứ CSVN Tại Mỹ - Về Việc Vinh Danh Quốc kỳ Việt Nam Màu Vàng Ba Sọc Đỏ Và Dự Án Tượng Đài Chiến Sĩ Tự Do Tại TB. Washington

Nhân vụ Thượng Nghị sĩ Tiểu Bang là Pam Roach đưa ra hai nghị quyết tại Thượng viện Tiểu bang. Nghị quyết thứ nhất là công nhận lá cờ Vàng của Việt Nam Cộng Hòa cũ; nghị quyết thứ hai ủng hộ dự án xây tượng đài tại tiểu bang Washington kỷ niệm các chiến sĩ chiến đấu cho Tự Do.


Sau đó Nghị Sĩ Roach nhận một bức thư từ Đại sứ Cộng sản Việt Nam phản đối cả hai Nghị quyết trên. Ông Terrell A. Minarcin đã đánh máy lại thư Nguyễn Tâm Chiến và viết thư trả lời.

Đại sứ Cộng sản Việt Nam tại Washington D.C. đã phản ứng một cách điên cuồng, nên đã phạm phải những lỗi lầm nghiêm trọng về ngoại giao và bang giao quốc tế, trong đó có việc xâm phạm vào công việc nội bộ của công dân và đất nước Hoa Kỳ.

Sau đây là thư phản đối của Nguyễn Tâm Chiến, Đại sứ Cộng sản Việt Nam gửi Thượng Nghị Sĩ Pam Roach, tiểu bang Washington:

Ngày 10-2-2004

Kính thưa Thượng Nghị Sĩ Roach:

Với sự quan tâm đặc biệt mà tôi viết thư này gửi ông liên quan đến một nỗ lực thứ hai nhằm thừa nhận lá cờ của Việt Nam Cộng Hòa cũ được trình bày trong văn kiện SJM8045. Đây là để tái khẳng định rằng nhân dân và chính phủ Việt Nam không thể chấp thuận với dự án xây dựng Tượng Đài. Tôi xin chia sẻ với ông về ý nghĩ của tôi.

Thứ nhất, dự án Tượng Đài đi ngược lại những quy ước quốc tế và thực tiễn. Bây giờ, cái gọi là Việt Nam Cộng Hòa đã không còn tồn tại, hơn ba mươi năm qua, lá cờ của nó đã không còn chỗ đứng hợp pháp tại Việt Nam. Giống như một số văn bản hoặc nghị quyết, ngôn ngữ của dự án Tượng Đài Kỷ Niệm rõ ràng đã phủ định sự hiện hữu của nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam là nước đã thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với Hoa Kỳ từ năm 1995.

Monday, January 19, 2004

Người mơ ước đưa "công nghệ nguồn" về quê hương

19 Tháng một 2004, 11:22 GMT+7 
Hơn 30 năm bôn ba nơi đất khách quê người, Tiến sĩ khoa học Nguyễn Chánh Khê, Việt kiều Mỹ, lúc nào cũng đau đáu nỗi nhớ quê hương và mong muốn cống hiến tri thức khoa học cho mảnh đất chôn nhau cắt rốn của mình.
Là con thứ 3 trong một gia đình có 5 anh em sống tại Bình Hòa Xã, Gia Định (nay là Thành phố Hồ Chí Minh), từ nhỏ ông đã thích quan sát hiện tượng ánh sáng mặt trời xuyên qua các kẽ lá tạo ra những hình thù lạ mắt. Đây cũng chính là điểm khởi nguồn cho những công trình nghiên cứu, sáng tạo về công nghệ vi mạch bán dẫn của ông sau này.
Hoàn cảnh gia đình đã buộc ông phải tự lập từ rất sớm. Song với ý chí quyết tâm và niềm say mê khoa học, ông đã quyết tâm sang du học tự túc tại Nhật Bản. Vừa học vừa làm thuê, cuối cùng ông đã giành được bằng tiến sĩ về vật liệu và khoa học xử lý thông tin tại Trường Đại học Công nghiệp Tokyo.