Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc nhìn lại chặng đường nóng bỏng của nền kinh tế hơn hai năm qua
LÊ CHÂU
17:31 (GMT+7) - Thứ Hai, 8/2/2010
Năm 2005, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc đã làm cho gần 500 đại biểu Quốc hội cũng như dư luận khi đó rất thích thú khi tuyên bố: “Tôi xung phong trả lời chất vấn!”.
Bởi, thời kỳ đó và có lẽ kể cả bây giờ cũng vậy, đăng đàn chất vấn đối với các bộ trưởng là công việc khó khăn và chỉ rất ít bộ trưởng có được cảm giác không... ngại. Vào những tháng cuối năm 2007, đầu năm 2008 và kéo dai dẳng sang cả năm 2009, nền kinh tế đất nước vào tình trạng vô cùng căng thẳng vì những dư chấn của cơn khủng hoảng tài chính toàn cầu ảnh hưởng tới, thì lạc quan và tự tin là điều mà người ta luôn thấy ở người đứng đầu ngành kế hoạch và đầu tư.
Cách đánh giá, nhận định tình hình của ông cũng hết sức thận trọng, tỉnh táo, gai góc nhưng rất hóm hỉnh và đôi lúc pha cả chút... lãng tử.
Thưa Bộ trưởng, sự “nhạy bén” này có phải là quá trình điều chỉnh liên tục từ mục tiêu tổng quát đến các mục tiêu tăng trưởng, lạm phát... từ đầu năm đến nay và cuối tháng 11/2009, chính sách điều hành lại tiếp tục chuyển hướng?
Đúng là như vậy. Sự nhạy bén không chỉ thể hiện trong việc điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà còn thể hiện trong sự linh hoạt, chủ động trong điều hành.
Chúng ta thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2009 trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu tác động đến hầu hết các nước.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã thường xuyên cập nhật thông tin, phân tích tình hình và ngay từ đầu tháng 10 năm 2008 đã có bước điều chỉnh mục tiêu hành động, trong đó xác định chủ động ngăn chặn suy giảm kinh tế cùng với việc kiềm chế lạm phát.
Đầu tháng 12/2008, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 30 về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội. Đây là sự chuyển hướng quan trọng, kịp thời, đúng đắn và cũng rất khó khăn trước tình hình diễn biến rất phức tạp, thể hiện bước tiến mới về năng lực lãnh đạo, trình độ dự báo và khả năng phản ứng chính sách của Đảng và Nhà nước.
Có thể nói, sự nhạy bén trong việc nắm bắt kịp thời xu thế biến động của kinh tế thế giới cũng như những điều hành kịp thời, quyết liệt và phù hợp với tình hình thực tế đã giúp cho nền kinh tế nước ta không rơi vào khủng hoảng, hạn chế được mức độ suy giảm, từ đó duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế trên 5,2%.
Tôi cho rằng, đây là một thành công lớn trong điều hành phát triển kinh tế của Việt Nam trong năm 2009.
Kích cầu “đã bấm đúng huyệt”
Góp vào thành công lớn của năm 2009, không thể không nhắc đến gói kích cầu hỗ trợ lãi suất có giá trị 1 tỷ USD, một cách làm rất riêng của Việt Nam. Tại cuộc chất vấn của phiên họp thứ 18, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, khi lần đầu tiên nhắc đến gói này, một số đại biểu Quốc hội đã cho rằng Chính phủ vượt quyền Quốc hội khi “độc quyền” sáng tạo như vậy. Những cảm nhận của Bộ trưởng khi đó là gì và Bộ trưởng đã thuyết phục thế nào cho họ hết “giận”?
Tôi thấy rất chia sẻ với cảm giác này. Nhưng trong các biện pháp thì chúng ta phải có những xử lý thích ứng đối với điều kiện cụ thể. Tình cảnh đột xuất nên phải có những giải pháp đột xuất. Chính phủ phải có sự chủ động của mình.
Trước khi trả lời chất vấn trong phiên họp này thì tôi cũng nhận được một số câu hỏi mà các đại biểu Quốc hội gửi đến Thủ tướng và Thủ tướng chuyển lại cho tôi.
Các đại biểu hỏi: “Tại sao ở Mỹ xin Tổng thống, xin Quốc hội khi đưa ra các giải pháp xử lý còn ở Việt Nam thì không trình ra Quốc hội để xử lý?”.
Tôi cho rằng học tập kinh nghiệm của Quốc hội các nước khác là được, nhưng Quốc hội mỗi một nước có tổ chức thích ứng với điều kiện của nước đó, phù hợp với thể chế chính trị của nước đó.
Ở Mỹ là chế độ Tổng thống, hành pháp chỉ một Tổng thống, cơ chế của Mỹ là một mình cá nhân Tổng thống quyết nên phải đưa ra Quốc hội để kiểm chứng tập thể.
Trong khi đó, của chúng ta là Chính phủ. Khi bàn về một chủ trương thì bàn tập thể trong Chính phủ, sau đó Chính phủ trình ra Thường vụ Quốc hội, Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, Chính phủ tiếp thu và lại trình Bộ Chính trị. Để thực hiện chủ trương này chúng ta đã qua mấy lần tập thể bàn. Chính phủ làm như vậy, tôi cho là rất đúng quy trình.
Cùng đó là Quốc hội của chúng ta là Quốc hội không thường xuyên, trong khi Quốc hội Mỹ ngày nào cũng họp, khi Tổng thống sang xin chủ trương không được, Tổng thống về sửa vài câu rồi lại trình lại.
Còn Quốc hội chúng ta chỉ họp 1 năm 2 lần, mỗi kỳ họp 1 tháng. Nếu chủ trương kích cầu này chúng ta đợi đến kỳ họp Quốc hội mới trình thì làm gì còn tính chất nhạy bén của chương trình chính sách, lúc đó doanh nghiệp “chết hết” rồi vì tình hình kinh tế đã khác rồi chứ không phải như bây giờ!
Qua phân tích tình hình kinh tế, thị trường tài chính tiền tệ, phân tích hoạt động của doanh nghiệp khi gói kích cầu đi vào cuộc sống thì một thực tế mà tất cả chúng ta đều nhận thấy, đó là gói kích cầu này là một quốc sách đúng, bấm đúng “huyệt” của nền kinh tế, nên đã giải quyết được vấn đề.
“Kỷ niệm” thú vị với... lạm phát
Trong kỳ họp thứ 6 vừa diễn ra, Bộ trưởng đã có sự “chia lửa” với Thống đốc Ngân hàng Nhà nước khi một lần nữa tái khẳng định hiệu quả của chính sách kích cầu cũng như hiệu quả điều hành của chính sách tài chính tiền tệ. Nhìn lại chặng đường nóng bỏng của nền kinh tế hơn hai năm qua thì những điều gì khiến Bộ trưởng thấy thú vị nhất?
Chúng ta đã kiểm điểm tình hình năm 2008, năm 2007 và đang kiểm điểm năm 2009. Phải nói rằng những chính sách lớn mà Chính phủ đã trình Quốc hội được Quốc hội thông qua là hoàn toàn đúng đắn.
Năm 2007, dưới biến động của tình hình tăng trưởng tín dụng tăng cao, đến mức 53,77%, tôi nhớ rất rõ con số đó. Tổng phương tiện thanh toán tăng đến con số 46,88% là những con số, chỉ số kinh tế vĩ mô không ổn định.
Chỉ số lạm phát, chỉ số giá năm 2007 là 17%. Quí 1/2008 tăng trưởng đột biến lên đến 10%. Trong thời gian từ tháng 3 năm 2007 đến đầu tháng 4 năm 2008, nhiều chuyên gia kinh tế trong nước, ngoài nước đã dự báo rằng lạm phát cả năm 2008 sẽ tăng tới 32% đến 35%!
Khi đó, tôi nhớ rằng trong kỳ chất vấn tôi tại hội trường Quốc hội vào tháng 5/2008, có nhiều vị đại biểu Quốc hội nói rằng: “Bộ trưởng dự báo chỉ số lạm phát như thế nào”, tôi có nói con số khoảng dưới 22%.
Khi đưa ra con số đó có người nói tôi là còn chủ quan. Nhưng cuối cùng thực tế với các biện pháp nỗ lực của Chính phủ chỉ số giá năm 2008 chỉ dưới 19%. Chúng ta kịp thời nắm bắt tình hình và đã có chính sách và phản ứng kịp thời.
Hay cũng về chỉ tiêu lạm phát thì còn có câu chuyện rất đáng nhớ nữa là đầu năm 2009, một trong 4 chỉ tiêu Chính phủ đưa ra Quốc hội đề nghị điều chỉnh là chỉ số CPI điều chỉnh từ dưới 15% xuống còn dưới 10%.
Nếu Chính phủ không tích cực, cứ để theo nghị quyết của Quốc hội đã thông qua từ tháng 11/2008 là giữ chỉ số giá tiêu dùng dưới 15% thì khả năng để phòng ngừa tái lạm phát sẽ yếu hơn nhiều.
Cho nên phải khẳng định rằng những chính sách của chúng ta đã thực hiện năm 2008 là hoàn toàn đúng đắn. Chúng ta là duy trì tốc độ tăng trưởng một cách hợp lý với tốc độ tăng trưởng năm 2008 ở mức 6,2%, một con số tăng trưởng phù hợp với tình hình thực tế của chúng ta.
Đối với năm 2009 thì có vấn đề đặt ra là gói kích cầu của chúng ta có đúng không? Phải nói rằng toàn bộ gói kích cầu của chúng ta tính tương đương 8 tỷ Đô la, trong đó có 4 nội dung: hỗ trợ lãi suất, giảm thuế, tăng vốn đầu tư, các hỗ trợ cho an sinh xã hội. Kết quả của các giải pháp đồng bộ của gói kích cầu đó là chúng ta tiếp tục duy trì được tốc độ tăng trưởng một cách hợp lý.
Những trăn trở còn lại
Nhiều chuyên gia kinh tế trong nước cũng như thế giới đều đưa ra nhận định rằng thời khắc nóng bỏng và khó khăn nhất của nền kinh tế Việt Nam đã qua trong thành công. Nhưng, như theo quy luật của mọi sự phát triển thì không có thành công nào viên mãn. Bộ trưởng có thể chia sẻ về “góc khuất” của sự thành công?
Trong điều hành kinh tế năm 2009, vẫn có một số vấn đề chưa đạt được như mong muốn. Tổng thể là được nhưng đi vào cụ thể từng điểm thì có một số điểm cần phải lưu ý, rút kinh nghiệm.
Việc thực hiện gói kích cầu của Chính phủ nhìn chung là tốt, nhưng vẫn còn một vài thủ tục gây cản trở làm cho công tác triển khai chưa thật tốt ở một số nơi.
Trong đầu tư xây dựng cơ bản cho dù chúng ta đã kịp thời cải tiến, nhưng chỉ mới thực sự bắt đầu đi vào thực tế vào cuối năm, nên tốc độ giải ngân chưa cao, từ vốn trái phiếu Chính phủ đến vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).
Các thủ tục hành chính khác như thủ tục hải quan, thuế... vẫn còn khá nặng nề, nên ít nhiều đã cản trở một số hoạt động của doanh nghiệp. Đó là những vấn đề cần phải được lưu ý để xử lý kịp thời trong năm 2010...
Với kinh nghiệm hơn 10 năm trực tiếp xây dựng các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, năm 2010, theo dự cảm của Bộ trưởng thì chỉ tiêu GDP của chúng ta tăng 6,5% có phải là một cái đích khó khăn không?
Theo nhiều dự báo, kinh tế toàn cầu năm 2010 sẽ có chuyển biến tích cực hơn, nhưng khó khăn còn nhiều. Kinh tế thế giới vẫn đang biến động phức tạp và tiềm ẩn nhiều rủi ro, khó lường. ở trong nước, những yếu kém vốn có của nền kinh tế và tốc độ tăng trưởng thấp trong năm 2009 sẽ còn ảnh hưởng nhiều mặt đến sản xuất và đời sống.
Tuy nhiên, tôi cho rằng, năm 2010 là năm nền kinh tế nước ta sẽ phát triển tốt hơn năm 2009. Mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã được Quốc hội thông qua là khoảng 6,5%, nhưng tôi hy vọng, chúng ta sẽ cố gắng phấn đấu để đạt mục tiêu cao hơn 6,5%.
No comments:
Post a Comment