Tác giả: GS-TS Trần Ngọc Thơ
Bài đã được xuất bản.: 15/02/2010 06:00 GMT+7
Khi đất nước chính thức hội nhập vào sân chơi toàn cầu vài năm trước đây, ta thường dùng hình ảnh con tàu để định vị Việt Nam trong chuyến hải trình trên đại dương.
Việt Nam với mối lo lệ thuộc trong thập kỉ mới (*)
Và đúng như truyền thống, quá trình định vị đã buộc ta phải đối mặt với những con tàu khổng lồ trên thế giới - nhất là trong khu vực - với những mối quan hệ đan xen, cả hợp tác và "đối tác" rất tế nhị, rất gần và rất xa.
Định vị không khéo coi chừng con tàu Việt Nam bị nhấn chìm bởi sóng của tàu lớn. Sở dĩ phải nói điều này vì gần đây, thế giới đã có những cảnh báo cách mà những con tàu lớn rất khoái phô trương cơ bắp (flexing new muscle) hăm he các tàu nhỏ trong khu vực.
Dư luận quốc tế hàm ý đó là những con tàu cơ bắp.
Đấu trí với con tàu cơ bắp
Tuy nói với các tàu nhỏ quẹo trái nhưng thường loại tàu cơ bắp có thể bất ngờ bẻ ngoặt bánh lái sang phải (signal left but turn right) làm cho các tàu nhỏ không kịp trở tay.
Định vị như thế nào trong bối cảnh tàu cơ bắp ngày càng có xu hướng phô trương, đặc điểm mới bối cảnh địa-kinh tế-chính trị hiện nay không hề đơn giản.
Nhưng chắc chắn không thể có lựa chọn nào khác ngoài việc những người có trách nhiệm lèo lái phải đổi mới cơ bản mô hình tăng trưởng kinh tế hiện hành. Cùng với đó, đó là cuộc chiến trường kỳ giành lấy chân lý, giành lấy di sản vật thể và phi vật thể trên từng tấc đất mà tổ tiên ta đã đổ máu từ các chuyến hải trình xa xưa.
Ảnh: PLTPHCM
Còn nhớ cách đây vài năm, vị chuyên gia kinh tế trưởng IMF tại Việt Nam đã khích tướng rằng bất chấp tốc độ tăng trưởng cao (khoảng 10% năm vào lúc đó), phải mất 197 năm nữa Việt Nam mới đuổi kịp Singapore.
Có lẽ phát biểu này không có dụng ý gì xấu nhưng không ít những người có trách nhiệm vội vã "xuất tướng" quá nhanh khi xem đây như là cột mốc mà người Việt phải tăng tốc để chỉ mươi, mười lăm năm sau đó bắt kịp bạn?
Ta đã định vị con tàu Việt Nam theo cách đó.
Nhưng còn hậu quả?
Hàng loạt chiến lược tăng trưởng không tưởng được các bộ và tỉnh, thành đồng loạt triển khai. Hẳn nhiên đây là những chiến lược tăng trưởng ít thấy tương lai.
Đâu là lựa chọn khôn ngoan?
Nhìn lại việc các nước điên cuồng chạy theo tăng trưởng GDP như là một trong những nguyên nhân chính góp phần vào khủng hoảng tài chính toàn cầu, tháng 9 năm 2009, Pháp đã chính thức triển khai và khuyên các quốc gia nên khởi động lại mô hình tăng trưởng nhân văn hơn - mô hình mà các nhà kinh tế đề cập trước đó hàng thập kỷ. Đó là mô hình không xem trọng GDP tăng trưởng như là thành tích của chính phủ mà thay vào đó là chỉ số tổng hạnh phúc quốc gia GNH (gross national happiness).
Tổng hạnh phúc quốc gia bao gồm sự sảng khoái và hạnh phúc của người dân, môi trường trong sạch, sự đa dạng về văn hóa và tinh thần, cai trị tốt của chính phủ. Tăng trưởng nhiều nhưng đánh đổi bằng lạm phát cao, môi trường bị tàn phá và tiềm ẩn trong đó là nguồn gốc của khủng hoảng và bất ổn kinh tế-xã hội. Tất nhiên đây không thể là lựa chọn khôn ngoan.
Một nước nghèo như Việt Nam không thể nào yên tâm trước các con tàu cơ bắp nếu như không thịnh vượng về mặt kinh tế. Nhưng cần phải biết kiềm chế để đi theo mô hình ít tính hữu hình hơn so với mô hình tăng trưởng dựa quá nhiều vào GDP. Đây có lẽ là lựa chọn khả dĩ mà người Việt Nam chúng ta cảm nhận nhiều nhất trong thời gian qua. Nền kinh tế đã bị lạm dụng quá đáng để trở thành y như là một cỗ máy tự động bấm nút vận hành phục vụ cho các con số, ý tưởng và... cả không ít ảo tưởng. Còn người dân thì cứ bấm bụng chịu đựng tình trạng giá cả ngày càng tăng, kẹt xe, lụt lội và ô nhiễm môi trường ngày càng trở nên trầm trọng.
Cần chiến thắng chính mình
Đến lúc chúng ta phải thay đổi tư duy trong chiến lược phát triển và định vị lại vị thế của mình. Chẳng những trước cộng đồng quốc tế mà quan trọng hơn cả là định vị lại hình ảnh của Việt Nam ngay trong chính người dân của mình. Thay vì chủ yếu nhìn vào các nước để so sánh như đã từng ngộ nhận thái quá, điều nên làm là ta phải biết cách tự chiến thắng chính mình.
Giống như trong một cuộc thi marathon, trước hết vận động viên phải biết cách tự chiến thắng mình để về đến đích trước đã. Tự chiến thắng chính mình, một cách rất tự nhiên có khả năng đến một ngày nào đó ta sẽ bắt kịp các nước.
Vì vậy, điều quan trọng hàng đầu là phải thật sự đổi mới cơ bản hiệu năng quản lý của chính phủ - một trong những thước đo chính dẫn đến tổng hạnh phúc quốc gia.
Hãy bắt đầu từ những việc mà nói mãi người dân cũng phát ngán, chắc hẳn không gì khác hơn ngoài cải cách hành chính và chống tham nhũng.
Quá nhiều nghiên cứu cho thấy chỉ riêng cải cách hành chính không thôi mỗi năm tự nó cũng mang lại một hiệu quả tương đương hàng chục tỉ đôla. Đây là gói kích thích kinh tế khổng lồ mà mọi người dân đều tha thiết. Nhưng chẳng lẽ bế tắc? Hiệu năng của chính phủ chính là chỗ này đây.
Thêm nữa, bán đất, phá rừng, khai thác cạn kiệt tài nguyên, chạy theo lao động giá rẻ để đạt được tăng trưởng cao thì chính phủ nào cũng có thể dễ dàng báo cáo thành tích trước người dân. Nhưng đó lại là cách nhanh nhất dẫn đến tổng bất hạnh quốc gia (gross national unhappiness) và là cách dễ nhất để bị những con tàu cơ bắp nhấn chìm.
Theo Pháp Luật TP. HCM số Xuân
No comments:
Post a Comment