Monday, February 22, 2010

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Đưa Việt Nam thành nước mạnh về CNTT sau 7 năm nữa

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, Chính phủ sẽ cùng các DN CNTT, các đơn vị đào tạo đặt quyết tâm sau 7 năm nữa, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT trên thế giới, đồng thời đưa ngành CNPM và các dịch vụ CNTT thành hướng phát triển mũi nhọn của nền kinh tế.

Với chủ đề “Xây dựng Chính quyền điện tử tại địa phương”, Hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử (CPĐT) đã được tổ chức ngày 16/7 tại TP. Hồ Chí Minh. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng ban chỉ đạo công nghệ thông tin (CNTT) quốc gia đã tới dự và phát biểu chỉ đạo.

Văn bản pháp lý chưa theo kịp sự phát triển

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: CNTT quyết định tới 90% năng suất lao động của cán bộ, công chức. Tuy nhiên, ông cũng chỉ ra bất cập trong quá trình xây dựng CPĐT, đó là chuyện “người cũ làm việc mới” mà cụ thể là hầu hết cán bộ lãnh đạo, quản lý CNTT ở các địa phương đều không được đào tạo cơ bản về CNTT.

Ngoài ra, một vấn đề nữa cần phải khắc phục ngay là mâu thuẫn giữa văn bản pháp luật về quản lý đầu tư và việc mua sắm, đầu tư thiết bị CNTT. Trong khi các thiết bị CNTT, phần mềm thay đổi nhanh chóng thì các văn bản quy định về đầu tư mua sắm thiết bị “chưa theo kịp” nên đã gây ra những cản trở nhất định. Phó Thủ tướng cho rằng, công tác xây dựng CPĐT đòi hỏi quyết tâm cao của các địa phương.

Tại Hội thảo, báo cáo tham luận của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đã chỉ ra xu hướng của Chính phủ điện tử đang chuyển dần sang một giai đoạn mới mà nhân tố quan trọng nhất là thông tin. Tương lai của CPĐT sẽ là một hệ thống mới xoay quanh việc hình thành, chia sẻ và luân chuyển của các luồng thông tin trong nội bộ các cơ quan Chính phủ cũng như giữa Chính phủ với người dân và các DN. Có thể coi đây là một hệ thống “mở” về thông tin. Trong hệ thống này, thông tin sẽ được lưu chuyển rộng rãi trên mạng và được chọn lọc để sử dụng một cách hiệu quả nhất tùy vào người và mục đích sử dụng.

Tuy nhiên, như với bất kỳ một hệ thống “mở” nào, hệ thống thông tin này gắn liền với những thách thức về quản lý, công nghệ, đầu tư và đòi hỏi các cơ quan nhà nước phải lường trước được sự phức tạp nảy sinh từ thực tế, từ đó, có biện pháp quản lý phù hợp.

Theo Bộ TT&TT, việc triển khai ứng dụng hệ thống thư điện tử cho cán bộ, công chức trên cả nước tính đến hết năm 2008 như sau: Đối với các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ: có 80% cán bộ được cung cấp hộp thư điện tử công vụ, nhưng chỉ 47% thường xuyên sử dụng và chỉ có 21% Bộ, cơ quan ngang Bộ ứng dụng thành công CNTT trong quản lý.

Ở địa phương: chỉ có 43% cán bộ, công chức được cấp hộp thư công vụ nhưng chỉ có 24% trong số này thường xuyên sử dụng hộp thư điện tử. 80% công chức các Bộ được trang bị máy tính; các tỉnh là 60%.

Tỷ lệ tổ chức họp theo hình thức trực tuyến đối với các Bộ, ngành là 63%, các địa phương là 38%.

Hiện còn 2 Bộ chưa xây dựng Cổng TTĐT là Bộ Quốc phòng và Bộ Công an; 3 địa phương chưa có trang tin điện tử là Hòa Bình, Ninh Bình và Đắk Nông.

Những kinh nghiệm từ ứng dụng CNTT tại các địa phương thời gian qua cho thấy, cần phải tìm hiểu nhu cầu của người dân, của DN trước khi thực hiện “tin học hóa” các thủ tục hành chính để cho các dịch vụ này đi vào cuộc sống một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Đào tạo nhân lực CNTT: Chính phủ sẽ chi 900 tỷ đồng

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng cho biết, Chính phủ sẽ cùng các DN CNTT, các đơn vị đào tạo đặt quyết tâm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT sau 7 năm nữa.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Trong 10 năm tới, ngành CNTT thế giới sẽ có những sự thay đổi rất nhanh chóng. Ngành CNTT nói chung và CNPM chắc chắn là lợi thế của Việt Nam trong tương lai. CNTT rất phù hợp với tố chất của con người Việt Nam vốn sáng tạo và thông minh. Vì vậy trong thời gian tới Bộ GD-ĐT và Bộ TT&TT sẽ phải phác họa chính xác bức tranh về nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực CNTT. Theo đó, sớm nghiên cứu thành lập một đơn vị đầu mối đủ mạnh để chuyên thực hiện việc đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực CNTT, đáp ứng đòi hỏi rất lớn của ngành CNTT trong thời gian tới.

Năm 2008, ngành CNTT Việt Nam vẫn tăng trưởng cao. Tổng doanh thu đạt 4,74 tỷ USD, mức tăng trưởng bình quân 49% (trong đó phần cứng là 19%, phần mềm và dịch vụ tăng trưởng 87%). Tổng nhân lực toàn ngành phần mềm và dịch vụ CNTT ở nước ta khoảng 30.000 người, năng suất bình quân đạt 11.000 USD/người/năm.

Trong 5 năm tới, Chính phủ sẽ chi 900 tỷ đồng cho công tác đào tạo nguồn nhân lực CNTT. Các trường đại học đều sẵn sàng tham gia đào tạo CNTT, đặc biệt là nhu cầu các DN trong và ngoài nước đều rất cần nguồn nhân lực này. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ TT&TT cần nhanh chóng có phương án giải quyết vấn đề cung cấp nhân lực để ngành CNTT Việt Nam phát triển nhanh và bền vững. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu, các thành viên của Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT cần sát sao, chủ động hơn nữa trong công tác tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ với những ý tưởng sáng tạo, để trong 3 năm tới, chúng ta đạt được kết quả tốt hơn.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho biết, Chính phủ sẽ cùng các DN CNTT, các đơn vị đào tạo đặt quyết tâm sau 7 năm nữa, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT trên thế giới, đồng thời đưa ngành CNPM và các dịch vụ CNTT thành hướng phát triển mũi nhọn của nền kinh tế.

Theo các báo cáo tại Hội thảo, ngành CNPM và CNTT ở nước ta chỉ đóng góp 0,5% trong GDP; có tới 70% DN quy mô rất nhỏ (dưới 10 người, số vốn dưới 1 tỷ đồng); đa số hoạt động tự phát, chưa tạo ra những định hướng sáng tạo, phát triển bền vững.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Công ty Nghiên cứu thị trường KPMG: Từ năm 2007 đến nay, Việt Nam đã lọt vào top 30 thế giới (Canada đứng đầu với 33 điểm, Việt Nam xếp hạng 28 với 9 điểm). Về tốc độ phát triển Internet, Việt Nam hiện đứng thứ 18 thế giới, thứ 6 châu Á với 21 triệu người sử dụng Internet. Đến năm 2015 dự kiến Việt Nam sẽ có 600.000 chuyên gia về CNTT, năm 2020 con số này sẽ là 1 triệu người.

(Tổng hợp theo Cổng TTĐT chính phủ)
(Nguồn: VietnamNet)

http://www.hca.org.vn/tin_tuc/hd_hoi/nam2009/thang7/cnttmanhsau7namnua

No comments:

Post a Comment