Thursday, October 28, 2010

27/10 Quốc hội góp ý lần đầu dự thảo Luật phòng, chống mua bán người

4:52 PM, 27/10/2010

(Chinhphu.vn) - Các vấn đề được đại biểu tập trung cho ý kiến là tên gọi của dự thảo luật, đối tượng, phạm vi điều chỉnh, các hành vi bị cấm và các biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân trong quá trình tái hòa nhập cộng đồng.

Một phiên họp tổ của Quốc hội.


Hôm nay 27/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về Luật phòng, chống mua bán người, được trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu.

Làm rõ khái niệm “mua bán” và “buôn bán”

Đa số các đại biểu tán thành sự cần thiết ban hành Luật phòng, chống mua bán người, nhằm phòng ngừa và nghiêm trị các hành vi liên quan đến loại tội phạm này đang có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp và ngày càng nghiêm trọng. Đặc biệt, tình trạng mua bán trẻ sơ sinh xảy ra nhiều ở một số địa phương.

Tuy nhiên, công tác quản lý Nhà nước còn nhiều bất cập, sơ hở, việc phát hiện tội phạm hầu như mới chỉ dựa vào sự tố giác của nạn nhân hoặc gia đình bị hại…

Các đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên), Dương Ngọc Ngưu (Thanh Hóa) đề nghị dự thảo Luật phải làm rõ khái niệm “mua bán” và “buôn bán” người, bởi đây là những khái niệm khác nhau, hiểu theo nghĩa khác nhau khi áp dụng thực tiễn.

ĐB Lê Thị Nga cho rằng, đã là “buôn bán” thì phải có “trao đi đổi lại”, có trả tiền nên dự thảo Luật cần quy định rạch ròi. Trong quy định của dự thảo Luật, chưa có sự phân biệt giữa hành vi mua bán người với việc chuyển giao, tiếp nhận người trong các trường hợp cho nhận con nuôi, môi giới kết hôn, môi giới lao động hợp pháp.

Phó Trưởng Đoàn ĐBQH Thái Nguyên Đỗ Mạnh Hùng cho rằng, đa số các thuật ngữ quốc tế dùng từ buôn bán người vì tội phạm liên quan đến con người là đặc biệt, phải dùng từ buôn bán người mới lột tả hết được ý nghĩa. Theo ý kiến của đại biểu, nên lấy tên gọi là Luật phòng, chống buôn bán người.

Cần xử lý cả người không giúp đỡ nạn nhân

Về các hành vi bị cấm, Khoản 10, Điều 7, dự thảo Luật quy định xử lý nghiêm khắc với hành vi “Dung túng, bao che, không xử lý hoặc xử lý không đúng pháp luật đối với hành vi mua bán người, hành vi liên quan đến mua bán người và các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người”.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Thanh Hoà (ĐB Bắc Ninh) trăn trở, trong thực tế, những hành vi vô cảm đối với nạn nhân của việc mua bán người là những hành vi đáng sợ và cần lên án nhất. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa đề ra hình thức cấm từ chối giúp đỡ các nạn nhân hoặc những người bị mua bán.

“Chúng ta cần quy định nghiêm cấm các hành vi này”, đại biểu đề nghị.

Tán thành quan điểm trên, Phó Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh Huỳnh Thành Lập nhấn mạnh, cần nói rõ cố tình không tố giác tội phạm, từ chối hoặc chậm trễ giúp đỡ nạn nhân, xử lý thông tin. Nếu cơ quan chức năng hoặc người có thẩm quyền nhận được tin báo liên quan đến mua bán người mà từ chối, chậm trễ giúp đỡ nạn nhân cũng là hành vi bị nghiêm cấm.

Về các hình thức hỗ trợ nạn nhân bị mua bán, các đại biểu cho rằng, đây là điều kiện hết sức cần thiết để nạn nhân sớm hòa nhập cộng đồng, tránh việc họ tiếp tục trở thành nạn nhân, đồng thời nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống mua bán người ở nước ta và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Theo đó, các hình thức hỗ trợ nạn nhân bị mua bán được dự thảo Luật quy định như hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại; hỗ trợ y tế; tâm lý; trợ giúp pháp lý; hỗ trợ học văn hóa, học nghề; trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn; đồng thời, xác định từng loại đối tượng được hưởng các chế độ hỗ trợ tùy theo điều kiện, hoàn cảnh cụ thể và nhu cầu cần được hỗ trợ của nạn nhân.

Lê Sơn

No comments:

Post a Comment