Thứ tư, 8/6/2011, 15:06 GMT+7
Ngoài hàng sản xuất trong nước, shop thời trang Cam999 trên phố Vĩnh Hồ (Hà Nội) còn nhập từ Thái Lan, Quảng Châu (Trung Quốc) về bán, Chị Thu Giang, quản lý cửa hàng cho hay quần áo "Made in Vietnam" bán chậm nhất.
"Hàng Thái và Quảng Châu trung bình một tháng nhập một lần, ngược lại hàng nội lại tồn đến hơn 30% kể từ tháng 4 đến nay vì giá quá cao", chị Giang cho hay.
Theo chị, chất lượng của hàng Việt Nam khá tốt, đường kim mũi chỉ đẹp nhưng giá cả lại đắt hơn 30-50% so với hàng nhập và mẫu mã không phong phú nên kén khách hơn. Chị Giang minh họa, nếu như một chiếc váy của Thái hoặc Quảng Châu chỉ có 80.000-200.000 đồng thì hàng Việt Nam lên đến 220.000-500.000 đồng. Trong khi đó, váy nhập có nhiều kiểu, màu sắc tươi tắn, cập nhật những xu hướng mới. Vải cũng có nhiều loại như tuýt xy, habutai, thô; chất liệu đa dạng như voan, tơ, cotton, đũi... còn hàng nội chủ yếu là chất cotton và mang phong cách cổ điển.
Lạm phát tăng cao, người tiêu dùng càng thắt chặt chi tiêu. Ảnh: Hoàng Lan |
Chị Lan Anh, một tín đồ mua sắm cho biết, chị thường ít khi chọn hàng Việt vì giá quá cao. "500.000 đồng khách hàng có thể mua được nhiều đồ như váy, áo, thắt lưng thay vì chỉ mua được một chiếc váy của VN trong giỏ hàng hóa", chị Lan Anh nói.
Câu chuyện hàng Việt Nam bị lép vế trên chính sân nhà đã được nhiều lần đề cập, nhưng lời giải cho bài toán vẫn còn bỏ ngỏ. Tại hội nghị đánh giá tình hình triển khai thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" tổ chức ngày 7/6 tại Hà Nội, bà Nông Thị Lâm, Trưởng ban chỉ đạo Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt tỉnh Lạng Sơn cho hay, khó khăn lớn nhất tỉnh đang phải đối mặt là cạnh tranh với hàng Trung Quốc.
Bà Lâm chia sẻ, Lạng Sơn giáp với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), tỉnh Lạng Sơn lại có 2 cửa khẩu quốc tế, 2 cửa khẩu quốc gia và 7 khu chợ nên rất thuận lợi cho việc buôn bán kinh doanh nhưng cũng chính là ưu thế để hàng Trung Quốc ùa vào.
"Hàng Trung Quốc giá rẻ, mẫu mã lại phong phú đa dạng về chủng loại đang tràn ngập thị trường Lạng Sơn lấn át các hàng hóa sản xuất nội địa của ta", bà Lâm phản ánh.
Ngoài ra theo bà Lâm, nhiều loại hàng hóa sản xuất trong nước không đảm bảo chất lượng so với thông tin quảng cáo của doanh nghiệp. Nhiều loại không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả có loại cao hơn hàng nhập khẩu nhưng chất lượng lại kém. Người tiêu dùng bị nhiễu thông tin và lúng túng trong việc lựa chọn sản phẩm Việt Nam và đây là nguyên nhân khiến họ không muốn dùng hàng nội địa.
Một lãnh đạo của Hiệp hội bán lẻ cũng thẳng thắn thừa nhận, thực tế rất khó bắt người Việt Nam yêu hàng Việt khi giá cả sản phẩm nội còn quá cao, nhất là trong thời kỳ lạm phát. Một số mặt hàng nội địa có giá cao hơn hàng nhập khẩu nên khách hàng sẽ chọn hàng rẻ trong bối cảnh thắt chặt chi tiêu. Ngay như thịt lợn, một sản phẩm có thế mạnh sản xuất trong nước, vẫn đắt hơn hàng đông lạnh nhập khẩu tới 30-40%
"Cứ bắt người Việt yêu hàng Việt nhưng thực tế nhiều hàng hóa nội địa cao gấp đôi hàng nhập khẩu thì làm sao người tiêu dùng yêu được", vị lãnh đạo chia sẻ.
Tốc độ tăng giá tiêu dùng tháng 5 đạt 2,21%, tuy chậm lại so với tháng trước nhưng vẫn góp phần đẩy chỉ số giá từ đầu năm đến nay vượt mốc 2 con số. Sau phiên họp thường kỳ vừa qua, Chính phủ cũng đã quyết định nới chỉ tiêu lạm phát lên 15% thay vì khoảng 7-8% như mục tiêu ban đầu.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhận định, trong bối cảnh lạm phát tăng cao, điện xăng dầu tăng giá khiến nguyên liệu đầu vào tăng cao nên doanh nghiệp nội chịu nhiều sức ép tăng giá. Giá cả tăng cao, kêu gọi người Việt dùng hàng Việt không đơn giản.
Ông Doanh cho biết, bản thân ông đã có cuộc trò chuyện với một số doanh nghiệp làm trong lĩnh vực công nghiệp nhẹ như may mặc và giấy. Đa số cho rằng, họ đang rất khó khăn. Doanh nghiệp điện tử thổ lộ, các linh kiện điện tử nhập khẩu áp thuế cao tới 15%-20% nên các đơn vị này thường hay lấy hàng lắp ráp từ Trung Quốc cho rẻ và họ chuyển thành khâu phân phối. Còn các đơn vị sản xuất giấy không ít đơn vị đã phải bán cổ phần cho các doanh nghiệp ngoại, không dám vay ngân hàng vì sợ lãi suất cao.
"Vận động người Việt Nam dùng hàng Việt Nam phải bắt đầu từ doanh nghiệp thay vì hô hào người dân, hàng Việt Nam phải đổi mới nhanh lên và giá phải hấp dẫn. Và để được như thế, Nhà nước phải có các chính sách hỗ trợ họ", ông Doanh nói.
Cuộc vận động "Người Việt dùng hàng Việt" được Bộ Chính trị phát động từ năm 2009. Theo báo cáo sơ kết một năm phát động cuộc vận động hồi tháng 2, trong 68 đợt bán hàng về nông thôn của một số tỉnh, thành phố doanh thu bán hàng hóa Việt Nam đã đạt 1.467 tỷ đồng. Tại TP HCM, hàng hóa sản xuất trong nước bày bán tại nhiều siêu thị chiếm tỷ lệ 95%. |
Hoàng Lan
No comments:
Post a Comment