Bộ Ngoại giao Việt Nam nói một tàu thăm dò dầu khí khác của Việt Nam thuê vừa bị tàu Trung Quốc phá hoại thiết bị, hai tuần sau vụ tàu Bình Minh 02.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Nguyễn Phương Nga, xác nhận trong buổi họp báo tại Hà Nội rằng sự kiện mới nhất xảy ra vào thứ Năm 09/06 lúc khoảng 6 giờ sáng giờ Việt Nam ở ngoài khơi Vũng Tàu.
Vị trí xảy ra sự việc là ở lô 136.03, tọa độ 6 độ 47.5 độ vĩ Bắc và 1090 độ 17,5 độ kinh Đông, mà bà Nga nói là "hoàn toàn nằm trong vùng kinh tế đặc quyền của Việt Nam".
Tàu Việt Nam bị phá hoại có tên là Viking 2, là tàu khảo sát địa chấn 3D do liên doanh CGG Veritas (Pháp) được Tổng công ty cổ phần Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PTSC) thuê.
Cũng chính tàu này, theo một số nguồn tin, đã bị tàu Trung Quốc quấy rối hôm 31/05 khi đang khảo sát cho tập đoàn Nhật Idemitsu tại lộ 05-1D trong khu vực gần mỏ Đại Hùng, cách Vũng Tàu khoảng 270km.
Sự việc hôm 31/05 không được nhắc tới nhiều vì không có thiệt hại về vật chất.
Theo truyền thông trong nước, sau đó vào ngày 07/06, tàu Viking 2 được đưa sang lô 136 để thực hiện công tác thu nổ địa chấn 3D cho công ty Talisman (Canada).
Tuy nhiên, trong vụ mới nhất vào sáng ngày 09/06, tàu cá của Trung Quốc mang số hiệu 6226 bị cáo buộc đã chạy với tốc độ cao ngang qua và phá hoại dây cáp thăm dò của Viking 2 "bằng thiết bị chuyên dụng", gây rối cáp khiến tàu này phải ngừng hoạt động.
Sau đó, theo người phát ngôn Việt Nam, hai tàu ngư chính Trung Quốc mang số hiệu 311 và 303 đã tiến vào giải cứu cho tàu này rút lui.
Bà Nguyễn Phương Nga tuyên bố: "Hành động nói trên của các tàu cá và tàu ngư chính Trung Quốc là hoàn toàn có chủ ý, được tính toán và chuẩn bị kỹ lưỡng, đã vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam, vi phạm Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)".
Người phát ngôn Việt Nam nói Việt Nam "phản đối mạnh mẽ việc làm nói trên của phía Trung Quốc; yêu cầu phía Trung Quốc xuất phát từ tầm cao chiến lược của quan hệ Việt – Trung, chấm dứt ngay và không để tái diễn mọi hành động vi phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia của Việt Nam trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, bồi thường thiệt hại đã gây ra cho Tập đoàn Dầu khí Việt Nam".
Đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam được biết đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để phản đối.
'Ngang nhiên và trắng trợn'
Đây là lần thứ hai trong vòng hai tuần tàu Trung Quốc bị cáo buộc phá hoại thiết bị của tàu thăm dò địa chấn dầu khí Việt Nam.
Trước đó, năm 2010, khi Việt Nam khảo sát để lập hồ sơ trình Liên Hiệp Quốc về thềm lục địa mở rộng, thì cũng bị tàu Trung Quốc cắt cáp thăm dò. Tuy nhiên vụ năm 2010 không được Việt Nam tuyên truyền rộng lúc đó vì nhiều lý do, mà một trong những lý do là không muốn ảnh hưởng quan hệ với Trung Quốc.
Trong vụ hôm 26/05/2011, tàu địa chấn Bình Minh 02 của PetroVietnam đang tiến hành khảo sát địa chấn tại khu vực các lô 125, 126, 148, 149 trên thềm lục địa miền Trung của Việt Nam thì bị ba tàu hải giám của Trung Quốc cắt cáp.
Sự việc xảy ra tại vùng biển miền Trung chỉ cách mũi Đại Lãnh của tỉnh Phú Yên 120 hải lý, mà PetroVietnam nói hoàn toàn trong thềm lục địa thuộc chủ quyền của Việt Nam.
PetroVietnam đã có cuộc họp gấp với báo chí về sự việc mà hãng này gọi là "hành động hết sức ngang ngược, vi phạm trắng trợn đối với quyền chủ quyền của Việt Nam, gây thiệt hại lớn về kinh tế và cản trở hoạt động của PetroVietnam".
Vụ tàu Bình Minh 02 đã gây chấn động dư luận, và vụ việc này cũng với một loạt các vụ tàu đánh cá của Việt Nam bị tàu Trung Quốc bắn hay truy đuổi trong thời gian gần đây đã dẫn tới hai cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh hôm Chủ nhật 05/06.
No comments:
Post a Comment