Monday, June 20, 2011

14/02 Kịch bản nào cho xây dựng cơ bản 2011?


Thứ Hai, 14/02/2011 | 09:51
Cho dù 2010 là một năm ngành GTVT đạt được mức giải ngân cao kỷ lục từ trước tới nay ở hầu hết các nguồn vốn, tuy nhiên thời điểm hiện nay, rất khó để có thể nhận định về kết quả của năm 2011.
Có 2 kịch bản có thể xảy ra. Một là nếu bơm đủ vốn, XDCB giao thông sẽ gặt hái được vụ mùa bội thu, còn tiếp tục thiếu vốn như những tháng cuối năm 2010 thì tình hình có thể chuyển sang chiều hướng ngược lại...
Nếu đủ vốn
Chưa bao giờ công tác XDCB ngành Giao thông lại có kết quả giải ngân tốt như năm 2010. Đây là điều không ai có thể phủ nhận và cho thấy XDCB giao thông đã vượt qua được giai đoạn khó khăn sau một thời gian dài khủng hoảng do vụ PMU 18, bão giá VLXD lịch sử 2007- 2008.
Theo báo cáo của Bộ GTVT, với nguồn vốn ngân sách Nhà nước, cả năm 2010, toàn Ngành thực hiện 12.585,5 tỷ đồng, đạt 191,4% kế hoạch; giải ngân 10.686,8 tỷ đồng, đạt 162,5% kế hoạch. Vốn nước ngoài thực hiện 8.767,8 tỷ đồng, đạt 287,7% kế hoạch, so với cùng kỳ năm trước tăng 63,3%; giải ngân 7.486,8 tỷ đồng, đạt 245,7% kế hoạch, so với cùng kỳ năm trước tăng 37,2%. Vốn đối ứng các dự án ODA thực hiện 2.588 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2009 tăng 25,3%; giải ngân 2.114 tỷ đồng tăng 16%.
Đối với nguồn trái phiếu Chính phủ, năm 2010 thực hiện 16.418,6 tỷ đồng tăng 19,1%; giải ngân đã hết kế hoạch giao 12.300 tỷ đồng, so với năm trước tăng 5,6%. Các dự án BOT, ứng ngân sách - bán quyền thu phí, dự án của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), cả năm 2010 khối lượng giải ngân đạt 7.558,1 tỷ đồng.
Nếu nguồn vốn năm 2011 được bơm đủ như kế hoạch của Bộ GTVT và các dự án đang triển khai thì không có lý do gì để ngành GTVT không gặt hái được một vụ mùa bội thu trong XDCB. Điều này không khó để lý giải bởi, với kết quả đáng khích lệ của năm 2010, các ban QLDA, nhà thầu và đơn vị chức năng trong ngành GTVT đang khí thế hừng hực để bước vào triển khai thực hiện nhiệm vụ trong năm mới.
Rất nhiều dự án chỉ chờ được cấp vốn là sẽ ồ ạt triển khai thi công đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân. Trong năm 2011, hàng loạt công trình giao thông lớn đang ở giai đoạn thi công nước rút, trong đó có thể kể đến như các tuyến cao tốc Cầu Giẽ- Ninh Bình, Nội Bài- Lào Cai, Hà Nội- Thái Nguyên, QL25, 279, 24, đường Hồ Chí Minh,... Một lý do khác cũng phải kể đến là nhiều khó khăn vướng mắc trong công tác XDCB đã từng bước được tháo gỡ, cơ chế chính sách phần nào thông thoáng hơn, khiến cho việc thực hiện và giải ngân của các dự án thuận lợi hơn trước rất nhiều.
Còn vốn thiếu...
Đây là điều không một ai trong ngành GTVT, đặc biệt những người gắn bó với XDCB mong muốn xảy ra. Tuy nhiên, đây lại là một thực tế đáng buồn đã diễn ra trong những tháng cuối năm của năm 2010, gây khó khăn và cản trở việc triển khai thi công của rất nhiều dự án.
Đáng nói hơn, theo dự báo của nhiều chuyên gia trong ngành GTVT, việc thiếu vốn của năm 2010 mới chỉ bắt đầu và nó sẽ còn diễn ra với mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn trong năm 2011. Do đó, năm nay công tác XDCB giao thông mới thực sự bị ảnh hưởng nặng nề bởi những hệ lụy từ việc vốn thiếu gây ra.
Thực tế, cho đến nay hầu hết các nguồn vốn đều khó khăn. Vốn ODA đã đến ngưỡng, đặc biệt khi Việt Nam đã trở thành nước có mức thu nhập trung bình. Vốn vay thương mại cũng gặp nhiều trở ngại bởi những quy định về nợ công, bảo lãnh vay và rất nhiều điều khoản ràng buộc.
Vốn ngân sách Nhà nước thì ngày càng hạn hẹp dần, còn vốn trái phiếu Chính phủ phát hành khó khăn hơn trước rất nhiều. Chính vì vậy, bài toán về vốn cho giao thông sẽ làm đau đầu các nhà quản lý không chỉ trong năm 2011 mà có thể còn nhiều năm sau đó.
Trong năm 2010 vừa qua, rất nhiều dự án giao thông lớn đã phải triển khai cầm chừng, các nhà thầu vừa làm vừa ngóng vốn, nếu tình trạng thiếu vốn tái diễn thì hàng loạt dự án khác trong năm nay cũng rơi vào tình cảnh trên. Nghiêm trọng hơn, theo dự báo của nhiều chuyên gia, hàng loạt các dự án không cấp bách có thể bị tạm ngưng vốn và dừng triển khai thi công để dành vốn cho những dự án cấp bách hơn.
Điều này sẽ gây ra những hệ lụy khó lường bởi khi đó nhiều nhà thầu sẽ không có việc, công nhân, máy móc ngồi chơi xơi nước, công tác XDCB của ngành GTVT sẽ không những không tăng trưởng mà sẽ tụt lùi và có thể bước vào giai đoạn khó khăn, khủng hoảng mới...
Đức Thắng
GIAO THÔNG VẬN TẢI

No comments:

Post a Comment