07:41 | 19/06/2011
Là một trong số những ĐBQH được xem là người cởi mở, thân thiện với báo chí, PHÓ CHỦ NHIỆM ỦY BAN VĂN HOÁ, GIÁO DỤC, TN, TN VÀ NĐ NGUYỄN MINH THUYẾT chân tình: giao tiếp với báo chí là một cách để đại biểu xuất hiện và xây dựng hình ảnh trước công chúng. Với cách tiếp cận, đưa tin của báo chí về hoạt động của QH và các ĐBQH như hiện nay thì người dân thấy gần với ĐBQH hơn, và ngược lại, ĐBQH cũng thấy gần với cử tri hơn, cảm nhận rõ hơn sự kiểm soát của cử tri đối với mình.
Báo chí là người bạn đồng hành
- Thưa Phó chủ nhiệm, trong tiến trình đổi mới của đất nước, các hoạt động của QH ngày càng công khai, dân chủ và gần gũi với người dân hơn. Mối quan hệ giữa ĐBQH với báo chí theo đó ngày càng cởi mở hơn. Ý kiến của Phó chủ nhiệm về mối quan hệ này như thế nào?
Báo chí là nguồn thông tin rất quan trọng đối với mọi người, nhất là đại biểu QH. Tôi không tưởng tượng được con người hiện đại sẽ sống như thế nào nếu vài ngày không có báo chí. Tôi càng không tưởng tưởng được một nhà hoạt động chính trị - xã hội, một ĐBQH sẽ làm việc như thế nào nếu không có báo chí. Trước đây, khi internet chưa phát triển thì mỗi khi tôi đi công tác nước ngoài một vài ngày, mặc dù có đọc tin tức của báo chí nước sở tại nhưng luôn cảm thấy đói tin trong nước. Khi mạng internet phát triển rộng rãi, tất cả tin tức đưa lên mạng rất kịp thời, ngồi đâu cũng truy cập được. Báo chí là nguồn thông tin để ĐBQH sống với thời sự hằng ngày của đất nước và quốc tế. Dĩ nhiên, ĐBQH không thể dựa hoàn toàn vào nguồn thông tin từ báo chí. Khi chọn lọc thông tin để đặt vấn đề bàn bạc tại QH thì trước hết ĐBQH phải đánh giá được mức độ quan trọng của thông tin do báo chí nêu ra đối với sự phát triển KT – XH của đất nước cũng như việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Từ khi tiến hành công cuộc đổi mới, nhất là từ năm 1994 - thời điểm UBTVQH quyết định tổ chức phát thanh và truyền hình trực tiếp các phiên chất vấn và trả lời chất vấn của QH – thì báo chí theo sát thời sự QH, phản ánh kịp thời cho nhân dân diễn biến của QH với cách đưa tin cụ thể, sinh động và đa dạng. Khác hẳn với thời kỳ trước: sau mỗi phiên họp của QH, chỉ có một bản tin của Thông tấn xã Việt Nam và Thông báo của Đoàn Thư ký Kỳ họp về các sự kiện diễn ra trong ngày; không trích đăng các ý kiến phát biểu của ĐBQH như bây giờ. Với cách thông tin như vậy, rõ ràng người dân không biết các ĐB được mình ủy nhiệm quyền quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước hoạt động thế nào. Đọc những bản tin chung chung, giống nhau ở hầu hết các mặt báo thì rất chán.
Với cách tiếp cận, đưa tin của báo chí về hoạt động của QH và các ĐBQH như hiện nay thì người dân thấy gần với ĐBQH hơn, và ngược lại, ĐBQH cũng thấy gần với cử tri hơn, cảm nhận rõ hơn sự kiểm soát của cử tri đối với mình.
- Báo chí là một kênh để đại biểu gần gũi với cử tri và được cử tri kiểm soát chắc hơn các hoạt động của đại biểu. Nhưng ở nước ta, dường như không nhiều ĐBQH thường xuyên giao tiếp với báo chí, thậm chí có ĐBQH thẳng thừng từ chối trả lời báo chí. Phó chủ nhiệm nhìn nhận như thế nào về hiện tượng này?
Theo quan sát của tôi, có ba dạng ĐBQH thường nhận được sự quan tâm của báo chí.Thứ nhất, ĐBQH là các vị lãnh đạo Trung ương và địa phương, nhất là các đại biểu đại diện cho các bộ, ngành, lĩnh vực có nội dung QH đang bàn thảo. Thứ hai là những đại biểu đặc biệt như: đại biểu trẻ nhất, đại biểu cao tuổi nhất, đại biểu là người dân tộc thiểu số, đại biểu là doanh nhân,… Và thứ ba, báo chí quan tâm đến những đại biểu có tiếng nói độc lập, suy nghĩ gần gũi với người dân – đây có lẽ là những ĐBQH duy trì được sự quan tâm nhiều nhất của báo chí.
Thực tế, đúng là số đông đại biểu của ta ít có nguyện vọng giao tiếp với báo chí. Mỗi đại biểu tùy cương vị công tác đều có lý do riêng để ngại giao tiếp thường xuyên với báo chí. Nhưng tôi cho rằng, số ĐBQH sẵn sàng giao tiếp với báo chí và tạo điều kiện để các nhà báo tác nghiệp ngày càng nhiều, nhất là những khóa QH gần đây, ĐBQH cởi mở với báo chí và có những ý kiến đáng chú ý.
- Bên cạnh những mặt tích cực của báo chí cũng có một số bài báo đưa những thông tin chưa chính xác hoặc trích dẫn không chuẩn ý kiến của ĐBQH. Phó chủ nhiệm đã bao giờ gặp phải tai nạn này chưa và quan điểm của Phó chủ nhiệm đối với những thông tin sai lệch về mình trên báo chí như thế nào?
Tôi được anh em báo chí xem là người cởi mở, thân thiện với báo chí, một phần có thể do tính tôi như vậy, nhưng phần quan trọng là do công việc đang đảm nhiệm. Là người được Ủy ban giao phụ trách mảng văn hóa – thông tin, tôi thấy mình có trách nhiệm cung cấp thông tin cho báo chí. Nhìn chung, hầu hết báo chí đều phản ánh chính xác ý kiến phát biểu của tôi, nhưng để tránh sai sót, tôi có nguyên tắc khi làm việc với báo chí là dứt khoát đề nghị xem lại bài báo trước khi đăng tải. Đây cũng là cách để bài báo hoàn chỉnh hơn và có tác dụng với dân hơn.
Còn về sự phiền hà? Cũng có một kỷ niệm tôi nhớ mãi, nhưng lỗi không phải ở anh em làm báo. Trong nhiệm kỳ QH Khóa XI, sau khi tôi chất vấn một vị Bộ trưởng, ra ngoài hành lang, có mấy nhà báo hỏi, tôi có hài lòng với phần trả lời của Bộ trưởng không và tại sao không truy vấn đến cùng? Lần đó, tôi có trả lời rất thực thà: Thứ nhất, còn nhiều người xếp hàng chờ chất vấn, tôi không thể kéo dài phần chất vấn của mình. Thứ hai, là nhà giáo, tôi chỉ hỏi đủ để chấm điểm. Sau khi bài báo được đăng tải, tôi được chất vấn ngay tại hội trường: Tại sao ĐB Thuyết lại nói chất vấn là để chấm điểm? Chất vấn là để xây dựng và thúc đẩy. Tôi cũng thành thực nêu cách hiểu của mình: Bên cạnh mục tiêu xây dựng và thúc đẩy thì chất vấn còn là dịp để người dân kiểm tra, đánh giá công việc của các bộ, ngành và trách nhiệm cá nhân người đứng đầu bộ, ngành.
Đây là sự cố liên quan đến báo chí trong hoạt động nghị trường của tôi. Nhưng sau này, tôi thấy báo chí sử dụng cụm từ “chấm điểm Bộ trưởng” khá phổ biến.
- Theo Phó chủ nhiệm, ĐBQH có nên cởi mở với báo chí không?
Dĩ nhiên là ĐBQH cần cởi mở với báo chí, sẵn sàng giúp đỡ báo chí. Vì đây là một kênh để đại biểu giao tiếp với cử tri. Đại biểu phát biểu ý kiến với báo chí có nghĩa là đại biểu đã góp phần tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Ví dụ, giải thích để cử tri biết QH dự kiến thông qua dự án luật này hay dự án, công trình kia thì lý do vì sao. Đây là việc làm rất tốt. Mặt khác, việc bày tỏ quan điểm, chính kiến với báo chí cũng là cách để đại biểu báo cáo kết quả hoạt động với cử tri. Nếu không, cử tri sẽ thấy rằng, bầu ông này làm ĐBQH như ném hòn sỏi xuống nước, 4 năm trời không biết ông ấy đi đâu, làm gì. Như vậy thì đâu có được.
- Phó chủ nhiệm nói gì nếu có ý kiến cho rằng, báo chí cũng là kênh để đại biểu trở nên nổi tiếng?
Giao tiếp với báo chí là một cách để đại biểu xuất hiện và xây dựng hình ảnh trước công chúng. Và xây dựng hình ảnh trước công chúng thì cũng phải xây dựng một cách thực thà. Không thể dùng các “chiêu” đánh bóng bản thân vì người dân rất tinh, một chút không thực cũng nhận ra ngay.
- Ở nước ngoài, đối với nghị sỹ, báo chí là người bạn. Còn ở nước ta thì sao, thưa Phó chủ nhiệm? Phó chủ nhiệm có thân với nhà báo, tờ báo nào không?
Nếu phải nêu tên các nhà báo hay tờ báo ruột thì… khó vì nhìn chung tôi thân với tất cả các nhà báo. Và ngược lại tôi thấy, anh em báo chí đều vui vẻ và quý mến tôi. Nhân đây, tôi xin cảm ơn các nhà báo đã thường xuyên cập nhật tới cử tri hoạt động của QH và các ĐBQH, trong đó có tôi. Cử tri biết đến ĐBQH là có sự chắp nối của báo chí.
Trong 9 năm hoạt động ở QH, tôi thấy báo chí là người bạn đồng hành, qua từng chặng đường. Trong chặng đường đó, vui là chính nhưng cũng có những lúc băn khoăn và buồn thì đều có sự chia sẻ của báo chí.
Khi vào QH, tôi không dự kiến sẽ có lúc trả lời báo chí nước ngoài
- Không chỉ cởi mở với báo chí trong nước, Phó chủ nhiệm dường như chưa bao giờ “nói không” với báo chí nước ngoài. Phó chủ nhiệm nói gì về điều này?
Khi vào QH, tôi không dự kiến sẽ có lúc trả lời báo chí nước ngoài. Thế nên, lần đầu tiên được phóng viên BBC gọi điện phỏng vấn ngay sau khi vừa rời nghị trường thì tôi rất bất ngờ. Nói thật là lúc đó, thoáng qua trong đầu tôi một câu hỏi: trả lời hay không trả lời? Cuối cùng, tôi quyết định trả lời và quyết định này chỉ diễn ra trong tích tắc. Không có lý gì một nghị sỹ Việt Nam lại ngại trả lời phỏng vấn của báo chí nước ngoài. Nếu không trả lời, có thể người ta hiểu sai về chế độ của mình, về quan điểm của mình đối với người Việt ở nước ngoài và giới báo chí nước ngoài. Điều này hoàn toàn không có lợi cho đường lối đối ngoại của đất nước.
Tôi cho là khi trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài, phải thể hiện đúng đường lối, chính sách, pháp luật, đồng thời ý kiến cần có nét đặc sắc riêng. Như thế mới đáp ứng yêu cầu. Nếu trả lời như nghị quyết hay văn kiện thì chắc là họ cũng không cần hỏi mình.
- Phó chủ nhiệm đã từng trả lời khá nhiều tờ báo nước ngoài như AFP, RFA, BBC… Tiếp xúc với báo chí nước ngoài có điểm gì khác so với báo chí trong nước hay không, thưa Phó chủ nhiệm?
Xin kể hai câu chuyện: vào khoảng đầu nhiệm kỳ Khóa XII, phóng viên BBC gọi điện hỏi tôi: vừa rồi, theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ Việt Nam, có vài trăm cán bộ ở trong ngành y tế và giáo dục không về hưu đúng tuổi mà tiếp tục ở lại làm việc, thậm chí còn làm quản lý? Việc này đúng hay sai? Ông đánh giá việc này thế nào?
Tôi trả lời: tôi chưa được đọc báo cáo của Thanh tra Chính phủ nhưng tôi có đọc báo chí Việt Nam và thấy sự việc đúng như ông nói. Theo tôi, việc này có nguyên do: theo quy định của Việt Nam thì những người có học hàm Giáo sư, Phó giáo sư và học vị Tiến sỹ khoa học, khi đến tuổi về hưu, có thể được giữ lại làm việc thêm một số năm. Giáo dục và y tế là hai lĩnh vực có nhiều người có học hàm, học vị cao nên có thể họ được giữ lại theo diện như vậy. Và giữ lại ở đây chỉ để làm nhiệm vụ chuyên môn, còn nếu tham gia quản lý thì không đúng.
Theo tôi biết, nhiều quan chức Việt Nam hiện nay đã lớn tuổi nhưng vẫn giữ những chức vụ cao, ví dụ Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Ông nói gì về điều này? - Phóng viên hỏi tiếp.
Tôi trả lời: theo tôi được biết, trên thế giới có hai loại nhân sự - một là chính khách và hai là công chức. Công chức khi đến tuổi sẽ phải về hưu, còn chính khách thì không nhất thiết. Ví dụ ông Mc Cain, khi ứng cử Tổng thống Mỹ, đã 71 tuổi. Còn ở Việt Nam, theo tôi được biết, các vị Ủy viên Bộ Chính trị 65 tuổi vẫn được tái cử. Riêng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, tôi được biết Ông mới có 59 tuổi, tức là còn kém tôi 1 tuổi.
Còn lần gần đây nhất trả lời báo chí nước ngoài là đêm trước ngày khai mạc Đại hội XI của Đảng, phóng viên Đài RFA có điện hỏi tôi: ngày mai khai mạc Đại hội XI của Đảng Cộng sản Việt Nam, được biết Ông có tham dự. Đề nghị Ông bình luận ý kiến của Ông Đinh Thế Huynh là: Việt Nam không cần đa đảng.
Trước câu hỏi khá bất ngờ và tế nhị như vậy, tôi nghĩ nhanh trong đầu, là đảng viên chắc chắn mình phải khẳng định Ông Huynh nói đúng. Nhưng nếu trả lời như vậy thì có lẽ người ta không cần đến mình. Tôi liền cười vui vẻ và trả lời: xin ông miễn cho tôi bình luận câu này vì giống như tôi là người đang có vợ, không thể bình luận về chế độ đa thê.
Bạn phóng viên cũng cười rất vui, rồi hỏi tiếp câu thứ hai: theo Ông, người dân trông chờ gì vào Đại hội Đảng?
Bạn phóng viên cũng cười rất vui, rồi hỏi tiếp câu thứ hai: theo Ông, người dân trông chờ gì vào Đại hội Đảng?
Thường mỗi dịp Đại hội có 2 việc chính mà người dân trông đợi - tôi trả lời - một là Đại hội định ra được đường lối phát triển đúng đắn để đưa đất nước tiến lên; hai là chọn được nhân sự có đức, có tài, đáp ứng yêu cầu thực hiện Nghị quyết của Đại hội.
Câu này có lẽ cũng không có vấn đề gì, nhưng câu hỏi thứ ba khá nhạy cảm: Hiện nay một số báo nước ngoài và một số trang mạng của Việt Nam đã đăng tên 4 vị lãnh đạo chủ chốt tương lai của Việt Nam. Ông bình luận gì về 4 vị này?
Tôi trả lời luôn: những tin tức ấy đều là những tin không chính thức, có thể rò rỉ từ nguyện vọng của ai đó. Còn quyền quyết định là của Đại hội.
Đối với báo chí nước ngoài, họ thường hỏi những câu khá tế nhị và hóc hiểm. Kinh nghiệm cho thấy, quan trọng nhất là phải có cách trả lời thuyết phục được người ta. Trong trường hợp họ hỏi những vấn đề liên quan đến chuyện QH đang bàn thì tốt nhất là trả lời đúng như ý kiến mình đã phát biểu công khai trên nghị trường.
- Nhân kỷ niệm 86 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam, Phó chủ nhiệm có điều gì muốn nhắn nhủ với giới báo chí…?
Báo chí là món ăn tinh thần của người dân. Chúc các bạn lúc nào cũng dọn được những món ăn ngon. Nếu mình làm những món ăn đơn điệu quá, đồng loạt quá thì thật khó để đáp ứng yêu cầu của người dân. Trong bối cảnh hiện nay, mạng internet cạnh tranh khá khốc liệt với báo in, nếu báo chí làm cho người dân đói thông tin hoặc chán những thông tin báo chí đưa ra thì điều này vừa không có lợi cho báo chí vừa không có lợi cho khâu tuyên truyền của Đảng, Nhà nước. Tôi rất mong các cơ quan chỉ đạo của Đảng, cơ quan quản lý Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để báo chí thực hiện được sứ mạng của mình.
Xin chúc báo chí, đặc biệt là Báo ĐBND, có nhiều đóng góp hơn nữa trong việc thúc đẩy hoạt động của các ĐBQH. Với riêng Báo ĐBND, một trong những nhiệm vụ của Báo là tập trung tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và phản ánh tình hình thực thi luật, nghị quyết của QH, pháp lệnh, nghị quyết của UBTVQH. Nói thực số lượng bạn đọc quan tâm đến các văn bản quy phạm pháp luật như vậy không nhiều. Do vậy, cần bù bằng cách nào đó để tờ báo của mình ngày càng hấp dẫn bạn đọc hơn, ngày càng nhiều người dân tìm đọc tờ báo của mình hơn.
Nhân dịp này, xin gửi lời cảm ơn đến các nhà báo, đặc biệt là các nhà báo của Báo ĐBND đã cộng tác chặt chẽ với tôi trong vai trò ĐBQH trong suốt hai nhiệm kỳ QH vừa qua. Chúc các nhà báo dồi dào sức lực, bút lực và hạnh phúc.
- Xin trân trọng cám ơn Phó chủ nhiệm!
T. Tâm thực hiện
No comments:
Post a Comment