Tuesday, July 5, 2011

05/07 Cuộc chạy đua giữa Ấn Độ và Trung Quốc

09:37-05/07/2011 
F.A.Z. 23.5. 2011
Erich Weede*
Trung Quốc (TQ) đã bỏ xa Ấn Độ về kinh tế và trong hai chục năm tới Ấn Độ hầu như không có cơ hội đuổi kịp TQ. Tuy nhiên sau đó là thời cơ để Ấn Độ vươn lên vì TQ bị già hóa và thiếu lực lượng trẻ.
Liệu trong tương lai gần Ấn Độ có đuổi kịp được TQ hay không? Ai có dịp chứng kiến tận mắt hai quốc gia này đều có thể  mạnh dạn trả lời  câu hỏi trên là “không”.  Tầu hỏa của Ấn Độ chạy ì ạch, nặng nhọc  đã vậy so với TQ thì tầu Ấn Độ rất không đúng giờ. Trong khi đó ở TQ trên một số tuyến đường người ta đã sử dụng những loại tầu hỏa có tốc độ cao hơn cả những con tầu ở Đức. Tình hình giao thông đường bộ cũng tương tự.  Ở Ấn Độ đường cao tốc đang ở diện quy hoạch trong khi đó ở TQ mọi sự đang diễn ra. Chỉ xét riêng về khâu hạ tầng cơ sở cũng thấy sự khác biệt rõ rệt  giữa hai quốc gia này.  

Quan sát sự phát triển kinh tế từ những năm tám mươi đến nay giữa hai nước này cũng có hình ảnh tương tự. Trong ba chục năm qua TQ có tốc độ phát triển nhanh hơn Ấn độ. Trong khi thu nhập bình quân đầu người ở TQ tăng gần tám lần thì ở Ấn Độ chỉ đạt khoảng hai lần.  Tại Ấn Độ có khoảng 10 triệu chỗ làm việc phục vụ công nghiệp xuất khẩu trong khi đó ở TQ con số này là trên 100 triệu. 

Ấn Độ tiến hành cải cách theo hướng kinh tế thị trường sau TQ. Nhưng điều quan trọng hơn là trong nhiều năm liên tục TQ đạt mức tăng trưởng xấp xỉ 10% một năm, mãi đến những năm gần đây Ấn Độ mới đạt được mức tăng trưởng như của TQ

Nhà nước Ấn Độ cạn tiền


Để có được sự tăng trưởng tuyệt vời như TQ, Ấn Độ phải nhanh chóng khắc phục những yếu kém về  hạ tầng cơ sở.  Nhưng nhà nước Ấn Độ lại không có tiền. Không chỉ nhà nước trung ương mà cả các bang, các địa phương ở Ấn Độ đều lâm vào tình trạng  thâm hụt ngân sách và nợ nần. Về nguyên tắc thì việc đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở có thể dựa vào nguồn vốn của nước ngoài, nhưng để làm được việc đó thì Ấn Độ còn phải khẩn trương  thay đổi cả về chính sách cũng như giảm tệ quan liêu.  

Hệ thống pháp luật, nền dân chủ, tiếng Anh và vấn đề nhân khẩu học

Khi xem xét các yếu tố lợi thế tiềm ẩn của Ấn Độ so với TQ người ta thấy có bốn yếu tố nổi bật: di sản của hệ thống pháp luật Anh quốc, nền dân chủ, tiếng Anh và sự phát triển nhân khẩu  học thuận lợi hơn.

Quyền tư hữu được bảo đảm và sự độc lập của tòa án,  tóm lại nhà nước pháp quyền, được coi là những điều kiện thể chế hóa không thể thiếu để phát triển kinh tế. Về điểm này Ấn Độ về cơ bản có lợi thế hơn so với TQ, nhưng cũng chỉ về cơ bản mà thôi. Ở cả hai quốc gia châu Á này đều có vấn nạn tham nhũng rất nặng nề. Tòa án Ấn Độ thường rất chậm chạp khi đưa ra các phán quyết đến mức bị coi như cố tình trì hoãn pháp lý. Sự can thiệp chính trị không chỉ diễn ra ở TQ mà cả ở Ấn Độ trong việc „bảo vệ pháp luật“ – với ý nghĩa bảo vệ trước luật pháp. Vì thế tự do báo chí ở Ấn Độ cũng chỉ là một lợi thế tiềm tàng. So với TQ thì vấn đề lạm dụng quyền lực ở Ấn Độ có thể bị chỉ trích một cách tự do  và công khai hơn. Nhưng cho đến nay không phải nhờ thế mà nhà nước và chính quyền  ở Ấn Độ trong sạch hơn.

Không nên coi dân chủ là một động lực phát triển hoặc kìm hãm phát triển. Qua các công trình nghiên cứu về kinh tế có thể thấy không có những khác biệt rõ rệt giữa dân chủ và chế độ độc tài đối với tốc độ phát triển. Trong khi các nền dân chủ thường có xu hướng đạt tốc độ trung bình về tăng trưởng như nền kinh tế thế giới  thì ở các nước chuyên chế thường có tốc độ  thấp hơn nhiều hoặc cao hơn nhiều so với bình quân  thế giới.  Lịch sử kinh tế nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa thể hiện rõ điều này. Dưới thời Mao Trạch Đông tăng trưởng kinh tế TQ  chậm hơn tăng trưởng của nền kinh tế thế giới. Sau cái gọi là „đại nhẩy vọt“ và chuyển các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp thành đại công xã  thường kèm theo cả lò cao ở nông thôn để đẩy mạnh công nghiệp hóa , từ đó theo các công trình nghiên cứu cũ đã có trên 30 triệu người bị chết đói và theo những tư liệu mới đây thì con số này lên tới 40 triệu người.

Dưới sự lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình và những người kế cận ông ta từ năm 1979 Trung Hoa đã tạo nên một sự thần kỳ về kinh tế. Nhưng cái „chuỗi may mắn“ nhờ có một chính phủ thành thục về kinh tế này liệu còn kéo dài được bao lâu nữa hay rồi đây  TQ lại rơi vào một ban lãnh đạo ôm ấp  những kế hoạch không tưởng?

Tiếng Anh và lao động trẻ

Còn về tiếng Anh, một ngôn ngữ về kinh tế và khoa học kỹ thuật mang tính toàn cầu, thì rõ ràng Ấn độ, một thuộc địa cũ của Anh, hiển nhiên có nhiều lợi thế hơn TQ. Giới tinh hoa Ấn Độ đều thông thạo tiếng Anh. Trong khi đó ở TQ ngay cả đến các giáo sự giảng dạy  về kinh tế và khoa học xã hội sự hiểu biết về tiếng Anh, đánh giá một cách lịch sự,  cũng chỉ ở mức „khiêm tốn“. Tuy vậy hiện có tình trạng suy giảm về trình độ sử dụng tiếng Anh trong công chúng Ấn độ. Trước đây vào những năm sáu mươi ở các thành phố lớn ở Ấn Độ không có chuyện lái xe tắc xi không biết tiếng Anh, ngày nay điều này có thể diễn ra. 

Nếu như Ấn Độ có chủ bài thì đó là lực lượng trẻ đông đảo ở nước này. Ở TQ dân chúng đang nhanh chóng già đi. Thực chất chính sách một con của TQ không dẫn đến tình trạng mỗi người phụ nữ không có quá một đứa con, nhưng trong thực tế tỷ suất sinh đẻ của TQ cũng tương đương như Đức , mỗi phụ nữ có khoảng  1,3 đứa con. Cho đến nay điều lạ lùng là chính phủ TQ vẫn kiên trì chính sách một con mặc dù chỉ khoảng hai thập niên nữa dân số TQ sẽ già đi một cách nhanh  chóng .  Dân TQ  trước khi trở nên giầu có thì đầu đã bạc, khác với  điều đã diễn ra ở châu Âu hay Nhật bản già nua. Vấn đề già nua lại càng bị trầm trọng hơn do tình trạng thiếu phụ nữ ở TQ. Khoảng  80 triệu đàn ông TQ sẽ không xây dựng nổi gia đình vì không kiếm được vợ. Đành rằng ở Ấn Độ cũng không có sự cân bằng  về tỷ lệ nam nữ, nhưng ở đây vấn đề này không đến mức quá nghiêm trọng.

Không ai có thể tin chắc  rằng, với những con át chủ bài cuả mình, trong tương lai gần Ấn Độ có thể đuổi kịp TQ. Tuy nhiên người ta có thể lưu ý rằng ngay cả ở hai nước này người ta chưa hiểu hết về những yếu tố có ý nghĩa quyết định đến tốc độ tăng trưởng mạnh như vũ bão của hai quốc gia này. Quyền sở hữu tư nhân ở TQ còn rất thiếu vững chắc vì vậy  tốc độ tăng trưởng cao diễn ra trong một thời gian dài không khỏi không gây ngạc nhiên. Phải chăng cuộc chạy đua dành các nhà đầu tư đã làm cho chính phủ trung ương và chính quyền ở địa phương phải làm ra bộ họ muốn tôn trọng sở hữu tư nhân như là  vốn sản xuất. Nhưng điều đó không có nghĩa là đã làm rõ được sư mâu thuẫn ở TQ giữa tăng trưởng và quyền sở hữu tư nhân không có gì bảo đảm. Điều xẩy ra ở Ấn Độ cũng thật ngạc nhiên, nhà nước Ấn thường bị thâm hụt ngân sách kinh niên, hạ tầng cơ sở kém phát triển và thị trường lao động vẫn bị điều tiết một cách thái quá nhưng trong những năm gần đây tỷ lệ tăng trưởng liên tục tăng. Trong hai thập niên tới Ấn Độ không thể có cơ may rút ngắn được khoảng cách với Trung quốc. Chỉ khi nào TQ mang khuôn mặt già nua khi đó vận may mới mỉm cười với Ấn độ.

Trung Quốc hay Ấn Độ

Trong thế kỷ 21 sẽ diễn ra cuộc chạy đua chiếm ngôi cường quốc kinh tế  hùng mạnh nhất thế giới giữa hai quốc gia có dân số hàng đầu thế giới là TQ và Ấn Độ.

Những cải cách ở TQ bắt đầu sau  khi ông Mao qua đời  vào năm  1976 và nền kinh tế bị tê liệt bắt đầu chuyển động và tăng tốc. Năm 1980 thu nhập bình quân của người TQ chỉ bằng già một nửa so với 
Ấn Độ. Cả hai nước đều rất nghèo.

Ngày nay Trung quốc đã vượt xa đối thủ Ấn độ: theo số liệu của IMF thu nhập bình quân đầu người của TQ đạt trên  7500 đôla, hơn gấp đôi so với Ấn độ, khoảng  3340 đôla. Trong khoảng nửa thập niên TQ có thể chiếm 18% tổng sản phẩm xã hội của toàn thế giới và vượt Hoa kỳ. Ấn Độ chỉ đạt khoảng  6 %  sản lượng thế giới.  Nhưng hiện đang có sự dịch chuyển về số dân: năm  1980 TQ có khoảng  1 tỷ dân và khi tăng lên đến 1,3 tỷ thì dừng lại. Trong khi đó dân số Ấn Độ tiếp tục tăng: nắm 1980 Ấn Độ có  700 triệu người nay đã lên đến 1,2 tỷ. 

Đến cuối thập niên này dân số Ấn Độ sẽ cao hơn dân số TQ  và Ấn Độ sẽ là nước đông dân nhất thế giới. Một số nhà nghiên cứu kinh tế cho rằng về lâu dài Ấn Độ có cơ hội  vượt TQ chủ yếu nhờ tăng trưởng dân số.

Jagdish Bhagwati giáo sư kinh tế tại đại học Princeton  cho rằng„ trong nhiều năm TQ đã có thể sử dụng đội quân thất nghiệp đông đảo theo kiểu Karl Marx để nhanh chóng đạt tăng trưởng, nhưng giờ đây lực lượng lao động trở nên khan hiếm và tiền lương tăng lên,  trong khi đó nguồn lao động của Ấn Độ vô cùng phong phú.“

Tuy nhiên theo Bhagwati  để đạt được thành tựu kinh tế lớn hơn Ấn Độ phải thực hiện cải cách: tư nhân hóa các doanh nghiệp nhà nước kém hiệu quả và thực hiện tự do hóa một cách toàn diện.

                                                                                                                      Xuân Hoài dịch

* Giáo sự xã hội học và khoa học chính trị tại ĐH tổng hợp Bonn và là chuyên gia về chính trị kinh tế học.

No comments:

Post a Comment