Cập nhật: 04:18 GMT - thứ tư, 27 tháng 7, 2011
Ông Nguyễn Tấn Dũng trở thành nhân vật được bàn tới nhiều nhất trong tuần này, khi các đại biểu Quốc hội khóa XIII trong phiên họp đầu tiên đã bầu chọn ông tiếp tục giữ chức thủ tướng.
Các bài liên quan
Hãng thông tấn Pháp Agence-France Presse nhân dịp này có bài nói về sự nghiệp lãnh đạo của người mà hãng này gọi là 'vị thủ tướng đầy tham vọng' của Việt Nam.
BBCVietnamese.com xin giới thiệu cùng quý vị.
Bài báo của hãng thông tấn Pháp nhận định: "Được xem như một nhà lãnh đạo sắc sảo, người đã hiện đại hóa Đảng Cộng sản Việt Nam, ông Nguyễn Tấn Dũng đang nổi lên như chính trị gia quyền lực nhất nước".
Ông Dũng, 61 tuổi, cựu thống đốc ngân hàng nhà nước, đã phát triển mối quan hệ thân cận với tầng lớp doanh gia hàng đầu đất nước và đưa Việt Nam tiến theo con đường mở cửa về kinh tế nhưng không nơi lỏng vòng kiềm soát nhân quyền và các quyền tự do dân chủ.
Benoit de Treglode, chuyên gia Việt Nam tại Viện nghiên cứu Đông Nam Á Hiện đại trụ sở ở Bangkok, nhận xét: "Ông Nguyễn Tấn Dũng là chính trị gia hiện đại đầu tiên của Việt Nam, theo nghĩa châu Á của từ này."
Ông de Treglode coi ông Dũng như nhân vật theo mẫu hình Lý Quang Diệu, người đã hiện đại hóa đất nước Singapore.
Đã định trước
Việc tái bổ nhiệm ông Nguyễn Tấn Dũng vào vị trí thủ tướng thực tế đã được quyết định từ Đại hội Đảng XI hồi tháng 1/2011.
Ông de Treglode nói ông Dũng đã rất thành công trong việc thu tập giới kinh doanh trong nước xung quanh ông, và khá hơn những người tiền nhiệm trong đối thoại với bên ngoài.
Trong nhiệm kỳ đầu của ông, bắt đầu từ năm 2006, Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và tăng cường quan hệ kinh tế-thương mại với Hoa Kỳ, một phần vì căng thẳng gia tăng giữa Bắc Kinh và Hà Nội.
Thế nhưng trong nhiệm kỳ của ông, hồ sơ nhân quyền của Việt Nam cũng đầy các vết đen và giới đấu tranh dân chủ cho rằng chính quyền sẽ tiếp tục thắt chặt trấn áp các hoạt động dân chủ vì lo ngại bất ổn như đã từng xảy ra tại các nước Trung Đông và Bắc Á, bắt nguồn từ bức xúc về kinh tế.
Một nguồn tin trong Đảng Cộng sản Việt Nam mô tả ông Nguyễn Tấn Dũng là "nhân vật gây chú ý", đồng thời là vị lãnh đạo tham vọng nhất mà ông từng biết.
Sinh ngày 17/11/1949 tại tỉnh Cà Mau, ông Dũng có 20 năm phục vụ trong quân đội, chủ yếu là trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ.
Sau khi giải ngũ năm 1981, ông học luật và chính trị tại Trường Đảng Cao cấp Nguyễn Ái Quốc, sau đó kinh qua nhiều chức vụ về Đảng ở miền Nam.
Ông Nguyễn Tấn Dũng lên khá nhanh dưới thời ông Võ Văn Kiệt, người được cho là kiến trúc sư của công cuộc đổi mới ở trong nước, bắt đầu từ cuối thập kỷ 1980.
"Bộ tam các ông Sang-Dũng-Trọng là thắng lợi chính trị cho ông Nguyễn Tấn Dũng. Nay ông Dũng không cần ai nữa."
Benoit de Treglode, chuyên gia về Việt Nam
Khi làm thủ tướng, ông Kiệt đã điều chuyển ông Dũng về Hà Nội, nơi ông trở thành thứ trưởng Bộ Nội vụ (Công an) năm 1995.
Một năm sau đó, ông Dũng trở thành ủy viên trẻ nhất trong Bộ Chính trị Đảng CSVN.
Philippe Papin, sử gia chuyên về Việt Nam tại l'Ecole Pratique des Hautes Etudes ở Paris, nhận xét: "Ông Dũng mang lại niềm hy vọng lớn vì ông là người miền Nam, ông còn khá trẻ và quan hệ gần cận với ông Võ Văn Kiệt".
"Ngày nay rõ ràng ông không còn được kỳ vọng nhiều như trước nữa."
Dự án bauxite
Năm ngoái ông Nguyễn Tấn Dũng đã chịu nhiều chỉ trích ở trong Đảng vì liên quan tới các dự án khai thác bauxite có đầu tư của Trung Quốc và nợ nần của Tập đoàn Tàu thủy Vinashin. Ông cũng bị cáo buộc đã chống tham nhũng không thành công.
Trước Đại hội Đảng, ông Dũng đã phải đối diện với thách thức mạnh mẽ từ đối thủ lâu năm của ông là ông Trương Tấn Sang, thế nhưng giới phân tích cho rằng ông đã vượt qua nhờ tài vận dụng hệ thống nội bộ Đảng.
Ông Dũng tái đắc cử vào Bộ Chính trị nhờ ủng hộ của ngành an ninh và quốc phòng.
Một quan chức ngoại giao châu Á, đề nghị giấu tên, nói với AFP rằng vị trí của ông Dũng nay càng được củng cố.
"Nếu như hồi tháng 12 mà người ta hỏi tôi thì câu trả lời của tôi không được chắn chắn như bây giờ."
Hôm thứ Bảy tuần trước, đồng minh của ông Dũng là ông Nguyễn Sinh Hùng đã được bầu làm chủ tịch Quốc hội. Điều này giúp tăng thêm ủng hộ cho ông Nguyễn Tấn Dũng.
Trong khi đó, đối thủ của ông - ông Trương Tấn Sang, được bầu chọn là chủ tịch nước, vị trí được đánh giá là mang tính biểu tượng nhiều hơn là thực quyền.
Một nhân vật lãnh đạo hàng đầu khác, ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí Thư Đảng CSVN, không được coi như thách thức chính trị gì quá lớn đối với ông Dũng.
Chuyên gia về Việt Nam Benoit de Treglode nhận xét: "Bộ tam các ông Sang-Dũng-Trọng là thắng lợi chính trị cho ông Nguyễn Tấn Dũng".
"Nay ông Dũng không cần ai nữa."
No comments:
Post a Comment