Thống đốc Nguyễn Văn Giàu sắp nhận nhiệm vụ mới. Ảnh: Nhật Minh |
Theo đề cử của Quốc hội chiều 27/7, ông Giàu sẽ đảm nhận công việc Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, nơi ông có thể tiếp tục vận dụng kinh nghiệm 4 năm làm Thống đốc cũng như hàng chục năm làm trong lĩnh vực ngân hàng để thực hiện trách nhiệm giám sát của Quốc hội đối với các vấn đề kinh tế, tiền tệ và ngân hàng.
Nhiệm kỳ thống đốc Ngân hàng Nhà nước của ông Giàu bắt đầu từ tháng 8/2007, khi nền kinh tế đang thăng hoa nhờ những hiệu ứng của giai đoạn đầu gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nhưng cũng đầu tiềm ẩn một số nguy cơ từ sự tăng trưởng nóng. 4 năm ông đảm đương vai trò điều tiết luồng tiền của nền kinh tế, cũng là thời gian kinh tế Việt Nam trải qua đủ các trạng thái “nóng - lạnh”, tăng trưởng cao, lạm phát, rồi suy giảm kinh tế, khủng hoảng tài chính, kinh tế toàn cầu …
Dấu ấn lớn trong nhiệm kỳ Thống đốc của ông Giàu chính là cú hãm phanh phong trào lập ngân hàng vốn đã nở rộ từ 2006. Quyết định dừng cấp phép mới được đưa ra khi cơn sốt cổ phiếu "vua" này đang ở đỉnh điểm, hơn 20 hồ sơ xin lập ngân hàng vẫn đang chờ phê duyệt.
"Với quy mô kinh tế Việt Nam hiện nay, việc thành lập quá nhiều ngân hàng thương mại không phải là phương án tốt, thậm chí còn rủi ro rất lớn cho toàn hệ thống", ông lý giải cho quyết định của mình.
Năm 2009, ngành ngân hàng cũng đóng vai trò quan trọng trong chương trình kích cầu lãi suất, đẩy mạnh bơm vốn ưu đãi cho doanh nghiệp, giúp kinh tế vượt qua cuộc suy thoái thế kỷ. Là một trong những "tác giả" của gói kích thích chưa có tiền lệ này, ông Giàu cũng là người kịp thời đề nghị dừng hỗ trợ lãi suất khi nhận thấy nền kinh tế đã có thể tự phục hồi mà không cần thêm "thuốc bổ".
"Tôi muốn cảm ơn toàn ngành ngân hàng đã cùng tôi vượt qua khó khăn, khắc nghiệt của những năm qua", ông nói.
Trong nhiệm kỳ của mình, ông Giàu được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Thống đốc của cả 3 tổ chức đa phương quyền lực nhất thế giới trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng là Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Năm 2009, ông làm Chủ tịch Hội đồng Thống đốc và điều hành hội nghị thường niên của WB và IMF tại Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 2011 Việt Nam chọn đăng cai Hội nghị thường niên ADB đầu tiên tại Việt Nam. Ông Giàu cũng giữ vai trò Chủ tịch Hội đồng Thống đốc ADB và điều hành các cuộc họp quan trọng của Hội nghị.
Theo phân công của Quốc hội, Ủy ban Kinh tế là cơ quan chịu trách nhiệm thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh về quản lý kinh tế, tiền tệ, ngân hàng, các hoạt động kinh doanh nói chung. Ủy ban Kinh tế cũng là cơ quan chủ trì thẩm tra chương trình, dự án, kế hoạch nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội...
"Dù ở cương vị nào, tôi cũng sẽ cố gắng hết mình, làm tròn trách nhiệm được giao, vì sự phồn vinh của đất nước và đáp ứng lòng mong mỏi của cử tri", ông Giàu tâm sự với VnExpress.
Trước khi được bổ nhiệm làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, ông Giàu từng là Phó thống đốc Ngân hàng Nước, Bí thư tỉnh ủy và Chủ tịch tỉnh Ninh Thuận.
Theo Vexp
No comments:
Post a Comment