Saturday, September 24, 2011

24/09 Người anh hùng làng chài - Kỳ cuối: Sống trong lòng dân


Thứ Bảy, 24/09/2011, 04:11 (GMT+7)

TT - 1.Ông Bùi Văn Thạnh, nguyên giám đốc Sở Văn - hóa thông tin tỉnh Kiên Giang, trong một bài viết về vụ Nguyễn Trung Trực đã bày tỏ niềm tin vào truyền ngôn về những ngày cuối cùng của cụ ở Phú Quốc: “Gặp phải lúc gian nguy, khó lòng địch nổi với giặc, cụ Nguyễn gom mọi người lại bảo: Ta tổ chức mọi người đi đánh giặc, giờ ta cho phép mọi người được tự do về với gia đình, còn ta quyết sống chết với quân thù một trận cuối cùng.
Ta không thể vì lý do gì mà đầu hàng quân giặc, ai cùng lòng với ta thì hãy xách gươm đứng dậy, chúng ta đi”. Số nghĩa quân còn khỏe mạnh sau trận ác chiến ở bến đồn không quá 20 người, tất cả cùng đi với cụ. Trong trận chiến đấu này cụ tả xung hữu đột, chặt biết bao đầu giặc, cuối cùng cụ bị thương nặng, bất tỉnh, bị giặc bắt...”.
Lễ giỗ cụ Nguyễn Trung Trực tại TP Rạch Giá là ngày hội lớn của người dân miền Tây - nh: Tấn Thái
Trong khi đó ông Trần Lam, người cũng từng là giám đốc Sở Văn hóa - thông tin tỉnh Kiên Giang, trước khi về làm phó chủ tịch tỉnh, có cách lý giải khác: Khi đối phương dùng thủ đoạn bắt, giết hại dần những người dân Phú Quốc để buộc cụ xuất hiện, cụ Nguyễn Trung Trực đã chủ động ra đối mặt với kẻ thù. Đối mặt chứ không phải “nạp mình”, không phải “ra hàng” để cầu sự sống cho riêng mình.
Đó là thái độ của người quân tử, dám chịu trách nhiệm, dám đối mặt với kẻ thù để dùng cái chết của mình khích lệ tinh thần nhân dân. Những câu nói bất hủ của cụ khi đối mặt với kẻ thù ở khám lớn Sài Gòn, thái độ hiên ngang của cụ khi ra pháp trường ở Rạch Giá chẳng phải đã chứng minh cụ đã thắng kẻ thù trong trận chiến cuối cùng đó sao!
Một nhà nghiên cứu lịch sử ở Kiên Giang khi nghe chuyện này đã nói: “Nghĩ kỹ hai cách nhìn khác nhau, nhưng cùng xuất phát từ tình cảm hậu thế dành cho người anh hùng: chỉ biết kính phục, chỉ biết ngợi ca, chỉ biết noi gương ông”.
Ở đồng bằng sông Cửu Long, ngoài đình Nguyễn Trung Trực (TP Rạch Giá) là nơi tổ chức cúng giỗ quy mô lớn nhất vào ba ngày (26 đến 28-8 âm lịch), tại nhiều địa phương thuộc các tỉnh An Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau cũng có nhiều đình, đền thờ tổ chức cúng giỗ cụ Nguyễn Trung Trực, nhưng vào các ngày 12-9 và 16 đến 17-10 (âm lịch). Việc cúng giỗ khác ngày vì các nơi chưa thống nhất ngày ông mất theo âm lịch (ngoại trừ 10-3 là ngày ông ra đi cứu nước).
2. Trung tâm TP Rạch Giá có tượng đài Nguyễn Trung Trực và công viên mang tên cụ. Lúc 4-5 giờ sáng, mấy ông bà lão đến dâng hương trước khi đi thể dục. Các chị bán hàng ở đường Duy Tân, Huỳnh Tịnh Của, Đinh Tiên Hoàng, Hùng Vương... dù bận cỡ nào cũng ghé qua bày đĩa trái cây, cắm mấy cành hoa tươi trước khi dọn hàng. “Sắp tới giỗ cụ rồi, tui tính chiều nay về sớm vô đình coi đồ ăn, thức uống cái gì còn thiếu để góp thêm một tay cùng bà con” - chị Hoa, bán trái cây bên Trung tâm thương mại Rạch Giá, nói.
Nắng lên, khách du lịch, vãng lai ngày một đông, xếp thành vòng cung trước bàn thờ khói hương nghi ngút. Trưa, mấy chiếc xe 15, 24 chỗ mang biển số nhiều nơi trong mọi miền đất nước đến đỗ ở đầu công viên, thả khách lên viếng cụ. Cứ thế hôm nào cũng vậy, từ rạng sáng tới 20-21g đêm không lúc nào ngớt người đến viếng, thành kính dâng hương trước tượng đài cụ.
Cách đó non cây số, cạnh trụ sở UBND tỉnh Kiên Giang, đình Nguyễn Trung Trực còn rộn rịp gấp mấy lần. Theo các kỳ lão trong ban bảo vệ đình, ngôi đình này có trước năm 1852, ban đầu thờ Nam Hải đại tướng quân (cá voi). Khi cụ Nguyễn Trung Trực hi sinh, trong tình thế bị Pháp khủng bố, ngăn cấm, người dân không thể thờ công khai nên đã lén đưa linh vị ông vào thờ cùng thần Nam Hải.
Một chi tiết thú vị là trong khi Pháp ra sức trấn áp các cuộc khởi nghĩa và lòng dân tưởng nhớ cụ Nguyễn, có một viên chức người Pháp tên là Le Nestour làm việc tại Sở Thương chánh tỉnh Rạch Giá, đóng gần đình Nam Hải, tỏ ra rất mến mộ cụ Nguyễn Trung Trực. Năm 1881, khi nghe ban hương chức làng bàn định việc xây dựng lại ngôi đình để thờ Nguyễn Trung Trực và thần Nam Hải, Le Nestour liền hưởng ứng bằng cách đóng góp nhiều tài vật và tham gia ban xây dựng đình. Đến năm 1964, đình được đại tu xây dựng lần thứ hai và chính thức lấy tên “Đình thờ Nguyễn Trung Trực”.
Lần này có hai người mang họ Nguyễn là kiến trúc sư tài ba Nguyễn Văn Lợi và thầu khoán Nguyễn Văn Vui vì kính phục cụ Nguyễn mà bỏ công sức vô góp với dân. Về sau đình không chỉ thờ tự vị anh hùng dân tộc, mà còn tổ chức khám chữa bệnh miễn phí cho người nghèo ở các tỉnh miền Tây. Từ sáng đến đêm, đình không lúc nào ngớt người đến dâng hương và trị bệnh.
3. Mấy hôm nay ông Bùi Văn Thành (Ba Thành, trưởng tiểu ban y tế - xã hội, ban bảo vệ đình Nguyễn Trung Trực) tất bật lo việc tiếp nhận củi, gạo, rau quả, đậu hũ do người dân các nơi mang đến chuẩn bị các buổi cơm chay phục vụ khách thập phương trong ba ngày lễ (23 đến 25-9). “Năm ngoái bà con mang tới 71.200kg gạo, 229.660kg rau quả các loại, 7.012kg đậu nành, 1.250 cây nước đá, 1.352m2 củi, 300 bao trấu... Nhờ đó đã có đủ thực phẩm làm cơm tiếp đãi hơn 700.000 lượt khách đến dâng hương cụ Nguyễn” - ông Ba Thành cho hay.
Đáng chú ý nhất là xưa nay lễ giỗ anh hùng Nguyễn Trung Trực đều do nhân dân đóng góp và tổ chức. Tất cả là sản phẩm “cây nhà lá vườn”, ai có gì mang nấy. Hôm chúng tôi đến, còn hơn tuần nữa mới vào chính giỗ, đã thấy mấy gia đình từ Ba Thê (xã Mỹ Luông, huyện Chợ Mới, An Giang) chạy ghe cả nửa ngày đường, mang theo giạ gạo và mấy mụt măng vừa xắn trong vườn sang góp vào bếp ăn của đình. Một học sinh mặc đồng phục Trường THPT Nguyễn Trung Trực (TP Rạch Giá) chở đến bao đậu nành to bằng cái cặp, thưa: “Mẹ con gửi cúng ông cố”, rồi đạp xe đi vội... Người này đi, người khác tới, kho thực phẩm dành cho ngày giỗ cụ Nguyễn cứ đầy dần lên.
Dù ai buôn bán gần xa
Ngày giỗ cụ Nguyễn thì ta cứ về
Hằng năm, mấy trăm ngàn lượt người tựu về trong ba ngày lễ mà không phải lo chi chỗ ăn, chỗ ở. Ăn thì đã có gần 5.000 công quả (người phục vụ trong đình) lo. Ở thì cứ mái hiên, sân đình, hoặc ngay trên ghe đậu ở sông Kiên và mé biển Rạch Giá - nơi ngày xưa cụ Nguyễn hội quân tập kích Kiên Giang thành. Có thể nhiều người không quá khó khăn để tìm cho mình một bữa ăn, một chỗ nghỉ tốt hơn ở chợ Rạch Giá. Nhưng mọi người đến với cụ Nguyễn là đến bằng tấm lòng, ví như ở xa lâu ngày mới về thăm viếng ông bà mình vậy, nên không ai muốn phải rời xa phạm vi ngôi đình thờ tự cụ.
“Bây giờ ở miền Tây rất nhiều gia đình treo ảnh cụ Nguyễn Trung Trực cạnh bàn thờ gia tiên, coi cụ như một thành viên cửu huyền thất tổ của mình. Trong tâm thức của nhiều người, cụ đã hóa thần, vị thần luôn phù trợ, mang đến điều lành cho mọi người” - nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hữu Hiệp (An Giang) nói. Cụ đã chính là một phần trong tâm thức của người Việt vậy!
TẤN ĐỨC
__________
Tin bài liên quan:

No comments:

Post a Comment