07:26 | 25/09/2011
Hội thảo điều hành xăng dầu theo cơ chế thị trường, do Bộ Tài chính tổ chức, đã thu hút dư luận cả nước quan tâm. Tại Hội thảo này đã có những tranh luận khá thẳng thắn về vấn đề lỗ, lãi của các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu. Ngay sau đó, Bộ Tài chính lập các đoàn kiểm tra để làm rõ hạch toán kinh doanh của các doanh nghiệp xăng dầu. Quyết tâm mạnh mẽ ấy như một trang mới trong điều hành xăng dầu mở ra với sự minh bạch, bảo đảm lợi ích giữa Nhà nước – doanh nghiệp – người dân.
Việc lập đoàn kiểm tra để thanh – kiểm tra các doanh nghiệp xăng dầu đầu mối cho thấy quyết tâm của Bộ Tài chính trong việc giải quyết nút thắt nhức nhối nhất trong vấn đề này. Đó là sự thiếu minh bạch, tù mù trong quản lý, kinh doanh xăng dầu. Tất cả các yếu tố giá vốn các mặt hàng xăng dầu tồn kho, giá nhập khẩu, các khoản chi phí thực tế liên quan đến kinh doanh xăng dầu, việc chấp hành các quy định về trích và sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đều sẽ được Bộ Tài chính mổ xẻ và công khai. Một khi những khoản chi phí được làm rõ, người tiêu dùng sẽ không khó khăn gì việc chấp nhận giá lên, giá xuống theo thị trường.
Đứng ở vị trí của người tiêu dùng, và cũng là một chuyên gia kinh tế, tiến sỹ Nguyễn Minh Phong cho rằng, cách tính toán giá cả như hiện nay khiến doanh nghiệp luôn kêu ca lỗ, dù chưa chắc đã lỗ. Đặc biệt là việc trích lập quỹ hay tính giá cơ sở như hiện nay đã khiến doanh nghiệp chỉ cần sử dụng một vài mẹo kế toán là có thể gian lận. Điều này khiến doanh nghiệp có những khoản thu ngầm lớn, và lợi ích phân bổ không minh bạch. Trong khi đó, doanh nghiệp vẫn có thể tạo sức ép tăng giá khi còn độc quyền phân phối hàng hóa.
Có thể thấy, suốt một thời gian dài qua, việc điều hành giá xăng dầu đôi khi chạy theo doanh nghiệp đầu mối. Tại sao lại như vậy? Chính là bởi cơ quan chức năng không nắm được các ngóc ngách, phức tạp trong kinh doanh xăng dầu, nên Nhà nước cũng không nắm được hạch toán của doanh nghiệp. Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, làm đến cùng để minh bạch thị trường, sẽ khắc phục được điểm yếu này. Và Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ khẳng định, sẽ truy đến cùng các tổng giám đốc, lỗ là lỗ thế nào, lỗ là lỗ so với cái gì. Bộ Tài chính hiện có số liệu đầy đủ và sẽ có phúc tra, công bố. Nhà nước và người tiêu dùng sẵn sàng chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp đầu mối, nếu đó là lỗ do khách quan. Nhưng sẽ không chấp nhận bất kỳ khoản chi phí nào, khoản nào là lỗi chủ quan.
Người tiêu dùng đã bày tỏ quan điểm thỏa mãn với sự cứng rắn, quyết tâm làm đến cùng lỗ lãi của doanh nghiệp. Nhất là từ thông điệp rõ ràng của Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ là đặt lợi ích quốc gia, lợi ích 80 triệu dân và hàng trăm nghìn doanh nghiệp lên trên lợi ích của 11 doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu. Sau cuộc kiểm tra của cơ quan chức năng có thể cơ chế điều hành giá xăng dầu có thể được bổ sung, sửa đổi. Nhưng có một cách làm khác sẽ ít tổn thương đến lợi ích giữa Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dung là phải minh bạch trong điều hành, quản lý.
Minh bạch cũng cần được làm rõ trong việc sử dụng quỹ bình ổn xăng dầu. Quỹ này chưa biết có tiếp tục tồn tại nữa hay không, nhưng rõ ràng nếu tồn tại cũng không nên để tiền của người tiêu dùng bỏ ra đóng góp lại do doanh nghiệp quản. Theo Cục trưởng Cục quản lý giá Bộ Tài chính Nguyễn Tiến Thỏa, tiền trong tay doanh nghiệp, nên lúc cần can thiệp sẽ khó đòi được. Bởi do doanh nghiệp có thể sử dụng khoản tiền này vào mục đích khác. Vì vậy, dù điều chỉnh quỹ bình ổn theo hướng nào, thì minh bạch vẫn phải được đặt lên hàng đầu. Hiện nay, việc sử dụng quỹ này đã được công bố đến người dân, nhưng chưa được thực hiện thường xuyên. Để bảo đảm minh bạch giá xăng dầu, doanh nghiệp cần công bố trong từng tháng hoặc trong giai đoạn, với đầy đủ thông tin như đã sử dụng bao nhiêu, lũy kế đóng bao nhiêu, còn bao nhiêu... Đó là điều chúng ta chưa làm tốt. Sau này, nếu quỹ bình ổn xăng dầu còn ở doanh nghiệp hay chuyển sang Kho bạc Nhà nước thì cũng phải minh bạch.
Gốc rễ của sự rắc rối trong quản lý, điều hành xăng dầu là sự độc quyền. Xóa bỏ sự độc quyền thì sự minh bạch cũng được nâng lên, khi nhiều doanh nghiệp cạnh tranh một cách bình đẳng và sòng phẳng với nhau. Một doanh nghiệp quá lớn, quá cồng kềnh thì chi phí quản lý, quản trị sẽ cao hơn so với những đơn vị gọn gàng hơn… Hơn thế, các đối thủ ngang tầm nhau, giống như lĩnh vực viễn thông, sẽ tạo cuộc đua cạnh tranh gay gắt, tiết giảm chi phí để bán được nhiều hàng nhất. Khi cấu trúc thị trường cạnh tranh được thiết lập, ắt sẽ có giá cả mang tính thị trường hơn.
Trắng đen về các khoản lãi, lỗ, các khoản chi phí của các doanh nghiệp chính sẽ được Bộ Tài chính kiểm tra làm rõ. Lúc đó, dư luận sẽ biết các doanh nghiệp đầu mối, mà đứng đầu là Tổng công ty xăng dầu Việt Nam, đã minh bạch, thắt chặt chi tiêu để chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng và nền kinh tế hay chưa. Làm rõ được như thế, dư luận sẽ khỏi bức xúc đặt những câu hỏi kiểu như, tại sao tăng giá từ đầu năm đến gần 5.000 đồng/lít xăng mà vừa rồi chỉ giảm có 500 đồng/lít? Hay tại sao một số doanh nghiệp chi trích quỹ bình ổn xăng dầu sai quy định mà người tiêu dùng không được rõ, trong khi rõ ràng đó là tiền của người tiêu dùng đóng góp…
Vũ Dũng
No comments:
Post a Comment