| ||||||
(MPI Portal) - Nhằm góp phần đánh giá thực trạng năng lực cạnh tranh của các loại hình doanh nghiệp Việt Nam sau 5 năm chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (2007 – 2012) từ đó đưa ra những giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của các loại hình doanh nghiệp trong quá trình phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế, sáng ngày 09/3, tại Hà Nội, Tạp chí Cộng sản phối hợp với Bộ Công Thương, Ủy ban Quốc gia về Hợp tác Kinh tế Quốc tế tổ chức hội thảo quốc gia “Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam sau 5 năm gia nhập WTO”.
Tham dự Hội thảo có Nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Khoan, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản PGS, TS Vũ Văn Phúc, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Cẩm Tú, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp đầu tư nước ngoài Nguyễn Mại cùng đại diện các Bộ, ngành liên quan, các doanh nghiệp và các cơ quan thông tấn báo chí.
Hội thảo tập trung thảo luận những nhóm vấn đề chính như quan điểm và chủ trương của Đảng về hội nhập quốc tế; về nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp; kinh nghiệm của các quốc gia đi trước, nhất là của các nước có điều kiện khá tương đồng với Việt Nam trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong tiến trình hội nhập quốc tế, đặc biệt sau khi gia nhập WTO; những thuận lợi, khó khăn, kinh nghiệm rút ra trong việc nâng cao năng lực cạnh tranh của các loại hình doanh nghiệp ở Việt Nam sau 5 năm gia nhập WTO; những kiến nghị, giải pháp nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các loại hình doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế, hội nhập quốc tế diễn ra sôi động…
Tại Hội thảo, PGS.TS Vũ Văn Phúc đã trình bày tham luận “Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam sau 5 năm gia nhập WTO”. Ông Phúc cho biết, Việt Nam chính thức gia nhập WTO từ ngày 11-01-2007, là thành viên thứ 150 của Tổ chức. Đây là sự kiện quan trọng, mang tính bước ngoặt trong tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam.
Trong 5 năm qua, mặc dù tình hình chính trị, kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, nền kinh tế trong nước phải khắc phục những yếu kém trong nước, mặt khác phải đối phó với những tác động bất lợi từ cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu nhưng Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, tốc độ tăng trưởng cao (bình quân 5 năm đạt 7%/năm), GDP năm 2011 đạt xấp xỉ 120 tỉ USD, gấp gần 2,3 lần năm 2006 (53 tỉ USD); GDP đầu người đạt trên 1.300 USD gấp hơn 2 lần năm 2006 (640 USD). Nước ta đã thoát khỏi tình trạng nước kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình, thị trường được mở rộng tới 149 nền kinh tế thành viên khác của WTO. Nếu năm 2007, kim ngạch xuất khẩu mới đạt 48,56 tỉ USD, thì đến năm 2011 con số đó đã là 96,3 tỉ USD, tăng hơn 2 lần.
Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là yếu tố đóng vai trò quyết định. Do đó, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp không còn là việc của riêng doanh nghiệp, mà đòi hỏi sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, sự ủng hộ, nỗ lực của các tổ chức ngành nghề và người lao động. Có nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp mới nâng cao được năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và của sản phẩm, người lao động có việc làm, thu nhập, tình hình phát triển kinh tế - xã hội đất nước ổn định.
Đánh giá một cách tổng thể, sau 5 năm gia nhập WTO, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam đã được cải thiện. Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, số lượng và chất lượng doanh nghiệp Việt Nam ngày càng được tăng lên. Tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu bình quân 5 năm 2007-2011 là 19,25%/năm, cao hơn mức 18,1%/năm của thời kỳ 5 năm 2001-2005 trước khi nước ta gia nhập WTO. Kim ngạch xuất khẩu bình quân theo đầu người năm 2010 đạt 914,4 USD/người so với 559,2 USD/người của năm 2006, tăng gấp gần 2 lần. Thị trường tiêu thụ hàng hóa của Việt Nam ngày càng được mở rộng, giá nhiều mặt hàng xuất khẩu cũng tăng hơn trước. Không chỉ tăng về lượng, mà cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam cũng có những thay đổi theo hướng tích cực. Có thêm nhiều mặt hàng xuất khẩu mới, như trái cây, hoa, rau... Quy mô thị trường cũng được mở rộng, đến năm 2010 đã có 19 thị trường Việt Nam xuất khẩu đạt từ 1 tỉ USD trở lên.
Tuy nhiên, để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là một công việc không đơn giản. Thực tế cho thấy, trong 5 năm qua, sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường thế giới chưa được cải thiện đáng kể, sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam sau 5 năm gia nhập WTO vẫn còn thấp, độ ổn định chưa cao. Đa số các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ, thị phần hạn hẹp, tiềm lực khoa học - công nghệ yếu, chưa có thương hiệu nổi tiếng; sản xuất hàng xuất khẩu chủ yếu làm gia công, nên phụ thuộc vào nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào; chất lượng nhân lực của doanh nghiệp Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu, tỷ lệ người lao động qua đào tạo thấp…
GS.TSKH Nguyễn Mại đã đề xuất một số giải pháp hữu hiệu nhằm nhanh chóng nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam: về phía nhà nước, cần đổi mới thể chế, xây dựng pháp luật để đáp ứng đòi hỏi của việc hình thành hành lang pháp lý nhất quán, thông thoáng, minh bạch, công khai, dễ dự báo, tạo môi trường thuận lợi hơn cho kinh doanh và đầu tư; Đổi mới chính sách kinh tế chuyển sang giai đoạn mới của sự nghiệp công nghiệp hóa cần đổi mới đồng bộ chính sách kinh tế để có thể hình thành đội ngũ doanh nghiệp có đủ năng lực cạnh tranh với các doanh nghiệp của những nước phát triển trong khu vực; Để doanh nghiệp Việt Nam hoạt động có hiệu quả ở nước ngoài cần có sự hỗ trợ của Nhà nước, cần hướng dẫn và hỗ trợ doanh nghiệp trong quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài.
Về phía doanh nghiệp, các doanh nghiệp cần có chiến lược kinh doanh với tầm nhìn trung và dài hạn dựa trên nghiên cứu thị trường và dự báo biến động thị trường; Ngoài ra doanh nghiệp cần xây dựng hình ảnh và thương hiệu, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp; Xây dựng quan hệ hợp tác giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước ngoài …
Các đại biểu tham dự hội thảo, các diễn giả trình bày tham luận, các chuyên gia và đại diện các doanh nghiệp đều có nhận định chung, để giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, trước hết cần có nhận thức đúng về năng lực cạnh tranh, cần tìm ra các giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp một cách bền vững, phải duy trì khả năng cạnh tranh lâu dài, liên tục cả hiện tại và tương lai. Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp phải được thực hiện đồng bộ nhiều khâu, nhiều yếu tố, song cần tập trung vào các khâu then chốt, có tính quyết định. Và đây không chỉ là nhiệm vụ của doanh nghiệp mà còn là nhiệm vụ của tất cả các cơ quan chính quyền các cấp và toàn xã hội, bởi nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là kết quả tổng hợp nhiều yếu tố và chịu sự tác động của nhiều nhân tố bên trong và bên ngoài doanh nghiệp.
Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp là nội dung quan trọng để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế nhanh, bền vững, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh./.
| ||||||
Tùng Linh Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư http://www.mpi.gov.vn/portal/page/portal/bkhdt/ptktxh/16872?p_page_id=412541&pers_id=353627&folder_id=411642&item_id=28668482&p_details=1 |
Friday, March 9, 2012
Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam sau 5 năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới
Labels:
MPI,
Nangluc canhtranh,
WTO
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment