Friday, March 9, 2012

Hành trình kêu oan của 3 thanh niên trong 'kỳ án hiếp dâm'


12/12/2011

10 năm ngồi tù bất ngờ được VKS đề nghị tòa tuyên vô tội, 3 thanh niên mang án hiếp dâm mừng khôn xiết. Gần 2 năm chờ đợi phán quyết, giờ họ sẽ bị bắt lại bất cứ lúc nào vì bản án giám đốc thẩm đã bác kháng nghị của VKS.
Không khí ảm đạm của 3 gia đình vụ 'kỳ án hiếp dâm'Quốc hội là cửa kêu oan cuối cùng trong 'kỳ án hiếp dâm'

Tối 24/10/2000, một vụ án cướp tài sản, hiếp dâm xảy ra ở Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội. Từ chiếc áo nghi của hung thủ vứt tại hiện trường, cơ quan chức năng cho rằng Nguyễn Đình Lợi, Nguyễn Đình Tình, Nguyễn Đình Kiên (ở Yên Nghĩa) là thủ phạm. Ngày 13/12/2000, Lợi, Tình, Kiên bị Công an tỉnh Hà Tây (cũ) bắt. Cơ quan điều tra xác định, 3 thanh niên đã bàn nhau đi trấn lột. Khi đến gần trạm bơm Yên Nghĩa, phát hiện đôi trai gái đang ngồi tâm sự, Lợi dùng dao gí vào cổ, khống chế người đàn ông kéo xuống mương, cướp tài sản. Sau đó, cả nhóm thay nhau hãm hiếp cô gái.
Đồng tình với cáo buộc trên, ngày 21/1/2002, TAND tỉnh Hà Tây (cũ) tuyên phạt Lợi 16 năm tù do được coi là người khởi xướng, đứng đầu. Tình nhận án 14 năm và Kiên khai báo thành khẩn và có đơn tự thú, nên chỉ bị phạt 11 năm.
Ngày 22/4/2002, sau 3 tháng phiên phúc thẩm được mở do có kháng cáo kêu oan của các bị cáo. Bản án do thẩm phán Hoàng Thị Kim Oanh làm chủ tọa nhận định cấp sơ thẩm đã xử đúng người đúng tội và tuyên y án sơ thẩm. Khi biết bị bác kháng cáo kêu oan, 3 bị cáo đã nhất loạt xin lĩnh án tử hình. Trong thời gian ở tù, mỗi tháng Tình, Kiên, Lợi đều đặn viết 2-3 lá đơn kêu oan gửi đi các nơi và mòn mỏi chờ đợi...
Năm 2006, Lợi trong một lần bị bệnh đã được đưa điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Hà Đông và gặp bác sỹ Phạm Thị Hồng, Khoa phục hồi chức năng. Trong lúc trò chuyện, Lợi tâm sự về cuộc đời mình, về lý do vướng vòng lao lý... Nhưng nỗi lòng chưa được "trút" hết thì Lợi đã phải quay lại trại giam. Hai năm sau, Lợi phải tiếp tục vào viện và gặp lại vị bác sĩ này. Chắp nối những sự kiện, với kinh nghiệm nghề nghiệp, bà Hồng cho rằng Lợi chưa từng quan hệ tình dục với phụ nữ, vì vậy không có cơ sở để kết tội anh ta về việc hiếp dâm.
Với niềm tin Lợi "bị oan", suốt nhiều tháng (có lúc phải nghỉ làm) nữ bác sĩ cất công tìm lại bị hại, nhân chứng, xác định lại hiện trường, thời gian gây án... Suốt hơn một năm ròng rã, người đàn bà không thân quen với Lợi đã giúp phạm nhân này "gõ cửa" tới 36 cơ quan tìm lại công lý cho anh và 2 người bạn... Thông tin về vụ việc cuối cùng đã đến Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Ông yêu cầu VKSND Tối cao xem xét lại và báo cáo. Vụ án được rà soát.
Cùng thời điểm này, thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh (Giám đốc Công an Hà Nội) và thiếu tướng Đỗ Kim Tuyến (lúc đó là Phó giám đốc Công an Hà Nội, nay là Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm Bộ Công an) cũng chỉ đạo điều tra lại vụ án.
Thượng tá Lã Ngọc Tỉnh (Phó phòng cảnh sát điều tra Công an Hà Nội) và các cán bộ điều tra giỏi mất nhiều ngày đêm để đọc lại hồ sơ của vụ án xảy ra đã nhiều năm. "Ngay khi đọc hồ sơ vụ án, chúng tôi thấy có nhiều mâu thuẫn. Hiện trường gây án bị xác định sai, hung khí gây án trong hồ sơ cũng khác với lời khai của các bị hại... Đặc biệt, lời khai 7 nhân chứng xác nhận bằng chứng ngoại phạm của 3 thanh niên trên cũng không được thể hiện trong hồ sơ", một cán bộ điều tra choVnExpress.net biết.
Sau nhiều tháng truy tìm chứng cứ, vượt hàng nghìn cây số để lấy lại lời khai của các nhân chứng, bị hại và dựng lại hiện trường, từng chi tiết của vụ án đã được thượng tá Lã Ngọc Tỉnh và các cán bộ điều tra ghi lại bằng tập hồ sơ lên tới hàng nghìn trang để báo cáo với 3 ngành tư pháp Hà Nội.
Chỉ còn vài ngày nữa, Nguyễn Đình Kiên sẽ hết án tù.
Nguyễn Đình Kiên. Ảnh: Anh Thư
Cuối năm 2009, các cơ quan tố tụng có công văn gửi các cấp lãnh đạo thừa nhận: "Quá trình điều tra và xét xử đã có những thiếu sót". Đầu năm 2010, VKSND Tối cao ra kháng nghị, đề nghị xem xét lại vụ án theo trình tự giám đốc thẩm, tuyên 3 thanh niên không phạm tội hiếp dâm, cướp tài sản.
"Cơ quan điều tra đã thiếu khách quan, không đầy đủ và không triệt để, nhiều chứng cứ gỡ tội chưa được xác minh làm rõ. Công tác điều tra có nhiều vi phạm nghiêm trọng pháp luật tố tụng hình sự. Các bản án sơ thẩm và phúc thẩm đã căn cứ vào các tài liệu điều tra thiếu tính khách quan để kết tội các bị cáo...", Phó viện trưởng VKSND Tối cao Lê Hữu Thể khẳng định trong kháng nghị giám đốc thẩm ký ngày 26/1/2010.
Đầu tháng 2/2010, ngay khi có kháng nghị trên, Tình, Lợi, Kiên được tạm tha, trở về với cuộc sống đời thường.
Tháng 3/2011, Tình làm đám cưới với một cô gái tên Thủy, nhưng không đăng ký kết hôn được vì "chưa đủ quyền công dân". Dù biết Tình nhiễm HIV trong thời gian bị giam do va chạm với bạn tù, nhưng cô gái miền sơn cước vẫn quyết tâm dành trọn tình yêu cho Tình. Cuộc sống của họ còn nhiều khó khăn, đôi vợ chồng tích cóp dành dụm, dự định trước Tết sẽ vào Bệnh viện Từ Dũ (TP HCM) thực hiện thụ tinh nhân tạo... Kiên và Lợi cũng đang tạo dựng cuộc sống mới với nghề sửa chữa xe máy ở nhà.
Ngày 7/12/2011, sau nhiều lần trì hoãn, phiên giám đốc thẩm được mở lại. Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao cho rằng không có cơ sở chấp nhận kháng nghị của VKSND Tối cao về việc tuyên vô tội 3 thanh niên này. Các bị cáo phải thi hành nốt thời gian phạt tù còn lại: Lợi còn hơn 6 năm, Tình hơn 4 năm, Kiên hơn 1 năm thụ án.
Theo nhiều luật sư, phán quyết của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao là bản án cuối cùng về vụ việc này. Nếu cho rằng việc tiếp tục bị kết án là oan, 3 thanh niên vẫn có quyền gửi đơn kêu oan đến Quốc hội, đến Viện trưởng VKSND Tối cao và Chánh án TAND Tối cao. Pháp luật không quy định thời hạn nên họ có quyền gửi đơn vào bất cứ thời điểm nào.
Anh Thư

No comments:

Post a Comment