Cập nhật: 14:52 GMT - thứ tư, 9 tháng 12, 2009
Hôm 08/12, Việt Nam công bố Sách trắng Quốc phòng trong một buổi họp báo tổ chức tại Hà Nội.
Trong Sách trắng lần thứ ba này, chính phủ Việt Nam công khai các chủ đề cơ bản trong nền quốc phòng Việt Nam, đi kèm nhiều chi tiết như ngân sách quốc phòng và tổng quân số.
Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia có tiếng về Việt Nam tại Học viện Quốc phòng Hoàng gia Australia, trao đổi với BBC về chủ đề này:
GS Carl Thayer: Sách trắng Quốc phòng 2009 là bước tiến đáng kể về công khai minh bạch trong một lĩnh vực mà Việt Nam xưa nay vẫn còn ngần ngừ - đó là công khai ngân sách quốc phòng.
Con số này cho thấy chỉ khoảng 2% GDP được chi cho quốc phòng trong thời gian bốn năm cho tới 2008. Tuy nhiên vì kinh tế Việt Năm tăng trưởng nên con số thực tế cũng tăng lên. Do vậy, ngân sách quốc phòng của Việt Nam đã tăng gần gấp đôi từ 2005 tới 2008, tức từ con số 997 triệu đôla Mỹ lên khoảng 1,8 tỷ.
Trước kia, khi Việt Nam chưa công bố ngân sách quốc phòng, các phân tích gia nước ngoài phải dựa vào thông số của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) và Cơ quan Tình báo Quân đội Australia (DIO). Nói chung con số của IISS cao hơn của DIO.
Cả IISS và DIO đều cho rằng Việt Nam chi cho quốc phòng khoảng trên 5% GDP, tức gấp đôi con số công bố.
Tất nhiên các phân tích gia bên ngoài không thể biết được con số nào là chính xác hơn cả nếu như phương pháp luận để tính toán ngân sách không được công khai.
Một chi tiết nữa gây rắc rối là ước tính của cả IISS và DIO đều bằng đôla Mỹ, còn của Việt Nam lại là tiền đồng nên chắc chắn có sai số khi chuyển đổi.
BBC: Thưa ông, liệu thời điểm để Việt Nam công bố Sách trắng có gì đáng nói hay không?
GS Carl Thayer: Sách trắng hai lần trước của Việt Nam được công bố cách nhau tới sáu năm. Bản thứ nhất năm 1998 và thứ hai năm 2004.
Sách trắng lần này do vậy có thể đã được công bố trước một năm.
Mục tiêu của Sách trắng là đưa ra chiến lược và chính sách tương lai của đất nước. Trong khi Việt Nam cố gắng giảm nhẹ căng thẳng với Trung Quốc tại Biển Đông, Sách trắng lần này cho thấy các quan ngại của Hà Nội.
Sách trắng 2004 cũng gọi Biển Đông là điểm nóng. Văn bản lần này có thể được xem như một phần trong chiến dịch ngoại giao rộng lớn hơn nhằm thu hút chú ý của dư luận quốc tế tới vấn đề Biển Đông và nhấn mạnh cách tiếp cận hòa bình của Việt Nam trong việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ.
Không có chỉ dấu gì cho thấy Việt Nam và Hoa Kỳ liên kết lại để kiềm chế Trung Quốc. Thế nhưng, cả hai bên đều biết rằng Bắc Kinh sẽ suy đoán như vậy về việc Việt Nam và Hoa Kỳ thúc đẩy quan hệ quốc phòng song phương.
GS Carl Thayer
Cách tiếp cận này nhằm đặt Trung Quốc vào một vị thế bất lợi.
BBC: Thưa, những điểm gì ông cho là quan trọng nhất trong Sách trắng 2009?
GS Carl Thayer: Điểm quan trọng nhất, theo tôi, là bước tiến trong công khai minh bạch của chính phủ Việt Nam, không chỉ trong ngân sách quốc phòng mà còn trong một loạt các chủ đề khác.
Một nghiên cứu gần đây của Đại học Quốc phòng Quốc gia Hoa Kỳ đánh giá rằng Sách trắng của Việt Nam thuộc loại kém minh bạch nhất trong số các nước Đông Nam Á, và còn kém hơn cả Sách trắng của Trung Quốc.
Đánh giá như vậy thật đã đặt Việt Nam vào tư thế bất lợi trên phương diện quan hệ đối ngoại. Sách trắng vừa công bố đã giúp giải quyết phần nào vấn đề này.
BBC: Thưa ông, chúng tôi được biết Đại tướng Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, chuẩn bị sang thăm chính thức Hoa Kỳ. Ông có bình luận gì về chuyến thăm này?
GS Carl Thayer: Năm ngoái Việt Nam và Hoa Kỳ đã khơi mở đối thoại chiến lược an ninh - quốc phòng, và chuyến thăm sắp tới của ông Phùng Quang Thanh là một trong các kết quả của tiến trình này.
Đây là chuyến thăm đáp lễ chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld thực hiện hồi 2006.
Thời điểm diễn ra chuyến thăm này không thể tốt hơn khi Việt Nam đang tìm kiếm hỗ trợ của quốc tế trước tình trạng Trung Quốc ngày càng mạnh bạo ở Biển Đông.
Hoa Kỳ vốn đã gây áp lực đòi hỏi Việt Nam tăng cường hợp tác quốc phòng trong nhiều lĩnh vực, như huấn luyện quân gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc.
Mỹ cũng muốn có một thỏa thuận trao đổi dịch vụ quân sự với Việt Nam. Về phần mình, Việt Nam muốn Mỹ nới lỏng hạn chế về mua bán trang thiết bị quốc phòng.
Việt Nam cũng muốn Hoa Kỳ giúp nhiều hơn để giải quyết hậu quả của chất độc màu da cam.
Nhìn qua thì chuyến thăm của Tướng Thanh được lên kế hoạch kỹ lưỡng. Không có chỉ dấu gì cho thấy Việt Nam và Hoa Kỳ liên kết lại để kiềm chế Trung Quốc.
Thế nhưng, cả hai bên đều biết rằng Bắc Kinh sẽ suy đoán như vậy về việc Việt Nam và Hoa Kỳ thúc đẩy quan hệ quốc phòng song phương.
No comments:
Post a Comment