Cập nhật: 05:26 GMT - thứ ba, 8 tháng 12, 2009
Việc tàu chiến Trung Quốc thăm Việt Nam và tuần tra chung được đánh giá là một biện pháp tiếp tục xây dựng lòng tin giữa hai nước.
Báo Quân đội Nhân dân, cơ quan ngôn luận của Bộ Quốc phòng Việt Nam, vừa có phỏng vấn Phó đô đốc Trần Thanh Huyền, Bí thư Đảng ủy-Chính ủy Quân chủng Hải quân, nhân chuyến thăm Hải Phòng của hai tàu Trình Hải và Triều Dương.
Hai tàu này vừa cập bến Hải Phòng hôm 04/12 trong chuyến thăm bốn ngày, sau khi đã tham gia tuần tra chung lần thứ tám với Việt Nam trong Vịnh Bắc Bộ.
Đây là chuyến thăm lần thứ ba của tàu hải quân Trung Quốc tới Việt Nam. Lần trước là tàu Trịnh Hòa cập cảng Đà Nẵng hồi tháng 11 năm ngoái.
Việt Nam và Trung Quốc ký hiệp định tuần tra chung tại Vịnh Bắc Bộ hồi tháng 10 năm 2005.
Phó đô đốc Trần Thanh Huyền cho hay, ngoài cuộc tuần tra chung tại Vịnh Bắc Bộ lần này, "trong thời gian tới hai bên còn dự định tiến hành nhiều hoạt động khác, như diễn tập tìm kiếm cứu nạn, rà quét mìn, thủy lôi..."
Tuy nhiên, ông nói ngoài Trung Quốc, Hải quân Việt Nam còn tổ chức tuần tra chung 20 chuyến với Hải quân Thái Lan, 17 chuyến với Hải quân Campuchia.
Theo Phó đô đốc Huyền, Việt Nam chưa tuần tra chung được với Philippines, Indonesia và Malaysia, là các quốc gia cùng chia sẻ Biển Đông, vì "chưa ký kết được thỏa thuận tuần tra chung với ba nước này".
Ông nói Hải quân Việt Nam đã gửi văn bản đề nghị tiến hành tuần tra chung với Bộ Quốc phòng của ba nước trên.
Tạo lòng tin
Phó đô đốc Trần Thanh Huyền được trích lời nói: "Các chuyến tuần tra chung giữa Việt Nam với các nước đã đạt được mục đích rất quan trọng là duy trì trật tự, an ninh trên các vùng biển của Việt Nam liền kề với các nước, góp phần thực thi đúng những thỏa thuận, cam kết giữa các bên liên quan tới các khu vực của nước ta trên Biển Đông, khu vực Vịnh Bắc Bộ và Vịnh Thái Lan."
"Các bên đã đạt được nhận thức chung trong nhiều vấn đề quan trọng, làm ổn định tình hình."
Giải quyết vấn đề biển, đảo cần có quá trình nhất định, trải qua nhiều bước. Đây là vấn đề khó khăn, phức tạp và lâu dài.
Phó đô đốc hải quân Trần Thanh Huyền
Ông Huyền cũng cho rằng sau mỗi chuyến tuần tra chung, hải quân các bên "hiểu nhau hơn" và hoạt động này "tạo sự đồng thuận trong giải quyết các sự vụ về an ninh, trật tự trên biển, tạo được lòng tin giữa Việt Nam với các bên".
"Xây dựng lòng tin" được cho là tiêu chí then chốt, xuyên suốt trong các nỗ lực tìm kiếm giải pháp cho các tranh chấp, bất đồng còn tồn đọng giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Một cuộc hội thảo với chủ đề 'Tăng cường lòng tin trong quan hệ Việt Nam -Trung Quốc' đã được tổ chức hồi cuối tháng Tám với sự tham gia của cả hai bên.
Giới chuyên gia nhận định rằng tuy hai bên có nỗ lực cải thiện quan hệ, và thông qua đó xây dựng lòng tin, trên thực tế sự tin tưởng giữa hai nước còn có giới hạn.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng Việt Nam và Trung Quốc đang dần dần khắc phục các "chướng ngại vật" trong quá trình xây dựng lòng tin như giải quyết vấn đề biên giới trên bộ và hợp tác trong Vịnh Bắc Bộ.
Duy chỉ có vấn đề Biển Đông là dường như chưa có giải pháp.
Mới đây nhất Việt Nam yêu cầu Trung Quốc giải thích thông tin cử phóng viên ra Hoàng Sa hôm 01/12 và trước đó 27/11 phản đối Trung Quốc cử hai tàu ngư chính đến quần đảo Hoàng Sa đồng thời cho tàu y tế đến quần đảo Trường Sa.
Các hoạt động này bị Việt Nam cho là "xâm phạm chủ quyền và "làm phức tạp thêm tình hình".
Giải quyết từng bước
Phó đô đốc Trần Thanh Huyền, trong bài phỏng vấn của Quân đội Nhân dân, nói ông cho rằng "giải quyết vấn đề biển, đảo cần có quá trình nhất định, trải qua nhiều bước".
"Đây là vấn đề khó khăn, phức tạp và lâu dài."
Ông Huyền nhắc lại chủ trương của Việt Nam trong giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc, là cần tuân thủ luật pháp.
"Với riêng Trung Quốc, trước hết cần tuân thủ nghiêm đường lối chính sách nhất quán của lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai Nhà nước, hai Bộ Quốc phòng của hai nước."
"Giải quyết vấn đề tranh chấp này cần dựa trên cơ sở của những chứng cứ lịch sử, chứng cứ pháp lý Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982…"
Ông phó đô đốc nói trong quá trình này, Việt Nam, Trung Quốc và các quốc gia có vùng biển liền kề cần "thường xuyên tham vấn, trao đổi thông tin, thống nhất quan điểm giải quyết, tạo sự đồng thuận giữa các bên".
"Khi có vụ việc nảy sinh thì cần qua các kênh thông tin khác nhau, trao đổi để kịp thời giải quyết, không để xảy ra các vấn đề đáng tiếc."
No comments:
Post a Comment