Monday, November 30, 2009

31/11 Tây Phương ‘quan ngại Nghị Ðịnh 97’


Ðông Bàn/Người Việt

WESTMINSTER - Công điện ngày 30 tháng 11, 2009 của Ðại Sứ Hoa Kỳ Michael Michalak cho thấy, Hoa Kỳ và nhiều quốc gia Tây Phương quan ngại về Nghị Ðịnh 97 và xem nghị định này là một “bước lùi” của Việt Nam.
Các thành viên của Viện IDS trong một lần gặp gỡ ở Hà Nội. (Hình: Dân Luận)
Nghị Ðịnh 97 cấm các tổ chức khoa học và công nghệ công bố những ý kiến phản biện về đường lối, chủ trương chính sách của Ðảng và Nhà Nước Việt Nam.

Công điện viết, phó đại sứ Hoa Kỳ cùng một số đại sứ các quốc gia khác lập đi lập lại quan ngại của mình với Bộ Trưởng Bộ Khoa Học và Công Nghệ Việt Nam Hoàng Văn Phong trong buổi gặp gỡ ngày 6 tháng 11, 2009. Các quan ngại liên quan đến “ảnh hưởng tai hại của Nghị Ðịnh 97 về sự siết chặt hoạt động của các tổ chức nghiên cứu khoa học.”
Trong khi đó, Bộ Trưởng Phong lập luận, Nghị Ðịnh 97 không giới hạn hoạt động của các tổ chức nghiên cứu độc lập. Ông ấy khẳng định Việt Nam “bảo đảm duy trì các tiêu chuẩn nghiên cứu ở đẳng cấp quốc tế.”
Công điện viết tiếp, “các đại sứ không đồng ý về cách diễn dịch hơi có vẻ lạc quan của ông Phong; đồng thời phát biểu rằng (nghị định) có thể cản trở những nỗ lực của Việt Nam trong việc thu hút giới đầu tư, giáo dục, và khoa học quốc tế.”
Buổi họp được tổ chức vào ngày 6 tháng 11, giữa Bộ Trưởng Hoàng Văn Phong và các đại diện ngoại giao Tây phương, chẳng hạn đại sứ Thụy Ðiển (đại diện khối Châu Âu), đại sứ Canada (đại diện Thụy Sĩ, New Zealand và Na Uy).
Bộ Trưởng Phong nói rằng, ông được Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu trả lời 2 bức thư mà các đại sứ Tây phương gởi ngày 11 và 18 tháng 9, bày tỏ quan ngại của ảnh hưởng Nghị Ðịnh 97 lên các hoạt động xã hội dân sự, quyền tự do phát biểu, nghiên cứu khoa học, cũng như môi trường đầu tư của Việt Nam.
Trong phần bào chữa dài dằng dặc, Bộ Trưởng Phong nói rằng nghị định này bao gồm các điều khoản trong bộ luật hiện hành của Việt Nam, và rằng nghị định không cản trở quyền của công dân tham gia vào các nghiên cứu khoa học và công nghệ cũng như quyền công bố kết quả các nghiên cứu ấy.
Tuy nhiên, vẫn theo ghi nhận của công điện, nghị định yêu cầu các tổ chức này đệ trình kết quả nghiên cứu lên các cơ quan nhà nước trước khi công bố ra công chúng.
Ông Phong cũng nói rằng chính phủ Việt Nam đang soạn thảo ba nghị định riêng biệt liên quan đến các lãnh vực hợp tác đầu tư và liên doanh với nước ngoài. Nhưng điều khiến ngoại giao đoàn thấy khó hiểu là ông Phong không thể trả lời các câu hỏi (được hỏi đi hỏi lại nhiều lần) liên quan đến các nghị định này.
Công điện cũng lưu ý: “Mặc dầu Bộ Trưởng Phong nói là các bản thảo của các nghị định này đã được đưa lên website chính phủ, ngoại giao đoàn không thể tìm ra chúng.”
Ðại sứ Thụy Ðiển nói rằng liên minh Âu Châu lo Nghị Ðịnh 97 sẽ gởi “tín hiệu khó chịu cho giới kinh doanh, và rất có thể khiến giới đầu tư không còn xem Việt Nam là nơi nên đầu tư vào.”
Nghị định này cũng cấm các cơ quan phi chính phủ cũng như các viện nghiên cứu tham gia vào các nghiên cứu độc lập và công bố kết quả nghiên cứu. Ông đại sứ Thụy Ðiển bày tỏ hy vọng rằng Việt Nam sẽ tôn trọng các tiêu chí quốc tế về quyền tự do trong lãnh vực giáo dục. Ðại sứ Canada thì nói Nghị Ðịnh 97 không phù hợp với các hướng dẫn do OECD ban hành. Ðại sứ Canada bày tỏ hy vọng là chính phủ Việt Nam sẽ ban hành các hướng dẫn sử dụng một cách minh bạch, đồng thời cố gắng hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của nghị định này.
Phó đại sứ Hoa Kỳ nói rằng Nghị Ðịnh 97 là một “bước lùi của Việt Nam trong nỗ lực thúc đẩy khả năng nghiên cứu và phát triển.” (Và rằng) các vấn đề, cho dầu là vấn đề nhạy cảm, cần phải được tranh luận và phổ biến công khai.
Phó đại sứ Hoa Kỳ cũng cảnh báo Nghị Ðịnh 97 có thể khiến các đại học Hoa Kỳ xem lại khả năng hợp tác với Việt Nam. Lý do là vì, “ngăn cản quyền phổ biến nghiên cứu khoa học là đi ngược lại thông lệ quốc tế, đồng thời giảm thiểu những đóng góp ý kiến liên quan đến chính sách của chính phủ.”
Công điện viết, những vụ bắt bớ, sa thải và thuyên chuyển công tác gần đây liên quan đến các blogger và phóng viên khiến mọi người nghi ngờ khẳng định của ông bộ trưởng rằng mọi cá nhân đều có quyền tự do công bố nghiên cứu của mình.
Bộ Trưởng Phong thì lại cứ khẳng định là nghị định 97 phù hợp tiêu chuẩn quốc tế bởi vì nó cho phép các cá nhân được phổ biến kết quả nghiên cứu khoa học. “Phong nói rằng các nhà khoa học có thể công bố kết quả trên các tạp chí của bộ, là nơi mà ông Phong cho là nguồn thông tin cho người dân cũng như giới đầu tư.”
(Có vẻ) liên quan đến vụ đóng cửa Viện Nghiên Cứu Ðộc Lập IDS, ông Phong nói có “một số nhà nghiên cứu công bố kết quả của mình, làm xáo trộn dư luận xã hội, và điều đó là ‘nguy hiểm.’”
Công điện ghi nhận, ông Phong bảo rằng “tất cả các thông tin ấy cần phải được ‘kiểm chứng’ trước khi công bố ra công chúng.”
Công điện bình luận, “Nghị Ðịnh 97, cùng với bản thảo sau cùng của Nghị Ðịnh 88 và sự ngăn chặn Facebook là một loạt những hành động nhịp nhàng của Ðảng Cộng Sản để ngăn chặn quyền thông tin và quyền tự do bày tỏ quan điểm của công dân. Trong khi Việt Nam chuẩn bị cho đại hội Ðảng vào tháng 1, 2011, chắc chắn là sẽ còn những vụ đàn áp tự do ngôn luận, bao gồm cả việc siết chặt hơn nữa những cá nhân và tổ chức (chẳng hạn IDS), vốn bị coi là hiểm họa đối với nhà nước.”

––––––-

Liên lạc tác giả: DongBan@nguoi-viet.com
Bắt đầu từ ngày 08 tháng 09, Người Việt khởi đăng công điện ngoại giao của Hoa Kỳ liên quan tới Việt Nam, bị lộ ra trong vụ Wikileaks.

Wikileaks là một cơ sở bất vụ lợi có mục đích đòi hỏi chính quyền phải minh bạch, bằng cách công bố các tài liệu mật do các nguồn nặc danh cung cấp. Wikileaks bắt đầu nổi tiếng với những tiết lộ bí mật về chiến tranh Iraq, kể cả một đoạn phim trong đó lính Mỹ tưởng phóng viên Reuters mang vũ khí và nã súng bắn họ.
Nhưng phải tới tháng 10 năm 2010, Wikileaks mới thật sự nổi tiếng và ai cũng biết tên. Ðó là lúc Wikileaks loan tin lấy được 260,000 công điện ngoại giao của Hoa Kỳ và tuyên bố sẽ bắt đầu công bố những công điện này.
Ðây là những công điện do các tòa đại sứ, lãnh sự của Mỹ từ khắp nơi gởi về Bộ Ngoại Giao.
Ðây là những tài liệu được đặt trong một mạng lưới tài liệu mật của quân đội Mỹ, gọi là “SIPRnet.” Sau vụ khủng bố 11 tháng 9, chính phủ Tổng Thống George W. Bush ra lệnh cho các cơ quan quân đội, ngoại giao, tình báo phải chia sẻ tài liệu mật cho nhau, mục đích là để các cơ quan chính quyền có đầy đủ thông tin chống khủng bố.
Tuy nhiên, một tác dụng ngược của nó là khiến hàng ngàn quân nhân bỗng có thể đọc được công điện mật của ngành ngoại giao.
Một trong hàng ngàn quân nhân đó là Trung sĩ Bradley Manning, sau này bị giáng lon xuống binh nhì. Ông Manning tải toàn bộ công điện mật của bộ Ngoại Giao về máy mình, rồi chuyển qua cho Wikileaks.
Số tài liệu bị lộ gồm 251,287 công điện. Ban đầu, qua thỏa thuận với bốn tờ báo lớn của thế giới, tờ El País (Tây Ban Nha), Der Spiegel (Ðức), Le Monde (Pháp), The Guardian (Anh) và The New York Times (Mỹ), Wikileaks và những tờ báo này công bố công điện từ từ, theo từng đợt, và sau khi xóa bớt tên những người cần được bảo vệ.
Tuy nhiên, sau khi bị lộ mật mã cho tài liệu này, Wikileaks vào ngày 1 tháng 9 quyết định công bố tất cả, không bôi xóa gì hết.
Tài liệu liên quan tới Việt Nam trong Wikileaks lên tới hơn 5,000 công điện. Chỉ riêng mục lục các công điện này, khi in ra giấy, đã lên tới 192 trang.
Trong những ngày sắp tới, Người Việt sẽ chọn lọc và khởi đăng công điện của Wikileaks, được chia ra theo những mục đề tài sau đây:
* Nội bộ đảng Cộng Sản Việt Nam* Các tù nhân lương tâm
* Nhân quyền, tôn giáo
* Quan hệ với Trung Quốc
* Quan hệ với Mỹ
* Kinh tế, giáo dục
Bộ tài liệu này sẽ được cập nhật liên tục.
Người Việt Online.

No comments:

Post a Comment