Friday, March 12, 2010

03/11 ĐBQH Phạm Phương Thảo (TP Hồ Chí Minh):Trung ương cần tiếp tục giúp địa phương tháo gỡ những khó khăn về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính


03/11/2010
Kết quả thực hiện nhiệm vụ ngân sách nhà nước năm 2010 có điểm đáng ghi nhận là tăng thu đạt trên 58.000 tỷ và giảm được bội chi so với dự toán, từ 6,2% xuống còn 5,9%. Về nhiệm vụ thu - chi ngân sách năm 2011, tôi cho rằng, cần thực hiện với tinh thần “tích cực trong thu, tập trung tiết kiệm trong chi”.
TP Hồ Chí Minh là một trong những địa phương có nguồn thu lớn. Chúng tôi cũng xin hứa sẽ quyết tâm thực hiện nhiệm vụ được giao là tăng thu 22%, tương đương với trên 20.000 tỷ đồng. Theo đó, năm 2011, TP Hồ Chí Minh phấn đấu tăng thu trên 1 tỷ USD. Tuy nhiên, về phía Trung ương cũng cần tháo gỡ giúp địa phương những khó khăn về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính. Vừa qua, chúng ta thực hiện rà soát các thủ tục hành chính. Các địa phương, trong đó có TP Hồ Chí Minh đã rà soát, cắt giảm thủ tục gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Còn phần của Trung ương, tôi thấy trên cơ sở rà soát, Trung ương sẽ xử lý nhanh để giảm những thủ tục hành chính. Những vấn đề về đầu tư xây dựng cơ bản từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước hiện nay còn mất nhiều thời gian. Thời gian phê duyệt ngân sách cho một dự án còn tính bằng năm trở lên. 

Về cơ chế chính sách cũng vậy, một số quy định trong văn bản luật, nghị định còn gây cản trở, ảnh hưởng đến nguồn thu. Ví dụ Nghị định 69 của Chính phủ ban hành năm 2009 về việc thu tiền sử dụng đất theo giá thị trường, tôi thấy ở tất cả các trường hợp thu đều có những bất cập. Đối với người dân là diện tích ngoài hạn mức lấn chiếm tính theo giá thị trường đang gặp nhiều khó khăn về phương pháp tính và nghĩa vụ của người dân. Đối với tổ chức doanh nghiệp, mặc dù đã bỏ tiền đền bù theo giá thị trường nhưng theo Nghị định 69 thì họ phải đóng tiền sử dụng đất theo giá thị trường một lần nữa. Dẫu rằng phần đóng này có khấu trừ theo giá Nhà nước song như vậy cũng gây khó khăn cho các doanh nghiệp và gây ách tắc trong việc thu tiền sử dụng đất cho các địa phương, kể cả việc thúc đẩy đầu tư... Tôi đề nghị Chính phủ xem xét, sửa đổi Nghị định 69 năm 2009.

Về phân cấp nguồn thu, tỷ lệ điều tiết, tôi nghĩ, việc này sẽ cố gắng thực hiện theo phân chia nhưng cần tính toán phân chia cho khoa học, tinh thần là nước lên, thuyền lên; giúp các địa phương có điều tiết thì sẽ có điều kiện đầu tư phát triển và nuôi dưỡng nguồn thu. Ví dụ ở TP Hồ Chí Minh,  năm 2011, nhiệm vụ thu sẽ tăng 22%, còn chi tăng 4,5%. Như vậy là nước cũng có lên nhưng thuyền lên ít quá. Thành ra, tôi nghĩ rằng cũng nên xem xét vấn đề này. Tỷ lệ điều tiết ở TP Hồ Chí Minh giảm dần, như năm 2003 điều tiết phần phân chia còn lại là 33%; đến năm 2004, chỉ một năm sau, thì tỷ lệ điều tiết giảm ngay 3%, còn 29%; năm 2006 giảm còn 26% và dự kiến năm 2011 sẽ giảm còn 23%. Tôi nghĩ là rất khó khăn cho TP Hồ Chí Minh. Không biết các địa phương, các thành phố lớn trên thế giới có được điều tiết với tỷ lệ này không? Tôi hỏi một số chuyên gia thì họ trả lời là không ai điều tiết thấp như vậy. .

No comments:

Post a Comment