NDĐT-THỜI NAY- Dưới thời Khrushchev và Brezhnev, về hình thức vẫn nhấn mạnh lãnh đạo tập thể, song thật ra chỉ là thay đổi từ một người quyết định thành một vài người quyết định mà thôi. Trên thực tế, không có sự thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ. Theo quy định trong điều lệ đảng, các cuộc họp của Đảng, nhất là đại hội đại biểu Đảng, là định chế quan trọng để thực hiện chế độ tập trung dân chủ, giám sát dân chủ trong Đảng.
* Những bài học từ sự sụp đổ của Đảng CS Liên Xô: Phần 1: Sự tan rã của Đảng CS Liên Xô và Liên bang Xô Viết
* Những bài học từ sự sụp đổ của Đảng CS Liên Xô: Phần 2: Lý luận cơ bản và phương châm chỉ đạo của Đảng CS Liên Xô (kỳ 1)
* Những bài học từ sự sụp đổ của Đảng CS Liên Xô: Phần 2: Lý luận cơ bản và phương châm chỉ đạo của Đảng CS Liên Xô (kỳ 2)
* Những bài học từ sự sụp đổ của Đảng CS Liên Xô: Phần 3: Công tác tư tưởng và tác phong của Đảng CS Liên Xô (kỳ 1)
* Những bài học từ sự sụp đổ của Đảng CS Liên Xô: Phần 3: Công tác tư tưởng và tác phong của Đảng CS Liên Xô (kỳ 2)
* Những bài học lịch sử về sự sụp đổ của Đảng Cộng sản Liên Xô: Phần 4: Tầng lớp đặc quyền của Đảng CS Liên Xô (kỳ 1)
* Những bài học lịch sử về sự sụp đổ của Đảng Cộng sản Liên Xô: Phần 4: Tầng lớp đặc quyền của Đảng CS Liên Xô (kỳ 2)
* Những bài học lịch sử từ sự sụp đổ của Đảng Cộng sản Liên Xô: Phần 5: Những vi phạm về nguyên tắc xây dựng Đảng (kỳ 1)
Thế nhưng theo biên bản còn lưu lại của một tổ chức đảng khu vực thuộc Kazakhstan thì từ năm 1974 đến năm 1975, tổ chức này đã tổ chức 72 cuộc họp, tổng cộng có hơn 600 nguời phát biểu, nhưng chỉ có 12 người nêu ý kiến đối với những người lãnh đạo Đảng, còn những người khác hầu như đều nói những lời sáo rỗng, khuôn phép, tán tụng. Những người dám nói thật, dám phê bình đều bị công kích, và bức hại. Tại một hội nghị quán triệt tinh thần Đại hội 25 của Đảng, một kỹ sư cấp cao của Cục đường sắt Nam Ural phát biểu ý kiến, cho rằng: Báo cáo công tác của Brezhnev tại đại biểu thiếu tinh thần phê bình, việc ca tụng thái quá công lao của ông chính là kiểu “sùng bái cá nhân”. Sau đó, người này bị khai trừ khỏi Đảng. Trong thời gian này, các báo Đảng cũng thường mở những chuyên mục về giám sát, thế nhưng đối tượng giám sát của những báo này đều là cán bộ cấp vừa và thấp. Thỉnh thoảng mới có một hai tin phê bình cán bộ cấp cao, nhưng đều là sau khi họ không còn đương chức.
Thời kỳ đầu, Brezhnev có sửa đổi một chút đường lối tổ chức của Khrushchev, như: tăng cường sự lãnh đạo của T.Ư trong thể chế quản lý vùng; bảo đảm sự ổn định tương đối của đội ngũ cán bộ. Xét về tổng thể, những sự sửa đổi này lúc ấy đã đóng vai trò tích cực nhất định nhưng chưa thể giải quyết vấn đề về cơ bản, không những thế còn gây ra những hệ luỵ mới. Cuối cùng, thời Brezhnev lại xuất hiện các biểu hiện vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, bằng cách vứt bỏ giám sát trong Đảng, dùng ý chí cá nhân hoặc thiểu số để thay thế trí tuệ của đa số.
Vào năm 1979, tình hình tại Afghanistan có biến động, lãnh đạo Afghanistan nhờ Liên Xô đưa quân sang giúp. Tại cuộc họp của Bộ Chính trị vào tháng 3, mọi người đều nhất trí rằng: Không có bất cứ lý do gì để đưa quân sang Afghanistan. Tuy nhiên, ngày 4-12, Brezhnev đã cùng Bí thư T.Ư Suslov, Chủ tịch KGB Andropov, Bộ trưởng Ngoại giao, Bộ trưởng Quốc phòng tổ chức cuộc họp bí mật gồm năm người, thay đổi nghị quyết của Bộ Chính trị, quyết định đưa quân đội đến Afghanistan. Cuộc chiến này kéo dài mười năm, 50 nghìn binh sĩ hy sinh, tổn thất hàng chục tỷ USD, gây đau thương cho không biết bao nhiêu gia đình. Cuộc chiến trở thành vết thương tứa máu của Liên Xô.
Thời Gorbachev càng đi ngược lại với nguyên tắc tập trung dân chủ, khiến cho cái gọi là “dân chủ” đi tới một cực đoan khác. Tại Hội nghị toàn thể T.Ư tháng 2-1990, Gorbachev chủ trương: Nhận thức lại nguyên tắc tập trung dân chủ với trọng điểm tập trung vào dân chủ hóa và quyền lợi của quần chúng đảng viên; trong quan hệ cấp trên - cấp dưới thực hiện nguyên tắc tự trị trong các tổ chức Đảng; trong quan hệ T.Ư với địa phương, T.Ư Đảng ở các nước cộng hòa trong Liên bang nếu không đồng ý với nghị quyết của Bộ Chính trị Đảng CS Liên Xô thì có thể không thực hiện. Điều đó có nghĩa là Đảng CS Liên Xô không còn là một tổ chức chiến đấu thống nhất về ý chí và hành động. Hội nghị toàn thể đó đã đánh dấu một bước đi quan trọng trong diễn biến chính trị của Liên Xô, báo hiệu Liên Xô sẽ có một sự thay đổi to lớn. Khẩu hiệu “dân chủ hoá, công khai hóa” đã làm xuất hiện một trào lưu tự do tư sản và đây chính là điều mà Gorbachev cần để thực hiện đường lối chính trị của mình. Ông ta muốn lấy nó để đẩy nhanh việc thực hiện đa đảng và tư hữu hóa ở Liên Xô, đẩy nhanh sự suy vong của Đảng CS Liên Xô. Những nhân vật sùng bái CNTB trong Đảng được thể lấn lướt, trong khi một số nhà lãnh đạo Đảng khác của Liên Xô lại từng bước nhượng bộ. Dẫn đến một hậu quả khác của việc tập quyền quá mức trong một thời gian dài của Đảng CS Liên Xô, đó là trào lưu tư tưởng tự do tư sản tràn lan. Cái gọi là dân chủ và tự do tuyệt đối, bề ngoài là phủ nhận quyền uy và kỷ luật tổ chức, nhưng bên trong là để thực hiện quyền uy, trật tự và tự do của sự thống trị của CNTB.
Tháng 7-1990, Đảng CS Liên Xô tổ chức Đại hội 28. Trong báo cáo trình bày tại Đại hội, Gorbachev công khai phê phán nguyên tắc tập trung dân chủ, cho rằng: trong Đảng có một luồng tâm tư mãnh liệt chủ trương xoá bỏ nguyên tắc này khỏi điều lệ Đảng; bởi toàn bộ thực tiễn trước đây đã khiến thanh danh của nguyên tắc này trở nên tồi tệ. Và Điều lệ Đảng do Đại hội thông qua đã chính thức xóa bỏ nguyên tắc chỉ đạo của bộ máy tổ chức và toàn bộ hoạt động của Đảng là nguyên tắc tập trung dân chủ. Như vậy là, nguyên tắc tập trung dân chủ và giám sát trong Đảng - những điều được coi là chuẩn tắc sinh hoạt trong đảng của Đảng CS Liên Xô, đã bị vứt bỏ. Điều đáng nói là Gorbachev đã lấy khẩu hiệu “dân chủ hóa” để che đậy việc dùng biện pháp chuyên chế cực đoan cá nhân, tiến hành đường lối của ông ta. Khi họp Bộ Chính trị, ông ta thường không lắng nghe ý kiến của các ủy viên khác. Thậm chí một mình ông ta thao thao bất tuyệt một, hai giờ đồng hồ, sau đó coi đây là chỉ thị hay nghị quyết của Đảng để thực hiện. Ngày 24-8-1991, khi chưa hề thực hiện bất cứ một trình tự pháp lý nào, thực chất là tự ý cá nhân, ông ta đã quyết định và tuyên bố giải tán BCH T.Ư Đảng CS Liên Xô.
Đường lối cán bộ là bộ phận rất quan trọng cấu thành đường lối tổ chức, chính vì vậy Stalin có một câu nói nổi tiếng rằng: Sau khi xây dựng được đường lối chính trị đúng đắn kinh qua sự kiểm nghiệm của thực tiễn, cán bộ đảng sẽ trở thành lực lượng quyết định đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.
Sự sụp đổ của Đảng CS Liên Xô gắn liền với một loạt sai lầm trong công tác cán bộ của Đảng. Điều lệ Đảng CS Liên Xô quy định: tổ chức Đảng các cấp đều phải do bầu cử, thế nhưng trên thực tế, dưới thời Stalin, một số ứng cử viên của tổ chức đảng các cấp thường do một số người quyết định. Việc bầu cử trong Đảng, thực chất chỉ là việc thực hiện một cách hình thức. Năm 1952, Đoàn chủ tịch Đại hội 19 - tương đương với Bộ Chính trị, gồm 25 người đều do Stalin và một, hai người nữa quyết định rồi công bố. Việc cá biệt một số nhà lãnh đạo bổ nhiệm cán bộ thay vì tiến hành bầu cử bầu ra cơ quan lãnh đạo và thành viên cơ quan lãnh đạo đã làm mất đi sự giám sát cần có đối với nhiều nhà lãnh đạo, bất chấp ý kiến của đông đảo đảng viên và quần chúng. Điều đó tạo điều kiện để một số người, thậm chí là một số kẻ tham vọng, đề bạt người quen thân, tẩy chay người bất đồng ý kiến với mình. Hồi Khrushchev học tại trường đại học, đúng vào dịp đấu tranh trong Đảng đang diễn ra gay gắt, ông ta cũng như nhiều đảng viên khác đứng về phía Stalin. Đồng thời ông ta thông qua nhiều kênh, đặc biệt thông qua vợ của Stalin, bạn cùng học với ông ta ở đại học, để bắn tin tới Stalin cái gọi là “sự trung thành của mình”. Trong hồi ký, Khrushchev viết: Sở dĩ tôi được đề bạt vì Stalin luôn chú ý đến tôi qua vợ của ông, là Nadezhda. Bà luôn tán tụng tôi trước mặt Stalin, Stalin liền bảo Kananovich giúp đỡ tôi. Kể từ đó, Khrushchev a dua, nịnh bợ Stalin đến độ không gì có thể hơn được. Mấy chục năm sau, Gorbachev cũng có một hồi ức tương tự, ông ta kể rằng: Khi giữ chức Bí thư T.Ư Đảng, Chernenko bảo tôi, “Brezhnev biết đồng chí đứng về phía đồng chí ấy, trung thành với đồng chí ấy. Đồng chí ấy rất coi trọng điều này”.
Cũng chính bởi vứt bỏ chế độ tập trung dân chủ trong vấn đề cán bộ, tiêu chuẩn chính trị, nguyên tắc tài - đức trong việc tuyển chọn, đề bạt cán bộ của Đảng dần bị thay thế bởi quan hệ quen thân, cho nên hiện tượng xây dựng ê kíp, kéo bè, kéo cánh trong Đảng trở nên phổ biến. Dưới thời Brezhnev, khi xem xét, cân nhắc, đề bạt một ai đó, vấn đề quan trọng hàng đầu không phải là căn cứ vào năng lực của người đó, mà xem xem người đó có quan hệ với phe của Brezhnev hay không? Brezhnev tốt nghiệp Học viện Luyện kim Dneprodzerzhynsk, từng làm việc trong thời gian dài tại Ukraine, Moldova, Kazakhstan, Dnepropetrovsk. Nhiều người thân tín chung quanh ông ta đều là những kẻ không có đủ tài - đức, trong đó không ít người là cấp dưới và bạn bè ông ta ở những nơi ông ta từng học tập và công tác. Người ta gọi đây là phe Dnepropetrovsk. Phe Dnepropetrovsk từng oai phong, hiển hách một thời. Nikolai Tikhonov, con người tài - đức rất đỗi bình thường, nhưng do là đồng hương kiêm bạn học của Brezhnev mà được bổ nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô.
Khi Gorbachev lên nắm quyền, ông ta ra sức phanh phui, thậm chí phóng đại tiêu cực trong Đảng, mượn đủ lý do để đề bạt người thân, làm một cuộc thay đổi lớn về nhân sự trong đội ngũ cán bộ. Đặc biệt là ông ta thẳng tay thay thế những cán bộ phản đối cái gọi là “cải tổ” của ông ta và kiên trì con đường XHCN. Đồng thời đề bạt những cán bộ ủng hộ chủ trương “tây hóa hoàn toàn” của ông ta. Lên nắm quyền hơn nửa năm, Gorbachev đã cải tổ Bộ Chính trị và Ban Bí thư, bổ sung tám người vào các vị trí ủy viên chính thức, ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Cách chức hai người, đồng thời cách chức thay thế hơn 20 bộ trưởng và hàng chục lãnh đạo cấp bộ trong Hội đồng Bộ trưởng và các ban đảng. Chỉ trong mấy năm, 92,5% trong 150 bí thư khu ủy, thành ủy, tỉnh ủy bị thay đổi. Với các cán bộ làm việc trong lĩnh vực liên quan ý thức hệ, Gorbachev cất nhắc những người ủng hộ mình, tẩy chay những người phản đối. Trong giai đoạn 1986-1988, một loạt tờ báo có ảnh hưởng nhất tại Liên Xô đều có người mới tiếp quản, như: báo Tin tức, họa báo Đốm lửa, Tin tức Moscow, báo Sự thật, Đoàn Thanh niên cộng sản, tuần san Luận cứ và sự thực, báo Sự thật Moscow, báo Đoàn viên Thanh niên CS Moscow, tạp chí Tuổi trẻ, tạp chí Thế giới mới, Bộ Biên tập báo Sự thật, tạp chí Người đảng viên Đảng CS, báo Kinh tế đều có sự điều chỉnh lớn về nhân sự. Trong đó, Kosolapov, Chủ biên Tạp chí Người đảng viên Đảng CS, ấn phẩm lý luận quan trọng nhất của TƯ Đảng CS Liên Xô, người cực kỳ am hiểu lý luận chủ nghĩa Marx bị cách chức. Sau đó, các cơ quan báo chí rất có ảnh hưởng này bắt đầu “quạt gió châm lửa” khuynh đảo dư luận, góp phần đẩy nhanh sự sụp đổ của Đảng CS Liên Xô và sự giải thể của Liên Xô.
Đường lối cán bộ của Gorbachev đã tạo ra sự hỗn loạn chưa từng có trong đội ngũ cán bộ Đảng, chính quyền, quân đội Liên Xô, đã làm tổn hại to lớn uy tín của Đảng CS Liên Xô, khiến đông đảo cán bộ đảng viên và quần chúng nhân dân không tin Đảng, lạnh nhạt với các nghị quyết và chỉ thị của Đảng. Tổ chức Đảng các cấp và đội ngũ cán bộ về cơ bản cũng trong tình trạng tê liệt, các chính sách và chỉ thị không ra khỏi điện Kremlin. Đến lúc này, Đảng CS Liên Xô đã rơi vào tình thế không thể nào cứu vãn nổi.
No comments:
Post a Comment