Monday, August 30, 2010

Những bài học từ sự sụp đổ của Đảng CS Liên Xô: Phần 2: Lý luận cơ bản và phương châm chỉ đạo của Đảng CS Liên Xô (kỳ 2)

NDĐT-THỜI NAY- Sau khi Stalin qua đời, Khrushchev đã phủ nhận toàn bộ Stalin, tiến tới phủ nhận Lenin, dần dần xa rời, làm trái, cuối cùng là phản bội một loạt lý luận cơ bản của chủ nghĩa Marx - Lenin. Tháng 10-1961, tại Đại hội lần thứ 22 Đảng CS Liên Xô, Khrushchev đưa ra cái gọi là “lý luận mới”, phản lại học thuyết cách mạng vô sản, chuyên chính vô sản và chính đảng vô sản… của chủ nghĩa Marx - Lenin.
* Những bài học từ sự sụp đổ của Đảng CS Liên Xô: Phần 1: Sự tan rã của Đảng CS Liên Xô và Liên bang Xô Viết
* Những bài học từ sự sụp đổ của Đảng CS Liên Xô: Phần 2: Lý luận cơ bản và phương châm chỉ đạo của Đảng CS Liên Xô (kỳ 1)


Mớ lý luận “nhà nước toàn dân, đảng toàn dân” này thể hiện tập trung trong cương lĩnh Đảng CS Liên Xô được đại hội nói trên thông qua. Cương lĩnh viết: “Chuyên chính vô sản không cần thiết nữa, Liên Xô là một nhà nước ra đời bởi nhà nước chuyên chính vô sản trong giai đoạn mới tức giai đoạn hiện nay đã biến thành nhà nước của toàn dân”. Học thuyết về nhà nước là một bộ phận hợp thành rất quan trọng trong lý luận cơ bản của chủ nghĩa Marx, nhưng lý luận “nhà nước toàn dân, đảng toàn dân” của Khrushchev lại làm cho cán bộ, đảng viên và quần chúng ngộ nhận rằng, trong xã hội Liên Xô không còn tồn tại thế lực chống cộng, chống chủ nghĩa xã hội, không tồn tại đấu tranh giai cấp nữa. Do đó mất cảnh giác đối với việc phục hồi CNTB.


Khrushchev phủ nhận toàn bộ Stalin về chính trị, tuy về kinh tế cố tiến hành các điều chỉnh chính sách nào có lợi cho việc phát triển lực lượng sản xuất nhưng cách làm cụ thể vẫn rập theo biện pháp cũ, bất chấp quy luật khách quan của phát triển kinh tế. Như sau Chiến tranh thế giới thứ hai vẫn kiên trì ưu tiên phát triển công nghiệp nặng, nhất là công nghiệp quân sự, coi thường phát triển nông nghiệp và công nghiệp nhẹ, không tiến hành cải cách kịp thời và có hiệu quả đối với thể chế kinh tế kế hoạch tập trung cao độ, ngược lại còn tăng cường hơn nữa cũng có nghĩa là cứng nhắc hóa thể chế đó. Kết quả làm cho hiệu suất sản xuất xuống thấp, lãng phí ghê gớm, ảnh hưởng nghiêm trọng tới đời sống nhân dân.


Năm 1961, Khrushchev tuyên bố trước Đại hội lần thứ 22: “Liên Xô đã bước vào thời kỳ triển khai toàn diện xây dựng chủ nghĩa cộng sản, phải cơ bản xây dựng xong chế độ CSCN trong 20 năm”. CNCS mà Khrushchev đề cập không phải là ý tưởng khoa học của chủ nghĩa Marx - Lenin mà còn xa rời tình hình của Liên Xô lúc bấy giờ. Cho đến khi Khrushchev bị hạ bệ, cái gọi là CNCS của ông ta vẫn chỉ là lầu son gác tía, huyền ảo hư vô.


Brezhnev lên cầm quyền đã sửa chữa một số lý luận và thực tiễn sai lầm của Khrushchev. Tháng 6-1967, Đảng CS Liên Xô thông qua Đề cương 50 năm Cách mạng XHCN Tháng Mười, nhấn mạnh: “Nhà nước toàn dân vẫn có tính giai cấp, nó sẽ tiếp tục sự nghiệp chuyên chính vô sản”. Đồng thời Brezhnev cũng có chương trình sửa đổi, bổ sung với lý luận “đảng toàn dân”. Tháng 2-1976, Brezhnev nhấn mạnh: “Trong điều kiện CNXH phát triển, khi Đảng CS đã trở thành “đảng toàn dân”, nó quyết không mất đi tính giai cấp của nó. Đảng CS Liên Xô trước đây, hiện nay vẫn là chính đảng của giai cấp công nhân”. Về vấn đề cơ bản lý luận xây dựng CNXH, Brezhnev điều chỉnh CNCS của Khrushchev thành “chủ nghĩa xã hội phát triển”.


Ở thời kỳ Brezhnev, Liên Xô đạt đến vị thế sánh vai với Mỹ về lực lượng quân sự. Brezhnev dựa vào đó đưa ra chủ nghĩa Brezhnev về chính sách đối ngoại.


Những năm 60-70 của thế kỷ 20, khoa học công nghệ cao như điện tử, tin học, sinh học,… của thế giới tư bản phát triển rất mạnh, nhưng Liên Xô thiếu tìm hiểu kịp thời, thiếu coi trọng sự phát triển của cuộc cách mạng khoa học, do đó kém sức đối phó. Đó là nguyên nhân rất quan trọng làm cho kinh tế Liên Xô từng bước đi đến trì trệ. Từ tình hình những năm 80 của thế kỷ 20, Liên Xô cần phải cải cách. Nhưng cải cách phải với tiền đề kiên trì chế độ cơ bản XHCN, không ngừng kiện toàn, hoàn thiện chế độ kinh tế, chính trị XHCN Liên Xô, không ngừng nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng Cộng sản, củng cố địa vị cầm quyền, tiến tới không ngừng nâng cao sức mạnh tổng hợp quốc gia XHCN Liên Xô, không ngừng cải thiện đời sống của đông đảo nhân dân. Nếu Đảng Cộng sản cầm quyền kiên trì lý luận và đường lối của chủ nghĩa Marx- Lenin, giải quyết đúng đắn kịp thời các vấn đề tồn đọng và mâu thuẫn trước mắt, dũng cảm sửa chữa sai lầm thì Đảng và Nhà nước Liên Xô có thể chuyển nguy thành an, tiếp tục đưa sự nghiệp XHCN tiến lên.


Sau khi Gorbachev lên cầm quyền, người ta có ấn tượng là ông ta sẽ sử dụng cải tổ để chấn hưng Liên Xô. Nhưng thực tế nhanh chóng chứng minh rằng, trong việc phản lại lý luận cơ bản của chủ nghĩa Marx thì ông còn đi xa hơn cả Khrushchev. Gorbachev, đã đánh giá chủ nghĩa Marx như thế này: “CNCS là một loại thuyết cải lương xã hội không tưởng, cũng có nghĩa rằng, nó là một khẩu hiệu dường như không thể thực hiện được. Về thực chất, trong toàn bộ những kết luận kinh tế cụ thể mà Marx dựa vào đó để xây dựng lâu đài thế giới quan của CNXH khoa học của ông không có cái nào được chứng thực trong thực tiễn”. Diễn biến thế giới quan của Gorbachev từng bước tiếp nhận trọn gói quan niệm tư tưởng của giai cấp tư sản, cuối cùng làm ông ta ngả về CNTB, phản bội chủ nghĩa Marx, trở thành kẻ phản bội CNXH và CNCS. Tháng 11-1987, Gorbachev chính thức xuất bản tác phẩm Cải tổ và tư duy mới của ông ta. Trong cuốn sách đó, ông ta đưa ra cái gọi là “quan điểm mới” như tính công khai, dân chủ hóa, đa nguyên hóa, đặt giá trị của toàn nhân loại cao hơn tất cả,… để thay thế một loạt nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Marx. Tháng 6-1988, lần đầu tiên ông ta nêu cụ thể mục tiêu của cải tổ là phải xây dựng một xã hội XHCN nhân đạo dân chủ, căn bản khác với chế độ XHCN hiện thực mà ông ta gọi là CNXH cực quyền. Phải khẳng định rằng, thực chất cái gọi là CNXH nhân đạo dân chủ của ông ta là sử dụng lý luận cũ của đảng dân chủ xã hội phương Tây để thay thế cơ sở lý luận Marxist. Tháng 6-1988, Gorbachev khẳng định lý luận nhà nước toàn dân của Khrushchev; tháng 2-1990, nhấn mạnh thêm, nhà nước pháp chế toàn dân loại trừ bất cứ chuyên chính của giai cấp nào để loại trừ chuyên chính vô sản. Ngày 2-7-1990, trong Báo cáo chính trị đọc tại Đại hội Đảng lần thứ 28 Đảng CS Liên Xô, Gorbachev nói phải xem xét tính hạn chế của mọi lý luận, thực chất có nghĩa phải xem xét tính hạn chế của chủ nghĩa Marx - Lenin.


Ngày 25-7-1991, tại Hội nghị toàn thể Trung ương ĐCS Liên Xô, Gorbachev nhấn mạnh, trước đây Đảng thừa nhận chủ nghĩa Marx - Lenin là nguồn cổ vũ cho mình, bây giờ cần phải làm cho trong kho tư tưởng của chúng ta bao gồm mọi tài sản của CNXH nước ngoài và tư tưởng dân chủ. Nói toạc ra, bản chất của các diễn đạt đó là lấy tư tưởng dân chủ xã hội phương Tây làm tư tưởng chỉ đạo của Đảng. Gorbachev muốn dựa theo mô hình thể chế dân chủ tư sản kiểu phương Tây để cải tạo thể chế chính trị của CNXH. Tức là làm cho Đảng CS Liên Xô từ bỏ địa vị cầm quyền, vai trò của Đảng chỉ bó hẹp ở tổ chức nghị viện và bầu cử tổng thống. Điều đó về cơ bản, đã vứt bỏ nguyên tắc xây dựng đảng của chủ nghĩa Marx. Biện pháp cụ thể của ông ta là xóa bỏ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, thực hành thể chế đa đảng, đồng thời thực hành tư hữu hóa, vứt bỏ toàn diện chế độ XHCN, từ đó đạt đến mục tiêu khôi phục toàn diện chế độ chính trị, kinh tế và văn hóa của CNTB...


Ngày 25-5-1989, Đại hội đại biểu nhân dân Liên Xô khóa đầu tiên được triệu tập theo phương án cải tổ của Gorbachev. Một số đông nhân sĩ phe đối lập chính trị trong và ngoài Đảng do Yeltsin làm đại diện được bầu làm đại biểu nhân dân Liên Xô. Tại hội nghị, chương trình nghị sự và nội dung đã sắp đặt trước đều bị sửa đổi, phương châm lãnh đạo của Đảng bị công kích toàn diện, những người lãnh đạo của trung ương đảng bị chất vấn và chỉ trích. Địa vị lãnh đạo của Đảng CS Liên Xô bị đe dọa công khai. Thực tế cho thấy, Gorbachev không chỉ muốn thay đổi hoàn toàn thượng tầng kiến trúc và hình thái ý thức của Liên Xô XHCN, ông ta còn chú ý đến việc thay đổi cả cơ sở kinh tế XHCN của Liên Xô. Một mặt, ông ta phủ định kinh nghiệm thành công mấy chục năm xây dựng XHCN của Liên Xô, mặt khác coi lý luận kinh tế của phương Tây là kinh thánh của cái gọi là “cải tổ”. Tháng 4-1991, nhà kinh tế học phái tự do Yavlinsky và GS đại học Havard cùng vạch ra cương lĩnh cải tổ kinh tế Liên Xô. Cương lĩnh được gọi là kế hoạch Havard. Tư duy cơ bản của kế hoạch này là: dưới sự viện trợ của phương Tây, tiến hành cải tổ kinh tế cấp tiến, xây dựng kinh tế thị trường lấy chế độ tư hữu làm cơ sở và chế độ chính trị dân chủ của phương Tây. Đó chính là bản sao của chủ nghĩa tự do mới của phương Tây, bắt đầu bán rao ầm ĩ từ thập kỷ 80 của thế kỷ 20. Nó nhấn mạnh cơ chế thị trường hoàn toàn tự do, phản đối sự điều phối của nhà nước, chủ trương chế độ tư hữu, phản đối chế độ công hữu. Kế hoạch Havard này hoàn toàn bất chấp tình hình thực tế của Liên Xô, với ý đồ thông qua liệu pháp sốc: 500 ngày nhanh chóng chuyển sang thể chế thị trường tự do phương Tây. Kế hoạch Havard đầy mầu sắc lý luận chủ nghĩa tự do này được Gorbachev đặc biệt coi trọng.


Lenin từng khẳng định chính quyền Xô Viết là tiền đề vô cùng quan trọng, là sự bảo đảm cơ bản cho các quyết định, cho tính chất của phương hướng phát triển nhà nước và xã hội. Mấy chục năm sau, Gorbachev đã vứt bỏ điều đó, kết quả là làm cho CNXH Liên Xô thay đổi tính chất một cách cơ bản. Cơ sở lý luận đúng đắn mà Lenin đặt nền tảng cho Đảng CS Liên Xô dần dần bị Khrushchev, nhất là sau đó đến Gorbachev bóp méo, cắt xén, sửa đổi và phản bội như vậy. Cần đặc biệt chỉ ra rằng, Gorbachev phất lá cờ chủ nghĩa xã hội nhân đạo dân chủ, về cơ bản là thay thế Chủ nghĩa Marx- Lenin và CNXH, còn có tính lừa bịp hơn cả CNTB mà Yeltsin từng rêu rao một cách trắng trợn, do đó nó càng nguy hiểm hơn. Nền móng không vững, mất cơ sở lý luận của chủ nghĩa Marx - Lenin, Đảng CS Liên Xô tan rã là điều không thể tránh khỏi.

No comments:

Post a Comment