Wednesday, February 16, 2011

16/02 Liền anh, liền chị ở Hội Lim vẫn “đấu loa, đấu giọng”

Cập nhật lúc 16h00, ngày 16/02/2011


Cờ bạc hoành hành khắp lễ hội.


KTĐT - Trong ngày chính hội (13 tháng Giêng âm lịch), hàng ngàn du khách về hội Lim trẩy hội vẫn phải chịu đựng cảnh loa đài “đấu nhau” không khoan nhượng, còn liền anh, liền chị mặc sức “hát hò” nhưng không rõ tiếng.

Tránh tình trạng các liền anh, liền chị trong hội Lim hát quan họ theo kiểu đấu loa, đấu giọng, năm nay tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo các lán quan họ hát “chay”. Tuy nhiên, vào hội Lim, du khách vẫn bị tiếng loa đài kêu oang oang, tra tấn suốt cả ngày.

Liền anh, liền chị vẫn “đấu loa, đấu giọng”

Để đưa quan họ về với lối hát truyền thống, mộc mạc, đậm bản sắc văn hóa Kinh Bắc và đúng tầm của Di sản văn hóa thế giới (được UNESCO công nhận năm 2010), trước Tết Nguyên đán, tỉnh Bắc Ninh chủ động cắt loa, đài phục vụ cửa hàng kinh doanh, trò chơi. Tất các các loại hình này đều bị cắt điện để không ảnh hưởng đến liền anh, liền chị hát quan họ trong hội Lim năm nay.

Mạnh tay hơn, tỉnh Bắc Ninh còn quyết liệt ngay cả hiện tượng dùng “đấu loa, đấu giọng” thường thấy giữa các lán hát quan họ. Thay vì hát bằng loa máy, liền anh liền chị sẽ tập trung hát “chay” phục vụ khán giả. Nét mới nữa ở hội Lim là mật độ các lán hát quan họ cũng được bố trí dày hơn mọi năm (6 lán, nhiều hơn mọi năm 2 lán).

Tuy nhiên, trong ngày chính hội (13 tháng Giêng âm lịch), hàng ngàn du khách về hội Lim trẩy hội vẫn phải chịu đựng cảnh loa đài “đấu nhau” không khoan nhượng, còn liền anh, liền chị mặc sức “hát hò” nhưng không rõ tiếng.




Tình trạng "đấu loa, đấu giọng" khiến du khách không thể thưởng thức hết cái hay, cái đẹp của những câu hát quan họ.

Nằm giữa đồi Lim là sân khấu chính được bố trí dàn âm thanh thuộc hàng “khủng” với 4 loa quay về bốn hướng của sân khấu. Trên sân khấu này luôn có hàng chục liền anh, liền chị thi hát nhiều bài mang tính đối đáp. Còn hệ thống loa cũng luôn được mở khá lớn, đủ sức vang xa tận dưới chân đồi, nơi dòng du khách đang nườm nượp kéo về. Phía bên cánh phải của đồi Lim cũng là một sân khấu lớn cũng được trang bị đầy đủ hệ thống loa đài. Còn phía cánh trái là các lán quan họ của các gia đình và làng xã.

“Cố lắng tai nghe tôi phát hiện ra nhiều khúc hát quý, chưa bao giờ được nghe. Chỉ tiếc một điều ban tổ chức không sắp xếp loa đài hợp lý nên không cảm được hết cái hay, cái đẹp của những bài hát quan họ có lẽ chỉ được lưu truyền trong gia đình này” - anh Trần Văn Công, một người mê quan họ chia sẻ.

Để đối phó với tình trạng bị cắt điện, không cho sử dụng loa máy, các cửa hàng kinh doanh trò chơi, bán hàng xung quanh khu vực lễ hội lại chế ra loại loa chạy bằng ắc quy và tất cả các gian hàng vẫn rộn ràng như mọi năm.

Ông Nguyễn Hữu Mạnh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiên Du (Bắc Ninh), Trưởng ban chỉ đạo hội Lim - cho biết, ban đầu ban tổ chức đã chủ động không cho các lán hát quan họ dùng loa điện. Tuy nhiên, do lượng khách đổ về hội quá đông, nhiều tiếng ồn ào lấn át tiếng hát quan họ.

“Nhiều du khách cho rằng nếu liền anh, liền chị hát “chay” có căng tai cũng không thể nghe được. Họ đã đề xuất với chúng tôi để hát loa như mọi năm tuy có ồn nhưng dễ nghe hơn. Ban tổ chức hội Lim đã xin ý kiến tỉnh và được sự cho phép của cấp trên chúng tôi lại cho các lán quan họ tiếp tục dùng loa hát” - ông Mạnh giải thích.

“Cái bang”, cờ bạc thỏa sức hoành hành

Để thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về công tác quản lý và tổ chức lễ hội, ban tổ chức hội Lim năm nay cũng chủ động dẹp bỏ những người ăn xin, ăn mày và nạn cờ bạc thường thấy. Quan sát chúng tôi thấy, lực lượng chức năng được bố trí dày đặc cả trong và ngoài khu vực lễ hội. Các xe ô tô tuyên truyền văn hóa, xe tập trung người lang thang, cơ nhỡ cũng được để sẵn trong khu vực lễ hội.


Ông Mạnh cho biết, lực lượng chức năng được đặt ở mọi góc của lễ hội. “Nếu phát hiện ra các đối tượng ăn mày, trò chơi ăn thua sẽ chủ động đưa về đồn công an”.

Chỉ đạo và cách làm của lực lượng chức năng quyết liệt là vậy. Tuy nhiên, người ăn xin vẫn mặc sức hoành hành làm ảnh hưởng đến bản sắc văn hóa của lễ hội, gây bức xúc trong dư luận.


Nhan nhản "cái bang".


Ngay lối đi chính từ quốc lộ 1A cũ dẫn vào đồi Lim và khu vực xung quanh đồi Lim có vài chục đối tượng ăn mặc rách rưới, ngồi nằm la liệt giữa đường đi. Tất cả các đối tượng này một tay cầm ca hoặc chậu nhựa chìa ra trước xin tiền, còn miệng kêu gào thảm thiết về hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật... để lợi dụng lòng trắc ẩn của mọi người.

Tuy đang nằm la liệt dưới mặt đường, nhưng khi xe ô tô của lực lượng chức năng đi thu gom các đối tượng lang thang đến, những đối tượng này đứng phắt ngay dậy, tá hỏa chạy đi các phía. Một vài người chui ngay vào nhà dân hoặc các lán trại quanh đó, cởi bộ quần áo rách ra để lực lượng chức năng không phát hiện.

Đáng buồn hơn, ngay khi lực lược chức năng đi khỏi, những đối tượng này lại mặc bộ quần áo rách và tiếp tục lăn ra đường để hành nghề. Chứng kiến "vở kịch" phản cảm ấy, nhiều người khuyên các đối tượng nên về quê làm ăn, liền bị chửi bới hoặc nói theo giọng thách thức, bất cần đời.


Những vị sư giả được thu gom, đưa trở về quê.


Nạn “nhà sư” khất thực cũng diễn ra ngay trước cổng hội Lim. Các đối tượng này mặc trang phục của nhà chùa và đứng nghiêm túc trước cổng hội. Sau khi phát hiện, lực lượng chức năng liền đến “bốc” lên xe đưa đi nhưng vấp phải sự chống trả quyết liệt.

Tình trạng cờ bạc bịp cũng hoành hành ở hội Lim, phía trước, sau và xung quanh đồi Lim giăng đầy những sới bạc. Người chơi phần lớn là các "cò mồi", tung ra hàng đống tiền để dụ dỗ người nhẹ dạ, cả tin.

Mặc dù những tệ nạn này vẫn hoành hành ngang nhiên giữa hội Lim, nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa có biện pháp xử lý triệt để.


Theo Dân Trí

No comments:

Post a Comment