Thursday, March 31, 2011

31/03 Kỷ niệm 10 năm ngày mất nhạc sỹ Trịnh Công Sơn



Bài viết được đăng lúc 8:16:59 AM, 31.03.2011
10 năm là chưa dài để có thể khẳng định một tác phẩm nào đó sống mãi khi tác giả không còn. Nhưng dòng nhạc Trịnh sẽ hòa vào dòng thời gian chảy đến bất tận dòng đời.
Nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Sông Hương dành trọn số trang của chuyện mục Tác giả - Tác phẩm để nhớ về Anh - “giọt máu của Huế”.











TRỊNH CÔNG SƠN


“Thư gởi Ngô Kha”

Thư gởi Ngô Kha là bài viết của Trịnh Công Sơn đã đãng trên tập san in ronéo tại miền Nam mà nay đã tuyệt bản, chúng tôi chọn in lại để chúng ta thấy được thái độ dấn thân của Trịnh Công Sơn trong những ngày tháng mà anh đã viết các ca khúc phản chiến nổi tiếng như
 Kinh Việt Nam, Ta phải thấy mặt trời...



Kha;

Trong những ngày tháng 10, với khí thế đấu tranh của nhân dân miền Nam chống lại mọi âm mưu tiêu diệt tự do tư tưởng, tự do báo chí v.v. anh em bỗng nhớ Kha vô cùng (...).

Lá thư nhận được sau cùng của Kha gửi từ Huế vào, mình còn nhớ một điều: Kha không chịu lánh mặt một thời gian dù đã bị hăm dọa. Mình đã suy nghĩ không ngừng về thái độ đó (...).

Cuối năm 1972 thì Kha bị bắt. Anh em loan tin rất nhanh và mình đã vội vã thảo bản tin nhờ một vài tờ báo anh em báo động giùm. Nhưng thật quá thất vọng vì bản tin đó bị xếp vào loại “Tự ý đục bỏ” và dù anh em có thương Kha cũng đành xin được “thông cảm” mà thôi. Mình về nhà quá nản lòng nhưng cũng cố gắng tìm phương cách khác. Cuối cùng đành liên lạc với một anh bạn làm cho hãng truyền hình NBC nhờ loan tin kêu cứu giùm với bên ngoài. Tin loan đi vào ngày hôm sau với đầy đủ tiểu sử, thân thế và quá trình tranh đấu của nhà thơ Ngô Kha. Từ đó về sau đã hỏi thăm bằng mọi cách nhưng tuyệt nhiên không thể nào biết chỗ giam giữ đích xác của Kha.
  
Nhà thơ Ngô Kha

Sau đó là giai đoạn mà anh em bi quan đến độ muốn ngã bệnh vì mỗi người tự thấy chỉ là một thùng hàng loại “nhẹ tay, dễ vỡ” mà thôi. Kha đã từng biết anh em luôn tâm niệmmột điều: “Hãy biết chờ đợi và nuôi lớn hy vọng không ngừng”, nhưng mỗi ngày qua đi, trong khi guồng máy cầm quyền càng lúc càng tinh xảo thì tập thể nhân dân mỗi giờ phút mỗi hao mòn sinh lực bởi đói kém, sưu cao thuế nặng, đàn áp tinh thần, tù tội hay thủ tiêu.v.v. Mình phải thú nhận về sự yếu kém của mình và sau đó đã rơi vào cơn khủng hoảng quá trầm trọng về tinh thần. Trong thời gian này có mấy nhà báo Nhật đưa mình đi khám bệnh ở bác sĩ quen với họ từ Nhật mới qua. Lời khuyên là nên tĩnh dưỡng ở chỗ ít tiếng động.

Mình quyết định về ngay thành phố của bọn mình. Những sinh hoạt trong thành phố giờ đây đã chìm xuống vắng lặng. Muốn gây dựng lại một vài sinh hoạt văn hóa nghệ thuật nhưng dự định bất thành. Anh em đã gặp nhau bàn tính về chuyện cho ra một giai phẩm để làm chỗ cắm dùi cho những cây bút lang thang nhưng đơn gửi đi và giấy mực buồn bã trở về với cái slogan dị hợm cũ kỹ này: “vì tình thế, vì tình hình”. Bài vở đã viết xong đành được xếp lại một đống.

Rõ ràng là chúng ta chỉ còn lại một thứ tự do duy nhất: tự do câm miệng trong nhà tù trá hình.

Anh em gặp lại nhau và loay hoay bắt tay vào một vài công việc khác. Mục đích của anh em là cố gắng tạo lại sinh khí cho thành phố bằng mọi cách. Vả lại mỗi người đều tự nhận thấy là mình đã quá vô ích trong một thời gian khá dài. Điều đó làm cho anh em hoảng hốt nhiều hơn cả.

Quyết định xong là làm việc ngay. Công việc chỉ mới bắt đầu thì cái bọn “công an mật vụ trí thức” lên tiếng xầm xì bàn tán rồi. Bọn nó chụp một vài cái mũ loại chính quyền hay dùng cho những người đối lập để thân ái gửi tặng anh em. Thế là những khó khăn chuẩn bị áo mũ lên đường. Không cần nói ra Kha cũng đoán biết bọn đó gồm những ai rồi. Chúng nó đủ mọi thành phần nhưng thường là những kẻ chiếm ưu thế trong xã hội. Những tên “trí thức mật vụ” đó, đau đớn thay, một phần đang nắm vận mệnh giáo dục trong tay. Nguy hiểm hơn nữa là giọng lưỡi đần độn của bọn nó ve vuốt được một số đông học sinh ngây thơ trong thành phố. Kha có còn nhớ trước đây có lần mình đã là nạn nhân của một tên điểm chỉ trong bọn nó không. Thành phố vốn buồn thiu, qua sự hiện diện của bọn chúng lại còn xấu xí hơn nữa. Và có sự thật này vừa được phát giác là số công an chìm trong thành phố trước đây đã quá đông đảo nay được sự tiếp sức không công của bọn chúng bỗng trở thành một lực lượng hùng hậu đến độ hãi hùng. Cái mạng lưới dày đặc đó muốn kiểm soát toàn bộ tư tưởng và hành vi của từng cá nhân thị xã, nhất là những cá nhân, mà theo luận cứ ngây ngô và buồn cười của bọn chúng thường gọi là bất hảo và không xứng đáng. Chúng nó đâu ngờ rằng từ lâu chúng ta đã bầu chúng làm những công dân xứng đáng nhất của quốc gia rồi mà!

Trở lại cái vụ “rắp tăm bắn sẻ” bên trên sau khi tung ra những món ám khí tối độc thì hậu quả là công an đến từng nhà của anh em để điều tra và cho đến nay tình trạng đó vẫn chưa chấm dứt. Dù vậy, công việc không vì thế mà khựng lại vì anh em đều nghĩ rằng thiện chí của anh em đáng được duy trì và công tác văn hóa là một công tác tốt đẹp. Đã thấy là tốt đẹp thì tiếp tục. Từ thái độ chung này mình bỗng nhớ lại thái độ của Kha trước ngày bị bắt và dù ít dù nhiều chúng ta đã có những điểm tương đồng.

Khi cầm bút viết bức thư này cho Kha mình hoàn toàn không có dụng ý nói dài dòng về tình trạng trên đây, nhưng cái tâm sự u uất trong mỗi người chúng ta nhiều khi kềm hãm không nổi...
Phong trào sinh viên đô thị Huế - bút sắt Bửu Chỉ

Hôm nay những thành thị miền Nam đang vươn vai đứng dậy. Trời đất được cơ hội thoát ra không khí ô nhiễm để thở bằng sinh lực mới cùng tập thể nhân dân yêu nước, yêu hòa bình và tự do. Phải chăng hồi chuông báo tử đã được gióng lên để những gì cần phải tàn tạ hãy tàn tạ nhanh chóng. Khi con người nhận thấy mình không còn gì để bóc lột và tước đoạt thêm thì đứng dậy và lên đường. Đó là điều dĩ nhiên. Chỉ có kẻ mù mới không nhìn ra sự thật đó. Nếu cần phải ngạc nhiên tự hỏi sao vận hội mới của nhân dân trễ nải quá vậy. Trễ đến như vậy có nghĩa là sự chuẩn bị đã chu đáo lắm rồi. - Không hiểu sau những bức tường tối tăm của một nhà giam nào đó Kha có nghe ra những tiếng thét bi hùng của nhân dân? Có lẽ Kha không ngờ nổi là không riêng gì những đoàn thể tôn giáo, những tập thể nhân dân trên mọi lãnh vực như văn hoá, báo chí, tư pháp, tiểu thương, lao động .v.v. và ngay cả trong hàng ngũ quân nhân, công an, và cảnh sát cũng từng giờ phút nóng lòng chờ đợi. Đây đúng là lúc chúng ta có thể dùng được cái từ ngữ này mà không bị cho là xuyên tạc chút nào: “Triệu người như một”. Đúng là triệu người như một không thêm bớt gì được nữa. Mình biết được những nao nức như bờm ngựa bất kham trong Kha. Nếu tin tức bên ngoài đến kịp, có lẽ giờ đây trong lòng Kha đang mở hội không chừng. Hãy cố gắng trấn tĩnh, đừng quá nôn nóng như ngày xưa, nhưng nếu trái tim Kha đã muốn nhảy những nhịp điệu bất thường thì hẵng để cho nó reo ca đôi chút. Nếu có vài trái tim bên cạnh Kha còn tăm tối quá thì thử chuyển cái nhịp điệu vui tươi kia sang giùm. Hãy nhóm lửa cho nhau và chờ đợi. Ở bên ngoài những vòng xích anh em đang cố gắng nối lại với nhau. Cuộc tranh đấu hôm nay của nhân dân trên mọi thành thị miền Nam không giống như những cuộc tranh đấu đã qua. Chắc chắn không phải là ngọn lửa bộc phát để mau tàn tạ. Cái nhịp độ đầy đắn đo, trầm tĩnh trong từng bước một làm mình an tâm lắm. Vả chăng lúc này không tin tưởng vào thế lực và sức mạnh của nhân dân thì có lẽ chúng ta không còn cơ hội tốt đẹp nào hơn để tin tưởng nữa. Này nhé, chỉ trong vòng hai năm, thời gian Kha nằm tù, tất cả mọi lãnh vực kinh tế, chính trị, xã hội và giáo dục đã rơi xuống một tình trạng quá thảm thương. Mọi sự gắng gượng đều vô ích. Hoàn toàn là không cứu vãn được gì nữa. Trên chiếc máy thời tiết, tất cả mọi phương diện từ tinh thần đến vật chất như tự do, cơm áo, dân chủ đều được trả về với số “0”. Riêng những vùng ngoại ô thì tệ hại hơn nữa vì đa số dân chúng đều coi như con số “0” trên kia là một tình trạng khả quan đối với họ. Họ là những kẻ chỉ còn chờ sự hủy diệt sau cùng vì chiếc kim đời sống họ đang muốn chạy nước rút về phía cực âm; (-) cơm áo, (-) trú ẩn, (-) công ăn việc làm. Có lẽ, không nên nhắc thêm những chữ tự do, dân chủ đối với họ vì đó là những món xa xỉ suốt đời không có cơ hội dùng đến nhất là trong giai đoạn mà bao tử đang làm một cuộc thi đua không hào hứng về giải “oscar de la faim” - Họ không phải là những triết gia nhưng cả cuộc đời họ là một chủ thuyết hư vô từ trong ra ngoài.

Từ những năm trước chúng ta chờ đợi những gì? Chắc Kha còn nhớ rõ là chúng ta thường nói với nhau phải chờ một ngày mà mỗi sự kiện tình thế phải là một trái cây chín muồi. Hôm nay phải chăng những trái cây chờ mong đã chín tới. Những trái cây đói khổ, chết chóc, thất nghiệp, ruộng vườn .v.v. được hỗ trợ bởi một hoàn cảnh xã hội rách nát, bè phái, tham nhũng, chia rẽ, tù tội, tra tấn... Như thế thì Kha này, có phải là một vận hội mới đã đến lúc phải thành hình hay không?

Mặc dù không ai nói với ai nhưng mình tin rằng mọi người đang nghĩ như thế. Đây là lần đầu tiên mình thấy được những tôn giáo đã bỏ qua những dị biệt để đứng cùng nhau trong một hàng ngũ, những thành phần rất khác biệt, cũng phát thanh cùng một nguyện vọng. Chưa biết sẽ đi đến đâu nhưng nhìn qua cái khối vững vàng đầy tình nghĩa anh em như thế cũng đủ cảm động rồi. Và cái điều mình mơ ước bấy lâu, cái nền tảng của mọi sự xây dựng lâu dài cho hòa bình, tự do, giờ đây đang thành tựu từng phần trên đất nước. Đólà cái “lương tâm tập thể”, một viên ngọc quý giá đã được làm bằng xương máu và sự tranh đấu liên tục của nhân dân.

Kha này,

Nếu không cho là ủy mị quá thì có lẽ phải khóc được trước hình ảnh đẹp đẽ kia và trước viễn ảnh mà “lương tâm tập thể” sẽ mang đến.

Từ 1963 đến giờ đã trải qua bao nhiêu cuộc đấu tranh, lớn có, nhỏ có, nhưng chỉ có lúc này mình mới thấy được sự nhất trí từ mọi phía của quần chúng (Dĩ nhiên là trong sự nhất trí đó hoàn toàn không có sự đóng góp của chính quyền). Và cũng vì một tập thể đồng nhất quá to lớn như thế nên vấn đề tổ chức cơ cấu càng phải cẩn mật và chặt chẽ hơn thêm. Từ đó, như mình đã nói với Kha ở trên, đừng nên nôn nóng quá vì tập thể sẽ đi rất chậm nhưng là sự chậm rãi dũng mãnh của ngọn sóng thần đang góp thêm những con sóng nhỏ để đầy đủ uy thế quét sạch sẽ mặt đất ô uế chúng ta đang sống hôm nay. Không nhắc đến thì thôi, mỗi lần nhắc lại thì trái tim như bốc lửa. Phải tự trấn an lắm mới khỏi có những cử chỉ hoặc hành động thái quá. Trong lúc này không ai có quyền bốc đồng tự tạo lấy sự dấn thân có tính cách cá nhân nữa. Mỗi ước muốn hợp tác phải có nghĩa là hợp tác trên cơ sở tinh thần mà nhân dân đã và đang tiếp tục hình thành một cách quy mô trên khắp các đô thị miền Nam. Mỗi một vụ xé rào phải được xem như có ý phá hoại tập thể. Chính vì tính cách trầm trọng đó mà cái lưới công an đang được sử dụng tinh vi hơn để kịp thời cắt lìa những đầu mối có thể nối liền với tập thể. Đây là một cuộc đấu tranh có tính cách dứt điểm buộc mỗi người phải cẩn trọng và ý thức sáng suốt về chỗ đứng của mình.

Chính quyền một mặt đang chơi trò “thả nổi tình thế” để tạo sự hoang mang trong quần chúng, mặt khác dùng mục tiêu đấu tranh của nhân dân làm mục tiêu của mình để vô hiệu hóa ý nghĩa của sự chống đối. Nhưng Kha này, sự quỷ quyệt đó không che giấu được ai đâu.

Chống tham nhũng, đòi hòa hợp hòa giải dân tộc .v.v. chỉ là những cái cớ tiên khởi để từ đó nhân dân tự cứu mình ra khỏi nanh vuốt độc tài của một chánh sách hiếu chiến và phi dân tộc mà thôi. Nhân dân đã ý thức từ lâu về thân phận của mình, ngày qua tháng lại cũng chỉ là nạn nhân của bóc lột và phỉnh phờ. Ngày nào họ chưa lên tiếng chống đối, ngày đó họ vẫn còn là cơ hội tốt, để đóng góp thêm xương máu của chính họ và của con cái họ, vẫn còn là cái bình phong tốt để tập đoàn cai trị kia nhận tiền viện trợ Mỹ để chia nhau. Trên bao nhiêu thông báo, tuyên cáo, phản kháng thư của tháng 10 này, tiếc rằng Kha không đọc được, bao nhiêu tội ác của nhà cầm quyền đã được bày biện đầy đủ cho nhân dân xem cả rồi. Nên, điều chắc chắn là đồng bào ta không dễ gì bị gạt. Vấn đề còn lại chỉ là thời gian.

Có lẽ Kha sẽ có buồn đôi chút vì không thể góp tiếng cùng anh em trong giai đoạn này nhưng Kha nên nghĩ lại, mỗi chỗ đứng đều có ý nghĩa của nó trong cuộc đấu tranh chung để giành lại hoà bình và tự do cho dân tộc.

Trong thời gian không thể trực tiếp góp mặt trong cuộc đấu tranh mới mẻ này Kha thử phác họa lại những nền tảng đẹp đẽ cho một đời sống mới trong đó, đời sống con người sẽ xanh tươi như cây cỏ của quê hương, sẽ đi đứng cười nói thong dong không còn sợ hãi, tóm lại, sẽ được phục hồi xứng đáng trong thiên chức làm người.

Lòng đang quá xôn xao bởi tiếng nói đấu tranh đang vang lên trên khắp mọi đô thị miền Nam, mình không đủ trầm tĩnh để viết cho Kha dài hơn nữa. Mong Kha hiểu cho và xin hẹn gặp nhau như những tiếng pháo mừng rỡ trong những ngày linh thiêng sắp đến.

Thân ái và hy vọng
1974
Trịnh Công Sơn
(Trích lại từ Rơi lệ ru người, Nhà xuất bản Phụ Nữ, HN.2001, trang 26-35)(266/4-11)

Wednesday, March 30, 2011

30/03 Địa đàng còn in dấu chân



Bài viết được đăng lúc 8:46:04 AM, 30.03.2011
Trăng thiên cổ (Chân dung Trịnh Công Sơn) - Tranh sơn dầu Bửu Chỉ
HOÀNG PHỦ NGỌC TƯỜNG
Trịnh Công Sơn sinh ngày 28.2.1939 tại thành phố Buôn Ma Thuột. Hai năm về trước, cụ thân sinh lên đây chơi, nhân thấy cảnh non xanh nước biếc xinh đẹp và thành phố núi yên tĩnh bèn đưa gia đình lên đây lập nghiệp dài lâu. Năm sau hai ông bà sinh con đầu lòng, nhưng không nuôi được. Năm tiếp theo, Trịnh Công Sơn ra đời, gia đình xem như con trưởng.

Vết tích của thời kì ấu thơ này chẳng còn để lại gì, ngoài một tấm ảnh của tuổi hài đồng, cùng một ít kỷ niệm mờ nhạt trong trí nhớ của người thân; với Sơn chắc cũng không hơn gì. Dĩ nhiên thôi vì nói như M. Ponty, nếu người ta không thể dừng lại một phút sau khi chết để biết mình chết như thế nào; thì người ta cũng không thể ra đời sớm hơn một phút, để biết mình ra đời như thế nào. Tuổi hài đồng là một kỉ niệm bất khả tri của đời người. Dù vậy, Trịnh Công Sơn vẫn coi rằng đây là thời kì trọng đại nhất trong cuộc đời của anh, và anh cố tìm đọc ở trong đó những tín hiệu của định mệnh mà anh sẽ phải đảm nhận sau này. Trịnh Công Sơn cảm nhận rằng tuổi hài đồng của anh là thời điểm mà thiên thần Ni-ca-e thông báo tin buồn về một sự ra đời, và rồi đây ở tuổi biết suy nghĩ Trịnh Công Sơn bắt đầu nghiền ngẫm về tin buồn đó trong nghệ thuật của anh, rằng cuộc đời này chẳng có gì vui, tuy nhiên, người ta vẫn phải sống hết cuộc đời của mình, điều mà triết học hiện sinh gọi là “Courage to be”. Trong bài hát Gọi tên bốn mùa, Trịnh Công Sơn viết: “Tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp người”.

Âm nhạc của Trịnh Công Sơn xuất phát từ nỗi buồn có tính cách chung thẩm như vậy, cùng với cái nhìn âm u của anh ném ra khắp thế giới, bất cứ chỗ nào đôi mắt của anh từng hướng đến, kể cả cõi tình. Mà người ta có lí khi nghĩ về cuộc đời của Sơn như một hiện hữu không thể có niềm vui.

Minh họa: Thái Ngọc Thảo Nguyên

Sau khi triển khai tất cả ý nghĩa của một hiện hữu vào nghệ thuật, Trịnh Công Sơn chỉ nhìn thấy còn lại trong tay mình một chút vôi kết tủa của nỗi cô đơn. Có thể nói rằng nỗi cô đơn là không khí tản mạn khắp trong nhạc Trịnh Công Sơn, và là “tội tổ tông” con người phải gánh chịu từ thuở sơ sinh, và không thể nói gì khác. Có thể nói ngay rằng nỗi cô đơn của phận người là một đóng góp quí báu của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn cho cảm hứng âm nhạc Việt Nam một thời. Trong khi mãi dồn sức cho cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, nhiều người đã quen với những lời hô hùng tráng mà quên đi rằng con người là một gã lữ hành đi trong sa mạc. Nhưng một nền nghệ thuật đánh rơi mất nỗi cô đơn của phận người chưa phải là một nền nghệ thuật hoàn hảo.

Bóng dáng nhân loại gần gũi và thân thiết nhất đối với con người trong tuổi sơ sinh chính là hình bóng của người mẹ. Trong hầu khắp các ca khúc của anh, Trịnh Công Sơn thường dùng từ Mẹ khi nói về Tổ quốc hoặc quê hương. Tổ quốc của Sơn là một đất nước đổ vỡ vì chiến tranh, là một quê hương mịt mù trong khói lửa (Gia tài của mẹ), là những bà mẹ quê bỏ hoang ruộng vườn, ngẩn ngơ nhìn trái quả trên tay, nhớ về “một giàn đầy hoa”(Người mẹ Ô Lý). Tình cảm đau thương về Tổ quốc là một cảm hứng lớn trong nhạc Trịnh Công Sơn, đã làm cho anh mất ngủ, héo hon suốt tuổi thanh xuân, và từ đó, chín muồi thành thái độ phản chiến trong nhạc của Trịnh Công Sơn. Nội dung phản chiến tuy nhất thời đã làm một số người không bằng lòng, nhưng đó vẫn là tư duy chủ yếu của Trịnh Công Sơn trong ba tập: Ca khúc da vàng, Phụ khúc da vàng, Kinh Việt Nam, và là một nét nhân bản xứng đáng với nhân cách của một người công dân đối diện với một cuộc chiến quá dữ dằn và kéo dài. Chính Nguyễn Trãi, danh nhân văn hóa thế giới (do Liên hiệp quốc bầu chọn) đã từng nói “hòa bình là gốc của nhạc” dù ông đã đi qua cuộc kháng chiến chống Minh với tất cả hăm hở của một người chiến sĩ. Và trên con đường số Chín đầy máu lửa của một thời, đã từng có những người lính Mỹ đứng dàn hàng ngang, không chịu đi hành binh để phản đối chiến tranh. Ở đây, chúng ta thấy hậu quả quyết liệt và lâu dài của hành động phản chiến đó, và bây giờ bất cứ nơi đâu trên thế giới có tiếng súng của kẻ gây chiến, người ta lại thấy cần có hành động phản chiến như những người lính Mỹ nói trên. Vậy phản chiến không hề là một thái độ hèn nhát của những kẻ không dám xung trận, mà là hành vi dũng cảm của những người không muốn dùng máu lửa nhằm dập tắt một thảm kịch máu lửa đang diễn ra khắp nơi. Đây là một ít hồi quang xa xôi của tuổi sơ sinh mà chúng ta có thể tìm thấy trong sự nghiệp âm nhạc của Trịnh Công Sơn.

Tôi muốn dừng lại ở đây trong khoảnh khắc để giải bày lòng biết ơn của cuộc đời đối với vai trò đặc biệt quan trọng của Người Mẹ.

Tôi sung sướng được tiếp xúc gần gũi với thân mẫu Trịnh Công Sơn trong nhiều năm kết bạn với anh, và được hưởng sự ngọt ngào từ trái tim người mẹ của bà. Bà người nhỏ nhắn, dịu dàng. Tuy phải xoay xở lo cho cả gia đình, bà vẫn chăm lo cho tám người con ăn học đàng hoàng, và lúc nào bà cũng giữ được phong thái ung dung. Thỉnh thoảng, bà vẫn phì phèo một điếu thuốc Kent trên môi, và tiếp chuyện một cách thành thạo những người bạn cùng lứa tuổi của con bà lúc Sơn đi vắng. Dù con trai (Trịnh Công Sơn) đã lớn gần 50 tuổi, bà vẫn dành cho Sơn một tình yêu thương đằm thắm và sự chăm sóc tỉ mỉ như đối với một đứa trẻ; và đáp lại về phía mình, Trịnh Công Sơn cũng dành cho mẹ một niềm yêu mến và kính trọng. “Khi một người mất mẹ ở tuổi 50 - Sơn viết - điều ấy có nghĩa là không còn gì có thể dàn xếp được. Cái sa mạc để lại trong lòng bạn cứ thế mỗi ngày lan rộng ra và cõi lòng bạn thì tan nát như một cánh đồng xanh tươi vừa trải qua một cơn bão lớn” (Trịnh Công Sơn, thủ bút để lại). Tôi cho rằng nhiều nét trong tính cách của Trịnh Công Sơn là thừa hưởng từ bà, thí dụ như sự tế nhị, tính dịu dàng và lòng bao dung. Và với một người chuyên viết tình khúc như Trịnh Công Sơn, ta có thể nói rằng một người tình mang đến cho ta thật nhiều ngọt ngào pha lẫn chút cay đắng, còn tình yêu của người mẹ thì chỉ có sự cưu mang, và trái tim nhân từ mà thôi. Một người tình luôn tự đặt mình trong quan hệ biện chứng giữa cho và nhận, trong khi tình yêu của mẹ chỉ diễn ra trong một chiều của lòng từ tâm mà thôi. Chúng con xin triệu lần biết ơn mẹ, ôi người mẹ tuyệt vời, Nam Mô Đại Từ Đại Bi Quan Thế Âm Bồ Tát! Phải có một người mẹ từ mẫu như thế, và phải có một đàn em trìu mến như thế mới có một tài năng kiệt xuất như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Không lạ gì bóng dáng của người mẹ thường hiện ra trong bài hát của Trịnh Công Sơn, hiện ra thấp thoáng trong hầu khắp mọi bài hát hoặc hiện ra thành một tượng đài toàn vẹn, như Người mẹ Ô Lý, Ngủ đi con, Ca dao mẹ, Huyền thoại mẹ… 

"Huyền thoại mẹ" - SH số 12/4-1985

Với Trịnh Công Sơn, ý niệm lời ru không chỉ dành riêng cho những gì êm ái, ve vuốt (Ru tình) mà còn là những gì dữ dội, tàn pha (Đại bác ru đêm) những gì đã trở thành thường xuyên, thường xuyên đến độ quen thuộc với tác giả, giống như một căn bệnh kinh niên của người già.

Trịnh Công Sơn trở lại Huế cùng gia đình, sống ở vùng Bến Ngự. Anh đã sống tiếp những năm thơ ấu ở đây, tiếp giáp với dòng sông Bến Ngự và khu ngoại ô Nam Giao đầy những làng vườn thơ mộng vùng trung du, đắm mình trong tiếng kinh cầu và tiếng chuông thu không của những ngôi chùa cổ ở Bến Ngự. Anh đi học ở Trường tiểu học Nam Giao và vào những trưa hè, thường theo đuổi thú vui đi bắt ve ve trong các khu vườn.

Gần Trường tiểu học Nam Giao, có ngôi tháp của vị thiền sư nổi tiếng khắp trong vùng, gọi là tháp Cát Ma (tiếng địa phương gọi là tháp Kiết Ma). Sư Cát Ma kết bạn với sư Từ Quang. Hai người thân nhau như bóng với hình, và thường tranh luận về tư tưởng Phật giáo. Chiều chiều dân trong vùng vẫn thấy hai vị thiền sư từ trên dốc đi xuống vừa đàm đạo sôi nổi về những vấn đề kinh điển. Có lần một núi lửa nhỏ đã xuất hiện ngoài khơi tỉnh Phan Thiết và sư Cát Ma tích cực hưởng ứng một phong trào vận động nhằm quyên góp giúp đồng bào nạn nhân. Sư Từ Quang từ chối sự quyên góp, cho rằng theo lý thuyết tiểu thừa của Phật giáo, thì mỗi người chỉ có thể độ lấy bản thân, không thể lo thay cho người khác. Ngài Cát Ma nói lại rằng lịch sử Phật giáo công nhận rằng sau khi thành đạo, Đức Phật đã độ cho vợ là công chúa Gia Du Đà La, con trai là thái tử La Hầu La… Hôm sau, vừa gặp ngài Cát Ma, sư Từ Quang đã nói: nếu chúng ta quyên tiền cho đồng bào nạn nhân Phan Thiết, thì thay vì dùng tiền ấy mua quần áo, có kẻ lại dùng tiền ấy để mua cây dao giết người thì biết làm thế nào? Cứ thế họ tranh luận với nhau không dứt. Hòa thượng Từ Quang mất vào khoảng năm 1915. Ngài Cát Ma bèn cho dựng một bức tường bên cạnh ngôi tháp định sẽ dành cho mình và đối diện với tháp của sư Từ Quang, nguyện rằng sẽ viết lên đó những ý kiến của mình về một vấn đề kinh điển nào đấy mà ngài tự đặt ra và hy vọng rằng âm hồn của ngài Từ Quang sẽ đọc thấy. Người Huế là như vậy, thích tranh luận dù ở tận bên kia thế giới. Những người đàn bà đi chợ để bán những trái cây sản xuất được trong vườn thường chọn một hai trái tốt nhất đặt ở tháp Kiết Ma, hoặc khi không có trái cây thì họ có ý thành kính bằng cách đặt vào đấy những viên đá xinh xắn nhặt được trên đường. Cũng nên nhắc lại rằng khoảng năm 1951-1956, gia đình của Trịnh Công Sơn thường xuyên vào ra Huế - Sài Gòn, ngụ tại đường Hàng Bè (nay là đường Huỳnh Thúc Kháng) sau dời về phố Phan Bội Châu (nay là đường Phan Đăng Lưu). Cụ thân sinh (và thân mẫu) của Trịnh Công Sơn hoạt động cho phong trào kháng chiến, bị bắt giam nhiều lần, và đến tháng 6-1955 trên đường đi công tác, ông bị tai nạn xe qua đời. Trịnh Công Sơn và các em được mẹ đi qui y ở chùa Phổ Quang nơi dốc Bến Ngự, pháp danh là Nguyên Thọ. Sơn tụng kinh, ăn chay một tháng bốn lần, không ăn nhiều hơn vì trong nhà lo cho sức khoẻ của Sơn, trên đầu giường Sơn luôn có một chuỗi hạt và một chiếc áo tràng màu lam. Gia đình thường hay đi chùa vào ngày rằm, mồng một. Vì vậy, Trịnh Công Sơn không tránh khỏi ít nhiều tư tưởng Phật giáo, như chủ đề của của các bài hát Cõi tạm, Ở trọ, Đóa hoa vô thường, hoặc Một cõi đi về. Nhất là tư tưởng Sinh, Lão, Bệnh, Tử vẫn thường xuất hiện trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn. Và trong những bài như Biết đâu nguồn cội, thì giai điệu của âm nhạc nhắc nhở lại một cách rõ ràng giọng tụng niệm của Phật giáo.

Trên đây là tất cả những gì Phật giáo ở Huế đã để lại dấu ấn trong âm nhạc của Trịnh Công Sơn, làm tăng thêm giọng điệu buồn bã của các ca khúc.

Thời kì ở Bến Ngự, Trịnh Công Sơn thường ham mê thú vui đi bắt ve ve với một vài người bạn thân. Những con ve sống đời ấu trùng suốt bốn năm dưới những hang sâu tự khoét lấy trong lòng đất, đợi đến mùa hè để trưởng thành. Khi thân thể đã chuyển hóa thành hình con ve, chúng ngoi lên mặt đất đậu trên những cành cây, hát vang lừng những tuổi học trò cho đến một ngày đầu thu thì đời ve kết thúc. Suốt đời ve ve, nó chỉ biết ca hát, người ta thường mệnh danh nó là “ca sĩ mùa hè”. Đời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn như là một mô phỏng của đời ve, với tấm thân rỗng không, suốt đời chạy về phía chân trời tràn ngập tiếng hát ca.

Dạo ở Bến Ngự, thỉnh thoảng Trịnh Công Sơn đi bộ từ nhà qua trường, thường đi bộ dọc theo bờ sông Hương, băng qua bến đò Thừa Phủ. Có lẽ chính đó là thời kì anh bắt đầu đọc được từng nét Huế trên cây xanh, và sau này nhạc của Trịnh Công Sơn tràn ngập thiên nhiên Huế (ví dụ như bài Biết đâu nguồn cội). 

Cho đến tuổi thiếu niên, gia đình mới mua cho Sơn một cây đàn ghi-ta, điều mà lâu nay anh vẫn hằng mơ ước. Cho đến năm 12 tuổi, Sơn vẫn thường đánh bạn với cây sáo trúc, những gì cần cho anh trong âm nhạc về sau này đều do tự học.

Và người ta tự hỏi: vậy thì Trịnh Công Sơn đã học nhạc từ bao giờ? Thì cũng giống như bảo con ve ve kia đã học nhạc từ bao giờ? Có lẽ nó đã học nhạc từ tuổi còn là ấu trùng, nằm tu luyện trong lòng đất tăm tối, hay nói như một ca sĩ chuyên nghiệp: Trịnh Công Sơn đã học nhạc từ trong “tiền kiếp”.

H.P.N.T
(266/4-11)

30/03 Ngày tháng vui buồn với Trịnh Công Sơn


Bài viết được đăng lúc 3:23:01 PM, 30.03.2011
Nhìn từ tầng 2 ở tập thể Nguyễn Trường Tộ là nơi gia đình Trịnh Công Sơn đã sinh sống
BỬU Ý
Lần đầu tiên tôi gặp Trịnh Công Sơn là vào năm 1957, năm khai sinh Đại học Huế. Tôi đến chơi một nhà bà con tại Ngã Giữa (tức là đường Gia Long, sau đổi là Phan Bội Châu và nay là Phan Đăng Lưu), nhân dịp có mấy em gái họ từ Dalat về nghỉ hè tại đây.

Anh em cười nói rộn ràng và bày ra một cuộc đàn hát vang dội. Giữa chừng có một anh chàng từ nhà kế cận vọt bao lơn sang và tỏ ý muốn chung vui. Anh ra dáng thư sinh, vui vẻ, dễ mến. Tôi nghe giới thiệu mới biết đó là Trịnh Công Sơn hiện ở trên con đường này cùng với gia đình có cửa tiệm là “Thanh Tâm” buôn bán phụ tùng xe gắn máy.

Hôm ấy mọi người mải hát và nghe hát, chẳng chuyện trò được nhiều nên sau đó tôi không gặp lại Sơn.

Mãi đến năm 1963, là năm tôi vào Saigon khởi sự làm báo và ở đậu một góc căn gác gỗ chân cầu Trương Minh Giảng, một hôm bỗng đâu Trịnh Công Sơn đến gặp tôi ở đây. Và lại có mẹ của anh đi cùng. Anh đã được Đinh Cường và Ngô Kha chỉ chỗ ở của tôi. Đây mới là lần thứ hai tôi gặp Trịnh Công Sơn, thêm vào đó căn gác gỗ của tôi quá chật chội và lôi thôi, tôi tỏ ra vô cùng lúng túng. Nhưng tôi rất mừng được gặp anh lần này sau khi nghe Ngô Kha tán dương những bài hát đầu tiên của anh mà tôi chưa được thưởng thức.

Đó là thời gian Trịnh Công Sơn đang chôn chân vào trường Sư Phạm Quy Nhơn.

Năm sau, 1964, tôi từ Saigon lên Bảo Lộc để ở lại với Sơn vài ngày tại đây là nhiệm sở của Sơn và nhân thể nhìn ngó tận mắt chỗ ở và chỗ làm việc của bạn. Tôi lên đến miền đất đỏ này vào buổi chiều, gặp lúc Sơn đang đứng lớp, nhưng tôi cũng được phép vào phòng Sơn: phòng, bàn ghế khá bề bộn, giường ngủ buông mùng, và cái đập vào mắt hơn cả là bao thuốc lá vứt vãi tứ tung. Nằm trên giường bạn và nhìn quanh, tôi nhận ra căn phòng này dễ xua đuổi hơn là ấp ủ chủ nhân, bởi lẽ chỉ toàn mùi thuốc lá, ẩm mốc và lạnh lẽo. Kim chỉ dây dưa, tôi nghĩ thêm rằng nghề dạy học không phải dành cho anh chàng phóng khoáng và tài hoa Trịnh Công Sơn.

Hàng tuần, anh đi đi về về Saigon - Bảo Lộc.

Đến 1965, anh bỏ dạy hẳn. Anh đi Dalat và lần đầu tiên gặp Khánh Ly ở đây. Cô ca sĩ này đang hát ở một hai phòng trà nơi thành phố mộng mơ. Ngay từ lúc đầu, hai người tỏ ra hợp nhau. Trịnh Công Sơn xem Khánh Ly là người em thân thiết và đúng là ca sĩ nhanh nhạy, thông minh, có chất giọng phù hợp với ca khúc của mình hơn cả. Khánh Ly không những hát toàn vẹn bài hát mà thôi, còn hát từng câu, và không những hát từng câu mà hát từng chữ một, tròn trịa, đầy đặn, nâng niu. Đó là chưa kể nốt luyến, nốt ngân, nốt buông, nốt vỡ, nốt lặng.

Trịnh Công Sơn cùng với Khánh Ly (quyết định từ giã phòng trà Dalat) về Saigon mở ra phong trào hát giữa sinh viên thanh niên: tại trụ sở sinh viên gần hồ Con Rùa, tại sân bỏ hoang của Đại học Văn Khoa. Trịnh Công Sơn với cây đàn thùng, Khánh Ly trật dép ra đi chân đất, cùng hòa mình vào phong trào tranh đấu vì hòa bình của sinh viên.

Cũng năm này, Trịnh Công Sơn đến ngủ đất tại chỗ ở mới của tôi: cư xá sĩ quan Chí Hòa, đường Bắc Hải.

Năm sau, 1966, tôi lại đến chỗ ở mới tại đường Lý Thái Tổ để cùng làm việc với Trương Phú, giám đốc nhà xuất bản An Tiêm. Và nơi đây sẽ là nơi lui tới thường xuyên của Trịnh Công Sơn, Đinh Cường, Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Nguyễn Đức Sơn.

Năm 1968, Trịnh Công Sơn và Khánh Ly trình diễn ở Huế. Nhưng không ngờ khán giả khá mất trật tự nên cả hai không hài lòng lắm.

Năm 1969, ở Huế, có một giáo sư người Pháp trẻ tuổi tên là Rossignol mời Trịnh Công Sơn, Đinh Cường và tôi đến nhà dùng cơm. Vào tới nhà, chúng tôi khá ngạc nhiên khi nhìn thấy từ tầng trệt lên tới lầu, khắp nơi trang trí toàn những loại vàng mã, từ các loại áo dấu đến hia và nón. Chủ nhân mê các màu sắc sống nóng, các loại giấy bổi và các hình tượng nam nữ cách điệu này lắm. Đứng trước cái sở thích khác người này, chúng tôi đành cười tràn. Ngồi vào bàn, chúng tôi chuyện trò đủ thứ để khuất lấp sự chờ đợi. Cuối cùng món khai vị được đưa ra: mỗi người lãnh một tô to tướng. Anh bạn người Pháp cười hả hê như thể đã có sáng kiến bày ra món này. Trịnh Công Sơn biến sắc mặt: đó là một tô canh mướp đắng! Thừa lúc chủ nhà đứng lên đi xuống bếp, Sơn nói ngay: “Nhà mình bắt ăn thứ này mãi phát ngán, bây giờ đến nhà Tây cũng gặp lại, mà lại còn cả một tô, ai ăn cho hết? Khai vị kiểu chi đây?” Chịu thôi: phải ăn cho hết mới đến món sau. Đó là một bữa ăn nhớ đời.

Năm 1970, Trịnh Công Sơn trình diễn “Tự tình khúc” tại trung tâm văn hóa Phật giáo Liễu quán ở Huế. Cũng năm này Phạm Công Thiện ra Huế chơi, đúng vào mùa mưa lụt. Buổi sáng, dù trời còn mưa, chúng tôi đi về Vỹ Dạ. Đi ngang qua Đập Đá, nước đục ngàu xăm xắp con đập. Có bạn nào đó ngồi trên xe lo sợ đi về Vỹ Dạ đến hồi trở lên nước có thể lên cao. Nhưng rồi vẫn đi. Xuống tới Vỹ Dạ, Phạm Công Thiện đi thăm nhà thơ Võ Ngọc Trác và buổi trưa ở lại. Chiều quay xe trở lên thì Đập Đá ngập nước. Tính liệu không thể qua đêm ở Vỹ Dạ, người bạn lái xe lao tới. Qua được nửa đường con đập, đột nhiên xe chết máy vì nước vào đến máy xe. Trịnh Công Sơn và tôi xanh mặt. Phạm Công Thiện đọc kinh “tai qua nạn khỏi” bằng tiếng Phạn: “Hare Rama…”. Tài xế bình tĩnh thử máy một hồi thì lát sau đã nghe tiếng máy rồ. Chiếc xe nhích từng bước, bò từng bước, và cuối cùng cũng qua được bên kia Đập Đá. Khỏi phải nói, đồng loạt mọi người thở phào!

Năm 1971, Trịnh Công Sơn và Khánh Ly hát ở trường Quốc gia Âm nhạc Huế. Và lần này có thêm Phạm Duy.

Xong buổi hát, mọi người kéo nhau sang trường Đại học Mỹ thuật gần kề và tiếp tục hát chung quanh cốt tượng Phan Bội Châu của Lê Thành Nhơn.

Những năm bảy mươi này, tôi thường tá túc ở nhà Trịnh Công Sơn ở Phú Cam. Đây là thời gian “trốn lính” cao điểm của chúng tôi. Một đêm nọ, cảnh sát dã chiến bao vây cả khu vực này và sục sạo từng nhà một. Nghe động, mẹ của Trịnh Công Sơn giục giã con trai trong nhà trốn gấp. Em trai của Sơn thoát nhanh, đến phiên Sơn cũng thoăn thoắt trèo lên cánh cửa và nhảy thót lên trần nhà. Cơ khổ cho tôi cứ trèo lên trật xuống, phải đứng lên hai vai em gái của Sơn, vậy mà vẫn không tài nào nhảy lên trần nhà được, đành buông tay làm rớt cả một dãy móc quần áo đính vào cửa. Và tôi ngồi xuống giường chờ cảnh sát xộc vào. Chẳng hiểu sao, cảnh sát đi ngang qua và đi thẳng.

Năm 1974, Sơn cùng tôi đi Dalat đón Noel. Ngay hôm đầu tiên, chiều lại, Sơn cùng tôi đến một cái quán đường Hai Bà Trưng vì nghe được giới thiệu là quán điều hành do nữ sinh viên. Đến nơi, vào quán, tứ bề vắng ngắt. Sơn chột dạ: “Quán chẳng ra quán chi cả.” Hai chúng tôi đứng lên, đi tới đi lui, vẫn chẳng có ai xuất hiện. Sơn lên giọng hướng vào bên trong: “Có ai ở đây không?” Mãi lâu sau, có một cô xuất hiện, dáng rụt rè. Sơn bảo: “Sao bán hàng quán mà lâu vậy? Có bia thì đem ra. Nhanh lên, nghe.” Lại phải đợi thêm một hồi nữa, thiếu nữ lúc nãy mới trở ra lại với chai và cốc trên tay. Sơn nói một thôi: “Chúng tôi trước khi rời Huế đi Dalat đã được nghe giới thiệu quán này là một địa điểm sinh động, trẻ trung, phục vụ mau mắn, vui vẻ. Bây giờ tới đúng nơi lại cảm thấy vắng vẻ, chậm rãi quá. Không hiểu vì sao? Cô có thể cho biết được không?”

Cô gái nãy giờ cứ chăm chăm nhìn Sơn và dáng điệu ấp úng thấy rõ. Bị hỏi dồn, cô phải trả lời: “Thưa các anh, chỗ này không phải là hàng quán chi cả. Đây là một cư xá của nữ sinh viên. Bọn em từ bên trong nhìn ra đã trông thấy các anh vào và nhận ra anh là Trịnh Công Sơn. Cho nên anh sai bảo gì thì bọn em nghe lời làm theo thôi!” Thế là bao nhiêu lúng túng ngượng nghịu phút chốc đều trút sang phía Trịnh Công Sơn và tôi. Chúng tôi đành cười nói chữa thẹn. Cô gái nói tiếp: “Tối nay bọn em bày lửa trại đón Noel. Mời các anh đến chơi.” Sau đó, trên đường về, chúng tôi chỉ còn nước rủa thầm đứa bạn đã giới thiệu quàng xiên.

Cũng năm 1974, Trịnh Công Sơn đến với Đại học Cộng đồng duyên hải Nha Trang. Cùng sinh hoạt với anh, có thêm Đinh Cường, Lê Thành Nhơn, Huy Tưởng, Đặng Ngọc Vịnh và tôi.

Năm 1975, tháng ba, giải phóng Huế, Trịnh Công Sơn ở Saigon, Tôi nôn nóng gọi anh ra Huế. Và tháng chín, Trịnh Công Sơn có mặt tại Huế.

Anh về lại căn hộ ở cầu Phú Cam. Anh em bạn bè hàng ngày lui tới với anh, ngủ lại với anh, cho anh bớt trơ trọi. Anh vốn quảng giao, cởi mở, quen biết nhanh và nhiều. Tôi nhớ có một hôm Trịnh Công Sơn đèo tôi trên xe đạp dạo chơi trong Thành Nội. Đi ngang qua đường Nhật Lệ, có một anh đang dùng kéo cắt hàng rào chè tàu trước mặt nhà. Anh này trông thấy Sơn, dừng tay kéo, đưa tay lên vẫy. Sơn chào lại: “Cắt chè tàu, hả?” Anh kia đáp: “Ừ, cắt chè tàu.” Rồi Trịnh Công Sơn tiếp tục đạp xe, chẳng biết người mình vừa chào là ai.

Năm 1979, Trịnh Công Sơn từ giã Huế vào hẳn Saigon.

Năm 1982, tôi vào Saigon, đến Sơn, đường Phạm Ngọc Thạch. Vừa vào tới, gặp nhau, Sơn hỏi tôi có đói bụng không và gọi bà bán trứng vịt lộn vừa mới rao trước cửa ngõ. Tôi đói bụng ăn liền hai trứng, trong khi Sơn chưa kịp bắt đầu. Anh nhìn vỏ trứng trước mặt tôi, hỏi: “Ông ăn hai cái rồi à? Ăn chi mau khiếp vậy?” Và Sơn nhìn tôi ăn tiếp, còn anh không ăn. Tôi ái ngại nhìn bạn và biết Sơn rất muốn ăn nhưng ăn không xuống, như thường ngày vậy.

Năm 1989, tôi gặp Sơn tại Paris. Đêm hát tại Paris này, ngoài Trịnh Công Sơn, còn có Michiko, Nguyễn Quang Sáng, Thanh Hải. Và tôi giới thiệu chương trình. Việt kiều ở đây mừng vui gặp Trịnh Công Sơn. Buổi hát chấm dứt, các bạn trẻ mời mọc anh đi nơi này nơi khác. Anh cũng tha hồ thưởng thức rượu ngon tại kinh đô ánh sáng đến độ, phút chia tay, anh hôn nhầm thắm thiết một anh bạn trẻ.

Trịnh Công Sơn còn dịp về Huế sau năm 1979 rời căn hộ ở cầu Phú Cam: 1983 (về Huế với Phạm Trọng Cầu, Hoàng Hiệp, Trần Long Ẩn), 1990 (để quay phim với hãng BBC), 1993, 1995 (trình diễn hai đêm “Những bài ca không năm tháng”), 1996 (làm giám khảo thi sắc đẹp “Duyên dáng cố đô”), 1998 (khánh thành Morin tái thiết), 2000…

Năm 2000, ngày 13 tháng 4, Trịnh Công Sơn có mặt tại Huế - ngờ đâu đây là lần cuối cùng - giữa lúc đang diễn ra Festival Huế 2000 (Festival lần này tổ chức từ ngày 8 đến 19.4 chứ không phải là tháng 6 như những lần sau) và nói với tôi: “Festival mình không được ai mời nhưng mình vẫn về Huế”.

B.Y
(266/4-11)

Tuesday, March 29, 2011

29/03 Huế với con đường mang tên Trịnh Công Sơn



Bài viết được đăng lúc 9:36:46 AM, 29.03.2011
LÊ PHÙNG

Festival Huế năm 2000, khách sạn Morin mời nhiều vị khách quý và văn nghệ sĩ trong nước về Huế dự Festival, trong số đó có nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mới vừa rời khỏi bệnh viện Chợ Rẫy.

Tuy sức khoẻ còn yếu, anh cũng thu xếp về, không chỉ là để dự Festival mà còn mong gặp lại bạn bè, thăm lại Huế sau thời gian khá dài nằm trên giường bệnh. Có hẹn trước, sau khi dự cuộc gặp mặt tại khách sạn, tôi dìu anh băng qua đường Lê Lợi để cùng gặp anh Bửu Ý, Hoàng Đăng Nhuận đang đợi dưới gốc xoài của nhà hàng “Vườn Thiên Đàng”.

Lâu ngày gặp nhau, anh em mừng quá... -“Moi* không uống bia được, bác sĩ cấm, Moi chỉ uống nước suối, các Toi* cứ uống bia”- anh Sơn nói vậy. Sau khi uống vài lượt bia, hàn huyên tâm sự vơi đầy đã nhiều, anh Bửu Ý, Hoàng Đăng Nhuận có việc phải về trước, còn tôi ngồi lại với anh Sơn. Lúc này trời bắt đầu đổ mưa, các anh chị phục vụ nhà hàng mang vội một cái chân dù ra che chỗ chúng tôi ngồi. Anh Sơn thốt lên: “Mưa Huế đẹp quá Toi ơi, Moi thèm mưa Huế dễ sợ”. Rồi anh nói tiếp như nói với chính mình và chỉ tay ra phía dòng sông, nơi có chiếc cầu thang nép mình bên bờ ta-luy đường Nguyễn Đình Chiểu: “Ước chi mai mốt mình có căn nhà nổi ở đó để ngắm sông Hương”... Anh chợt quay sang nói với tôi: “Nè Toi, sau ni Moi có về với cát bụi, Toi xin các anh nếu có đặt tên đường cho mình thì đặt tên ở con đường nào chưa có tên, vì nếu có tên rồi mà thay tên mình vào thì tội lắm”. Tôi nghe mà chết lặng! Sợ anh bị nhiễm lạnh, tôi dìu anh về lại khách sạn.

Đường Trịnh Công Sơn bên bờ sông Hương

Tháng 10 năm 2010, tôi trao đổi cùng nhà nghiên cứu Trần Thanh, người được UBND thành phố Huế giao chủ trì đề án đặt tên đường phố Huế, rằng sang năm 2011 là kỷ niệm 10 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nên tranh thủ chủ trương của thành phố để đặt tên đường Trịnh Công Sơn. Nhớ lại lời của anh Sơn trước đây, tôi nói với Thanh nên tìm con đường nào đó chưa đặt tên và nếu được nằm cạnh bờ sông Hương thì quá đẹp. Ban đầu, có ý kiến đặt tên Trịnh Công Sơn cho con đường từ chùa Linh Mụ lên Hương Hồ. Đây là con đường rất đẹp, có thiên nhiên hữu tình, có bóng núi, dòng sông liền kề và nếu du khách viếng chùa Linh Mụ hẳn cũng sẽ mong ước được đặt chân trên con đường Trịnh Công Sơn. Ý kiến này về sau xét thấy không ổn vì vốn con đường đó đã có tên.

Một buổi chiều, tôi cùng bạn bè ngồi lai rai trên con đường mới mở dọc bờ sông Hương. Hoàng hôn buông xuống trên mặt sông Hương phẳng lặng như một bức tranh thủy mặc, bên kia là Cồn Hến đang toả khói lam chiều trong bóng tre xanh. Mấy hôm đó Huế vừa chớm râm ran ý tưởng đặt tên đường Trịnh Công Sơn. Ừ nhỉ, vì sao không chọn con đường này để đặt tên đường Trịnh Công Sơn?! Vừa hữu tình, hữu lý, không chỉ thỏa tình cảm của Trịnh Công Sơn yêu sông Hương, yêu Huế mà còn bởi trong sự nghiệp sáng tác đồ sộ của anh có rất nhiều ca khúc hay viết về dòng sông. Nếu con đường mang tên Trịnh Công Sơn được đặt ở đây, nó vừa có công viên, vừa có dòng sông in bóng thuyền trôi, nhìn sang bên kia là Cồn Hến với cảnh sắc thơ mộng, hẳn sẽ níu chân du khách thập phương khi đến thăm Huế. Hãy tưởng tượng giây phút được tản bộ trên đường Trịnh Công Sơn, được đắm mình trong không gian yên ả, để thả hồn, để hoài niệm và để nghe đâu đó trên khúc sông mênh mang vang lên những giai điệu quen thuộc nhạc Trịnh thì quả đó cũng là phút giây hạnh phúc.

Nhạc sỹ Lê Phùng, nhà văn Nguyễn Quang Sáng và gia đình nhạc sỹ Trịnh Công Sơn chụp ảnh kỷ niệm tại đường Trịnh Công Sơn tối ngày 28/3/2011

Bất ngờ trước ý tưởng này, anh Trần Thanh vội đến ngay đơn vị thi công con đường để xin các số liệu liên quan lập hồ sơ. Càng bất ngờ hơn, sau lần thẩm định đầu tiên, khi biết được con đường mới mở ven dòng sông Hương, từ cầu Gia Hội về đến bến đò Cồn được đặt tên Trịnh Công Sơn, người dân Huế và dư luận xã hội đều biểu lộ sự đồng tình cao. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trong một lá thư gởi cho người bạn cũng đã viết: “...Tương lai đó sẽ là con đường đẹp, thu hút khách du lịch, có thể nói là mơ mộng nữa. Tôi cho Thành phố đã lựa chọn hợp lý...”. Nhà thơ Võ Quê cũng đã có lý khi ví von: Con đường Trịnh Công Sơn ở đó tựa như vành nôi thi ca của Huế vậy.

Chiều ngày 17/3/2011 Hội đồng Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế đã thống nhất đặt thêm tên cho 68 con đường mới của thành phố Huế. Trong đó chính thức đặt tên Trịnh Công Sơn cho con đường ven sông từ cầu Gia Hội về bến đò Cồn, trong thời điểm những người yêu nhạc Trịnh trong và ngoài nước đang hướng về 10 năm nhớ Trịnh Công Sơn.

L.P 
(266/4-11)

-----------
* Moi - Toi: cách gọi thân thiện của anh Trịnh Công Sơn với bạn bè.

Sunday, March 27, 2011

27/03 Vai Trò Quân Đội và Các Lực Lượng An Ninh trong Cuộc Cách Mạng Dân Chủ tại Việt Nam



Luật Sư Đào Tăng Dực
Các quốc gia trên địa cầu, từ đông sang tây, đều có hai nhu cầu căn bản: đó là quốc phòng và trị an. Quân đội có trách nhiệm quốc phòng và công an cảnh sát có trách nhiệm trị an.
Trong một nước dân chủ như Hoa Kỳ, chịu ảnh hưởng của các tư tưởng gia khai quốc công thần, đặc biệt là Samuel Adams (1722-1803) và Alexander Hamilton (1755-1804) thì quân đội chịu sự điều khiển của một chính quyền dân sự. Tổng thống Hoa Kỳ là tổng tư lệnh quân lực (commander-in-chief) của các lực lượng võ trang Hoa Kỳ. Các lực lượng an ninh từ tiểu bang đến Liên Bang như cảnh sát tiểu bang, cảnh sát liên bang hoặc FBI cũng chịu quyền điều khiển của các chính quyền dân cử các cấp.
Các quốc gia dân chủ trên thế giới, từ tổng thống chế như Hoa Kỳ, đến quốc hội chế như Anh Quốc, hoặc mô thức hỗn hợp như Pháp, đều chấp nhận nguyên tắc các lực lượng vũ trang và an ninh phải chịu sự điều khiển của chính quyền dân sự.
Trong các nước dân chủ thì có sự cộng sinh giữa nhiều chính đảng và lực lượng chính trị khác nhau, luân phiên nắm quyền qua các cuộc bầu cử tự do và trong sáng. Dù chính quyền có thay đổi thì các lực lượng quân đội và an ninh vẫn phải phục tùng chính quyền tân lập, triệt để thuận theo lòng dân. Quân đội và các lực lượng an ninh không trung thành với bất cứ một cá nhân hoặc đảng phái nào. Họ chỉ trung thành và bảo vệ tổ quốc, qua sự quy định của một bản hiến pháp dân chủ thực sự.
Tuy nhiên, trong một thể chế độc tài thì vai trò của quân đội và công an không còn là trung thành và bảo vệ tổ quốc nữa. Lý do là vì, hơn ai hết, các chế độ độc tài ý thức tòan diện vai trò của quân đội và công an như là những phương tiện tuyệt vời để cướp chính quyền và nắm giữ chính quyền lâu dài.
Trong lịch sử loài người, các chính quyền độc tài, ngay từ thủa bình minh của nhân loại, đều thiện nghệ trong việc duy trì quyền lực độc tôn của mình bằng hai phương tiện chính. Đó là quân đội và công an.
Dĩ nhiên còn rất nhiều phương tiện khác các chế độ này sử dụng. Chẳng hạn kiểm soát thông tin, giới hạn sự đi lại, nghiêm cấm không được tụ tập mà không có xin phép và được cho phép trước, hệ thống tòa án hoàn toàn do hành pháp kiểm soát, suy tôn và thần tượng hóa lãnh tụ v..v..
Tuy nhiên quân đội và công an là những phương tiện chính và được Đức Quốc Xã, dưới sự lãnh đạo của nhà độc tài khét tiếng Hitler, rèn luyện và sử dụng tuyệt luân. Quân đội Đức (Wehrmacht) là công cụ hùng mạnh để Hitler xâm chiếm các nước Âu Châu khác, xây dựng bá quyền. Công an mật vụ võ trang (SS) được sử dụng, không những để kiểm soát dân chúng và mọi thành phần khác của xã hội dân sự, mà không kém phần quan trọng, là để kiểm soát quân đội và các tướng lãnh có tham vọng khác.
Tuy nhiên, không có chế độ độc tài nào sử dụng quân đội và công an sâu sắc và hiệu năng, để duy trì quyền lực lâu dài bằng hai nhân vật trùm cộng sản là Lenin và Stalin. Tuy Lenin là người tiên phong trên phương diện độc tài chuyên chính, nhưng Stalin mới là kẻ mài dũa phương thức đến độ lạnh lùng, tàn khốc chưa từng có trong lịch sử nhân loại. Hitler giết 6 triệu người Do Thái vô tội qua các lực lượng an ninh, trong khi Stalin giết 20 triệu người Nga vô tội qua mật thám Xô Viết. Các chính quyền cộng sản trên thế giới, từ Trung Quốc, Bắc Hàn đến Việt Nam đều thừa hưởng truyền thống cai trị bằng công an và quân đội này.
Năm 1991, trước khi Liên Bang Xô Viết cáo chung, tuy bề mặt Hồng Quân Xô Viết chia rẽ giữa phe ủng hộ Yeltsin (Liên Bang Nga) và phe ủng hộ nhóm Bát Nhân Bang (Liên Bang Xô Viết) đảo chánh Gorbachev, đưa Yanayev lên nắm quyền hầu duy trì quyền lực của Đảng Cộng Sản Liên Bang Xô Viết. Nhóm Bát Nhân Bang cố gắng duy trì Đảng Cộng Sản Liên Bang Xô Viết hầu một cách gián tiếp duy trì Liên Bang Xô Viết như một thực thể chính trị.
Tuy nhiên, thực trạng là đa số tướng lãnh của Hồng Quân Liên Xô đều ý thức được rằng, trong LBXV thực sự chỉ có Nga Sô là gánh vác mọi chi phí của tòan bộ Hồng Quân Xô Viết và không còn kham nổi chi phí quá lớn lao nữa. Họ cảm thấy họ chỉ yêu và trung thành với Liên Bang Nga. Đối với họ, Liên Bang Xô Viết là một thí nghiệm điên rồ, phung phí, thất bại và đã đến lúc phải cáo chung.
Không còn sự ủng hộ của Hồng Quân Xô Viết, phe đảo chánh Bát Nhân Bang và Đảng Cộng Sản LBXV tan rã. Lần lượt các cộng hòa khác nhau trong LBXV nhanh chóng thay phiên tuyên bố độc lập.
LBXV không còn hiện hữu và Gorbachev bắt buộc phải từ chức tổng thống của một thực thể chính trị đã cáo chung vào cuối năm 1991.
Việc đầu tiên dân chúng Liên Xô làm sau khi lật đổ Bát Nhân Bang là đạp đổ tượng của ông tổ KGB là Felix Dzerzhinsky, người sáng lập công an mật vụ KGB năm 1917.
Điểm tương đồng chúng ta nhận thấy trong mọi cuộc nổi dậy của quần chúng đạp đổ độc tài, từ xưa đến nay là, tuy các chế độ độc tài có tính công an trị, nhưng mật vụ và công an lại hòan tòan vắng bóng trong các biến động có tính quần chúng này. Chỉ có quân đội là giữ một vai trò then chốt. Đây là một hiện tượng cần được phân tách và lý giải để có thể rút kinh nghiệm cho một cuộc nổi dậy tại Viêt Nam trong tương lai.
Hiện tại, cuộc cách mạng tại các nước Bắc Phi và Trung Đông như Tunisia, Ai Cập (đã thành công), Lybia, Bahrain, Yemen, Marocco, Saudi Arabia …cho ta các nhận xét sau đây:
1.     Các quốc gia này đều độc đảng trên thực tế hoặc trên nguyên tắc, hoặc quân chủ chuyên chế. Các chính quyền đã tại vị từ nhiều thập niên qua mà không có bầu cử tự do. Các cuộc bầu cử phần lớn là gian lận hoặc “đảng cử dân bầu” tương tự Việt Nam. Các quốc hội thông thường là quốc hội bù nhìn cũng tương tự Việt Nam.
2.     Có ba thanh phần xã hội liên hệ chặc chẽ với nhau và được phân phát của cải vượt lên trên những thành phần xã hội khác: đảng viên (hoặc hòang gia), giới lãnh đạo quân đội và công an. Những thành phần này giầu có cỡ quốc tế trong những xã hội còn nghèo khổ. Hố sâu giữa người dân lao động, nông dân và 3 thành phần thượng lưu trên ngày càng đậm nét thêm.
3.     Dân chúng căm phẫn công an nhiều hơn là căm phẫn quân đội, mặc dầu dân chúng đánh giá quân đội như là yếu tố có tính quyết định cao hơn công an cho sự thành công hay thất bại của các cuộc cách mạng. Tuy công an là công cụ hữu hiệu để kiểm sóat và đàn áp, nhưng một khi dân chúng đã hết sợ và đứng lên, thì công an được đánh giá như không còn khả năng đối phó nữa.
4.     Thực tế cho thấy rằng, mặc dầu quân đội có khả năng đàn áp dân chúng và giải tán biểu tình, nhưng quân đội tại Tunisia và Ai Cập đã đứng hẳn về phía dân tộc và ủng hộ những cải cách dân chủ thay vì tiếp tục trung thành với các thể chế độc tài.
5.     Cường độ chống đối chính quyền trong những quốc gia có quá trình cải cách dân chủ thực sự ( Marocco, Jordan) thấp hơn cường độ chống đối tại những quốc gia có chính quyền bảo thủ và tham quyền cố vị (Tunisia, Egypt, Yemen, Bahrain, Saudi Arabia). Điều này chứng tỏ một chân lý mà người cộng sản Trung Quốc lẫn Việt Nam luôn chối bỏ. Đó là một quốc gia càng dân chủ thì càng ổn định trên phương diện chính trị. Duy trì các chính quyền độc tài tại Trung Quốc cũng như Việt Nam, về lâu về dài, sẽ đưa đến những bất ổn sâu xa cho quốc gia, khu vực và cho nền hòa bình thế giới. Dân chủ hóa Trung Hoa, Việt Nam và Bắc Hàn sẽ đóng góp vô cùng lớn lao cho hòa bình nhân lọai trong thế kỷ 21.
Có hai câu hỏi chúng ta cần nêu ra:
1.     Chế độ CSVN gần gũi với mô thức độc tài nào nhất trong lịch sử lòai người?
2.     Trong tiến trình dân chủ hóa Việt Nam, quân đội và công an sẽ có vai trò gì?
Khi chúng ta duyệt lại lịch sử thành lập các đảng CSVN (1930) và CSTQ (1921) thì chúng ta nhận xét ngay rằng đảng CSVN ngay từ đầu đã lệ thuộc rất nhiều vào Đệ Tam Quốc Tế dưới sự lãnh đạo của đảng CS Liên Xô. Ở điểm này, CSVN và CSTQ hoàn toàn khác nhau.
Khi mới thành lập thì người CSVN lấy tên là đảng Cộng Sản Việt Nam. Tuy nhiên sau đó thì theo chỉ thị của CS Liên Xô, Ông Hồ Chí Minh phải đổi tên lại là Đảng CS Đông Dương, bao gồm Lào và Cam Bốt. Điều này cho chúng ta thấy rằng, ngay từ những thập niên 30, CSLX đã e dè CSTQ và muốn đàn em của mình là CSVN phải ảnh hưởng đến Lào và Cam Bốt để giới hạn sự bành trướng của TQ.
Dĩ nhiên trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam (1962-1975), Ông Hồ Chí Minh được sự viện trợ của cả 2 đàn anh CS qua chính sách đu dây khéo léo. Tuy nhiên ảnh hưởng của CSLX vẫn vượt trội CSTQ cho đến ngày Liên Bang Xô Viết sụp đổ.
Tuy cùng là độc tài chuyên chính vô sản, nhưng có những sự khác biệt cơ bản trong phương thức cai trị độc tài của hai đảng CS đàn anh khổng lồ trên.
Trước hết, trước khi cuộc cách mạng Bolshevik thành công tại Nga  năm 1917 thì Nga Hòang cai trị đế quốc Nga bằng một bộ máy công an sắt máu. Chính Lenin là người chịu nhiều khốn đốn vì guồng máy công an của Nga Hòang. Ngay sau khi vừa cướp được chính quyền năm 1917, việc đầu tiên của Lenin là giao cho Felix Dzerzhinsky trách nhiệm thành lập một hệ thống mật vụ siêu quyền lực, tuyệt đối trung thành với ông và có trách nhiệm đè bẹp tất cả mọi đối lập bằng tất cả mọi phương tiện dù là bá đạo nhất. CSXV là một chế độ CS mang tính công an trị. Yếu tính này được chứng minh nổi bật khi chúng ta duyệt lại tranh chấp nội bộ giữa Stalin và Trotsky sau khi Lenin qua đời (1924). Trotsky không những đã là Bộ Trưởng Quốc Phòng (1918-1925) mà còn chính là người được Lenin giao cho trách nhiệm sáng lập và chỉ huy hồng quân Liên Xô. Trotsky cũng được công nhận là lý thuyết gia CS sáng giá nhất sau Lenin.
Trong khi đó Stalin là tổng bí thư đảng, lúc đó chưa phải là một chức vụ tối quan trọng vì Lenin giữ chức vụ tương đương chủ tịch nước (tức Hội Đồng Bộ Trưởng- Council of People’s Commissars) và uy tín của Lenin bao trùm đảng và nhà nước. Tuy nhiên Stalin kiểm sóat mật vụ KGB. Qua mật vụ KGB, Stalin đã đánh bật Trotsky ra khỏi trung tâm quyền lực. Cuối cùng Trotsky phải lưu vong và bị KGB ám sát tại Mễ Tây Cơ.
Vì thế, theo mô hình Liên Xô thì kẻ nào nắm được mật vụ KGB sẽ nắm được đảng và quyền lực tuyệt đối.
Trong khi đó, tình hình tại Trung Quốc khác hẳn. Đảng CSTQ sống còn và vươn lên trong khung cảnh hai cuộc chiến đẫm máu. Đó là, một mặt, cuộc nội chiến quốc cộng giữa Đảng CSTQ và Trung Hoa Quốc Dân Đảng dưới sự lãnh đạo của Tưởng Giới Thạch. Mặt kia là cuộc chiến chống lại sự xâm lăng của Nhật Bản chiếm cứ Mãn Châu và nhiều cứ điểm khác.
Sau khi đảng CSTQ được thành lập, Stalin cũng đã gởi rất nhiều cán bộ do CSLX huấn luyện để tranh giành quyền lực trong nội bộ đảng CSTQ với mục đích lọai Mao Trach Đông và phe nhóm của ông ra khỏi trung tâm quyền lực. Tuy nhiên Mao Trạch Đông, ngòai sự kiện là một tư tưởng gia có nhiều sáng tạo, ông còn là một thiên tài quân sự. Ông đã chỉ huy cuộc vạn lý trường chinh lịch sử, thóat khỏi sự truy kích của Tưởng Giới Thạch, xây dựng cơ sở, củng cố quân lực, góp phần vào việc đánh đuổi quân đội Nhật và sau cùng chiến thắng Tưởng Giới Thạch, thống trị lục địa Trung Quốc. Dĩ nhiên Mao Trạch Đông cũng không quên thanh trừng và tận diệt bè phái do Stalin cấy vào nội bộ CSTQ.
Trong cuộc vạn lý trương chinh, ông thường được gọi là Mao Chủ Tịch, không phải vì ông là chủ tịch đảng, hoặc chủ tịch nhà nước, vì lúc đó chưa có 2 chức vụ này. Ông được gọi là Mao Chủ Tịch vì Ông là chủ tịch Ủy Ban Quân Quản Trung Ương (UBQQTU), tương đương với chức vụ tổng tư lệnh quân lực ngày hôm nay.
Chính vì truyền thống này, căn bản quyền lực của hai đảng CSTQ và đảng CSLX hoàn toàn khác nhau.
Trong đảng CSTQ, kẻ nào nắm được quân đội sẽ nắm được đảng và sau đó chính quyền. Công an chỉ là một công cụ phụ thuộc để kiểm soát dân chúng mà thôi.
Chính vì lý do đó, chúng ta thấy Đặng Tiểu Bình chỉ giữ một chức vụ phó thủ tướng tương đối khiêm nhượng trong chính quyền, nhưng vẫn được suy tôn là lãnh tụ tối cao (paramount leader), ra lệnh cho Thủ Tướng Lý Bằng và Chủ Tịch Đảng Triệu Tử Dương. Then chốt là vào thời điểm Thiên An Môn 1989 đó, Đặng Tiểu Bình giữ chức vụ chủ tịch Ủy Ban Quân Quản Trung Ương như Mao Trạch Đông đã từng giữ. Cũng trong chức vụ bày, họ Đặng đã ra lệnh quân đội đàn áp đẫm máu công trường, cứu đảng CSTQ.
Các lực lượng quân đội tại thủ đô Bắc Kinh đã từ chối không chịu nghe lệnh. Họ Đặng phải triệu quân đòan 27 từ miền Bắc Trung Quốc, gần Ngọai Mông về. Các binh sĩ này không nói được thổ ngữ Bắc Kinh, không hiểu được ý dân và bị tuyên truyền phải đàn áp phản lọan. Chính sự thiếu thông cảm giữa các binh sĩ và người dân biểu tình đã cứu chế độ CSTQ.
Sau khi LBXV sụp đổ, tuy CSVN có xích lại gần TQ nhưng đó chỉ là trên phương diện cải tổ kinh tế và ngọai giao. Trên bình diện tương quan quyền lực nội bộ, CSVN vẫn theo mô hình của Liên Xô thủa xưa.
Từ khi thành lập, đưới ảnh hưởng của Liên Xô, các phe công an luôn luôn lấn quyền quân đội. Từ Lê Duẫn, Lê Đức Thọ đến Nguyễn Tấn Dũng hôm nay đều xuất phát từ công an. Tướng Lê Khả Phiêu chỉ nắm quyền một thời gian ngắn là bị truất phế.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và những lận đận buồn cười của ông ta là ví dụ điển hình nhất cho vị trí lép vế của quân đội so với công an trong nội bộ CSVN.
Như thế thì trong trường hợp xảy ra biến động quần chúng nổi dậy tại Việt Nam như Thiên An Môn(1989) tại Trung Quốc hoặc tại Bắc Phi hôm nay thì quân đội và công an sẽ giữ vị trí nào?
Chúng ta nhận ngay rằng, sau Thiên An Môn, CSVN đã nghiên cứu bài học này. Họ thấy rằng, tuy công an là công cụ quan trọng để kiểm soát, hù dọa dân chúng và ngăn cản sự nổi dậy của người dân, nhưng lực lượng công an tự bản chất có nhiều khuyết điểm như một công cụ của độc tài.
Trước hết, muốn kiểm sóat dân thì công an phải gần với dân. Điều này hàm chứa nhiều khuyết điểm:
1. Trước hết là gần dân thì dễ bị tha hóa qua hối lộ hoặc những biện pháp tham nhũng khác. 
2. Sau đó vì gần gũi sẽ có những quan hệ riêng tư, dân chúng lờn mặt và không còn sợ hãi.
3. Công an dễ bị nhận diện và có thể bị trả thù cá nhân. Công an trong các chế độ độc tài bị dân phục kích và đánh hội đồng là chuyện thường xảy ra.
4. Một trong những trách nhiệm của công an là kiểm sóat những thông tin về dân chủ và nhân quyền không cho lọt vào tai dân chúng. Nhưng chính các công an lại hiểu biết thêm về dân chủ và nhân quyền nên dễ bị tha hóa như là một công cụ đàn áp.
5. Kinh nghiệm trên khắp thế giới cho thấy, một khi quần chúng đã vượt qua sự sợ hãi đứng lên, thì công an triệt để trốn tránh và biến mất tòan diện. Ngay cả tại Thiên An Môn hoặc tại Bắc Phi, những kẻ bị quần chúng nghi ngờ là công an trá hình bị người dân đánh đập đến chết không thương tiếc.
Vì ý thức được khả năng đàn áp các cuộc nổi dậy có tính quần chúng của quân đội, vượt trội trên công an, nên CSVN đã có những cố gắng để nâng số đại diện quân đội trong Trung Ương Đảng và Bộ Chính Trị sau Thiên An Môn. Điển hình nhất là Thượng Tướng Lê Khả Phiêu làm Tổng Bí Thư (1997-2002).
Các lãnh tụ CSVN cũng thường xuyên thăm viếng Võ Nguyên Giáp trong tuổi già, trao thêm huy chương, quà cáp, tưởng thưởng vv… để lấy lòng giới quân đội.
Gần đây nhất, Đại Hội 11 đã giao Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng giữ luôn chức vụ bí thư Quân Ủy Trung Ương (QUTU), trong niềm hy vọng củng cố thêm sự kiểm sóat của đảng hầu hy vọng quân đội sẽ nghe lệnh đảng, đàn áp những cuộc nổi dậy của dân chúng trong tương lai.
Đây là một mô thức CSVN học hỏi từ kinh nghiệm của Đặng Tỉêu Bình.
Tuy nhiên CSVN quên một điều căn bản. Đó là muốn làm Tổng Tư Lệnh Quân Lực trên nguyên tắc thì dễ. Chỉ cần đảng bổ nhiệm là được. Tuy nhiên, trên thực tế, trước khi làm chủ tịch Ủy Ban Quân Quản Trung Ương thì Mao Trạch Đông lẫn Đặng Tiểu Bình đều là những tướng lãnh vào sanh ra tử thật sự trên chiến trường Trung Quốc. Khác với Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào của Trung Quốc bây giờ, lại càng khác với Nguyễn Phú Trọng của Việt Nam hôm nay.
Trong trường hợp dân chúng nổi dậy, đòi hỏi dân chủ, liệu các tướng lãnh chuyên nghiệp CSVN có nghe lệnh ông “Tổng Tư Lệnh” Nguyễn Phú Trọng hay không vẫn còn là một vấn nạn chưa có câu trả lời của CSVN.
Dĩ nhiên trong hòan cảnh Việt Nam, trước sức mạnh của dân chúng, đám công an của Lê Hồng Anh sẽ trốn chui trốn nhủi như công an của tất cả mọi chế độ độc tài khác. Nếu các lực lượng quân đội không nghe lệnh để đàn áp dân chúng như tại Tunisia và Ai Cập thì Nguyễn Phú Trọng sẽ không còn khả năng điều động để đàn áp như Đặng Tiểu Bình đã làm tại Thiên An Môn.
Chúng tôi không nghĩ rằng có xác xuất cao để CSTQ gởi quân đội TQ đàn áp dân chúng tại Việt Nam hầu cứu chế độ CSVN và tự cứu mình trong tương lai. Tuy nhiên, quan điểm trên không có giá trị tuyệt đối. Khi một chế độ độc tài đã quen ngự trị trên đầu cổ các dân tộc liên hệ, thì không có điều gì họ không thể làm để duy trì quyền lực, kể cả những điều tồi bại nhất. Chúng ta cũng không thể hoàn toàn lọai trừ xác xuất CSVN cầu cứu, và CSTQ gởi quân trực tiếp đàn áp các cuộc biểu tình đòi hỏi dân chủ trong tương lai.
Nếu tình huống tệ hại đó xảy ra, liệu các tướng lãnh quân đội nhân dân Việt Nam có đủ hùng tâm tráng chí đứng lên, đứng hẳn về phía tòan dân, lật đổ bạo quyền CSVN và trực diện đối đầu với đòan quân xâm lược Trung Quốc, còn là một vấn nạn chưa có giải đáp.
Tuy nhiên, có một điều giới lãnh đạo CSVN và tướng lãnh quân đội nhân dân VN cần lưu ý là ngày nay, cục diện thế giới đã thay đổi. Thứ sáu ngày 18/3/11 vừa qua, Hôi Đồng Bảo An LHQ đã quyết định cho phép mọi biện pháp cần thiết để ngăn chận bạo quyền Gaddafi giết hại dân lành, bắt đầu bằng một “vùng cấm phi vụ” (no fly zone) (the imposition of a no-fly zone and authorisation of “all necessary means” to protect civilians).
Ngay cả Nga Sô và Trung Quốc, tuy không ủng hộ nhưng cũng không phản đối quyết định này. Thứ bảy ngày 19/3/11,  Hoa Kỳ, Anh Quốc và Pháp đã oanh tạc các vị trí của Gaddafi. Hầu như có sự đồng thuận giữa mọi quốc gia văn minh trên thế giới, qua lời phát biểu của thủ tướng Anh là David Cameron: “Chúng ta không thể đứng yên nhìn một nhà độc tài tàn sát dân của chính mình” (‘we should not stand aside while a dictator murders his people’). (http://www.dailymail.co.uk/news/article-1367800/Libya-British-troops-action-Libya-says-David-Cameron)
Cuộc nổi dậy chống độc tài của các dân tộc Bắc Phi và Trung Đông đã đưa nhân lọai văn minh bước vào một ngưỡng cữa mới. Đó là thế giới văn minh sẽ không dung túng cho bạo quyền sát hại dân của chính quốc gia mình. Trong kỷ nguyên mới, Tòa Án Hình Sự Quốc Tế (International Criminal Court) có thẩm quyền truy tố và xét xử tất cả mọi kẻ phạm tội chống lại nhân lọai (crimes against humanity), dù kẻ đó là Đặng Tiểu Bình (nếu còn sống), hoặc cựu thủ tướng TQ Lý Bằng của đàn anh TQ liên hệ đến Thiên An Môn. Huống hồ là một Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Lê Hồng Anh hoặc bất cứ một lãnh tụ CSVN nào đã sát hại đồng bào trong quá khứ như biến cố Tết Mậu Thân tại Huế, lạm sát trong các trại cải tạo sau 30/4/75, hoặc ra lệnh tàn sát dân chúng nổi dậy đòi hỏi dân chủ trong tương lai tại Việt Nam.
Những lạm sát của CSVN trong quá khứ lẫn những cuộc lạm sát đàn áp dân chúng biểu tình để bảo vệ độc tài đảng trị trong tương lai, trên nguyên tắc, hội đủ điều kiện để được định nghĩa như là tội ác chống nhân lọai và nằm trong thẩm quyền của Tòa Án Hình Sự Quốc Tế.
Dân ta đã nếm nhiều niềm quốc nhục. Đất nước chúng ta là một trong những quốc gia nghèo nhất và tham nhũng tệ hại nhất. Đất đai và vùng biển cũng như hải đảo của chúng ta bị cường quyền CSTQ chiếm cứ với sự đồng lõa của CSVN. Tuy nhiên trong kỷ nguyên mới, không có niềm quốc nhục nào lớn lao bằng cái nhục bị một tập đoàn độc tài cai trị và coi thường sự thông minh của dân mình.
Nhất là, trong kỷ nguyên mới, cũng không có nỗi nhục nhã nào lớn lao cho cá nhân và tập thể của bất cứ quân đội của một dân tộc nào, bằng nỗi nhục nhã phải làm công cụ thấp hèn cho một tập đoàn độc tài hại nước hại dân như đảng CSVN hôm nay.
Sydney ngày 25 tháng 3 năm 2011
Luật Sư Đào Tăng Dực
Ủy Viên Nghiên cứu Chính trị
Hội Đồng Điều Hợp Trung Ương
Lực Lượng Dân Tộc Cứu Nguy Tổ Quốc