Friday, April 8, 2011

08/04 Nhạc công cuối cùng của triều Nguyễn


Thứ sáu, 8/4/2011, 12:32

Phục vụ nhã nhạc cho hai đời vua Khải Định và Bảo Đại, cụ Lữ Hữu Thi (101 tuổi), nhạc công cuối cùng của dàn nhạc lễ cung đình triều Nguyễn, vẫn nhớ như in những bản nhạc vua thích, hay quy tắc bất di bất dịch trong cung.

*ClipCụ Thi cùng con và chắt nội biểu diễn bản Du xuân
*ClipCụ Thi độc tấu bản Vạn thọ
*ClipCụ Thi độc tấu bản Kim tiền
Trong căn nhà nhỏ tại số 250 đường Đặng Tất, làng Thế Lại Thượng, xã Hương Vinh (Hương Trà, Thừa Thiên - Huế), cụ Lữ Hữu Thi vẫn rất minh mẫn khi trò chuyện với khách. Đôi mắt tinh anh, đôi tay cụ như múa lượn khi biểu diễn từng loại nhạc cụ trong bộ Nhã nhạc cung đình Huế.
Sinh năm 1910 trong gia đình có truyền thống về nhạc lễ cung đình, cụ Thi được thân sinh truyền dạy tuyệt kỹ của nhiều loại nhạc cụ dân tộc. Nhờ người quen giới thiệu, cụ được nhận vào đội nhạc Hòa Thanh (hay còn gọi là Đội Tiểu nhạc, thuộc Nhã nhạc cung đình Huế).
Cụ Lữ Hữu Thi, nhạc công cuối cùng của dàn nhạc lễ cung đình triều Nguyễn. Ảnh: Văn Nguyễn.
“Lên 8 tôi đã biết sử dụng đàn nhị, đàn tam, đàn nguyệt, đàn tỳ bà, địch, phách tiền, tam âm, trống bản… Đến 15 tuổi, tôi vào phục vụ Nhã nhạc cho vua Khải Định và sau đó là Bảo Đại. Giờ tôi vẫn đánh được hầu hết bản nhạc mà các vua thường kêu tôi vào hầu”, cụ Thi tự hào nói.
Và cụ rành rọt kể, Nhã nhạc có nhiều bản, mỗi dịp lễ là một bản khác nhau, không thể đánh lẫn lộn. Như bản Vạn thọ đánh trong ngày chúc tuổi vua, bản Đăng đàn cung đánh trong dịp đón tiếp chư tướng các nước, bản Kim tiền đánh dịp vua vui chơi yến tiệc…
Suốt thời gian chơi nhạc trong cung vua, điều cụ Thi nhớ nhất là việc phải học cho thuần thục các nghi lễ cầu kỳ của cung đình, từ việc vận khăn đen, áo dài cho đúng quy cách đến việc đi đứng khi biểu diễn trước mặt vua.
“Các quy tắc trong cung đình cực kỳ khắt khe, phải lo đứng cho ngay hàng, thẳng lối, nhiều khi lỡ đứng phải tổ kiến lửa cũng phải đứng yên chịu đốt, lễ kết thúc mới được gãi thì toàn chân đã sưng tấy. Có khi nửa đêm, vua ngẫu hứng cho gọi ban nhạc vào phục vụ, người trực đội nhạc ở Ngọ Môn (đội nhạc không được ở trong cung nên phải cử một người trực để nhận lệnh của vua) lại tất tưởi đi thông báo cho anh em tập hợp”, cụ Thi kể.
Mỗi lần vua làm lễ tại lăng Gia Long, cả đội nhạc phải thức dậy từ nửa đêm, lo đi bộ hơn 5 km từ kinh thành lên lăng vua để đứng chỉnh tề đợi giờ làm lễ. Cụ Thi cho biết vua Khải Định có thú vui nghe Nhã nhạc, vua cũng biết chơi đàn tranh. Còn vua Bảo Đại thường quan tâm việc triều chính nên chỉ kêu đội nhạc phục vụ vào dịp lễ tế, yến tiệc.
“Ngày tôi mới chân ướt chân ráo vào phục vụ trong cung, mỗi lần chơi nhạc dịp yến tiệc là vua Khải Định lại gần ngó nghiêng. Vua mặc thường phục và không bao giờ có vương phi hay cung nữ nào ngồi cùng, chỉ ăn uống, ngồi rung chân theo điệu nhạc. Có khi tiệc tùng cả nửa ngày, đội nhạc công đánh hết bài này lại chuyển sang bài khác, rã rời chân tay nhưng không ai dám nhúc nhích”, cụ Thi kể.
Ở tuổi 101, cụ vẫn có thể chơi tốt nhiều loại nhạc cụ. Ảnh: Văn Nguyễn.
Vua Khải Định hay sai lính kêu một người trong đội nhạc vào đánh đàn. Khi gặp vua, phải quỳ từ đằng xa, lạy đủ năm lạy. Vua ngồi trên ngai trước chiếc đàn tranh, còn nhạc công ngồi bệ dưới. Người chơi nhạc phải dạo một vài điệu, sau đó lắng nghe vua đánh bản nhạc nào thì hòa theo.
Cụ Thi kể, vua Khải Định thích nhất bản Đại tứ. Bản này rất khó chơi, tay cụ giờ không còn dẻo nên không chơi hoàn thiện được cả bài. “Đánh nhạc với vua còn khó hơn xe sợi chỉ manh, phải biết cách phối nhạc không được lệch một cung. Nhiều khi mới dạo được vài điệu, vua đột nhiên bỏ đàn đi ra ngoài là mình toát mồ hôi hột. Lân la hỏi lính gác mới biết vua đang có chuyện không vui”, cụ kể.
Vì quá mê nhạc, vua Khải Định gọi cụ Thi vào ở gần cung vua nhưng sợ các phép tắc nên cụ không dám vào. Thi thoảng cụ Thi được vua cho ít tiền, về chia đều cho anh em trong đội. Riêng đội nhạc của cụ không được thưởng bất cứ vật phẩm nào suốt thời gian phục vụ trong cung. “Mình là tớ, lo hầu vua chứ không dám đòi hỏi gì!”, cụ Thi thật thà.
Năm vua Khải Định băng hà (1925), đội Nhã nhạc gần như tan rã. Mãi năm 1932, sau khi vua Bảo Đại chính thức lên ngôi, đội nhạc Hòa Thanh mới được triệu tập.Không phải thường xuyên vào chơi nhạc cho vua như trước, nhưng dưới thời Bảo Đại, đội nhạc của cụ Thi phải lo phục vụ yến tiệc và tiếp đãi các quan khách, đặc biệt là người Pháp. Mỗi lần mở tiệc, thường có một bà vợ người Pháp ngồi cạnh như quan sát mọi động thái của vua.
Cách mạng tháng Tám thành công, đội nhạc bị giải thể, người về quê làm ruộng, làm thợ để kiếm sống, riêng cụ Thi vẫn mê mẩn với Nhã nhạc. Cùng với những thăng trầm của lịch sử, Nhã nhạc cung đình Huế mai một dần. Những năm gần đây, khi nhà nước có dự án khôi phục Nhã nhạc cung đình Huế, cụ Thi là người đóng góp nhiều công sức.
Cụ Thi cùng con trai Lữ Hữu Bình và chắt nội Lữ Hữu Vinh cùng biểu diễn bản Du xuân trong Nhã nhạc cung đình Huế. Ảnh: Văn Nguyễn.
Năm 2003, Nhã nhạc được UNESCO công nhận là một trong 28 kiệt tác di sản văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Cụ Thi được mời tham gia truyền nghề và làm cố vấn cho Đội nhạc công Nhã nhạc cung đình Huế. Riêng “độc chiêu” 7 bản Thài cổ dùng trong lễ tế Nam Giao (lễ tế trời đất) đã được cụ cùng con trai cả đánh và ghi âm cho diễn viên diễn xuất trong mỗi dịp tế lễ.
Ở tuổi xưa nay hiếm, cụ Thi vẫn hết lòng truyền nghề cho con cháu. Bốn con trai của cụ đang tham gia đội nhạc công Nhã nhạc cung đình Huế (thuộc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô). “Nhã nhạc là cuộc đời của tôi rồi. Ngày nào không ôm đàn, cầm dùi gõ trống là tôi thấy khó chịu trong người. Để gìn giữ Nhã nhạc cung đình điều quan trọng là phải đào tạo đội ngũ nghệ nhân trẻ thực sự yêu và sống với nó”, cụ Thi tâm sự cùng những trăn trở về Nhã nhạc.
Ông Trương Tuấn Hải, Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống cung đình Huế, nhận xét là nhạc công biểu diễn Nhã nhạc trong cung đình duy nhất còn lại của triều Nguyễn, cụ Lữ Hữu Thi rất yêu nghề, tận tâm tận lực trong việc làm cố vấn và dạy Nhã nhạc cho các nhạc công trong nhà hát cũng như các thế hệ trẻ.
"Cụ xứng đáng được gọi là báu vật nhân văn sống. Chúng tôi đang dự thảo hồ sơ phong tặng cụ là nghệ nhân ưu tú”, ông Hải nói.
Văn Nguyễn

No comments:

Post a Comment