Sunday, June 5, 2011

01/06 'Sử dụng vũ lực ở Biển Đông là nguy hiểm'


Thứ tư, 1/6/2011, 15:12 GMT+7
Đảo đá lớn thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam. Ảnh: TTXVN.
Đảo đá lớn thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông. Ảnh: TTXVN.

Hội thảo quốc tế "Triển vọng hợp tác, những vấn đề hội tụ và động lực ở Biển Đông" diễn ra tại Indonesia kết thúc chiều 31/5 đã ra Tuyên bố Jakarta, trong đó nhấn mạnh Biển Đông là vấn đề đa phương.

Theo Tuyên bố Jakarta, các đại biểu dự hội thảo cho rằng duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông là cần thiết cho toàn bộ khu vực, vì lợi ích chung của các nước ven biển và các nước liên quan.

Các đại biểu nhất trí Biển Đông là vấn đề đa phương, từ việc duy trì hòa bình, ổn định cho đến đảm bảo tự do đi lại trên biển và triển khai Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) đã được ASEAN và Trung Quốc ký tháng 10/2002.

Tuyên bố khẳng định việc Trung Quốc đòi chủ quyền lãnh hải với "Đường 9 điểm" trên bản đồ (đường lưỡi bò) chiếm tới 80% diện tích Biển Đông là không phù hợp và đã bị cộng đồng quốc tế chỉ trích.

Theo đó các bên liên quan cần duy trì cam kết giải quyết tranh chấp lãnh thổ và pháp lý ở Biển Đông thông qua thương lượng hòa bình, trên cơ sở tuân thủ các nguyên tắc, luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 và 5 nguyên tắc chung sống hòa bình, tăng cường các nỗ lực xây dựng lòng tin, hợp tác đa phương về an toàn biển, nghiên cứu khoa học, chống tội phạm và hướng tới ký kết Bộ Quy tắc về ứng xử ở biển Đông (COC).

Tuyên bố cho rằng việc hướng tới ký COC là nỗ lực chung của cả ASEAN và Trung Quốc, thể hiện bước tiến tích cực hướng tới hòa bình và ổn định trong khu vực. Không chỉ các nước trong khu vực mà cả các cường quốc bên ngoài khu vực như Mỹ, Australia, Nga, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng có vai trò hữu ích trong việc duy trì tình trạng hiện nay, cần tiếp tục ủng hộ DOC.

Cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và các nước đối tác (ADMM +) cần được xem là diễn đàn quan trọng thúc đẩy cam kết mang tính xây dựng giữa ASEAN và các đối tác trong các vấn đề chiến lược, quốc phòng và an ninh tác động đến khu vực.

Tại hội thảo, các học giả, chuyên gia trong nhiều lĩnh vực đến từ Ấn Độ, Indonesia, Singapore, Philippines, Việt Nam, Australia,... đã trình bày 13 tham luận nghiên cứu về những vấn đề liên quan đến Biển Đông. Các diễn giả cũng trao đổi ý kiến, giải thích rõ hơn và trả lời các câu hỏi của các đại biểu.

Bế mạc hội thảo, ông A.B Mahapatra, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chiến lược châu Á của Ấn Độ, khẳng định việc giải quyết các tranh chấp, xây dựng lòng tin trong bối cảnh có những sự phụ thuộc toàn cầu và xung đột phức tạp hiện nay là đòi hỏi cấp thiết. Theo tinh thần đó, việc xây dựng năng lực và lòng tin ở Biển Đông, cũng như thể chế hóa đối thoại về những vấn đề có khả năng gây bất đồng là sự hỗ trợ bổ sung cần thiết cho khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Ông Mahapatra cũng nhấn mạnh hai vấn đề quan tâm hàng đầu tại Biển Đông là xu hướng hiện đại hóa lực lượng vũ trang thông thường có thể làm gia tăng căng thẳng tại khu vực này. Ông cho rằng cần xây dựng một cơ chế chung cho việc khai thác các nguồn tài nguyên ở Biển Đông và việc sử dụng vũ lực để giải quyết các vấn đề là rất nguy hiểm.

Hội thảo do Trung tâm Habibie của Indonesia và Trung tâm nghiên cứu chiến lược châu Á (CASS) của Ấn Độ phối hợp tổ chức với sự tham dự của hơn 150 đại biểu.
(Vietnam+)

No comments:

Post a Comment