Thứ Bảy, 04/06/2011 14:33
(TT&VH) - Ngày 17 và 18/6 tới đây Uyên Linh sẽ hát “cùng thần tượng Thanh Lam của mình” (như chính lời Uyên Linh đã nói) - người đã có những lời nhận xét rất thẳng thắn khi cuộc thi Vietnam Idol 2010đang rất nóng. Cuộc hội ngộ, đúng hơn, sự tái hợp này thật ý nghĩa, vì nó chứng tỏ sự cố gắng hòa nhập vào làng nhạc của Uyên Linh.
Thế nhưng, cũng giống như các “idol” quốc tế, chặng đường từ cuộc thi cho đến một ca sĩ đường dài thường có quá nhiều “tường rào” mà họ cần phải vượt qua.
Uyên Linh. Ảnh: Tư liệu do BHD cung cấp |
Thử thách đầu tiên của Uyên Linh, cũng chính là đòi hỏi của cuộc thi Vietnam Idol, đó là làm sao phát huy hết cỡ năng lực của thí sinh, để họ tỏa sáng. Việc đòi hỏi này không đơn thuần là lời yêu cầu suông, mà bằng chính những kiến thức, kinh nghiệm, sự áp đặt mà các nhà chuyên môn của BTC (vốn hùng hậu) “bơm rót” vào cho từng thí sinh, nhất là những người trong vòng chung kết.
Khi vào chung kết, các thí sinh thường thể hiện mình theo mô hình: năng lực bản thân + chuyên môn và kinh nghiệm của BTC + sự ủng hộ, động viên của khán giả và giới truyền thông. Rõ ràng, điều này rất khác với việc biểu diễn thông thường của một ca sĩ, khi họ chỉ có bản thân và khán giả, bóng dáng của những nhà chuyên môn thường khá mờ nhạt. Những nhà chuyên môn không chỉ lo về giọng hát, mà còn chu toàn việc ăn mặc, kiểu tóc, kiểu trang điểm và cả phong cách trình diễn. Họ còn đảm trách cả việc thu xếp truyền hình trực tiếp, lo truyền thông, PR và cả “hướng dẫn” một phần dư luận. Rõ ràng, với sự chuẩn bị như vậy, nếu thí sinh có một phần năng lực, thì BTC bổ túc thêm 2-3 phần quan trọng nữa, họ bắt buộc phải hay hơn chính mình.
Phải tự vượt qua “tường rào”
Uyên Linh được khán giả, báo giới, rồi cộng đồng mạng ủng hộ rất nhiều trong thời gian qua vì sự thông minh, vì phong cách và giọng hát của cô. Để có được điều này, như đã nói, bàn tay của đội ngũ chuyên môn đứng phía sau là khá hùng hậu và rất chiến lược. Bây giờ, sự hùng hậu ấy không còn, liệu mỗi sự thông minh, một ê-kíp nhỏ và năng lực của bản thân có đủ sức để cô níu kéo sự ủng hộ ấy một cách lâu dài. Đây cũng chính là một “tường rào” mà Uyên Linh phải tự vượt qua, nếu bỏ cuộc, xem như giấc mộng ca sĩ luôn luôn “thần tượng” sẽ bị thất bại.
Có một điểm rất khác giữa ca sĩ thần tượng và các ca sĩ bình thường là ở xuất phát điểm nổi tiếng. Sau một năm tham gia cuộc thi, nếu trở thành thần tượng, họ đã nổi tiếng; và từ sự nổi tiếng này họ bắt đầu con đường ca hát, vốn gian lao và rất cần sự bền bỉ trong nhiều năm.
Con đường của một người “vô danh” có cái khó là ngay từ đầu không có được nhiều sự ủng hộ, nhưng xuất phát lại thong dong hơn, trong khi một ca sĩ thần tượng, áp lực đường dài thì vẫn như vậy, nhưng xuất phát thì muôn vàn khó khăn, vì luôn bị dòm ngó, phê bình.
Cũng có một chuyện khá tế nhị và thường nhiều thị phi của giới trình diễn, đó là cát-sê. Từ ngày Uyên Linh đoạt giải đến nay, có vài phân tích và tổng hợp riêng lẻ trong giới showbiz, cho rằng cô đã kiếm được khoảng 100 ngàn USD, vì mỗi show sự kiện cô thường lấy khoảng 2 ngàn USD. Bản thân người viết cũng đã nhìn thấy 2-3 bản hợp đồng ký với Uyên Linh, con số chênh lệch từ 40 cho đến 45 triệu đồng mà cô yêu cầu đã được chấp thuận. Con số này nói lên điều gì, rằng Uyên Linh là một trong số ít nghệ sĩ có cát-sê cao ngất trời hiện nay, đôi lúc còn cao hơn những nghệ sĩ nổi tiếng, dù số show thì ngày một ít đi. Sau khi tính hào nhoáng của một cuộc thi đã đi qua, những trường hợp như Uyên Linh phải có nhiều nỗ lực hơn thì mới mong giữ được đẳng cấp của mình.
Cũng khác với các nghệ sĩ đã nổi tiếng, được xem là có cát-sê cao nhất hiện nay như Hoài Linh, Đàm Vĩnh Hưng... vốn đi lên từ 2 bàn tay trắng, tiền với họ là một cuộc leo thang từ từ, trong khi Uyên Linh thì bắt đầu từ một cột mốc rất cao, đứng lại cũng không được, mà thụt lùi hay tiến lên đều khó, đều khổ. Đó là còn chưa nói, những nghệ sĩ có kinh nghiệm như Hoài Linh, Đàm Vĩnh Hưng... khi trình diễn mà nhìn xuống thấy khán giả thưa thớt, bước vào cánh gà, họ thường chỉ lấy 50, thậm chí 30% giá đã thỏa thuận, nên luôn “giữ mối” làm ăn khá tốt.
Khó chọn ca khúc mới
Giới nghe nhạc Việt Nam hiện nay thường quan trọng ca khúc hit, trong cuộc thi, Uyên Linh từng có ca khúc tạo được sự chú ý đặc biệt. Rời cuộc thi, vấn đề được đặt ra với Uyên Linh là việc chọn một ca khúc mới, cô sẽ xử lý thế nào để có được sự tinh tế và hấp dẫn như Đường cong chẳng hạn.
Trong cuộc thi, khi chọn hay khi được giao một ca khúc, ngoài phần tự tìm tòi, thì những hướng dẫn về thanh nhạc, những gợi ý về cách tiếp cận, cách biểu diễn của những nhà chuyên môn giàu kinh nghiệm đã giúp Uyên Linh lột tả khá trọn vẹn. Bây giờ, khi tiếp xúc với một ca khúc mới (mà không có ca khúc mới, album mới thì đồng nghĩa với tự hủy), Uyên Linh chỉ còn “ta với ê-kíp nhỏ”, khó khăn hiển nhiên là gấp bội. Tính cầu toàn củaVietnam Idol vừa là cơ hội để thí sinh tỏa sáng, vừa là “xiềng xích” giữ chân các ca sĩ vượt lên chính mình, sau khi rời cuộc thi. Bởi trong đời ca hát, trình bày được một bài hát ấn tượng không phải dễ, trong khi Vietnam Idolthì muốn những thí sinh như Uyên Linh hát nhiều bài thật ấn tượng, thật đỉnh. Mà khi ở đỉnh rồi, muốn leo lên đỉnh cao hơn, gian khổ sẽ nhiều hơn.
Chính vì những lý do như vừa nêu, Uyên Linh quả là đang có nhiều tường rào để leo.
Văn Bảy
No comments:
Post a Comment