Thứ Sáu, 27/05/2011 12:58
(TT&VH) - Trong khi bạn bè cùng trang lứa đang sôi sùng sục đăng ký mua nhà thu nhập thấp để tìm một chốn an cư, thì một người bạn lại tuyên bố xanh rờn: “Có chết tôi cũng không mua nhà thu nhập thấp”.
Ai cũng ngạc nhiên, vì anh đã lập gia đình, hai vợ chồng vốn là viên chức Nhà nước vẫn phải đi thuê nhà ở. Nếu xét các tiêu chí theo thang điểm 100 để mua nhà thu nhập thấp hiện nay, khả năng gia đình anh được bốc thăm mua nhà là rất cao.
Tìm hiểu mãi bạn mới chịu thổ lộ lý do: “Tớ không muốn các con mình sau này mang tiếng là ở “khu nhà nghèo”. Sau này có phấn đấu lên, sửa cái nhà cho tiện nghi đàng hoàng như ai, thiên hạ họ chửi cho thì nhục”. Người nói hắn lo xa, kẻ bảo sĩ diện hão.
Căn phòng xịn với nhiều đồ dùng bằng gỗ ở khu nhà thu nhập thấp - Nguồn: Dân Trí |
Những nghi vấn nổi lên khi mà mới đây, cơ quan chức năng đã phát hiện một trường hợp người mua nhà thu nhập thấp để đầu cơ bán lại kiếm lời. Rõ ràng, ngôi nhà này bán không đúng đối tượng, chủ nhân không thuộc diện mua nhà thu nhập thấp. Nhưng cho đến thời điểm này, khi cơ quan công an đã vào cuộc, có thể khẳng định đó chỉ là con sâu làm rầu nồi canh. Đó là hiện tượng chứ không phải bản chất.
Khi xét hồ sơ mua nhà, cơ quan chức năng, chủ đầu tư có đề ra các tiêu chuẩn để chấm thang điểm rõ ràng.
Không ai có thể khẳng định một cách tuyệt đối là toàn bộ những người mua nhà thu nhập thấp đều đạt tiêu chuẩn. Nhưng nếu có trường hợp vi phạm, đó là cá biệt, cũng như kẻ phạm tội thì ít hơn những người lương thiện. Đã đề ra “luật” thì cần sự tuân thủ, chỉ có những người không tin tưởng mới nghi ngờ và dò xét? Sự dò xét càng trở nên “phản cảm” trong lĩnh vực vốn được coi là khá nhạy cảm như nhà ở xã hội, hay nhà thu nhập thấp. Đừng khiến những người dân ở đây cảm thấy mặc cảm “nhà nghèo”. Đặt câu hỏi, nếu đã là người thu nhập thấp, sao còn sắm được tiện nghi? Nghĩ như vậy có khác gì kiểu “trẻ con thì không được ăn thịt chó”. Mọi người trong xã hội đều “bình đẳng” trong việc sử dụng tiện nghi, miễn là trả được chi phí, có những thứ tiện nghi là xa xỉ một thời, nhưng giờ đây khi “công nghệ phục vụ cuộc sống” thì giá cả của chúng ngày càng “bèo” (điện thoại di động, điều hòa, kể cả sàn gỗ công nghiệp, ti vi...) Vấn đề quan trọng là đã qua rồi cái thời “giả nghèo giả khổ”, mua vàng cất trong hũ để không ai nhìn thấy, thay vì trưng diện chiếc xe Phượng hoàng khiến hàng xóm nhòm ngó, nghi ngờ “thành phần tư sản”. Không lẽ đã mang tiếng ở nhà thu nhập thấp là suốt đời cuộc sống “yên vị” như cũ, từ chối tiện nghi?
Dư luận có thể nghi ngờ và giám sát, nhưng sự nghi ngờ phải có căn cứ rõ ràng chứ không thể định tính bằng cảm nhận của bất cứ ai, nhất là trước một chủ trương lớn của Nhà nước như vấn đề nhà ở xã hội. Có thể lên án, hoặc truy tố trước pháp luật những trường hợp phạm pháp, gian lận khi mua loại nhà này. Nếu chỉ vì một số căn hộ trang bị tiện nghi mà vội nghi ngờ thì e rằng chụp mũ.
Ở Hà Nội, TP.HCM hay một số thành phố lớn đều có các khu nhà ở tập trung của các cơ quan đoàn thể. Đó là kết quả còn lại của thời kỳ Nhà nước thực hiện bao cấp về nhà ở. Hỏi thăm về các khu nhà này, người ta chỉ cần nói những cái tên rất đặc trưng như khu văn công, khu thủy sản, khu quân đội, khu nội vụ... là người nghe có thể hiểu. Đô thị hiện nay đang có những khu nhà mới, nhà thu nhập thấp, nhưng hãy đừng để ai khi đến đây là phải hỏi đường đến “khu nhà nghèo”.
Mạnh Cường
No comments:
Post a Comment