Phillip Noyce: Từ Đường Làng tới đại lộ Hollywood
SGTT.VN - Chúng tôi đã được hỗ trợ lớn trong quá trình làm phim, một phần quan trọng là bởi mối quan hệ gần gũi giữa Việt Nam và Úc. Khoảng một năm trước khi quay phim, nước Mỹ cuối cùng cũng đã tới và thành lập một đại sứ quán ở Việt Nam và để chính thức công nhận nền cộng hoà của Việt Nam. Nhưng nước Úc đã làm điều đó từ năm 1972. Trong vòng ba tuần chính phủ Lao động của Whitlam nắm quyền, một đại sứ quán gồm bốn người đã được thành lập và đặt văn phòng ở khách sạn Metropol tại Hà Nội, thậm chí, vào lúc Nixon đã gửi tới Việt Nam một món quà Giáng sinh đáng sợ là thả bom lên thành phố này. Vì thế đã có một mối quan hệ chính trị từ năm 1972 – ba mươi năm kể từ khi người Úc có mặt ở đây. Và nước Úc là nước phương Tây đầu tiên đóng góp vào quá trình tái thiết Việt Nam sau chiến tranh. Chúng tôi đã phải đương đầu với những khác biệt văn hoá tất yếu ở một đất nước có lịch sử đặc biệt và những giá trị khác, nhưng ít nhất bộ Ngoại giao của chúng tôi đã thích ứng và tiếp cận được, đặc biệt là đại sứ thời bấy giờ, Michael Mann (không liên quan tới người đạo diễn cùng tên).
Tác giả: Ingo Petzke, Minh Phương dịch, Trần Anh Hoa hiệu đính. Saigon Media & NXB Tổng Hợp TP.HCM ấn hành 5.2011. |
(...) Tôi đã bị cuốn hút vào bộ phim bởi đó là một câu chuyện về vụ thủ tiêu đầy bí ẩn, một câu chuyện tình và một chuyện chính trị ly kỳ, tất cả hoà trong một. Đồng thời, nó vẽ nên bức chân dung của Alden Pyle, một sinh vật chính trị theo phái Phúc âm của giai đoạn đầu những năm năm mươi, định hình cho nguyên lý cơ bản của Mỹ về đối ngoại vào lúc đó, và phần kem trên cái bánh đã làm nó trở nên hấp dẫn mạnh mẽ với tư cách là một tác phẩm nghệ thuật, chính là bức tranh vẽ lại sự can thiệp của Mỹ vào chủ quyền của đất nước khác. Trong cuộc chiến chống lại cộng sản, CIA đã âm mưu một chiến dịch với những mánh khoé bẩn thỉu – gây mất ổn định, thiếu thông tin, và tương tự, thứ đã liên tục củng cố cho chính sách đối ngoại của Mỹ và thúc đẩy hàng loạt thảm hoạ chính trị khắp thế giới. Tất nhiên, những chính sách đó được sinh ra từ một niềm tin thực sự rằng khi cả nhân loại sục sôi hỗn loạn thì Hợp chủng quốc Hoa Kỳ có trách nhiệm phải quan tâm, can thiệp tới phần còn lại của thế giới.
Vào đầu năm 2003, tôi ở Hollywood tại nhà của nhà sản xuất Mike Medavoy để dự một cuộc họp có cả cựu bộ trưởng bộ Ngoại giao Úc Gareth Evans, cựu bộ trưởng Mỹ Warren Christopher và cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton. Chủ đề của cuộc họp là “Tại sao mọi người không thích nước Mỹ?” Người Úc nói trước, rất lịch thiệp, nhưng thấu suốt, chỉ ra tại sao một số nước trên thế giới đã mất kiên nhẫn với chính sách đối ngoại của Mỹ. Hai người Mỹ, bao gồm cả cựu tổng thống, không trả lời bất cứ một câu hỏi nào được đặt ra, nhưng thay vào đó đã đưa cho chúng tôi một bản tóm tắt về chuyện tất cả các lãnh đạo của các nước khác đã sai lầm ra sao (cười). Đó có vẻ như là một minh hoạ hoàn hảo cho bản chất vấn đề.
(...) Người Mỹ trầm lặng không phải là một bộ phim ít tiền, tiêu tốn tới 25 triệu đôla, và có thể sẽ chẳng bao giờ được đầu tư nếu tôi chưa có được danh tiếng với tư cách là một đạo diễn đã từng làm ra những bộ phim thành công về doanh thu. Thật thú vị khi nhận thấy những lý do khiến cả hai bộ phim bị hạn chế phát hành lại cũng là những lý do khiến chúng có được thành công. Đó là một thủ thuật trong cách tạo chủ đề và cách xử lý đề tài khiến chúng trở nên hấp dẫn đối với người xem, ít nhất là trong việc bị ra mắt giới hạn thì chúng cũng đã được cả thế giới yêu thích. Đó là một nguồn khích lệ lớn để bạn có thể làm phim từ chính trái tim mình mà vẫn tìm thấy sự thành công trong thương mại và lời ngợi khen của giới phê bình.
Đạo diễn Phillip Noyce tại buổi trao đổi nghiệp vụ, kinh nghiệm với các nhà làm phim, đạo diễn cùng sinh viên sân khấu – điện ảnh tại TP.HCM tháng 10.2010. Ảnh: Đỗ Tuấn |
Một trong những nỗi sợ hãi lớn nhất của mỗi đạo diễn, đặc biệt khi bạn đã có tuổi, là bạn sẽ không thể nào nối kết được với khán giả nữa mà đi tới đoạn “hết hạn sử dụng” trong nghề đạo diễn. Theo một số cách, tôi đã cảm thấy quá già để còn có thể tiếp tục chơi trò làm phim giải trí rẻ tiền của các studio.
Đó cũng là vấn đề của việc duy trì bản thân, bởi vì nếu bạn tiếp tục săn đuổi thứ điện ảnh thương mại giải trí cho đám đông khán giả cảm thụ thấp, cuối cùng bạn sẽ thấy mình vô cảm với những vấn đề và các ý tưởng mà những nhà đầu tư sẽ cho rằng phù hợp với những bộ phim kinh phí cao. Làm những bộ phim nhỏ, không phải hướng ra số đông khán giả, cho phép một đạo diễn được tiếp tục làm phim lâu dài hơn.
No comments:
Post a Comment