Thursday, June 9, 2011

09/06 'Dự trữ vàng tương đương một nửa GDP'


Thứ năm, 9/6/2011, 19:09 GMT+7
Lượng vàng trong hệ thống ngân hàng và dân chúng có thể tương đương 20-45% GDP năm 2010 của cả nước, đòi hỏi biện pháp quản lý hữu hiệu để tận dụng nguồn tài chính khổng lồ này, theo đề xuất của các chuyên gia.


Câu chuyện quản lý và tổ chức thị trường vàng lại được làm nóng lên bằng một hội thảo do Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia tổ chức hôm nay tại Hà Nội, giữa lúc Ngân hàng Nhà nước đang hoàn tất công đoạn cuối cùng trước khi đem dự thảo nghị định quản lý thị trường vàng đi lấy ý kiến các bộ ngành, doanh nghiệp.

Hội thảo mang tên Tác động của thị trường vàng tới thị trường tài chính Việt Nam, nhưng nội dung được bàn nhiều hơn cả là gợi ý chính sách quản lý thị trường vàng thời gian tới sao cho huy động được nguồn vốn có ích cho phát triển kinh tế và đảm bảo an toàn cho kênh đầu tư, tích trữ tài sản được dân chúng ưa chuộng nhất hiện nay. Tham gia hội thảo này, ngoài các chuyên gia, doanh nghiệp trong nước, còn có đại diện Hội đồng Vàng Thế giới, và một số doanh nghiệp nước ngoài. Tất cả đều ủng hộ quan điểm nên tổ chức quy củ và cởi mở với thị trường vàng, hơn là ngăn cấm.

Nhiều khả năng người dân vẫn có quyền mua vàng, nhưng với một số điều kiện nhất định. ảnh: Hoàng Hà
Nhiều khả năng người dân vẫn có quyền mua vàng, nhưng với một số điều kiện nhất định. Ảnh: Hoàng Hà
Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Lê Xuân Nghĩa dẫn ra hai số liệu về dự trữ vàng hiện nay ở Việt Nam, khoảng 1.000 tấn theo dữ liệu của Hội đồng Vàng thế giới và ít nhất là 460 tấn theo tính toán của của hãng nghiên cứu và tư vấn về vàng Anh GFMS. Tương ứng với hai số liệu này, lượng vàng dự trữ ở Việt Nam có giá trị dao động từ 21 đến 45 tỷ USD, tương đương 20-45% GDP Việt Nam năm ngoái. Ông Nghĩa cho rằng tỷ lệ này quá lớn khi mà hầu hết các nước có dự trữ vàng lớn nhất thế giới cũng chưa tới 3% GDP. Ngay cả thị trường lương thực và dịch vụ ăn uống, nơi cung cấp cái ăn cho cả người dân Việt Nam cũng chỉ chiếm chưa đầy 40% GDP.

"Lượng dự trữ vàng chủ yếu nằm trong dân, dự trữ chính thức của Nhà nước không đáng kể. Điều này tác động rất lớn tới các chỉ số kinh tế vĩ mô như tiết kiệm, đầu tư, cán cân thanh toán quốc tế", ông Nghĩa nhận định.

Con số dự trữ vàng nói trên từng được một số chuyên gia khác trích dẫn mà chưa có cơ quan chức năng nào trong nước xác nhận. Ngân hàng Nhà nước gần đây thậm chí cho rằng không thể biết chính xác trong dân có bao nhiêu vì vàng tồn tại từ xa xưa, không ai có thể thống kê hết. Cơ quan này cũng cho rằng phần đông dân cư không có nhu cầu về vàng, ngoại trừ các thành phố lớn.

Tuy nhiên, vị Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính vẫn trích dẫn lại trong hội thảo quốc tế hôm nay để một lần nữa khẳng định tầm quan trọng của khối tài sản khổng lồ này. Ông cũng khẳng định, nhu cầu đầu tư, tích trữ vàng của người dân là có thật và rất lớn.
Kết quả cuộc điều tra thử nghiệm quy mô nhỏ do Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia thực hiện trên địa bàn Hà Nội cho thấy gần một phần ba số hộ gia đình tham gia khảo sát có đầu tư và tích lũy bằng vàng, trong đó 92% giải thích tích trữ vàng do thói quen và tâm lý phòng chống lạm phát. Cũng theo kết quả điều tra này, vàng và ngoại tệ chiếm tới 17% trong cơ cấu đầu tư.

"Những con số trên cho thấy một nguồn lực tài chính lớn không đến được nơi trực tiếp tạo ra của cải vật chất, tăng năng suất và năng lực cạnh tranh quốc gia, mà chạy quanh giữa những kênh đầu tư tài chính, trong đó có vàng - đôla. Nguồn vốn hoạt động không chính thức này gây sức ép không nhỏ tới thị trường ngoại hối, cán cân thanh toán, chính sách tiền tệ và tăng trưởng kinh tế nói chung", ông Nghĩa cảnh báo.

Tại Nghị quyết số 11 ban hành cuối tháng hai, Chính phủ đề ra chủ trương quản lý thị trường vàng theo hướng tập trung đầu mối nhập khẩu vàng, tiến tới xóa bỏ kinh doanh vàng miếng trên thị trường tự do. Trong quá trình Ngân hàng Nhà nước dự thảo nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vàng theo chỉ đạo của Chính phủ, đã có lúc ban soạn thảo cân nhắc tới ý tưởng giao dịch một chiều, chỉ cho phép người dân bán vàng cho Nhà nước mà không được mua lại đồng thời xóa sổ các thương hiệu vàng miếng hiện nay.

Các diễn giả tham gia hội thảo hôm nay đều không đồng tình với ý tưởng này. Ông Lê Đức Thúy, nguyên Chủ tịch Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia cho rằng không thể phủ nhận nhu cầu đầu tư tích trữ tài sản bằng vàng của người dân, đây là tập quán hình thành bởi quá khứ chiến tranh liên miên, lạm phát cao và kéo dài.

"Nhu cầu này vẫn còn khi kinh tế chưa ổn định, lạm phát vẫn còn cao. Một khi đã có nhu cầu, cần tổ chức để người mua có chỗ mà mua, người cần bán có chỗ mà bán. Nên quản lý nó chứ không nên coi đây là hình thức vô thừa nhận. Cần có khuôn khổ pháp lý để huy động nguồn tài sản tích lũy của dân phục vụ cho phát triển kinh tế", ông Thúy đề nghị. Ông Thúy từng là thống đốc Ngân hàng Nhà nước trước khi về Ủy ban Giám sát Tài chính và nghỉ hưu từ tháng 5 năm nay.
Ông Trương Đình Tuyển, nguyên bộ trưởng Thương mại (nay là Bộ Công Thương) cũng cho rằng nhu cầu đầu tư của dân là có thật, nên không thể xóa bỏ kinh doanh vàng miếng.
"Một khi có nhu cầu thì người ta sẽ tìm ra phương thức để thỏa mãn. Đó là quy luật. Nếu không có phương tiện tốt, ắt sẽ nảy sinh phương tiện xấu", ông Tuyển cảnh báo. Theo ông khi chưa nghiên cứu ký cơ chế quản lý thị trường mà đã đề ra mục tiêu xóa kinh doanh tự do, sẽ tạo tâm lý không tốt trong dân.

Tham gia hội thảo trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Á châu (ACB, từng đi đầu về nghiệp vụ kinh doanh vàng trong hệ thống ngân hàng), nguyên bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư Trần Xuân Giá nhắc lại kinh nghiệm quản lý vàng hàng chục năm về trước. Trước năm 1989, Việt Nam tuyệt đối cấm kinh doanh và đầu tư vàng, nhưng theo ông hồi đó người dân vẫn tìm mọi cách sở hữu, kể cả gom vàng từ cassette, tivi cũ. Đến tháng 5/1989, Nhà nước có quyết định cho phép kinh doanh, thì chỉ hai tháng sau đã có tới 400 cửa hàng được thành lập.

"Tỷ lệ dự trữ vàng so với GDP quá lớn, cho thấy không thể quản lý theo cách chúng ta đang làm. Dứt khoát phải lành mạnh hóa hoạt động kinh doanh, nhưng không nên quản lý theo kiểu biến lượng của cải tương đương tới 50% GDP cả nước thành thứ nằm một chỗ, không sử dụng được", ông nói và cho biết.

Theo kế hoạch, cuối tháng 6 là hạn chót Ngân hàng Nhà nước phải trình dự thảo nghị định quản lý hoạt động kinh doanh vàng lên Chính phủ. Hiện nội dung dự thảo chưa được công bố, nhưng nhiều khả năng sẽ không còn ý tưởng giao dịch một chiều nữa, người dân vẫn có quyền mua bán tại những điểm được cấp phép.

Cả nước hiện có 7.000-10.000 điểm kinh doanh vàng với gần 10 thương hiệu vàng miếng đang lưu thông trên thị trường. Một số ý kiến từ Hiệp hội Kinh doanh vàng cho rằng nên có điều kiện cấp phép kinh doanh vàng, chẳng hạn quy mô vốn tối thiểu 100 tỷ đồng, doanh thu trên 500 tỷ đồng. Các chuyên gia tính toán, nếu theo tiêu chí này, sẽ có không quá 100 đơn vị đáp ứng được.

Song Linh
Theo dòng sự kiện:
Cấm kinh doanh vàng miếng tự do (01/04)
3 khó khăn khi Nhà nước tích trữ vàng thay dân (01/04)
Xuất hàng tỷ USD trang sức sang Thụy Sĩ để nấu thành vàng (29/03)
'Đại gia' vàng miếng chuyển hướng sang nữ trang (24/03)
Chen nhau mua nhẫn vàng trơn (22/03)
Mua bán đôla thoáng hơn, vàng miếng kiên quyết siết chặt (19/03)

No comments:

Post a Comment