Chủ nhật, 12/6/2011, 15:29 GMT+7
Philippines và Mỹ diễn tập hải quân chung vào cuối tháng này trên vùng biển phía tây Philippines, nhưng các quan chức quốc đảo khẳng định việc này không phải do tình hình căng thẳng trên Biển Đông, mà đã có kế hoạch từ trước.
Quân đội Philippines thông báo việc tập trận trong lúc Trung Quốc cảnh báo Mỹ không nên dính dáng đến tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, bởi "Mỹ không phải là một bên tranh chấp".
"Tập trận sẽ diễn ra từ ngày 28/6 với hải quân quân khu phía tây", phát ngôn viên quân đội Philippines Jose Miguel Rodriguez cho hay. "Cuộc diễn tập được lên kế hoạch từ năm ngoái".
Quân đội Philippines chưa thông báo địa điểm tập trận, nhưng thông thường quân khu phía tây hoạt động trên biển Sulu, ngăn cách với Biển Đông bằng đảo Palawan, và các vùng nước lân cận. Cuộc tập trận này nằm trong khuôn khổ các hoạt động thuộc Hiệp ước phòng thủ chung giữa Mỹ và Philippines.
Tập trận năm nay nhằm kiểm tra khả năng của hai quân đội trong các chiến dịch bảo đảm tự do hàng hải.
Cuộc diễn tập được công bố trong lúc căng thẳng đang lên cao ở Biển Đông do những vụ va chạm của tàu Trung Quốc với tàu của các nước khác có tuyên bố chủ quyền trên vùng biển này.
Tàu khu trục Chung-hoon của Mỹ. Ảnh: US Navy. |
Trước đó một ngày, hải quân Mỹ cho biết họ điều động tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Chung-hoon tới Tây Thái bình dương. Tàu Chung-hoon sẽ tham gia diễn tập với hải quân Philippines. Trung Quốc tuyên bố tập trận cũng ở Tây Thái bình dương.
Hai tuần qua, tàu của Trung Quốc đã hai lần quấy rối các tàu thăm dò của Việt Nam trong khu vực vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam. Philippines cũng tố cáo tàu Trung Quốc nhiều lần quấy phá hoạt động của phía Philippines và xây dựng công trình trên các vùng mà Manila tuyên bố chủ quyền. Tuyên bố qua lại của các bên đang khiến Biển Đông nóng.
Là một trong những con tàu mạnh nhất của hải quân Mỹ, tàu khu trục lớp Arleigh Burke nói trên của Mỹ đã rời cảng nhà ở Hawaii và đang ở trong hải phận quốc tế gần biển Sulu. Tư lệnh quân đội Philippines Eduardo Oban Jr khẳng định việc tàu Chung-hoon tới Philippines không liên quan gì đến các căng thẳng mới đây ở Biển Đông.
Trong khi đó, phủ tổng thống Philippines bày tỏ tin tưởng nước này có thể dựa vào sự hỗ trợ của Mỹ trong việc bảo vệ chủ quyền, nhưng nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác ngoại giao trong giải quyết tranh chấp. Tờ Inquirer của Philippines dẫn lời phó phát ngôn viên tổng thống Philippines nói rằng: "Chúng tôi cam kết tìm giải pháp hòa bình thông qua ngoại giao đến hết mức có thể. Tôi biết rằng là một đồng minh, Mỹ sẽ giúp chúng tôi nếu cần, bởi chúng tôi có Hiệp ước phòng thủ chung".
Trong khi đó Bắc Kinh cảnh báo Mỹ không nên nhúng tay vào vấn đề tranh chấp hiện nay.
"Những cái cần làm để giải quyết tranh chấp lãnh thổ nên được làm trên cơ sở song phương và Mỹ không phải là một bên trong tranh chấp", đại sứ Trung Quốc tại Philippines Lưu Kiến Siêu nói tại một hội nghị ở Manila hôm thứ năm.
"Tôi cho rằng mối lo ngại (của Mỹ) là không cần thiết. Nói cho cùng, vùng biển này luôn an toàn và hòa bình", ông Lưu nói.
"Chẳng có lý do nào để can thiệp vào khu vực này. Việc tranh chấp xảy ra giữa các bên tranh chấp, chứ không phải với một bên nào đó không ở khu vực này và không có lý do nào để tham gia".
Ông Lưu còn đe dọa rằng bất kỳ chuyến thăm nào của các nghị sĩ Philippines tới vùng tranh chấp sẽ chỉ khiến tình hình bùng lên mức nguy hiểm.
Sau đó một ngày, Mỹ tuyên bố họ lo ngại trước tình hình căng thẳng gia tăng ở Biển Đông và yêu cầu các bên hành động vì hòa bình. Các quan chức dân sự và quân sự Mỹ đều nhắc lại rằng Mỹ không đứng về bên nào trong tranh chấp Biển Đông, mong muốn các bên tuân thủ luật quốc tế và DOC, cũng như quyền tự do hàng hải trong khu vực.
Mai Trang
|
No comments:
Post a Comment