07:47 | 14/06/2011
Theo ĐBQH, PHÓ BÍ THƯ TỈNH ỦY SÓC TRĂNG NGUYỄN ĐỨC KIÊN, nhiệm kỳ QH Khóa XII đánh dấu sự đổi mới công tác lãnh đạo của Đảng đối với QH. Đảng tôn trọng ý chí của nhân dân thông qua sự tôn trọng ý chí của gần 500 ĐBQH. Điều này làm cho các ĐBQH, các cơ quan của QH tự tin hơn trong việc đổi mới hoạt động của mình.
Chuẩn bị chu đáo để ĐBQH khi vào vị trí có thể làm việc ngay
- Chỉ còn hơn một tháng nữa, các ĐBQH Khóa XIII sẽ làm việc. Một nhiệm kỳ mới sẽ bắt đầu.Với 2/3 ĐBQH mới trúng cử lần đầu, theo đại biểu, làm thế nào để bảo đảm được tính liên tục của QH?
Mặc dù có đến 2/3 ĐBQH mới trúng cử lần đầu, sẽ gặp một số khó khăn, bỡ ngỡ khi tiếp cận với công việc của QH nhưng đã là ĐBQH dù cũ hay mới cũng phải làm đúng nhiệm vụ, trách nhiệm của mình. QH bắt đầu một nhiệm kỳ mới nhưng quyền lực của QH không có nhiệm kỳ, không bị gián đoạn. QH Khóa XII cần chuẩn bị chu đáo, tạo điều kiện để ĐBQH Khóa XIII khi ngồi vào vị trí đại biểu là có thể làm việc ngay. Hiện tại danh sách 500 người trúng cử ĐBQH đã có. UBTVQH nên gửi cho những người trúng cử ĐBQH Báo cáo tổng kết hoạt động của QH, Chính phủ, UBTVQH và Thủ tướng. Đây là những tài liệu cơ bản để ĐBQH mới trúng cử có thể bắt nhịp ngay và kế thừa được quyền lực của QH Khóa XII, bảo đảm tính liên tục về quyền lực và trách nhiệm của QH.
- Là ĐBQH Khóa XII và tái cử ĐBQH Khóa XIII, theo đại biểu, QH Khóa XIII nên kế thừa điều gì từ QH Khóa XII?
Những thành quả của QH Khóa XII là rất đậm nét. QH Khóa XIII cần kế thừa những thành quả này, đặc biệt là kế thừa tinh thần dân chủ, tinh thần đổi mới và sáng tạo không ngừng của QH, UBTVQH và các cơ quan của QH. Mặt khác, QH Khóa XIII cũng cần nghiên cứu kỹ Báo cáo tổng kết hoạt động của QH Khóa XII. Những tồn tại, những việc chưa làm được của QH Khóa XII phải là một phần quan trọng trong chương trình nghị sự của QH Khóa XIII. Ví dụ, UBTVQH Khóa XII nhận định, hoạt động giám sát của HĐDT và các Ủy ban của QH chưa thực sự mạnh. Vậy thì QH Khóa XIII có xem xét việc sửa đổi Luật Hoạt động giám sát của QH để trao quyền nhiều hơn nữa cho HĐDT và các Ủy ban hay không? Tôi nghĩ, sửa đổi Luật này sớm chừng nào tốt chừng đó, cần tạo cơ sở pháp lý cho HĐDT và các Ủy ban giám sát mạnh mẽ và hiệu quả hơn nữa.
Hai nội dung nữa mà tôi nghĩ QH Khóa XIII cần chủ động và tích cực thực hiện là: sớm ban hành luật về biển và xác định rõ tái cơ cấu nền kinh tế là như thế nào. Đây là hai vấn đề lớn, xuyên suốt cả nhiệm kỳ QH Khóa XII nhưng QH chưa đủ điều kiện để làm và đòi hỏi QH Khóa XIII cần tiếp tục thực hiện. Nhiệm kỳ QH Khóa XII chưa làm được vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế là vì các nghiên cứu khoa học và nghiên cứu của các nhà hoạch định chính sách chưa đủ độ chín trước tình hình kinh tế có nhiều biến động bất thường. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X cũng chưa cho ý kiến cụ thể về vấn đề này. Nhiệm kỳ QH Khóa XIII, vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế đã được Đại hội Đảng toàn quốc đưa vào nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI. QH Khóa XIII cần sớm xem xét việc triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI vào các chương trình nghị sự của QH.
Riêng công tác lập pháp, tôi nghĩ, phương thức xây dựng luật của QH Khóa XIII cần chuyển mạnh theo hướng: ưu tiên xây dựng trước những luật thực sự cấp bách đối với cuộc sống và sự vận hành hiệu quả của bộ máy nhà nước, trong đó có cả QH, các cơ quan của QH. Tập trung ưu tiên cho việc xây dựng các dự án Luật tháo gỡ các nút thắt của nền kinh tế. Những dự án Luật mang tính bổ khuyết có thể làm sau một chút, tránh tình trạng lần lượt xếp hàng, dự án Luật nào đăng ký trước làm trước, xong trước thông qua trước. Cần nhanh chóng sửa đổi Luật Tổ chức Chính phủ để khi có một sự việc xảy ra thì QH có một đầu mối để kiểm điểm trách nhiệm cá nhân. Có như thế thì QH mới thực hiện được quyền bỏ phiếu tín nhiệm đối với các thành viên Chính phủ.
QH chủ động, tự xác định được vị trí của mình trong hệ thống chính trị
- Với riêng lĩnh vực kinh tế, theo đại biểu, QH Khóa XIII cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề gì?
Như tôi nói ở trên, QH Khóa XIII cần giải quyết vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế mà QH Khóa XII chưa thực hiện được. Nhưng để tái cơ cấu được thì vấn đề quan trọng nhất mà QH cần trả lời được là chủ thuyết phát triển kinh tế của ta là gì?
Nếu không xây dựng được chủ thuyết, không xác lập được mô hình phát triển thì chúng ta sẽ luôn luôn phải xử lý vụ việc mang tính ngắn hạn. Điều này rất khó cho sự phát triển nền kinh tế về lâu dài. Ví dụ, lâu nay, ta hay nói về tăng trưởng nóng. Nhưng theo số liệu thống kê được công bố thì chính các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác cũng có tư duy vay đầu tư để phát triển nóng chứ không phát triển sản xuất, kinh doanh dựa trên lợi nhuận từ sản xuất kinh doanh thực của mình. Ở các nước có nền kinh tế thị trường phát triển, tỷ lệ các doanh nghiệp chỉ có ý tưởng và vay vốn của các tổ chức tín dụng để tham gia vào thị trường sản xuất kinh doanh rất hạn chế. Còn ở nước ta thì ngược lại. Có thể thấy nền kinh tế của ta phát triển không giống như các nền kinh tế thị trường khác.
Tôi không đặt vấn đề phát triển như chúng ta là đúng hay sai. Nhưng chính tư duy phát triển như thế đã làm cho chính sách tiền tệ, thị trường tiền tệ, thị trường vốn luôn trong trạng thái nóng và buộc cơ quan quản lý tiền tệ phải cung ứng một lượng tiền rất lớn ra thị trường để đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp. Và các bất ổn vĩ mô cũng theo đó mà xuất hiện. Trong thực tế, Chính phủ chỉ có thể điều hành trực tiếp khoảng 40% tổng số vốn đầu tư hàng năm của toàn xã hội do các doanh nghiệp nhà nước hay đầu tư công, còn lại 60% là điều hành gián tiếp thông qua cơ chế pháp luật. Vì vậy, Chính phủ khó tránh được việc điều hành theo kiểu xử lý tình huống, dùng biện pháp hành chính. Phải xây dựng được chủ thuyết và mô hình phát triển thì Chính phủ mới có độ lùi cần thiết trong điều hành vĩ mô và QH cũng có điều kiện để giám sát điều hành của Chính phủ chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn.
Chưa xây dựng được chủ thuyết phát triển nên hiện nay các chính sách phát triển kinh tế của ta vẫn theo kiểu muốn cho mọi người cùng phát triển, chưa chọn được điểm nhấn nên chưa tạo được động lực phát triển.
- Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI nêu quan điểm phát triển bền vững, xây dựng nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Đó có phải là chủ thuyết phát triển kinh tế mà đại biểu đang nói tới hay không?
Đó là định hướng của Đảng, cũng có thể xem là chủ thuyết phát triển kinh tế nhưng QH và Chính phủ có nhiệm vụ cụ thể hóa định hướng đó.
Chính phủ cần nói rõ phát triển bền vững là như thế nào và QH xác lập khuôn khổ pháp lý để thực hiện yêu cầu đó. Từ trước đến nay, chúng ta đề cập đến mô hình phát triển bền vững với 3 trụ cột là: phát triển kinh tế, an sinh xã hội và bảo vệ môi trường. Nhưng vấn đề là, ở từng trình độ của nền kinh tế thì trụ cột nào là mũi nhọn và đâu là điểm chung hài hòa giữa 3 trụ cột đó, QH cần làm rõ điều này.
Đảng định hướng xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì QH cần cụ thể hóa: nền kinh tế như thế nào và nền kinh tế đó hoạt động trên cơ sở pháp lý ra sao? Có gì khác với nền kinh tế thị trường bình thường? Khi người dân đã đồng lòng tin tưởng dưới sự dẫn dắt của Đảng, xác định xây dựng Chủ nghĩa xã hội là mục tiêu cao nhất của phát triển đất nước thì QH phải xác định rõ quá trình đi đến mục tiêu đó như thế nào? Phải chăng là áp dụng mọi quy luật của nền kinh tế thị trường để huy động tối đa mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển sản xuất, tạo việc làm và nâng cao đời sống người lao động với hiệu quả cao nhất của một đồng vốn từ Nhà đầu tư nhưng khác ở quá trình phân phối lợi nhuận thu được từ việc đầu tư đó? Lâu nay chúng ta hay nói về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và có nhiều chính sách nhằm thực thi định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhưng việc triển khai các chính sách vẫn có cảm giác rơi rớt của tư duy bao cấp, ôm đồm và chưa bảo đảm sự công bằng thực sự trong phân phối lợi nhuận.
Hội nghị Trung ương VII Khóa X đã ban hành Nghị quyết về vấn đề tam nông. Đây chính là bước cụ thể hóa phần đuôi định hướng xã hội chủ nghĩa đối với 70% dân số. Vậy QH, với tư cách là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất chuyển hóa quan điểm, định hướng của Đảng về nông nghiệp, nông thôn và nông dân vào hệ thống pháp luật như thế nào? Mô hình phát triển nông nghiệp Việt Nam trong 10 năm tới để đến năm 2020 cơ bản trở thành một nước công nghiệp là mô hình kinh tế tập thể hay là mô hình kinh tế trang trại hay là từng người nông dân phát triển? Đây là những vấn đề đặt ra cho một QH chủ động, tự xác định được vị trí của mình trong bộ máy nhà nước và trong hệ thống chính trị.
- Kỳ họp thứ Nhất, QH Khóa XIII sắp tới, dự kiến QH sẽ giành thời gian đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ KT-XH 6 tháng đầu năm 2011. Đại biểu thấy vấn đề này nên được đặt lên bàn nghị sự của QH như thế nào?
Tại Kỳ họp đầu tiên của nhiệm kỳ thì vấn đề kinh tế lại phải đặt trong ngắn hạn chứ không thể dài hơi được. Tình hình KT-XH, đời sống của người dân hiện nay đã khó khăn hơn nhiều so với thời điểm QH Khóa XII họp Kỳ thứ Tám và Kỳ thứ Chín. 5 tháng đầu năm nay, Chính phủ đã nỗ lực kiềm chế lạm phát và đã kiềm chế được tốc độ tăng của chỉ số giá tiêu dùng. Điều này đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân, cử tri và các doanh nghiệp đối với việc điều hành kinh tế đất nước luôn nhạy bén, phù hợp với diễn biến thực tế và đáp ứng được đòi hỏi của thực tiễn. Đây cũng là tín hiệu quan trọng nhất vì trong công tác đấu tranh kiềm chế lạm phát, phải xây dựng được niềm tin của người dân và doanh nghiệp vào điều hành của Chính phủ. Nếu người dân và doanh nghiệp không có niềm tin vào điều hành của Chính phủ mà vẫn lo lắng với mức lạm phát đang tăng cao thì cực kỳ nguy hiểm. Đó là điều mà QH Khóa XIII cần khẳng định với nhân dân ngay tại Kỳ họp thứ Nhất, từ đó củng cố sự ổn định xã hội và ổn định kinh tế vĩ mô. Đồng thời gióng lên một hồi chuông cho Chính phủ thấy rằng, công tác điều hành kinh tế vĩ mô và việc chọn các vấn đề để kiểm tra, đôn đốc thực hiện theo Nghị quyết của QH – Chính phủ vẫn còn nhiều việc phải làm, không được lơ là, chủ quan và thỏa mãn. Nếu thỏa mãn sẽ lại giống như năm 2010: 3 tháng đầu năm lạm phát rất cao; 5 tháng tiếp theo lạm phát giảm nhưng 3 tháng cuối năm, do chủ quan, lạm phát đã tăng vọt.
Làm cho 500 ĐBQH, hàng chục nghìn đại biểu HĐND hiểu sự đổi mới của Đảng với cơ quan dân cử
- Lý giải về những thành tựu của QH Khóa XII, một số ý kiến cho rằng, những thành tựu đó bắt nguồn từ sự đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với QH. Là người trong cuộc, đại biểu cảm nhận sự đổi mới đó như thế nào?
Quả thực, nhiệm kỳ Khóa XII là nhiệm kỳ đánh dấu sự đổi mới khá mạnh mẽ trong phương thức lãnh đạo của Đảng đối với QH. Nếu nhìn lại cách thức biểu quyết thông qua Đề án mở rộng Hà Nội sau đó nhìn vào sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng pháp luật của QH, trong đó có việc xây dựng dự án Luật Thủ đô là một sự tôn trọng của Đảng đối với cơ quan quyền lực Nhà nước tối cao. Đảng không làm thay QH. Đảng không quyết thay QH. Đây là điều quan trọng nhất. Đảng tôn trọng ý chí của nhân dân thông qua sự tôn trọng ý chí của gần 500 ĐBQH.
Một ví dụ khác, khi nhìn thấy sự không tán thành của đa số ĐBQH đối với dự án Đường sắt cao tốc Bắc Nam thì công tác chỉ đạo của Đảng đối với Chính phủ về việc xây dựng các dự án lớn là: phải được sự đồng thuận của nhân dân thông qua sự đồng thuận của cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân là QH. Đảng không ép QH mà vận động và thuyết phục QH nhưng khi ĐBQH vẫn còn băn khoăn, lo lắng về tính khả thi thì Đảng tiếp nhận các băn khoăn, trăn trở đó và chỉ đạo Chính phủ nghiên cứu sâu hơn để trình QH xem xét dự án khi đã chín muồi. Đó chính là cơ sở để chúng ta có thể nhận xét được rằng, trong nhiệm kỳ QH Khóa XII, công tác lãnh đạo của Đảng đối với QH đã có nhiều đổi mới. Và QH, đúng như nhận định của UBTVQH, ngày càng dân chủ, ngày càng hiệu quả và ngày càng thể hiện đúng tầm vóc của cơ quan quyền lực nhà nước tối cao, cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân cả nước.
Trên đây chỉ là một vài ví dụ cho thấy sự đổi mới công tác lãnh đạo của Đảng đối với QH. Đảng xác định đúng vị trí của mình, là cơ quan lãnh đạo toàn diện đất nước nhưng cũng là một tổ chức chính trị hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Đảng không đứng trên luật pháp.
- Các văn kiện Đại hội Đảng XI tiếp tục khẳng định việc đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với QH… Điều này, sẽ có tác động như thế nào đến hoạt động của QH trong thời gian tới?
Tiếp tục củng cố và phát huy hiệu quả hoạt động của QH, HĐND và các Ủy ban của QH đã được Đảng khẳng định và ghi nhận trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI. Điều này sẽ làm cho các ĐBQH, các cơ quan của QH vững tin hơn trong việc đổi mới hoạt động của mình. Cùng với sự ghi nhận của Đảng chúng ta sẽ thấy, trong nhiệm kỳ QH Khóa XIII này sự trao đổi thông tin giữa QH và Chính phủ sẽ diễn ra thường xuyên hơn, không bị bó buộc vào việc đó là điều trần hay là giải trình... tại Phiên họp của UBTVQH mà sẽ là ở cấp Ủy ban. Không chỉ là các Phiên điều trần, các phiên họp giải trình tại Ủy ban mà có thể là trao đổi, chia sẻ và bổ trợ cho nhau trong việc thực hiện nhiệm vụ chung hoặc trong việc giải thích luật. HĐDT và các Ủy ban sau khi làm việc với các bộ, ngành có thể đệ trình UBTVQH – cơ quan theo Hiến pháp quy định là cơ quan có trách nhiệm giải thích pháp luật – giải thích, hướng dẫn thực thi luật. Điều này sẽ làm cho hoạt động của QH, Chính phủ, các Ủy ban của QH và các cơ quan của Chính phủ luôn luôn theo kịp tốc độ phát triển của xã hội. Tin rằng, đây sẽ là điều rất mới của QH Khóa XIII.
Sự khẳng định của Đảng còn cung cấp một “cơ sở pháp lý” cho các đảng viên hoạt động trong QH, khẳng định quyền và trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ của một ĐBQH nhưng đồng thời cũng khẳng định nhiệm vụ của các đảng viên được đảng phân công hoạt động tại các cơ quan hành chính. Ví dụ, các Bộ trưởng phải có trách nhiệm trao đổi các vấn đề bức xúc, nóng, cấp bách của ngành, lĩnh vực của mình với các cơ quan của Đảng và QH. Từ Nghị quyết của Đảng đã đặt người đảng viên dù ở cương vị là người xây dựng pháp luật hay hoạt động ở cơ quan điều hành cũng đều phải có trách nhiệm. Và như vậy thì tự nhiên sẽ trở thành quan hệ hữu cơ, vừa là quan hệ đồng chí trong một tổ chức Đảng, vừa là quan hệ của cơ quan hành pháp và cơ quan lập pháp, đan xen, hòa quyện với nhau thì hiệu quả công việc chắc chắn sẽ cao hơn. Trước đây vẫn còn tính chất quyền anh, quyền tôi thì tin rằng sau Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XI sẽ không còn như thế nữa.
- Vậy yêu cầu đặt ra đối với QH, với các cơ quan dân cử như thế nào?
Có người gọi việc Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI tiếp tục khẳng định đổi mới sự lãnh đạo của Đảng với QH là sự mở đường... Tôi không nghĩ như vậy. Nói như vậy chưa thể hiện đúng bản chất mối quan hệ giữa Đảng với QH và Chính phủ. Tôi cho rằng, đó là sự nhất quán của Đảng trong công tác đổi mới hoạt động của cơ quan dân cử các cấp.
Từ sự khẳng định của Đảng thì yêu cầu đặt ra với QH, với cơ quan dân cử các cấp là gì? Trước hết là phải làm cho 500 ĐBQH Khóa XIII và hàng chục nghìn đại biểu HĐND các cấp hiểu được sự đổi mới của Đảng và làm cho họ vững tin, suy nghĩ và hành động theo con đường đổi mới của Đảng. Trên cương vị của mình, từng đại biểu dân cử sẽ hoạt động sáng tạo để thể hiện quyền của mình trong việc vận hành bộ máy của đất nước, không còn ám ảnh rằng mình phát biểu như thế có trái gì với Nghị quyết của Đảng hay không. Khi người ta đã tự tin mình hoạt động được sự ủng hộ của Đảng thì mỗi cá nhân sẽ năng động và sáng tạo và hiệu quả.
QH Khóa XIII cần chủ động hơn nữa. Sau Kỳ họp thứ Nhất, QH, các cơ quan của QH và từng ĐBQH phải chủ động nghiên cứu các văn kiện Đại hội Đảng XI, đặc biệt là văn kiện về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và xây dựng hệ thống chính trị, trong đó có xây dựng nhà nước pháp quyền để chuyển hóa Nghị quyết của Đảng thành chính sách, pháp luật để phát triển đất nước theo con đường mà Đảng và nhân dân đã lựa chọn.
- Xin cám ơn sự chia sẻ của đại biểu!
Cần khai thông tư duy về phát triển kinh tế Tiêu chí hội nhập kinh tế quốc tế của ta là gì? Trong những sản phẩm cơ khí của chúng ta có sản phẩm nào xuất hiện trong dây chuyền sản xuất của thế giới không? Câu trả lời là không. Nguyên nhân là do đâu? Việc tham gia vào dây chuyền sản xuất của thế giới khó đến thế hay vì tư duy của chúng ta về việc này chưa đúng? Tại sao ta cứ nghĩ là phải sản xuất được động cơ nổ mà không nghĩ rằng khi một cái ốc vít của chúng ta không đạt chuẩn thì động cơ nổ đó cũng bằng không? Nếu không khai thông được tư duy phát triển dựa trên việc xây dựng được chủ thuyết và mô hình phát triển kinh tế thì nền kinh tế sẽ vẫn theo kiểu trăm hoa đua nở và hiệu quả sẽ vẫn rất thấp. Cái gì cũng muốn ôm, muốn làm từ A đến Z thì khó có thể hội nhập kinh tế quốc tế hiệu quả được. Vĩ mô phải bắt đầu từ vi mô Đã có ai trong ba Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao Thông Vận tải và Bộ Công thương chịu trách nhiệm về thiết kế ống khói của xe máy chưa? Thử tưởng tượng, một ngày nắng nóng 38 độ C, lúc 5h chiều, bạn dừng xe ở ngã ba chờ đèn đỏ. Xe máy phía trước phụt thẳng khói thải vào mặt bạn. Bạn sẽ cảm thấy như thế nào? Các hãng sản xuất xe máy lớn như Honda, Waves, SH, Dyland... ống khói đều vểnh lên trên chứ không có xe nào có thiết kế ống khói chếch xuống lòng đường để tránh tình trạng khi xe tăng ga sẽ phụt khói thải ô nhiễm vào người đi đường phía sau. Nhưng có ai chịu trách nhiệm về việc phê duyệt thiết kế ống khói gây ô nhiễm môi trường như thế không? Tiêu chí khi phê duyệt một mẫu thiết kế xe máy mới như thế nào? Chúng ta hay nói đến những vấn đề vĩ mô nhưng vĩ mô phải bắt đầu từ vi mô. Người dân đòi hỏi cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất quan tâm đến đời sống của người dân bắt đầu từ những chuyện tưởng chừng nhỏ nhỏ như vậy thôi. QH cần có tư duy tổng thể về cải cách hành chính Chúng ta cứ nói là thực hiện niêm yết giá, đấu tranh chống tiêu cực nâng giá tràn lan, nâng giá không hợp lý để kiềm chế lạm phát nhưng thử nhìn lại quy định của Tổng cục Thuế về việc in hóa đơn bán lẻ của các doanh nghiệp nhiêu khê đến mức nào? Ở Mỹ hay các nước châu Âu, khi chúng ta mua một sản phẩm có giá trị lên đến hàng nghìn USD thì hóa đơn mà cửa hàng xuất cho người mua chỉ nhỏ bằng ba ngón tay chứ không to bằng cả tờ A4 như của ta. Thế nhưng hóa đơn của các nước có đầy đủ hiệu lực để có thể đổi hàng, trả lại hàng, hoàn thuế với cơ quan hải quan và cơ quan thuế. Ta cứ phải quy định một mẫu hóa đơn rất hoành tráng để làm gì? Từ những tư duy rất nhỏ trong cải cách hành chính hiện nay cũng đang có vấn đề. Đề án 30 về cải cách hành chính có phải chỉ đơn giản là cắt giảm đầu mối, cắt giảm văn bản hay không? Không phải vậy. Cải cách hành chính là làm sao vừa bảo đảm được sự quản lý của nhà nước vừa bảo đảm sự liên thông, thuận tiện và nhanh nhất cho doanh nghiệp và người dân. Người dân phải nhìn được từng khâu, từng khâu trong bộ máy hành chính giống như nhìn qua cửa kính, nhìn thấy tờ đơn của mình từ lúc vào như thế nào, qua các khâu nào và kết thúc ra sao. Đó mới là mục tiêu cuối cùng của cải cách hành chính chứ không phải là cắt đi hàng nghìn văn bản, có khi cắt đi là đúng nhưng có khi cắt đi lại gây khó khăn cho chính cơ quan quản lý và cũng chưa chắc đã thuận tiện thực sự cho người dân. Những vấn đề này cần được đặt lên bàn nghị sự của QH. Cơ quan quyền lực nhà nước tối cao cần thống nhất tư duy về những vấn đề này để tạo cơ sở thực hiện trong cuộc sống. |
Phạm Thúy thực hiện
No comments:
Post a Comment