06:54 | 27/06/2011
Sau hơn 3 năm phối hợp hoạt động, Ủy ban Kinh tế và Viện Khoa học xã hội Việt Nam đã tổ chức được 8 hội thảo khoa học lớn, tập trung vào các vấn đề kinh tế vĩ mô; biên soạn và cung cấp các Bản tin kinh tế vĩ mô cho ĐBQH hàng tháng... Ủy ban Kinh tế không phải là cơ quan chuyên môn duy nhất của QH huy động được đông đảo các chuyên gia, các nhà khoa học ngoài xã hội tham gia đóng góp cho hoạt động của mình. Song, theo đánh giá của Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, mô hình phối hợp hoạt động của Ủy ban Kinh tế và Viện Khoa học Xã hội Việt Nam có thể được xem là điển hình thành công trong việc mở rộng quan hệ hợp tác nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan của QH.
Tháng 3.2008, lần đầu tiên, Ủy ban Kinh tế và Viện Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp tổ chức hội thảo Nhìn lại kinh tế Việt Nam năm 2007, những vấn đề đặt ra cho năm 2008trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang có biến động mạnh do ảnh hưởng bởi tình hình kinh tế thế giới. Từ cuối năm 2007 đến tháng 3.2008, chính sách kinh tế được chi phối bởi mục tiêu tăng trưởng GDP 9%, phấn đấu hoàn thành sớm các mục tiêu của Kế hoạch 5 năm 2006-2010, vượt ngưỡng nước có thu nhập trung bình ngay trong năm 2008... Tuy nhiên, từ tháng 3.2008, tình hình kinh tế đổi chiều với việc lạm phát tăng cao, các chính sách kinh tế phải chuyển hướng từ ưu tiên tăng trưởng sang ưu tiên hàng đầu là kiềm chế lạm phát. Tại Hội thảo, Ủy ban Kinh tế cùng với các chuyên gia kinh tế vĩ mô hàng đầu đã thẳng thắn và khách quan nhìn nhận lại những quyết sách về KT-XH của QH, Chính phủ từ cuối năm 2007 và việc thay đổi chính sách đầu năm 2008, nhận diện những vấn đề mới phát sinh và đưa ra những kiến nghị, đề xuất cần thực hiện cho những tháng còn lại của năm 2008. Hội thảo đã thống nhất quan điểm: giải quyết triệt để những vấn đề bất ổn của nền kinh tế đã tích tụ qua nhiều năm. Theo đó, giải pháp vừa trước mắt, vừa lâu dài cần kiên trì thực hiện là: thay đổi cơ cấu thu ngân sách để tạo bền vững nguồn thu, kiểm soát chi tiêu công, giữ cân bằng ngân sách; sử dụng các biện pháp trung hòa hóa, chính sách nới lỏng linh hoạt, từng bước thực hiện chế độ lưu hành duy nhất tiền đồng Việt Nam trên lãnh thổ nước ta và tạo điều kiện để tiền đồng Việt Nam chuyển đổi được nhằm ứng phó với dòng vốn nước ngoài đổ vào nước ta; giảm đầu tư từ ngân sách nhà nước vào kinh doanh, trước hết là những ngành đã dư thừa công suất, nâng cao hiệu quả đầu tư kinh doanh của khu vực nhà nước; đẩy mạnh cải cách và siết chặt quản lý hoạt động của các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, nhất là ở các hạng mục hàng hóa công cộng; xây dựng chiến lược phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, trước mắt tập trung vào việc đáp ứng đầu vào cho các ngành sản xuất có tỷ trọng xuất khẩu cao như dệt may, da giày, điện tử; tăng cường năng lực dự báo, tăng cường năng lực điều hành và quản trị vĩ mô. Những kiến nghị này của Ủy ban Kinh tế lúc đó đã được nhiều ĐBQH ghi nhận và một số kiến nghị đã được chuyển hóa vào Nghị quyết của QH.
Tại Kỳ họp cuối năm 2009 của QH, Ủy ban Kinh tế đã đưa ra một đề xuất mà ở thời điểm đó được xem là trái chiều là dừng chính sách hỗ trợ lãi suất vay vốn ngắn hạn theo Quyết định 131 của Thủ tướng đúng thời hạn đã công bố. Vì gói hỗ trợ lãi suất vay vốn ngắn hạn đã hoàn thành vai trò giải cứu cho một bộ phận doanh nghiệp gặp khó khăn do tác động của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới. Trong khi đó, những vấn đề phát sinh do tác động của gói hỗ trợ lãi suất đang gây ra rất nhiều khó khăn cho chính sách tiền tệ trong việc duy trì, bảo đảm ổn định cân đối vĩ mô của nền kinh tế, nhất là cán cân thanh toán, cung cầu tiền tệ, ổn định lãi suất và tỷ giá. Đề xuất của Ủy ban Kinh tế được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu ý kiến của các chuyên gia kinh tế tại Hội thảo Các giải pháp kích thích kinh tế và những vấn đề đặt ra cho nền kinh tế Việt Nam, tổ chức tháng 9.2009. Ngay tại thời điểm nêu quan điểm này, nhiều ý kiến đã phản đối nhưng sau đó, tình hình thực tế cho thấy quan điểm của Ủy ban là đúng đắn và QH, Chính phủ đã quyết định theo hướng này.
Một đề xuất hết sức quan trọng của Ủy ban Kinh tế trong nhiệm kỳ QH Khóa XII là đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế, tái cơ cấu nền kinh tế; lấy ổn định vĩ mô làm điều kiện và nền tảng để bảo đảm tốc độ tăng trưởng ổn định và theo đó, kiềm chế lạm phát, giảm thâm hụt thương mại, giảm thâm hụt ngân sách và chênh lệch cán cân thanh toán là những ưu tiên hàng đầu. Đề xuất này đã được UBTVQH trình QH cho ý kiến và được QH thông qua trong Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2009. Cơ sở và những luận cứ quan trọng để Ủy ban đưa ra đề xuất này là từ kết quả Hội thảo Vượt qua thách thức khủng hoảng: kinh tế Việt Nam 2009 và triển vọng 2010. Sau khi đề xuất được QH chấp thuận, Ủy ban Kinh tế đã phối hợp với Viện Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức các hội thảo, chuyên đề nghiên cứu nhằm tiếp tục huy động trí tuệ của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia kinh tế vào việc xây dựng những nội dung cụ thể hơn của đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế. Tại Kỳ họp cuối năm 2010, QH đã thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2011, trong đó ghi nhận khuyến nghị của Ủy ban Kinh tế về việc thực hiện các giải pháp chuyển dịch cơ cấu và tái cấu trúc nền kinh tế mà trước hết là điều chỉnh cơ cấu đầu tư, bao gồm cơ cấu đầu tư từng ngành, từng lĩnh vực...
Một điểm nhấn nữa trong việc phối hợp hoạt động của Ủy ban Kinh tế và Viện Khoa học xã hội Việt Nam là tháng 3.2011, hai cơ quan đã tổ chức Hội thảo Kinh tế Việt Nam – những vấn đề đặt ra trong trung hạn và dài hạn; đánh giá toàn diện những vấn đề kinh tế vĩ mô chủ yếu của nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn 2006 - 2010, nhận diện và phân tích những hạn chế, tồn tại trong mô hình và chất lượng tăng trưởng cũng như những vấn đề về thể chế kinh tế và điều hành chính sách dẫn tới những bất ổn vĩ mô. Từ hội thảo này, Ủy ban Kinh tế đã tiếp tục nghiên cứu và đề xuất nhiều giải pháp mang tính trung hạn và dài hạn nhằm giải quyết tận gốc các nguyên nhân gây bất ổn vĩ mô trong ngắn hạn, gắn với việc thực hiện Kế hoạch phát triển KT-XH năm 2011 và kế hoạch phát triển KT-XH năm 2011-2015. Cụ thể là, cần thực hiện những bước khởi động mạnh mẽ cho việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, phát triển công nghiệp hỗ trợ, giải quyết các nút thắt tăng trưởng về kết cấu hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực; Nhà nước tập trung cho ổn định vĩ mô, chống lạm phát, nâng cao hiệu quả đầu tư công, giảm dần đầu tư cho doanh nghiệp nhà nước, tăng cường huy động vốn đầu tư cho tăng trưởng theo hướng gia tăng tỷ lệ tiết kiệm của cả quốc gia, của từng doanh nghiệp, từng hộ gia đình và mỗi người dân; tái cấu trúc hệ thống ngân hàng theo hướng tăng cường vai trò độc lập của Ngân hàng Nhà nước, trong đó cần quy định rõ chức năng và quyền hành ổn định vĩ mô và tính chịu trách nhiệm của NHNN đồng thời sắp xếp lại các ngân hàng thương mại cổ phần, kiên quyết loại bỏ những ngân hàng thường xuyên gặp khó khăn về thanh khoản – là tác nhân của các cuộc chạy đua lãi suất gây bất ổn và rủi ro cho toàn hệ thống. Đồng thời, cần giải quyết tận gốc vấn đề thâm hụt thương mại, thâm hụt ngân sách; xây dựng và vận hành hiệu quả cơ chế phối hợp thực thi chính sách; kiểm soát hiệu quả các dòng vốn vào – ra; tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước, buộc tất cả các tổng công ty nhà nước phải minh bạch hóa thông tin như quy định đối với các doanh nghiệp niêm yết trên thị trường chứng khoán...
Những kết quả cụ thể trên cho thấy, mô hình phối hợp hoạt động của Ủy ban Kinh tế và Viện Khoa học xã hội Việt Nam đã vượt qua khuôn khổ hợp tác giữa một cơ quan chuyên môn của QH với một cơ quan nghiên cứu thuần túy để trở thành một diễn đàn rộng lớn, quy tụ được giới chuyên gia, các nhà khoa học tham gia đóng góp ý kiến cho QH trong việc quyết định những vấn đề quan trọng về kinh tế xã hội. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền, những kiến nghị, đề xuất chính sách được xây dựng từ các Hội thảo, các chuyên đề nghiên cứu mà Ủy ban Kinh tế và Viện Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức đã đáp ứng được những đòi hỏi chung của nền kinh tế trong bối cảnh hết sức phức tạp từ năm 2008 đến nay. Trong điều kiện thành viên của Ủy ban không nhiều, lực lượng thường trực Ủy ban khá mỏng, khối lượng công việc nhiều và phức tạp, các hoạt động phối hợp giữa hai cơ quan đã phục vụ trực tiếp cho hoạt động chuyên môn của Ủy ban, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động và bảo đảm chất lượng các báo cáo thẩm tra, các khuyến nghị, đề xuất chính sách của Ủy ban Kinh tế trình QH. Nhiều thành viên Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc huy động được lực lượng chuyên gia tham gia các hoạt động của Ủy ban đã góp phần làm cho Ủy ban chuyên nghiệp hơn, trí tuệ hơn...
Lâu nay, khi nói về tính chuyên nghiệp của các cơ quan chuyên môn của QH, không ít ý kiến cho rằng, để có các Ủy ban chuyên nghiệp thì dứt khoát phải có các ĐBQH chuyên nghiệp, phải tăng tối đa tỷ lệ ĐBQH hoạt động chuyên trách và bảo đảm các điều kiện làm việc xứng tầm. Điều này quả không sai. Nhưng từ cách làm của Ủy ban Kinh tế Khóa XII, có thể thấy, dù không nhiều ĐBQH chuyên trách, dù lực lượng Thường trực các Ủy ban rất mỏng, điều kiện làm việc thiếu thốn trong khi khối lượng công việc ngày càng đồ sộ, các cơ quan của QH vẫn có thể chuyên nghiệp, thậm chí là rất chuyên nghiệp bằng cách thu hút sự tham gia và phát huy trí tuệ của các nhà nghiên cứu, các chuyên gia trong và ngoài nước. Tất nhiên, từ những đóng góp của các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia dân sự trở thành khuyến nghị của cơ quan chuyên môn của QH và được QH chấp thuận thì bộ lọc của Thường trực Ủy ban phải trí tuệ, phải tinh tế và thực sự chuyên nghiệp.
Phạm Thúy
No comments:
Post a Comment