Tuesday, June 28, 2011

27/06 Tại sao không nên lo lắng về Trung Quốc?

Tác giả: JAMES MANICOM
Những diễn biến gần đây ở Biển Đông giữa Trung Quốc và hai nước Đông Nam Á khiến nhiều nhà quan sát lên tiếng cảnh báo. Tuy nhiên, một cuộc tranh chấp tương tự giữa Bắc Kinh và Tokyo cho thấy rằng, xung đột không phải là không thể tránh khỏi.
Năm ngoái là một năm khó khăn với các quốc gia duyên hải ở Biển Đông và có nhiều dấu hiệu chứng tỏ rằng, cả thập niên ẩn mình của Trung Quốc đã chấm dứt. Trong năm 2010, tin đồn về việc Bắc Kinh coi Biển Đông là "lợi ích cốt lõi", việc Trung Quốc cắm cờ ở đáy biển, phản ứng "quá khích" của Ngoại trưởng Dương Khiết Trì khi người đồng cấp Mỹ Hilary Clinton ra tuyên bố về chính sách của Mỹ với tranh chấp Biển Đông... dường như quá mức cần thiết.
Nửa đầu năm 2011, mọi sự việc lại xảy ra tương tự. Các tàu Trung Quốc, cả của dân và chính phủ, đã can thiệp vào những hoạt động thăm dò của Philippines và Việt Nam ở vùng tranh chấp, thậm chí tàu Trung Quốc còn bắn vào ngư dân nước khác. Cách hành xử này dường như đã xác nhận những nghi ngờ bấy lâu nay về quan điểm của Trung Quốc với Biển Đông; rằng ngay khi Trung Quốc phát triển khả năng quân sự để thống trị Biển Đông, họ sẽ làm như vậy. Giờ đây, với những diễn biến mới nhất xảy ra, xung đột tại Biển Đông có vẻ sắp xảy ra.
Tuy nhiên, chúng ta đã chứng kiến kiểu hành xử này của Trung Quốc trước đó, tại biển Hoa Đông, khi Trung Quốc và Nhật Bản tranh cãi về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và những vùng biển lân cận. Quan trọng là, sự leo thang căng thẳng trong tranh chấp đã dẫn tới hợp tác, không xung đột. Tranh chấp về tài nguyên năng lượng bắt đầu tăng cao trong năm 2004 sau khi Nhật Bản phát hiện ra một giàn khoan của Trung Quốc ở khu khai thác Xuân Hiểu (người Nhật gọi là Shirabaka) trong phạm vi 200 hải lý từ bờ biển Nhật Bản nhưng lại ở ngay phía ngoài đường trung tuyến đánh dấu giới hạn chủ quyền Vùng đặc quyền Kinh tế của Nhật quy định trong luật pháp nội địa của họ.
Khi tài nguyên thương mại được xác định rõ ràng tồn tại ở Xuân Hiểu, Tokyo tuyên bố, Bắc Kinh cần ngừng các hoạt động và cùng tham gia phát triển khu khai thác với Nhật Bản. Để xác định quy mô tài nguyên dưới biển, Tokyo đã uỷ quyền để tàu Ramform Victory mang cờ Na Uy tiến hành cuộc khảo sát toàn diện ở khu vực đường trung tuyến gần khu khai thác Xuân Hiểu. Trong cuộc khảo sát này, Ramform Victory đã vài lần đụng chạm với tàu hải quân Trung Quốc và ít nhất một lần đối mặt với tàu quân sự che dậy dưới vỏ bọc tàu nghiên cứu.
Hơn thế nữa, vào tháng 9/2005, tàu khu trục hiện đại Sovremennyy đã trở thành "mục tiêu" của máy bay tuần tra  P3-C Orion khi tàu đi qua khu khai thác Xuân Hiểu. Kết quả của những sự kiện này là việc Nhật Bản tăng tốc các nỗ lực để tiếp cận nguồn tài nguyên ở biển Hoa Đông. Tuần tra trên không trong khu vực cũng gia tăng. Cùng với ít nhiều nhượng bộ, Tokyo đồng thời thiết lập các quy định cần thiết để bảo vệ những công ty dầu khí Nhật Bản hoạt động ở biển Hoa Đông.
Nhiều người dự đoán kết quả sẽ là những "trò diễn" từ Bắc Kinh. Tuy nhiên, có những điều bất ngờ rằng, khi Nhật Bản chuẩn bị khoan khí đốt ở vùng tranh chấp, thì các cuộc đàm phán giữa hai bên bắt đầu có kết quả. Sau khi nghị viện Nhật thông qua Luật xây dựng vùng an toàn cho công trình hàng hải vào tháng 4/2007 - cho phép Nhật phác thảo những vùng an toàn xung quanh nơi lắp đặt giàn khoan và lực lượng phòng vệ bờ biển được phép đuổi các tàu vi phạm những khu vực này - thì các cuộc đàm phán trở nên thường xuyên hơn, đem lại kết quả hữu hình hơn. Cuối cùng, tháng 6/ 2008, hai bên đã tuyên bố một thoả thuận phát triển chung cùng chia sẻ tài nguyên ở Xuân Hiểu và định ra một khu vực phát triển chung ở phía bắc ở giữa đường trung tuyến.
Dĩ nhiên, thoả thuận không phải là hoàn hảo. Nó chưa được thực thi do những phản đối chính trị trong nước ở Trung Quốc, và sự miễn cưỡng của Nhật Bản trong việc từ bỏ tuyên bố chủ quyền với khu khai thác Xuân Hiểu. Căng thẳng hàng hải vẫn tồn tại. Tàu nghiên cứu thuộc lực lượng phòng vệ bờ biển của Nhật, Shoyo, đã hai lần đối đầu với các tàu Trung Quốc năm 2010, sau đó là vụ viêc va chạm giữa m ột tàu cá Trung Quốc với tàu tuần tra Nhật. Tuy nhiên, không nên bỏ qua những bài học có thể. Nước nào đó có thể đem chuyện tranh chấp không gian hàng hải ra mặc cả khi họ có bất kỳ vấn đề nào khác trong hoạt động chính trị quốc tế; Họ sẽ chứng tỏ, sẽ đe doạ hay tiến hành phô diễn sức mạnh quân sự ở mức độ thấp để củng cố các tuyên bố chủ quyền và nỗ lực cải thiện vị trí của mình. Trong khi khá mạo hiểm thì cách hành xử này không đồng nghĩa với việc xung đột là không thể tránh khỏi.
Trong khi có một số lập luận cho rằng, tài nguyên dẫn tới những tranh chấp hàng hải, thì lại có rất ít bằng chứng ủng hộ quan điểm dầu và khí đốt ở  Biển Đông sẽ khơi nguồn cho một cuộc chiến tài nguyên. Hơn thế nữa, các nước tuyên bố chủ quyền công nhận rằng, việc đơn phương phát triển tài nguyên của một đối phương nào đó sẽ có hại với tuyên bố chủ quyền của họ ở khu vực tranh chấp, không phải vì chuyện "đánh cắp" tài nguyên mà là vì những hành động "phớt lờ" như vậy sẽ khiến họ bị lên án, thậm chí phải từ bỏ tuyên bố chủ quyền với khu vực.
Trong thực tế, có thể lập luận rằng, chính việc khám phá ra tài nguyên thương mại tồn tại ở biển Hoa Đông đã dẫn tới sự đồng thuận vào tháng 6/2008 giữa Trung Quốc và Nhật Bản ở giai đoạn đầu tiên. Vì vậy, điều này cũng sẽ có thể xảy ra ở Biển Đông, khi sự thương lượng và các quan điểm hoàn tất. Nếu Trung Quốc cần nguồn tài nguyên khổng lồ như nhiều người dự đoán, Bắc Kinh có thể thực sự thúc đẩy hợp tác phát triển tài nguyên ngoài khơi hơn là cố gắng ngăn chặn hoàn toàn hoạt động sản xuất. Đó là chưa kể việc khai thác ở Biển Đông có thể bị trì hoãn bởi những quan ngại về chủ quyền, quyền tài phán.
Tuy nhiên, trong khi so sánh, có thể đặt ra những câu hỏi thú vị về quan hệ của Trung Quốc với các nước láng giềng. Tại sao các tàu Trung Quốc cắt cáp thăm dò của tàu Philippines và Việt Nam trong khi các tàu thăm dò Nhật Bản lại không hề hấn gì? Đó là bởi những cuộc khảo sát gần đây của Nhật được các tàu chính phủ tiến hành chứ không phải tàu dân sự? Đó là bởi Nhật Bản là đồng minh quân sự của Mỹ? Trong cả hai trường hợp, sự khác biệt này có thể hỗ trợ cho việc kêu gọi Việt Nam và Philippines tăng cường hơn nữa các khả năng thăm dò khảo sát, khả năng hải quân và tìm kiếm mối quan hệ quân sự gần gụi hơn với Mỹ. Tuy vậy, điều này cũng có thể xem là công cụ mặc cả bởi khi Nhật Bản củng cố vị thế của mình thì Trung Quốc tiến tới hợp tác, cho dù ở hình thức hạn chế. Và, điều tương tự có thể sớm xảy ra ở Biển Đông.
  • James Manicom là nhà nghiên cứ tại Quỹ Nghiên cứu chính sách Đại dương ở Tokyo.
Thái  An (dịch theo Diplomat)

No comments:

Post a Comment